Những giá trị bền vững, sức lan tỏa sâu rộng của Bảo vật quốc gia “Nhật ký trong tù”

Kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9; kỷ niệm tròn 80 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm bất hủ “Nhật ký trong tù”, ngày 18/8, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề 80 năm “Nhật ký trong tù” - Những giá trị bền vững, sức lan tỏa sâu rộng.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; PGS. TS Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đồng chủ trì Hội thảo.

Những giá trị bền vững, sức lan tỏa sâu rộng của Bảo vật quốc gia “Nhật ký trong tù” - 1

Toàn cảnh Hội thảo 80 năm “Nhật ký trong tù” - Những giá trị bền vững, sức lan tỏa sâu rộng. (Ảnh: Huyền Thương)

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết, “Nhật ký trong tù” là tác phẩm có đời sống đặc biệt và giá trị văn hoá, giá trị nghệ thuật độc đáo, đặc sắc, làm phong phú thêm di sản văn hóa và cách mạng cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất; góp phần quan trọng vào kho tàng di sản văn hóa, tinh thần của dân tộc ta, nhân dân ta. Với những giá trị to lớn và bền vững đó, ngày 1/10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận và tôn vinh tác phẩm “Nhật ký trong tù” là Bảo vật quốc gia.

Những giá trị bền vững, sức lan tỏa sâu rộng của Bảo vật quốc gia “Nhật ký trong tù” - 2

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: Huyền Thương)

Hội thảo 80 năm "Nhật ký trong tù" - Những giá trị bền vững, sức lan tỏa sâu rộng mang tới cách nhìn nhận, đánh giá khoa học và đầy đủ hơn về sự ra đời, sức sống và giá trị lớn lao, sức lan tỏa, ảnh hưởng sâu rộng của tác phẩm, không chỉ ở trong nước mà còn ở nhiều nước trên thế giới.

Những giá trị bền vững, sức lan tỏa sâu rộng của Bảo vật quốc gia “Nhật ký trong tù” - 3

PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tham dự Hội nghị. (Ảnh: Huyền Thương)

Giá trị và tầm vóc của “Nhật ký trong tù”

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận và làm sáng tỏ một số vấn đề cơ bản: Quá trình chuyển ngữ “Ngục trung nhật ký” từ Hán ngữ sang Việt ngữ và từ Việt ngữ sang các ngôn ngữ các dân tộc khác trên thế giới; Những giá trị tư tưởng, văn hóa, tầm cao trí tuệ, nghị lực phi thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện qua “Nhật ký trong tù”; Giá trị nhân văn cao cả, vẻ đẹp tâm hồn, niềm lạc quan cách mạng của người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh trong hoàn cảnh lao tù khổ ải; Những giá trị nghệ thuật to lớn của tập thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Việc dạy và học tác phẩm “Nhật ký trong tù” trong nhà trường hiện nay; Hành trình lan tỏa sâu rộng của “Nhật ký trong tù” đối với giới nghiên cứu cũng như ban đọc trong nước và thế giới; Phát huy những giá trị của “Nhật ký trong tù”, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ôn lại hoàn cảnh ra đời tác phẩm “Nhật ký trong tù”, GS. Hà Minh Đức cho biết, vào mùa thu năm 1942 trên đường đi công tác sang Trung Quốc Bác Hồ bất ngờ và vô cớ bị bắt giam vào ngày 29/8/1942 phải nhập lao huyện ngục Tĩnh Tây. Ở xứ sở xa xôi nên không dễ được minh oan và giải cứu. Người bị giam cầm 388 ngày. Trong những ngày gian khổ và đau đớn ấy ý chí, nghị lực và tinh thần bất khuất đã vượt lên tất cả và “ngày dài ngâm ngợi cho khuây” và chúng ta có được tập “Nhật ký trong tù”. 80 năm đã qua “Nhật ký trong tù” vẫn là thiên cẩm nang của cách mạng, là cuốn sách giáo khoa về cuộc sống xã hội.

Những giá trị bền vững, sức lan tỏa sâu rộng của Bảo vật quốc gia “Nhật ký trong tù” - 4

GS. Hà Minh Đức phát biểu tại Hội thảo. 

Cũng khẳng định “Nhật ký trong tù” là tác phẩm có một số phận đặc biệt, không phải chỉ là lớn, là vô giá, mà đã trở thành Bảo vật Quốc gia, GS. Phong Lê nhấn mạnh: 135 bài thơ chữ Hán trong "Ngục trung nhật ký" (Nhật ký trong tù) được Hồ Chí Minh viết trong khoảng thời gian từ tháng 8-1942 đến 9-1943, tại các nhà ngục ở Quảng Tây, Trung Quốc là sự kiện rất đặc biệt và cũng có thể là bất ngờ đối với tác giả. Đặc biệt bởi tác giả dường như chưa có một chuẩn bị gì cho sự kiện này. Nói như GS Đặng Thai Mai, đây là tập thơ Hồ Chí Minh ngẫu nhiên mà hái lượm được.

Những giá trị bền vững, sức lan tỏa sâu rộng của Bảo vật quốc gia “Nhật ký trong tù” - 5

GS. Phong Lê phát biểu tại Hội thảo.

Góp phần tìm thêm một vẻ đẹp trong rất nhiều vẻ đẹp trong của thơ Bác, GS. Đinh Xuân Dũng đã đi sâu vào mối quan hệ khăng khít, phong phú giữa cấu tứ, kết cấu và cảm xúc chủ đạo trong các tác phẩm. Theo ông, trong thơ của Bác có sự kết hợp kỳ diệu giữa nội dung và hình thức, giữa hiểu biết, khám phá và sáng tạo. Các mặt đó lại được thể hiện tổng hoà trong một vẻ đẹp giản dị hết mực.

Về thể loại, thơ Hồ Chí Minh chủ yếu theo thể thơ đường luật, trong đó phần lớn là tứ tuyệt. Trong khuôn khổ bốn câu thơ với rất nhiều quy định chặt chẽ về niêm luật, đối thanh, đối ý..., thể tứ tuyệt không có khả năng miêu tả nhiều sự việc, biểu hiện nhiều mặt trạng thái cảm nghĩ... Vấn đề mấu chốt là nhà thơ có bắt trúng những nét điển hình nhất hay không để cho tứ thơ xuyên suốt được một cảm xúc, một suy tưởng, một nét bản chất cần biểu hiện.

Theo GS. Đinh Xuân Dũng để có được những tứ thơ như vậy, dòng mạch tư duy của Bác trong thơ thường có một nét nổi bật. Đó là sự phát hiện những dạng đối lập đứng cạnh nhau giữa các sự vật, hiện tượng hay trong bản thân một sự vật, hiện tượng và cả trong chính thái độ, tâm trạng của tác giả. Trong thơ của Bác đồng thời chứa đựng chất thép, vẻ đẹp kỳ diệu của tâm hồn và cả những sắc màu lung linh muôn vẻ của tâm hồn ấy.

Những giá trị bền vững, sức lan tỏa sâu rộng của Bảo vật quốc gia “Nhật ký trong tù” - 6

Trang bìa cuốn "Ngục trung nhật ký" được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong thời gian bị giam giữ tại nhà tù tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, năm 1942-1943. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Tác phẩm “Nhật ký trong tù” có nhiều giá trị to lớn, có sức lan tỏa sâu rộng trong nước và trên thế giới. Từ năm 1960, tập Ngục trung nhật ký đã được chuyển từ tiếng Hán sang tiếng Việt và sau đó được dịch ra tiếng Nga, tiếng Ba Lan, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Hung, tiếng Đan Mạch, tiếng Đức… Cho đến nay tác phẩm đã được dịch ra gần 40 thứ tiếng, được đông đảo người đọc trên thế giới đón nhận nồng nhiệt.

Tham luận về vấn đề tiếp nhận “Nhật ký trong tù” ở Trung Quốc, PGS. TS Nguyễn Thu Hiền cho biết, tại Trung Quốc, “Nhật ký trong tù” có một đời sống văn học tương đối đặc biệt, người đọc Trung Quốc có thể đọc trực tiếp thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà không cần bất cứ một cầu nối dịch thuật nào. Và cũng bởi vậy, Trung Quốc là một trong những không gian văn hóa để “Nhật ký trong tù” dễ được tiếp nhận trọn vẹn hơn so với những khu vực văn hóa khác trên thế giới.

Qua nghiên cứu quá trình tiếp nhận tác phẩm “Nhật ký trong tù” ở Trung Quốc, theo PGS. TS Nguyễn Thu Hiền, có thể nhận diện được hai khuynh hướng chính đó là khuynh hướng kinh điển hóa, tác phẩm được coi như một kết tinh của tư tưởng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và một khuynh hướng thể hiện sự chuyển dịch theo hướng học thuật hóa trong nghiên cứu bằng việc các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã công bố nhiều công trình về tác phẩm này.

Những giá trị bền vững, sức lan tỏa sâu rộng của Bảo vật quốc gia “Nhật ký trong tù” - 7

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Đọc “Nhật ký trong tù”, chúng ta được gặp một nghệ sĩ có trái tim yêu thương rộng lớn, nhạy cảm trước vