Trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương: Người “kể sử” qua những hồi ức

"Tôi muốn mời độc giả bước vào trang sách để chạm hay cảm nhận được những tinh tế, sắc thái, tâm trạng của các cựu học sinh khi họ kể về những mâu thuẫn và giằng xé này..."

“Trường Pháp ở Việt Nam 1945 – 1975: Từ sứ mạng khai hóa đến ngoại giao văn hóa” và “Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa – Huyền thoại đỏ và huyền thoại đen” của Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương là hai tác phẩm vừa nhận được giải Sách Hay 2022, hạng mục Phát hiện mới, do Viện Giáo dục IRED, Dự án Khuyến đọc Sách hay và Sáng kiến OpenEdu công bố.

Trước đó, “Trường Pháp ở Việt Nam 1945 – 1975: Từ sứ mạng khai hóa đến ngoại giao văn hóa” từng nhận Giải thưởng Lịch sử Giáo dục Robert Mallet 2015 và Giải thưởng Louis Cros, Viện Hàn lâm Khoa học Đạo đức và Chính trị, Pháp Viện 2018.

Trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương: Người “kể sử” qua những hồi ức - 1

Cuốn sách “Trường Pháp ở Việt Nam 1945 – 1975: Từ sứ mạng khai hóa đến ngoại giao văn hóa”

Cuốn sách ngoài việc phục dựng lại bức tranh về hệ thống trường Pháp tại Việt Nam sau năm 1945, còn cho thấy sự “chuyển mình” của hệ thống trường Pháp từ sứ mệnh “khai hóa” sang cái gọi là “ngoại giao văn hóa” – những mục đích được chính quyền thực dân cho là cao đẹp khi xâm lược Việt Nam. Bên cạnh đó là những câu chuyện học đường, mối quan hệ giáo viên – học sinh và cả chuyển biến tư tưởng nơi những người dạy và học được thể hiện qua hồi ức của những người trong cuộc.

“Trường Pháp ở Việt Nam 1945 – 1975: Từ sứ mạng khai hóa đến ngoại giao văn hóa” cũng vừa được Omega Plus Books ra mắt độc giả Việt Nam vào ngày 8/10.

Nhân dịp này, phóng viên Arttimes.vn đã có buổi gặp gỡ và trò chuyện cùng tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương để tìm hiểu về hành trình ra đời của cuốn sách này.

Trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương: Người “kể sử” qua những hồi ức - 2

Mới đây, Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương đã có mặt trong buổi giao lưu với độc giả về cuốn sách “Trường Pháp ở Việt Nam 1945 – 1975” do Omega Plus Books phối hợp Viện Pháp tổ chức

“Cuốn sách này của một nhà nghiên cứu trẻ tài năng đã cho thấy trong một thế giới bị đảo lộn bởi giải thuộc địa, giáo dục nằm ở tâm điểm của những toan tính chính trị, ngoại giao, văn hóa và sự gìn giữ bản sắc. Một câu chuyện đáng để khám phá và suy ngẫm ở kỷ nguyên toàn cầu hóa” - Rebecca Rogers (Giáo sư Lịch sử, Đại học Paris Descartes).

- Xin chào Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương, chúc mừng chị cùng 2 “đứa con tinh thần” đã nhận được giải Sách Hay 2022! Về tác phẩm ra mắt gần đây “Trường Pháp ở Việt Nam 1945 – 1975: Từ sứ mạng khai hóa đến ngoại giao văn hóa”, chị có thể chia sẻ quá trình hình thành ý tưởng của cuốn sách này được không?

Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương : Xuất phát điểm thì “Trường Pháp ở Việt Nam 1945 – 1975: Từ sứ mạng khai hóa đến ngoại giao văn hóa” chính là luận án tiến sĩ của tôi thuộc chuyên ngành Giáo dục học được bảo vệ năm 2013 ở đại học Paris Descartes. Một giải thưởng dành cho luận án đã yêu cầu các tiến sĩ trẻ hãy biến luận án của mình thành một cuốn sách, và tôi đã viết một cuốn sách tiếng Pháp từ luận án này.

