TS Lê Doãn Hợp: Viết từ trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa

Nhà cách mạng Nguyễn Thái Học có câu nói nổi tiếng trước khi hy sinh vì nghĩa lớn: “Không thành công cũng thành nhân”. Nhưng với Tiến sĩ Lê Doãn Hợp, theo tôi, thì người này đã thành công và thành nhân cùng lúc, như là thế “song kiếm hợp bích”.

Không quá tam ba bận...

Tôi gặp Tiến sĩ Lê Doãn Hợp lần đầu nhân dịp kỷ niệm 60 năm Báo Văn hóa được tổ chức trọng thể tại Nhà hát Lớn, Hà Nội, năm 2017. Trong phòng khánh tiết, chúng tôi là khách mời, ngồi cùng thưởng trà ngon và nói chuyện thời cuộc, văn hóa, quê hương xứ Nghệ, đặc biệt về sách (qua câu chuyện tôi biết ông đọc nhiều, khi nghỉ hưu trong tủ sách riêng có đến gần 5 tấn sách đã được đem tặng các thư viện cộng đồng ở nhiều địa phương trong cả nước). Tôi có cảm giác giữa tôi và ông có tình cảm đồng hương thân thiện dù tôi chính gốc người làng Tùng Ảnh, huyện Đức thọThọ, tỉnh Hà Tĩnh. Còn ông nguyên quán xã Nghi Liên, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An).

TS Lê Doãn Hợp: Viết từ trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa - 1

TS.Lê Doãn Hợp (nguồn: Nghệ An 24h)

Câu chuyện của chúng tôi bình đẳng vì cùng thế hệ (ông sinh năm Canh Dần, hơn tôi một tuổi), bình đẳng vì tình người và tư cách công dân, bình đẳng văn hóa (không lăn tăn về địa vị xã hội, dẫu ông từng là Bí thư Tỉnh ủy/Chủ tịch tỉnh/ Bộ trưởng, còn tôi là dân thường như cổ nhân nói “quan nhất thời dân vạn đại”).

Bẵng đi mấy năm, cuối năm 2021, chúng tôi lại có cơ duyên gặp nhau lần thứ hai tại tòa soạn Thời báo Văn học nghệ thuật (Cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam). Lần đó, tờ báo mới ra đời chưa đầy hai tuổi đứng ra tổ chức trao “Bằng xác lập kỷ lục” cho Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng (nguyên giảng viên Triết học, Trường Đại học KHXH& NV, ĐHQG Hà Nội). Lần đầu tôi nghe Tiến sĩ Lê Doãn Hợp (Chủ tịch Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam) nói trước cử tọa đông người. Ông nói ngắn gọn, khoan thai, giản dị, súc tích và có dư vị khác hẳn lối nói “có cánh” (lời nhiều ý ít) của một vài quan chức đồng cấp mà tôi đã từng nghe.

Cổ nhân nói “tam ba bận” là đúng. Lần thứ ba, là tiếp xúc với Tiến sĩ Lê Doãn Hợp qua sách Cho và nhận. Bài học cuộc đời. Theo nghề nghiệp giảng dạy và nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại ở bậc đại học, hơn 40 năm qua tôi đã đọc rất nhiều sách. Từ độ nghỉ hưu, tôi chuyển sang đọc và viết về văn hóa - văn học. Nghĩa là đọc sách, nói chung và sách văn học nói riêng qua lăng kính văn hóa, từ phương diện/góc độ văn hóa. Đọc xong Cho và nhận. Bài học cuộc đời của Tiến sĩ Lê Doãn Hợp, tôi nhận ra một hàm lượng văn hóa của cuốn sách đẹp cả về nội dung, cả hình thức.

Nhận ra sự đồng cảm, có nhiều tri âm tri kỷ với từng con chữ trên từng trang sách. Bài viết này tôi ghi chú là “bút ký phê bình” nghe có vẻ lạ tai với ai đó. Thực ra vẫn là phê bình nhưng viết tự do hơn, không rập khuôn lối hàn lâm, kinh viện và thậm chí không có chút khí vị nào của “học phiệt”. Tôi muốn nhấn mạnh đến cái tâm thế của người viết phê bình  khi đã đồng cảm với từng con chữ trên từng trang sách hay của một người cùng thế hệ sướng ít, khổ nhiều song đầy bản lĩnh sống, nhiều nhuệ khí và cao vọng ở đời.

Những bài học thiết thân với mỗi người

Có 8 bài học được rút ra từ cuộc đời của Tiến sĩ Lê Doãn Hợp qua sách Cho và nhận. Bài học cuộc đời. Trong mắt nhiều người thì tác giả là một người thành đạt về “cung quan lộ”. Nhưng với tôi, ông thành đạt “thành người” thì đúng hơn cả. Nhà cách mạng Nguyễn Thái Học có câu nói nổi tiếng trước khi hy sinh vì nghĩa lớn: “Không thành công cũng thành nhân”. Nhưng với Tiến sĩ Lê Doãn Hợp, theo tôi, thì người này đã thành công và thành nhân cùng lúc, như là thế “song kiếm hợp bích”.

Trong sách Cho và nhận. Bài học cuộc đời tác giả chia sẻ 8 bài học (Bài học từ nhà trường; Bài học từ sách; Bài học từ trong quân ngũ; Bài học từ thế hệ đi trước; Bài học từ các doanh nhân; Bài học từ các nước trên thế giới; Bài học từ thực tiễn; Bài học từ truyền thống gia đình). Tuy nhiên, với người bình thường (chiếm số đông trong xã hội bất kỳ), thì có bốn bài học (bài học từ gia đình; bài học từ nhà trường; bài học từ sách; bài học từ thực tiễn), theo tôi, quan thiết hơn cả. Tôi cũng chỉ viết xoay quanh về bốn bài học này theo nhãn quan và cảm xúc riêng khi tiếp nhận cuốn sách hay.

“Bài học từ truyền thống gia đình” được tác giả xếp vào cuối (phần 8). Có thể sự sắp xếp thứ tự này là không ngẫu nhiên và có chủ ý. Nhưng tôi muốn phản biện bằng cách xếp nó (phần 8) lên hàng đầu (phần 1). Vì sao? Vì giản dị là, con người ta sinh ra từ gia đình trước tiên chứ không phải sinh ra từ xã hội. Đứa trẻ - một sinh linh mới, quà tặng của tạo hóa - nào mà chẳng được bà mẹ mang nặng đẻ đau. Đứa trẻ nào mà chẳng thấm nhuần nghĩa tình bậc sinh thành “Công cha như núi Thái sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Đề từ cho phần 8 là: “Cách tốt nhất để giáo dục con cháu là tấm gương thực tế của cha mẹ và những người đi trước”. Rõ ràng, chân lý này không phải do Tiến sĩ Lê Doãn Hợp phát kiến ra. Nhưng sự thấm thía với người đọc chính là ở chỗ nó được đúc rút ra từ trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa của người viết sách.

Gia đình Tiến sĩ Lê Doãn Hợp có thể nói biểu trưng cho gia đình văn hóa trong ý nghĩa chính xác của từ này (hiện nay khái niệm/danh hiệu “gia đình văn hóa” được coi như là một phong trào xã hội rộng lớn). Tác giả rút ra những kết luận giàu ý nghĩa thực tiễn: “Khi cha mẹ, anh chị là một tấm gương thì con cháu cứ việc noi theo để làm, không cần ngôn ngữ dẫn đường”. Đọc đến đây, tôi chợt nhớ đến một câu nói có tính triết lý của người phương Tây: “Mưa rơi không cần phiên dịch”.

