Nỗi đau đáu về hạnh phúc người phụ nữ
Đọc "Còn một đợt rét chót, đêm nay sẽ về" của Trang Thụy, NXB Hội Nhà văn, 2024.
"Còn một đợt rét chót, đêm nay sẽ về" là tập truyện ngắn đầu tay của Trang Thụy, tập hợp 11 tác phẩm, hầu hết đã in báo rải rác trong mấy năm gần đây. Tuy mới bước vào làng văn nhưng Trang Thụy đã sớm định hình được một giọng điệu riêng, sắc sảo và độc đáo. Và điều đặc biệt hơn nữa là các tác phẩm của Trang Thụy hầu như tập trung vào một chủ đề duy nhất, đó là số phận và hạnh phúc của người phụ nữ, đặc biệt là những người phụ nữ vùng cao.
1. Với ba truyện ngắn đầu tay: Duyên muộn, “Ô mai gót” và Úp sọt, đây là những tác phẩm có vai trò khơi mạch, tìm một lối đi. Người phụ nữ trong ba truyện ngắn này có thể ở bất cứ một vùng quê hay một tỉnh thành nào đó trên đất nước mình. Mây trong Duyên muộn và Mến trong Úp sọt có phần thụ động trong chuyện tình cảm. Duyên qua một đời chồng, bị một gã cầu đường tán tỉnh rồi xiêu lòng, bị vợ gã đánh ghen. Lãm là người từ lâu đã thương thầm Mây mà không dám nói, giờ đây quyết định đến với Mây và làm bố của đứa trẻ với quan điểm: “Cá vào ao nhà ai nhà ấy được”. Mến sau một tình huống rất ất ơ đã bị ghép vào cuộc hôn nhân với Loát, điều cả hai không hề ngờ tới. Loát sau những ngày hắt hủi, chối bỏ Mến, cuối cùng đã đón nhận cô như một người vợ thực sự. Vậy là cả Duyên và Mến đều có một cái kết ấm áp, có hậu.
"Còn một đợt rét chót, đêm nay sẽ về" tập truyện ngắn của Trang Thụy, NXB Hội Nhà văn, 2024)
Điểm sáng của những truyện ngắn vừa nhắc tới của Trang Thụy là việc tạo tình huống, cách dẫn dắt và lối hành văn linh hoạt, câu chữ có những nỗ lực tạo ra chất riêng, chẳng hạn: “Ngày đêm cứ nuốt rồi nhè nhau ra không biết chán”, “trời cao chọc họng”, “gió vốc lá ném lên cao, trời lại rục rịch” (Duyên muộn), “Rượu chao mình nhào ra khỏi miệng rồi tuột vào lòng bát im ỉm”, “Mây lội qua ngọn rừng xơ xác”, “Trời vừa hưng hửng lại ngoen ngoét màu thịt trâu chết rét (Ô mai gót), “Hắn vạch mây, kéo trăng ra khỏi bờ rào. Trăng nhô lên, căng nõn” (Úp sọt).
2. Sau ba truyện ngắn này, Trang Thụy bắt đầu hướng sự quan tâm của mình tới số phận những người phụ nữ vùng cao với nhiều hoàn cảnh sống khác nhau. Chúng ta không còn gặp những cái kết có hậu nữa mà thay vào đó là những cái kết đầy dang dở, những bi kịch chồng lên bi kịch, những khắc khoải day dứt không nguôi về những mảnh đời.
Có những người phụ nữ như Mẻo, từ vùng cao xuống phố, bị lợi dụng và lạm dụng tình dục, cuối cùng cô phải trèo rào mà trốn đi. Trang Thụy đã viết những câu kết truyện đầy ám ảnh: “Sương khô, ngọn rêu chết rét bong khỏi vỉa khói xám. Mẻo lê gót ra khỏi ngõ, con ngõ dài như hơi thở thoi thóp của đá trong cái lạnh cắt cứa của mùa Đông…” (Mùa đông không có mưa).
Nhưng thực sự phải từ truyện thứ năm, Vệt nắng cuối rẻo đồi, bút pháp của tác giả mới thực sự nhuần nhuyễn, từng nhân vật có chiều sâu của nội tâm, cấu trúc tác phẩm vừa chặt chẽ vừa đưa ra được những cái kết mở, gợi bao suy tư thao thức trong lòng mỗi người đọc. Vũ một mình nuôi hai con nhỏ, vẫn nhận được tình yêu chân thành, tha thiết từ Du, người đàn ông có vẻ ngoài gầy gò, khắc khổ. Vũ cũng dám vượt qua Riễn, người chồng cũ đã đối xử với Vũ rất vũ phu, nhẫn tâm. Vệt nắng cuối rẻo đồi vì thế cũng là một hy vọng và đón đợi hạnh phúc sẽ dành cho Vũ.
Số phận người phụ nữ trong các tác phẩm của Trang Thụy càng ngày càng bị đặt vào những hoàn cảnh éo le hơn, thậm chí là bế tắc. Cô Mỉ trong truyện ngắn Trước mặt là núi, sau lưng là đá chấp nhận cõng con ra đi vì không thể chia chồng cho người khác, không chấp nhận mối tình của Xúa và Lụa. Mỉ đi mà chưa biết đi đâu bởi cao nguyên đá bủa vây bốn bề. Nhưng cái ý chí mãnh liệt của Mỉ không gì có thể dập tắt.