Sau khi cuốn sách nhận giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp, một số nhà xuất bản Việt Nam liên lạc và ngỏ ý muốn đưa cuốn sách của tôi đến với độc giả Việt Nam. Điều đó đã thôi thúc tôi muốn dịch và viết lại cuốn sách bằng tiếng Việt.

- Vì sao chị lựa chọn đề tài này cho cuốn sách của mình?

Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương : Có lẽ sự tồn tại của hệ thống trường Pháp tại Việt Nam sau năm 1945 là một câu chuyện bị lãng quên. Ngày nay, tên tuổi của những trường trung học hay sự hiện diện văn hóa Pháp trong giai đoạn đó chỉ được nhắc đến rất hạn chế. “Phóng đại” lên một chút, chỉ có những ai từng học ở trường Pháp mới biết đến sự tồn tại của chúng.

Nhưng qua cuốn sách này, tôi không đơn thuần chỉ mô tả một cách khô khan hệ thống hay thiết chế giáo dục Pháp tại Việt Nam, mà còn khai thác câu chuyện về những người được hưởng trực tiếp nền giáo dục đó – những học sinh và phụ huynh, để hiểu về trải nghiệm học đường của những cựu học sinh, về nguyện vọng của cha mẹ họ khi cho con vào học trường Pháp, về cảm nghĩ và tái hiện dĩ vãng về một thời đi học.

Quả thực, chúng ta không thể thu gọn một hệ thống giáo dục vào các trường học, những tư tưởng hay toan tính chính trị. Thông qua hồi ức của các cựu học sinh và giáo viên, tôi muốn làm nổi bật một lịch sử dòng thứ - một “lịch sử của học sinh”, nghĩa là một lịch sử xã hội và nhân tình, như một dòng chảy ngầm song hành với lịch sử chính thống trong văn thư.

- Viết về một nền giáo dục trải dài qua ba thập niên hẳn là một quá trình dày công, chị đã có những trải nghiệm đáng nhớ ra sao?

Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương : Với cuốn sách này, tôi đơn giản chỉ là một người “kể sử” chứ không hẳn là “viết sử”. Trải nghiệm trong hành trình “kể sử” ấy cũng có những điều vừa chung, lại vừa riêng. Chung như tất cả những người làm nghiên cứu lịch sử, tôi tìm kiếm dữ liệu chính thống trong văn thư. Và trải nghiệm riêng có lẽ là hành trình tôi đi và khai thác những dữ liệu từ hồi ức.

Độc giả mong đợi gì từ những hồi ức? Cuốn sách này không có ý định đào sâu sự tương phản giữa lịch sử và hồi ức mà cốt khai thác ký ức của các cựu học sinh nhằm 2 mục đích, một là tương đối hóa vị trí độc tôn của lưu trữ trong các công trình nghiên cứu lịch sử, hai là bổ sung cho “sự thật lịch sử” một “sự thật nhân tình”. Viết về lịch sử cái bàn học và cả lịch sử những ai ngồi trên cái bàn ấy là cách tôi dung hòa giữa lịch sử và ký ức!

Trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương: Người “kể sử” qua những hồi ức - 3

Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương kí tặng độc giả yêu thích cuốn sách “Trường Pháp ở Việt Nam 1945 – 1975: Từ sứ mạng khai hóa đến ngoại giao văn hóa”

“Cuốn sách này đã hoàn thành vai trò của mình là làm sống lại thiên truyện về nền giáo dục Pháp tại Việt Nam trong ba thập niên bản lề của lịch sử đất nước này trong thế kỷ 20 (1945 – 1975). Công trình này làm sáng tỏ những số phận, những tuổi thơ, những khám phá và những phát kiến mới về bản sắc, và cả những lập trường phức tạp thường trái chiều so với những gì mà độc giả có thể mong đợi” – Eric Jennings (Giáo sư Sử học, Đại học Toronto).

- “Dữ liệu hồi ức” đã được chị khai thác như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương : Xu hướng đổi mới, mở cửa cho phép tôi hay chúng ta tiếp cận các hồi ký hay hồi ức một cách khá thuận tiện, trong đó có nhiều ấn bản của tầng lớp tri thức. Ở phương Tây, cộng đồng người Việt hải ngoại cũng xuất bản tự truyện hay hồi ức gia đình hay đại tộc.