Những bài học từ truyền thống gia đình của Tiến sĩ Lê Doãn Hợp thật ra không có gì khác biệt với truyền thồng đạo lý dân tộc Việt: Dũng cảm và trung thực; Lấy ơn trả oán; Tình phụ tử; Giữ gìn đức hạnh; Đừng để mất lòng tin; Tìm bạn đời trăm năm; “Quan ngon không bằng con ngoan”,... Nói không có gì khác đạo lý truyền thống, là xét về lý. Nhưng người Việt Nam duy tình vì “Một vạn cái lý không bằng một tý cái tình”. Cái tình ở đây hiển hiện qua những câu chuyện  rất cụ thể, rất riêng tây, của đại gia đình tác giả. Nhưng giống như giọt sương ánh chiếu lung linh cả  vầng dương, như giọt nước biển mang vị mặn nồng của đại dương. Cổ nhân nói “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” là chân lý. Trong gia đình nhỏ của Tiến sĩ Lê Doãn Hợp, trước tiên phải kể đến “một nửa thế giới” mà ông tìm được - người vợ - có cái phẩm tính “vượng  phu ích tử”. Người ta nói đằng sau một người đàn ông thành đạt có một người phụ nữ. Ứng vào trường hợp Tiến sĩ Lê Doãn Hợp là tuyệt đối chính xác.

Lại vẫn cổ nhân dạy: “Con cái là của để dành” của mỗi bậc cha mẹ. Ba người con (hai trai một gái) của Tiến sĩ Lê Doãn Hợp, dẫu không xuất chúng, nhưng đều là người tử tế, trí lự, có ích cho xã hội. Hơn thế, niềm vui của người cao tuổi đâu có gì quá cao sang, xa vời, thiết thực nếu không phải là niềm vui về/vì con cháu. Xét về phương diện truyền thống gia đình, thì Tiến sĩ Lê Doãn Hợp, theo tôi, đã được phóng đi từ một bệ phóng ngoạn mục mà không phải ai cũng dễ dàng có được.

TS Lê Doãn Hợp: Viết từ trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa - 2

TS Lê Doãn Hợp giao lưu với độc giả về cuốn sách Cho và nhận - Bài học từ cuộc đời ngày 15/4 trong khuôn khổ Ngày hội sách và Văn hóa đọc năm 2022. Ảnh: NXB Phụ nữ

“Bài học từ nhà trường” (Phần 1) được xếp lên đầu tiên, có vẻ hợp lý về hình thức, vì ai mà chẳng rời gia đình là nhập/bước vào nhà trường (như bây giờ tính từ Mầm Non đến Đại học và Sau đại học). Sự học ở nhà trường chiếm đến non nửa đời người, một con đường thiên lý gập ghềnh, không hề dễ dàng, giản đơn vì nếu thực sự học ra học. Đề từ của phần này: “Học và làm thời công nghiệp 4.0 khác học và làm trước đây ở ba tiêu chí quan trọng nhất là: 1/ Trước đây học để có bằng cấp, nay học để có kiến thức để tự tạo ta việc làm; 2/ Trước học để làm quan làm thầy, nay thêm học để làm giàu; 3/ Trước đây học vâng lời, nay học phản biện”.

Tinh thần “học để phản biện” là hợp với tiến bộ và phát triển. Nhưng hiện thực hóa nhiệm vụ này không hề dễ dàng vì dạy và học phải có không khí dân chủ thực sự, dạy và học theo tinh thần khai phóng. Trong phần này tác giả kể câu chuyện “Thầy cảm ơn trò - bài học về tư duy phản biện”. Đó là vào đầu năm 1994, khi tác giả sách bảo vệ Luận án Tiến sĩ Kinh tế tại Khoa Quản lý kinh tế của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đình Giao, thầy giáo phản biện đã thẳng thắn và công tâm thừa nhận: “Anh Hợp ạ, tôi đã giúp anh được một ít lý thuyết để hôm nay anh đến cảm ơn tôi. Nhưng tôi muốn nói với anh rằng, tôi cũng phải cảm ơn anh. Nhờ được làm việc với anh, tôi có thêm nhiều thực tiễn giúp cho kiến thức quản lý và các bài giảng của tôi phong phú hơn, vì thế tôi phải cảm ơn anh”.