Thiên nhiên trong truyện của Trang Thụy thường hiện lên với vẻ vừa phóng khoáng vừa dữ dội: “Nắng chảy xuống chân núi, tràn ra mênh mông. Mây cuối đông đỏ bã trầu, gió sắc như lá mía cứa vào đỉnh Xao Va trầm mặc”.
Nhưng cô Mỉ dù sao vẫn còn niềm vui sống ở chỗ có một đứa con. Cô Xằn trong Còn một đợt rét chót, đêm nay sẽ về mới thực sự bế tắc. Cô có tình cảm với A Lếnh chứ không phải với lão Sé. Nhưng Xằn lại hiểu nhầm câu nói của A Lếnh và trở thành nàng dâu bất đắc dĩ khi A Lếnh bằng mọi cách phải cưới được vợ cho bố mình. Về vai vế, Xằn sau đó đương nhiên là mẹ kế của A Lếnh. Bi kịch ở chỗ vừa làm vợ lão Sé được một ngày thì lão lăn ra chết. A Lếnh và Xằn cùng sống chung trong một mái nhà mà không bao giờ đến được với nhau nữa, bởi con riêng của chồng không thể lấy mẹ kế làm vợ.
Những tình huống éo le, cắc cớ, lỡ cỡ lần lượt được Trang Thụy bày ra trước mắt người đọc về những mảnh đời của người phụ nữ. Họ có thể có những khác biệt về hoàn cảnh nhưng đều giống nhau ở chỗ khó có thể tự định đoạt hạnh phúc cho mình. Những người phụ nữ ấy bị đè nặng bởi biết bao hủ tục, bị kìm hãm bởi thói gia trưởng, nam quyền ăn sâu bén rễ tự bao đời.
Xì trong Hạt lúa rơi vốn là vợ chính thức của A Thòi nhưng mãi không sinh được con, đành phải xuống hàng thứ hai khi A Thòi cưới thêm Xùa. Xì cũng bị đẩy sang nhà A Lúi giúp việc khi A Thòi vô tình làm mẹ A Lúi bị thương. Tình huống trở nên éo le hơn khi A Lúi nảy sinh tình cảm với Xùa. Nhưng Xùa không hành động được một cách quyết liệt như cô Mỉ trong truyện Trước mặt là núi, sau lưng là đá.
Dẫu vậy, người phụ nữ trong từng truyện ngắn của Trang Thụy đã có sự vận động, biến chuyển và phản kháng mạnh mẽ, không cam chịu những sự áp đặt của số phận. Nhân vật Trang trong Mùa cỏ đắng khiến người đọc có thể liên tưởng đến nguyên mẫu, ít nhiều tương đồng với chính tác giả. Trang đã từng đi qua những tháng ngày khờ dại, nhẹ dạ để rồi phải làm mẹ đơn thân, một mình nuôi hai đứa con. Nhưng Trang kiên quyết không nghe theo sự sắp đặt của mẹ để ở lại làng quê và trở thành vợ của Cường, một người đàn ông hàng ngày làm nghề chèo đò và đánh cá. Trang đã nghĩ như thế này: “Yêu thôi đã là một định mệnh và không ai có thể chống lại sự triệu hồi của Chúa. Nếu tất cả chỉ vì yêu mà phải chịu đọa đày thì xin Chúa đừng bao giờ thức tỉnh người đàn bà ấy. Hãy cứ để nàng bay trong sự trớ trêu của cuộc đời…”.
Trang Thụy
3. Truyện ngắn của Trang Thụy gây ấn tượng cho người đọc bởi những cách dùng từ mới mẻ, những liên tưởng so sánh trước đó chưa từng thấy. Ta bắt gặp những đơn vị từ mới như: buồn theo thẻo, nhìn tha thẳm, hoang hắt, mưa rỏ rỉ… Tác giả tỏ ra có biệt tài khi tả về sự khắc nghiệt hoặc u ám của thiên nhiên: “cái rét phải cõng trên lưng, bế trên tay mới thấy mái nhà nằm chon von trên đỉnh gió (…), cái rét ăn mủn lõi ngô, tiếng quạ vón thành sỏi rải sần mặt nương” (Trước mặt là núi, sau lưng là đá), “trăng bủng beo như một đứa trẻ bị giun chui tắc ống mật” (Mùa cỏ đắng), “đêm đen như máu khô”, “lối mòn dẫn xuống bến đò đen như đôi mắt của mỏ” (Mùa cỏ đắng). Thế nhưng, cũng có những khi Trang Thụy viết được những câu văn đẹp hư ảo như khói sương: “Cây cầu rầu rĩ như ngọn núi phải xa lìa mùa thu để sống với một mùa đông khô cằn, hiếm muộn những cơn mưa” (Hạt lúa rơi).
Với 11 truyện ngắn trong tập Còn một đợt rét chót, đêm nay sẽ về, theo tôi Trang Thụy đang đặt được những viên gạch đầu tiên trên một hành trình văn chương còn xa thẳm. Sự tinh tế và biểu cảm trong ngôn ngữ là một điểm mạnh trong văn Trang Thụy, được kết hợp với những cốt truyện nhiều tầng bậc, có sức ám gợi. Nếu tác giả mở rộng hơn nữa về đề tài sáng tác, không gian sáng tác, sẽ còn hứa hẹn nhiều điều thú vị nữa cho bạn đọc trong những chặng đường dài phía trước.
Bình luận