Trong bối cảnh này, tôi đã thu thập được hồi ức và lời chứng, thông qua những cuộc phỏng vấn hay bảng hỏi tiến hành trong gần ba năm (2010 – 2012), từ hơn 100 cựu học sinh và giáo viên của trường Pháp tại Việt Nam từ 1945 – 1975. Tôi cũng khai thác những cuốn hồi ký đã được đăng tải hay ấn bản của các cựu học sinh để làm phong phú thêm khối dữ liệu hồi ức này.

- PV: Chị cho rằng điều gì khiến cuốn sách có sức hấp dẫn cả với độc giả Pháp và Việt Nam? 

Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương : Trước nay, câu hỏi về vị trí của giáo dục thuộc địa trong lịch sử giáo dục Việt Nam là chủ đề có thể tạo nên những tranh luận trái chiều. Trên các phương diện quân sự, chính trị và kinh tế, rất nhiều công trình khoa học đã đề cập đến.

Vì thế, chính lúc này, tôi cho rằng bình diện văn hóa tạo nên sức hấp dẫn mới cho cuốn sách vì nó thách thức những tư tưởng và lối tư duy bị ấn định dưới thời thuộc địa. Nó mở ra một bức tranh vốn bị che khuất về sự giao thoa, đan cài sâu sắc giữa các mảng màu văn hóa và tộc người giữa hai quốc gia Việt Nam và Pháp. Có lẽ đã đến lúc, chúng ta phải “giải thực” chính điểm nhìn của chúng ta về lịch sử!

Trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương: Người “kể sử” qua những hồi ức - 4

Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương 

- PV: Trước đó, chị xuất bản cuốn “Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa – Huyền thoại đỏ và huyền thoại đen”. Viết sách về lịch sử phải chăng là đam mê hay chỉ là phục vụ nghiên cứu giáo dục, thưa chị?

Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương : Theo đuổi công việc nghiên cứu tới thời điểm này thì với tôi, đam mê hay mục tiêu đều đã hòa vào nhau!

- PV: Chị đã có ý tưởng cho một cuốn sách tiếp theo hay chưa?

Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương : Có chứ! Nhưng cuốn sách này vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu, sẽ vẫn là nghiên cứu giáo dục nhưng có lẽ tôi sẽ tìm hiểu một chút về giáo dục mầm non trong giai đoạn thuộc địa.

- PV: Vâng, xin cảm ơn tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương đã dành thời gian trò chuyện cùng Arttimes! Chúc cho những dự án tiếp theo của chị sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa!

Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương lấy bằng Tiến sĩ Giáo dục tại Đại học Paris Descartes năm 2013, chuyên về lịch sử giáo dục thuộc địa và hậu thuộc địa, giải thực dân văn hóa. Chị cũng là phó giám đốc Mạng lưới Giáo dục (Edunet), giám đốc Vietnam Education Symposium, thuộc Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE Global) và là chuyên gia tư vấn, thẩm định và hợp tác các dự án trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại Pháp.

Sách đã xuất bản của tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương gồm: “Giáo Dục Mới tại Việt Nam thập niên 1940” (2018), “Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa – Huyền thoại đỏ và Huyền thoại đen” (2020), “Trường Pháp ở Việt Nam 1945 – 1975: Từ sứ mạng khai hóa đến ngoại giao văn hóa” (2022).

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đọc “Tiếng Khèn” của Trần Đàm

Đọc “Tiếng Khèn” của Trần Đàm

Vì tôi không biết đây là tập thơ thứ năm của Trần Đàm, nên “Tiếng Khèn” cứ đưa tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tại sao một người rất giỏi về nhiếp ảnh lại làm thơ khá thế? Ấn tượng nhất là mảng thơ viết về miền núi. Vẫn những cảnh người ta thường bắt gặp trong thơ của các cây bút khác, nhưng trong “Tiếng Khèn”, nó hoàn toàn khác, đó là những gì rất ri