“Dòng máu cao quý” - Sự tưởng nhớ đặc biệt xúc động của Amélie Nothomb với cha mình

“Dòng máu cao quý” là một trong những tác phẩm mang tính cá nhân, cảm động nhất của nữ nhà văn Amélie Nothomb. Là một câu chuyện dao động giữa lịch sử gia đình và quốc gia, là sự tưởng nhớ đặc biệt xúc động của nhà văn đến người cha của mình. Chính điều này đã khiến tác phẩm trở nên điêu luyện, cuốn hút, vừa phức tạp, vừa cảm động và được vinh danh với giải Renaudot năm 2021.

Trong khuôn khổ Ngày hội Văn học châu Âu năm 2023, Nhã Nam và Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam phối hợp tổ chức buổi ra mắt cuốn sách “Dòng máu cao quý” của Amélie Nothomb với sự tham gia của các diễn giả: PGS. TS. Phùng Ngọc Kiên; Tiến sĩ văn học Nguyễn Quyên; Ông Nicolas Dervaux, Đại diện các chính phủ Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp và Vùng Wallonie của Bỉ tại Việt Nam.

“Dòng máu cao quý” - Sự tưởng nhớ đặc biệt xúc động của Amélie Nothomb với cha mình - 1

Buổi ra mắt sách được tổ chức tại không gian Phố Sách 19/12, Hà Nội. (Ảnh: Huyền Thương)

Chân dung một con người vừa mong manh, vừa mạnh mẽ

Tác phẩm ngắn gọn, súc tích như những cuốn sách khác của Amélie Nothomb, bắt đầu bằng những ký ức tuổi thơ để rồi vừa mang tính riêng tư lại vừa mang tính phổ biến. Tác giả đã dựng lại chân dung cha mình - một con người vừa mong manh lại vừa mạnh mẽ.

Độc giả sẽ hoàn toàn bị thuyết phục bởi sự trân trọng và lòng tôn kính mà Amélie Nothomb dành cho cha mình trong “Dòng máu cao quý”, bà đã nhập vai và xưng "tôi" để nhường chỗ cho Patrick Nothomb kể lại câu chuyện về cuộc đời ông, từ thời thơ ấu vào những năm 1940 đến năm 1964.

“Dòng máu cao quý” - Sự tưởng nhớ đặc biệt xúc động của Amélie Nothomb với cha mình - 2

Dòng máu cao quý là cuốn tiểu thuyết thứ ba mươi của Amélie Nothomb, đồng thời lọt vào danh sách “100 cuốn sách tiêu biểu của năm” do tạp chí văn học uy tín Lire bầu chọn.

Tác phẩm mở đầu với một cảnh tượng đầy giật gân, một nhà ngoại giao đứng trước một đội xử bắn, khi đối mặt với cái chết tất cả cuộc đời như tái hiện lại trước mắt anh và trước mắt độc giả qua những trang sách gắn gọn, cô đọng nhưng đầy suy ngẫm.

“Người ta đưa tôi đến trước đội hành quyết. […] Mười hai người đàn ông bắt đầu nhắm nòng súng vào tôi. Liệu tôi có thấy lại cuộc đời mình lướt qua trước mắt? Điều duy nhất tôi cảm thấy là một cuộc cách mạng phi thường: tôi còn sống. Mỗi thời khắc đều có thể cắt nhỏ đến vô tận, cái chết sẽ không thể bắt kịp tôi, tôi chìm trong hạt nhân cứng của hiện tại.”

Ấn tượng với cách mở đầu này, Tiến sĩ văn học Nguyễn Quyên nhận định đây là cách dẫn dụ người đọc, người xem khá phổ biến trong văn chương và điện ảnh. Nó dẫn dắt độc giả đắm chìm vào bối cảnh, để dễ dàng hoá thân vào nhân vật, đồng cảm cùng nhân vật trong suốt hồi ức, rồi đưa độc giả trở lại thực tại ở phần cuối tác phẩm.

“Dòng máu cao quý” - Sự tưởng nhớ đặc biệt xúc động của Amélie Nothomb với cha mình - 3

Tiến sĩ văn học Nguyễn Quyên chia sẻ tại sự kiện. (Ảnh: Huyền Thương)

Khi người cha của Amélie Nothomb bị truỵ tim và qua đời, lúc đó là thời điểm dịch Covid-19 diễn ra phức tạp ở Bỉ nên bà đã không thể đến lễ tang của cha, đây cũng là một bi kịch mà rất nhiều người trên thế giới thời điểm đó cũng phải trải qua - nỗi day dứt khi không thể đến nói lời chia tay cuối cùng với người thân yêu. Amélie Nothomb đã cảm thấy một sự đau đớn, một nhu cầu khủng khiếp của cá nhân bà đã xuất hiện, đó là bằng mọi cách phải đến với người cha bằng hành trình nào đấy và “Dòng máu cao quý” chính là hành trình của bà.

Bằng cách ngược dòng quá khứ và nhấn mạnh những mâu thuẫn trong gia đình, nữ tiểu thuyết gia dường như cũng làm lành với chính bản thân mình. Việc Amélie Nothomb tái hiện lại chân dung người cha, theo Tiến sĩ văn học Nguyễn Quyên, đây là cách bà truy vấn về quá khứ, đồng thời cũng là cái cách bà vinh danh ông, cũng là cái cách mà bà quay trở lại với ông khi nỗi dằn vặt không thể đến nói lời chia tay ngày một lớn.

Thủ pháp nghệ thuật đặc sắc của Amélie Nothomb

PGS. TS. Phùng Ngọc Kiên cho biết, với “Dòng máu cao quý” có thể nhận thấy tính tự thuật của tác phẩm là rất mạnh, có thể thấy rằng đây là chính cuộc đời của chính nhà văn, của gia đình nhà văn.

“Dòng máu cao quý” - Sự tưởng nhớ đặc biệt xúc động của Amélie Nothomb với cha mình - 4

PGS. TS. Phùng Ngọc Kiên chia sẻ. (Ảnh: Huyền Thương)

Amélie Nothomb cũng nổi tiếng ở kỹ thuật giễu nhại và hài hước, bà đã lồng ghép rất rất nhiều các yếu tố trong một tác phẩm tuy ngắn nhưng nó mang màu sắc của tiểu sử, màu sắc của truyện cổ tích,… Bà cũng đã đưa ra rất nhiều yếu tố văn chương, lịch sử vào trong tác phẩm của mình và khiến cho độc giả nhiều khi băn khoăn không biết bà viết một câu chuyện của cá nhân bà hay bà đang viết một tác phẩm hư cấu.

Đây cũng là tác phẩm được dành cho nhiều nhóm độc giả khác nhau, nhóm độc giả đứng tuổi có thể thấy được hành trình lớn lên của một đứa bé, còn đối với lứa tuổi thanh thiếu niên nó gợi đến nhiều đoạn đối thoại rất trẻ thơ trong nhiều tác phẩm văn học kinh điển.

“Dòng máu cao quý” - Sự tưởng nhớ đặc biệt xúc động của Amélie Nothomb với cha mình - 5

Amélie Nothomb được biết đến như một nhà văn kỳ lạ và bí ẩn với văn phong hài hước, giàu liên tưởng và vô cùng mãnh liệt.

Tại buổi ra mắt sách, Tiến sĩ văn học Nguyễn Quyên cũng cho biết thêm, mọi người đều cho rằng Amélie Nothomb sinh ra ở và lớn lên ở Nhật nhưng đó không phải là thông tin chính xác dù nó đã được chính tác giả công bố. Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng bà sinh ra ở Bỉ, năm 2 tuổi bà mới theo cha sang Nhật.

Bà không hề phản bác cũng không hề bình luận về điều này. Theo Tiến sĩ văn học Nguyễn Quyên, điều này là do vốn dĩ bà là một nhà văn lập dị, kỳ quái. Bà thường xuất hiện trước công chúng với trang phục màu đen, tô son đỏ, với những chiếc mũ dày cộp. Khi vào tác phẩm cũng vậy, bà luôn tạo ra một không khí giữa hư và thực, những cái điều bà viết trong tác phẩm thì bà luôn cho rằng đó là thật, nhưng thực ra có rất nhiều thông tin bà hư cấu mà thành.

“Cách giải thích hợp lý nhất cho trường hợp của Amélie Nothomb là chúng ta phải hiểu mình đang đọc tác phẩm của một nhà văn viết tiểu thuyết hư cấu mang yếu tố tự thuật. Các chi tiết trong tác phẩm được bà dùng để lồng ghép, để dựng lên một bức tranh về người cha của mình, cái thú vị khi đọc tác phẩm của bà đối với khán giả là sẽ không biết lúc nào là hư, lúc nào là thực, càng đọc càng thấy thú vị”, TS. Nguyễn Quyên chia sẻ.

Được viết với giọng văn dịu dàng, hài hước và cảm động, cuốn tiểu thuyết thứ ba mươi này của Amélie Nothomb đã lọt vào danh sách “100 cuốn sách tiêu biểu của năm” do tạp chí văn học uy tín Lire bầu chọn.

Amélie Nothomb là cái tên quen thuộc của nền văn học đương đại, đặc biệt tại các nước nói tiếng Pháp. Bà được biết đến với văn phong giàu liên tưởng và vô cùng mãnh liệt.

Một số cuốn sách của Amélie Nothomb đã được phát hành tại Việt Nam: Hồi ức kẻ sát nhân, Hủy hoại vì yêu, Sững sờ và run rẩy, Kẻ hai mặt, Axit sunfuric, Nhật ký chim én, Vòng tay Samurai.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất