Ngụ ngôn thời 4.0
Những câu chuyện có thể buồn hay vui, nhưng đều lấp lánh những bài học cuộc sống mà ai cũng có thể tự rút ra cho mình. Và hơn hết, là niềm tin về cái tốt đẹp sẽ bao trùm cuộc sống này, cái thiện sẽ thắng cái ác.
“Nào, đã đến giờ kể chuyện”...
Nhưng phải nói ngay rằng, sau “Ngày xửa ngày xưa”, ở một nơi nào đó, có con vật nào đó…, là những câu kể tưng tửng khiến người đọc muốn phì cười vì nó… ngồ ngộ. Xưa nay trộn lẫn, đầy rẫy yếu tố bất ngờ, đọc thấy tức anh ách bởi lắm chỗ phi lý, muốn cãi lại, nhưng câu chuyện đang hấp dẫn, nên đành nhịn để nghe tiếp rồi bị cuốn hút vào hồi nào không hay, để rồi đắm theo, để rồi bật cười vang, cười khoái trá.
Sao lại có người kể chuyện duyên dáng, thâm trầm, hài hước đến thế nhỉ? Những chuyện ngụ ngôn của Perrault, La Fontaine và Grimm - những tác gia nổi tiếng của nhân loại, được mượn làm nền để phóng tác, nhưng không gian và thời gian khác, hành vi khác, tư duy cũng khác và dĩ nhiên cách câu chuyện diễn ra cũng đã rất khác rồi. Quen mà lạ. Hấp dẫn. Thú vị.
Tác giả của “Đã đến giờ kể chuyện” là Gerard Jugnot, sinh năm 1951 tại Paris, Pháp. Ông là diễn viên, đạo diễn và nhà sản xuất phim nổi tiếng, có nhiều vai diễn đã thành kinh điển trong lòng công chúng Pháp. Bộ phim Les Choristes (Dàn hợp xướng) do ông thủ vai chính từng được đề cử giải Oscar. Ông còn là một tài năng văn chương, mà tác phẩm này, do NXB Flammarion của Pháp phát hành cuối năm 2020; Trương Thị An Na chuyển ngữ, NXB Trẻ phát hành đầu năm 2022, là một minh chứng.
Với cuốn sách này, ta như đứa trẻ hồi hộp trước đồ chơi đẹp, khám phá thích thú. Những câu chuyện cũng như những món ăn ngon mà ta muốn khám phá, thưởng thức từ từ. Hầu như ai cũng muốn đọc thật chậm, hòa vào câu chuyện, nhân vật. Chuyện ngụ ngôn xưa được nhìn dưới lăng kính mới, thời công nghệ 4.0, là hiện trạng của thời đại với những vấn đề nhức nhối về lối sống, biến đổi khí hậu, tình trạng ô nhiễm môi trường toàn cầu, lạm dụng mạng xã hội, nạn quấy rối tình dục… được phơi bày, hài hước mà nhức nhối.
Với “Con sói ăn rau”, tác giả kể câu chuyện bà cháu cô bé quàng khăn đỏ và con sói. Nó đã chán thịt, thích ăn rau, chỉ nhắm đến cái bánh và hũ bơ mà cô bé quàng khăn đỏ đem đến cho bà. Khi con sói tấn công, cô bé đã kịp dùng bình xịt hơi cay chống trả và người bà đã hạ con sói bằng súng điện, xẻ thịt con sói, chế biến thành những… món ăn khoái khẩu của bà. Cho dù con sói chỉ tấn công cô bé để cướp cái bánh và hũ bơ, song nó đã thành thức ăn của con người, bởi làm sao con người có thể tin rằng con sói không muốn ăn thịt và tác giả kết luận: “Con người là lang sói với con người và cũng là lang sói với loài chó sói”.
Cũng chỉ vì muốn trả thù con cáo đã từng cho tổ tiên mình một quả lừa, nịnh nọt rằng giọng hát của quạ cũng đẹp như bộ lông mà con quạ há mỏ ra, đánh rơi miếng mồi (truyện ngụ ngôn La Fontaine), “Con quạ cảm thấy một chút cô đơn” của Gerard Jugnot khổ sở ngậm hàng giờ miếng phô mai, chờ con cáo nào đến để trêu ngươi, trả thù bằng cách ngậm chặt, không bao giờ dại dột nhả ra như cha ông nó. Thế nhưng không có con cáo nào xuất hiện cả, chỉ có một con sói đến nơi và sói tỏ ra thờ ơ với mùi phô mai tiệt trùng mà con quạ cố tình ra hiệu cho nó biết. Quạ đành ngốn lấy miếng phô mai nhưng không thích thú gì và tác giả kết luận “Trừ La Fontaine ra, ai cũng biết quạ đâu có ăn phô mai bao giờ”.
“Cô gái ước mơ trở thành một ngôi sao” là đòn đánh thẳng vào tệ nạn quấy rối tình dục. Phong trào #MeToo trừng trị những tên yêu râu xanh cùng câu chuyện cô gái trẻ mong ước bước vào thế giới nghệ thuật, đã phản kháng mạnh mẽ bằng cú ném nhà làm phim từ ngôi nhà 6 tầng xuống đất và “hiện giờ cô đang tìm một luật sư giỏi”.
Cũng một chủ đề đời sống hiện đại, về ám ảnh ngoại hình, muốn có cơ thể thanh mảnh mà con ếch đã dại dột vào phòng thí nghiệm sinh học trong nhà trường, để rồi mắc chứng biếng ăn và chết khô, trở thành thanh củi đun của người nông dân nào đó. Còn “con bò cười” có trang Facebook và Instagram của riêng mình, từ đó nhận ra sự thật của đời mình. Nó không cười nổi và thành con bò khóc. “Phô mai mềm từ nay được gọi là con bò cười ra nước mắt”.
Cổ tích thời nay cũng đã khác xưa. Lọ Lem cũng có sự nâng đỡ của bà tiên với phép màu đưa cô đến lễ hội. Cô cũng đã tỏa sáng song rồi cô vỡ mộng, ai cũng tránh xa cô bởi chính cô, với sự cẩu thả của mình đã hại mình khi không tắm rửa và gội đầu khiến thân thể bốc mùi hôi hám. Hoàng tử thì quay về với trai đẹp vì hoàng tử là một người đồng tính. Nhưng không sao, tác giả đã cho chúng ta một cái kết không đến nỗi nào: Lọ Lem bán váy đẹp và phụ kiện trên trang mua sắm Le Bon Coin và đi giải tỏa tâm trạng ở một khu du lịch bên bờ Địa Trung Hải.
Chuyện anh em nhà Tí Hon cũng cực kỳ hấp dẫn. Bố mẹ cậu đã tìm cách bỏ bầy con giữa rừng, nhưng rồi cuộc gặp tình cờ nhóm hướng đạo sinh, những người hái nấm, những người đi săn nên âm mưu bỏ con bất thành. Người mẹ bị té ngã, gãy chân, người bố thèm rượu quằn quại đã đổ bệnh sốt rét. Để bố mẹ nghỉ giữa rừng, Tí Hon cứu các anh mình ra khỏi rừng với ứng dụng hiện đại trên điện thoại di động, song tin giờ chót cho biết người ta vẫn chưa tìm được cặp bố mẹ bị bỏ lại trong rừng.
Với lối dẫn chuyện cực kỳ hấp dẫn, câu kết hóm hỉnh, bất ngờ và chất diễu nhại sâu cay, “Đã đến giờ kể chuyện” đem đến cho người đọc những tràng cười rồi sau đó là khoảng trống hụt hẫng tràn về của những cảm nhận, trăn trở riêng mỗi người về đời sống, nhất là khi công nghệ số len lỏi vào từng hành vi mỗi ngày thì nhận thức cũng khác đi, dù trên nền bản chất đời sống thường không thay đổi.
Thỏ và rùa chạy thi ư, chuyện ai cũng biết. Nhưng ngày nay thỏ láu lỉnh hơn, biết chia thời gian, sức lực và luôn cảnh giác vừa đủ để không thua rùa, kể cả khi nó đưa vào Instagram một loạt ảnh được nhấn like loạn xạ và nó chăm chỉ tạo dáng trước khi chụp ảnh selfie. Nhưng nó không bao giờ ngờ rằng, lịch sử vẫn lặp lại, nó vẫn là kẻ chiến bại trước rùa khi một nhóm người biểu tình tưởng rùa là hòn đá, đã ném rùa về phía hàng rào vệ binh và rùa lăn về đích trước thỏ. Câu kết là rốt cuộc chạy nhanh cũng chẳng ích gì.
Một câu chuyện cực hay về chuột cống và chuột đồng, khi chuột cống ra thăm em mình ở làng quê. Cứ ngỡ yên bình song làng quê của chuột đồng cũng đầy cạm bẫy cùng với lũ mèo dữ tợn. Sự khôn ngoan của chuột đồng giúp chuột cống thoát khỏi cảnh rụng lông, giảm cân vì thuốc hóa học trên đồng ngũ cốc, chiếc bẫy sập trong nhà kho, nhưng cuộc phiêu lưu của hai anh em nhà chuột kết thúc bằng cái chết của chuột đồng và chuột cống trở về thành phố bẩn thỉu, đầy ô nhiễm…
Những câu chuyện Gerard Jugnot kể cho chúng ta có thể buồn hay vui, nhưng đều lấp lánh những bài học cuộc sống mà ai cũng có thể tự rút ra cho mình. Và hơn hết, là niềm tin về cái tốt đẹp sẽ bao trùm cuộc sống này, cái thiện sẽ thắng cái ác. Chẳng hạn câu chuyện về nàng Bạch Tuyết. Thay vì có bảy chú lùn bên cuộc đời thì nàng có bảy cái tay trên thân mình và làn da trắng nhợt. Bất chấp sự bất thường đó, những đẩy đưa của số phận đã đem đến kết cục đẹp, cô nổi tiếng trên mạng xã hội và có cuộc sống sung sướng, giàu có, cô được ghi vào sách Guinness nhờ phân phát những cái ôm âu yếm, bởi cô cứ ôm lấy ba người và nồng nhiệt bắt tay thêm một người.
Cứ thế, trên đôi cánh của trí tưởng tượng cùng sự hài hước, “Đã đến giờ kể chuyện” đem lại những tràng cười sảng khoái, những suy ngẫm lắng sâu.
Con ve và cái kiến của ngụ ngôn ngày nay cũng khác. Ve kiệt sức sau mùa hè đến sớm, đến nương nhờ tổ kiến có máy điều hòa dưới đất. Sau cái cười tươi của kiến chúa là lũ kiến đã xé xác con ve tội nghiệp, cả tin. Còn chuột chũi, khi có được cái kính để nhìn rõ hơn vạn vật, đã thấy bao tai họa rập rình trên chuyến phiêu lưu để chọn cách trở về nơi chốn cũ. Ba con heo, sau khi trốn chạy con sói, đã làm lại cho mình ba nơi trú ngụ ở Thái Lan theo năng lực và sự may mắn của từng con. Thế rồi sói tìm đến, đọc câu thần chú vẫn không bắt được ba chú heo nhỏ. Nhưng thảm họa sóng thần đã cuốn đi tất cả, những căn nhà của các chú heo, các chú heo và chó sói, không có điều kỳ diệu nào xảy ra và cũng có thể nói: Con người cũng nhỏ bé thôi… |
Bình luận