Cũng trong phần này có câu chuyện cô giáo chủ nhiệm bảo vệ sự trung thực của học trò khi tác giả sách (bước vào năm đầu của cấp 2) bị Hội đồng nhà trường đánh giá có biểu hiện “mê tín dị đoan” khi làm văn (vì học sinh tả một nhà thờ họ mà mình yêu thích). Tinh thần bảo vệ lẽ phải, đứng về phía cái đúng của cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Hồng Nga là một bài học giáo dục “Thầy ra thày trò ra trò. Trường ra trường lớp ra lớp”. Bài học thực tiễn rút ra là: “Đạo đức học đường: Nền tảng văn hóa để trở thành một công dân hữu ích”. Văn hóa học đường hiện nay đang có vấn đề (trong đó bệnh thành tích, bạo lực học đường đang là những vấn nạn).

Kết thúc phần 1, tác giả đúc kết 10 điểm (bài học) từ nhà trường, trong đó bài học thứ 10, theo tôi, là cập thời vũ hơn cả: “Ngày xưa học cần cù, siêng năng, chịu khó. Ngày nay như thế là chưa đủ mà phải học sáng tạo với ý chí và nghị lực hơn người, để tự cải tạo và tôn vinh mình. Tôn vinh để cải tạo, cải tạo để tôn vinh. Quyết tâm đổi đời, quyết chí làm giàu, vì mục tiêu giàu mạnh, giàu sang, giàu đạo đức và nhân cách”. Hiện nay nhà trường đang bi cơ chế thị trường chi phối nên những giá trị cổ truyền của nó đang bị xâm thực rõ nét. Ngày xưa nhà trường là thánh địa, là thế giới của xanh /sạch/đẹp. Một khi nhà trường thấm mùi vị thị trường thì không thể nhìn nhận nó như một cái gì tuyệt đối. Đành lòng vậy, cầm lòng vậy như cổ nhân nói.

“Bài học từ sách” (Phần 2), với một người có cương vị lãnh đạo tầm vĩ mô là một phẩm chất tối cần thiết. Những tấm gương lớn lên, trưởng thành từ sách không phải hiếm nhưng không phải ai khi đã có một “chỗ ngồi” (địa vị xã hội) nhất định đều có thể thực thi được. Đề từ của phần này: “Đọc báo để làm giàu. Đọc tạp chí để làm nghề. Đọc sách để làm người. Đọc báo in để biết ý Đảng. Đọc báo mạng để hiểu lòng dân”. Đây chính là tinh thần khai phóng dưới ánh sáng của văn hóa và phát triển. Tự bạch của tác giả dễ dàng nhận được sự chia sẻ và đồng tình của người đọc khi ông viết: “Tôi tuổi Dần, khi trẻ tôi rất nóng tính. Nhưng khi lớn lên, tôi đọc sách nhiều, nhờ sách và những tri thức của loài người gửi gắm trong đó mà tôi đã cải tạo được tính cách của mình. (...). Bằng sách, chúng ta sẽ góp phần giúp các thế hệ tương lai tiếp tục làm giàu trên quỹ đất truyền thống màu mỡ của cha ông”. Ngày xưa, quân ngoại bang tàn độc đã từng đốt sách, hòng tiêu diệt văn hóa dân tộc Việt. Nhưng chúng làm sao có thể hủy diệt được cả một nền văn hiến/ văn hóa Việt như Nguyễn Trãi đã hào sảng viết: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu” (Bình Ngô đại cáo). Bằng kinh nghiệm cá nhân tác giả viết: “Đọc sách cho chúng ta một tư duy: mọi sự đổi mới bắt đầu và lệ thuộc vào đổi mới tư duy và nhận thức.

Nhận thức là chìa khóa của hành động và hành động là thước đo của nhận thức. (...). Người biết chữ mà không chịu đọc thì cũng như người mù chữ. Bởi chỉ có đọc, con người mới tự tôn vinh và cải tạo mình” và: “Đời người như một cuốn sách, vấn đề không phải là dài hay ngắn, dầy hay mỏng, nặng hay nhẹ mà là hay và dở, là giá trị cốt lõi được lưu lại trong lòng bạn đọc”. Hiện văn hóa đọc của người Việt nói chung đang báo động (trung bình 1 người đọc 1 cuốn sách/năm, trong khi các cường quốc đọc sách con số lên đến gấp mấy chục lần).

Về văn hóa đọc, tác giả cũng có những đúc kết cá nhân thú vị: “Đọc sách là cả ba người cùng sáng tạo: người viết, người xuất bản và người đọc. Người viết giàu văn hóa, đầy đạo đức, sáng tài năng. Người xuất bản không phải là người sắp chữ mà là người chọn chữ. Người đọc biết tiêu hóa kiến thức để sáng tạo nhiều hơn. Khi hội tụ tinh hoa của cả ba người, thì văn hóa đọc sẽ thăng hoa”.

“Bài học từ thực tiễn” (Phần 7): “Lý thuyết thì xám còn cây đời mãi mãi tươi xanh” (Gơt); “Lý thuyết không có thực tiễn là lý thuyết suông” (V. Lênin). Không có gì lạ khi tác giả dành một số trang nhiều hơn cả trong sách (45trang/ trên 199 trang) để viết về “Bài học từ thực tiễn” với đề từ: “Cán bộ cần phải có 4 C: Chịu học, chịu đọc, chịu nghe, chịu đi cơ sở để tổng kết thực tiễn”. Tiến sĩ Lê Doãn Hợp nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng (khóa IX, X), Đại biểu Quốc hội (khóa XI, XII), Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh Nghệ An, Bộ trưởng Bộ Văn hóa –Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Những vị trí ấy yêu cầu người thừa hành phải có trí tuệ, đã đành. Nhưng là người lãnh đạo cao nhất ở địa phương hay tư lệnh ngành thì đòi hỏi phải giàu thực tiễn lĩnh vực mình được giao trọng trách. Ngày xưa vua chúa, các bậc minh quân hay “vi hành” là vì thế (để nắm bắt thực tiễn, tránh bề dưới qua mặt). Đã đành mỗi cán bộ khi được cất nhắc lên vị trí cao hơn trong cả hệ thống chính trị đều đa phần từ cơ sở đi lên. Nhưng không tránh khỏi những trường hợp như “từ trên trời rơi xuống”, hoặc giả do luân chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác hoàn toàn bị trái tay. Là người trải qua nhiều vị trí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Tiến sĩ Lê Doãn Hợp được đánh giá là người “miệng nói tay làm”, không lãnh đạo theo lối “chỉ tay năm ngón”. Ông đúc kết giản dị: “Tôi hay tổng kết thành ít chữ để dễ nhớ, dễ làm, nên nhiều người gọi tôi là Bộ trưởng hay cho chữ, ông tổng kết... Có người thích, cũng có người chê. Với tôi nếu thấy có ích thì làm, đúng thì làm bằng được, không lùi bước”. 

Câu chuyện “Xét và trao giải thưởng quốc gia” mà ông trong vị trí Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng quốc gia (năm 2006) cho thấy bản lĩnh văn hóa, thực tiễn văn hóa của một tư lệnh ngành (khi ông ở cương vị Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin). Quyết định của Hội đồng Giải thưởng quốc gia trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT cho 4 nhà văn có tên tuổi liên quan đến vụ Nhân văn giai phẩm năm 1956 (Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt Hoàng Cầm) có thể coi như một dấu ấn văn hóa trên suốt chặng đường “làm quan” của Tiến sĩ Lê Doãn Hợp.

Một vị “thượng thư”, theo cách gọi ngày xưa, đã đau đáu viết: “Ngày trước làm lãnh đạo nghèo hơn, khổ hơn nhưng vui hơn. Vui hơn là vì lòng dân thuận, kỷ cương phép nước nghiêm. Bây giờ làm lãnh đạo sướng hơn so với trước đây vì đời sống vật chất tốt hơn nhưng khó hơn. Khó hơn bởi vì dân trí cao, thế giới đa chiều, anh không thể lấy kinh nghiệm để bù cho quản lý mà phải lấy thực tiễn và cuộc sống để bổ sung. Kinh nghiệm đúng với ngày hôm nay nhưng chưa chắc ngày mai đã đúng. Tốc độ cuộc sống đã thay đổi đến mức chủ nghĩa kinh nghiệm không còn chỗ đứng. Cái khó nhất của ngày hôm nay là nắm bắt xu thế thời đại, chống nguy cơ nhóm lợi ích, bệnh tha hóa khi có quyền lực và tín nhiệm của dân với Đảng”.

Rõ ràng chủ nghĩa kinh nghiệm không đồng nghĩa với tinh thần thực tiễn qua cách hiểu và làm của Tiến sĩ Lê Doãn Hợp khi đương chức cũng như khi đã “đi chỗ khác chơi” như cách nói vui và lạc quan của nhân dân. Ông đã đúc kết nhận thức về thực tiễn trong cuốn sách có tính chất cẩm nang: 100 điều đúc rút từ thực tiễn.

Mở một cuốn sách thấy một con người

Câu cách ngôn này ứng vào trường hợp cụ thể khi người đọc tiếp nhận cuốn sách hay của Tiến sĩ Lê Doãn Hợp Cho và nhận. Bài học cuộc đời. Không riêng tôi cảm nhận, trước hết, tác giả sách là một nghệ sĩ ngôn từ. Ông là người làm thơ không chuyên nghiệp nhưng thơ ông cuốn hút người đọc vì tính chất “chơn” (chân thật) của nó. Ông là tác giả của những tập thơ giản dị như Tháng năm còn mãi, Cung đường hạnh phúc.

Bài thơ Trải nghiệm (sáng tác 1976) nói rõ cái chất người, chất nghệ sĩ của Tiến sĩ Lê Doãn hợp: “Ai đã từng chịu rét/ Mới yêu ngọn lửa hồng/ Ai đã từng chịu khát/ Quý lắm, giọt nước trong/ Ai ba tuần ăn nhạt/ Quý hạt muối hơn vàng/ Ai đã chịu cô đơn/ Càng yêu thương đồng đội/Ai lên đỉnh Trường Sơn/ Mới biết mình cao thấp/ Ai ngâm bùn  Đồng Tháp/ Mới biết nước nông sâu/Ai vào tận rừng sâu/ mới mong về thành phố/ Ai vào nơi bom nổ/ Mới thấm đẫm tình người/ Ai Quân quản Sài Gòn/ Sướng vui tràn nước mắt/ Ai nhớ người đã khuất/ Lòng đau thắt khôn nguôi/ Sướng vui cao hơn trời/ Đau buồn dầy hơn núi/ Biết bao điều muốn nói/ Chiến trận rèn con người/ Trải nghiệm và nhớ đời/ Khổ nhiều, yêu thương lắm”. Đó là thơ của một người đã từng khoác áo lính, trải qua chiến tranh, được thử thách qua lửa đỏ và nước lạnh, như “thép đã tôi thế đấy”.

Đọc xong Cho và nhận. Bài học cuộc đời của Tiến sĩ Lê Doãn Hợp, tôi nhận ra một hàm lượng văn hóa của cuốn sách đẹp cả về nội dung, cả hình thức. Nhận ra sự đồng cảm, có nhiều tri âm tri kỷ với từng con chữ trên từng trang sách.

Bùi Việt Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất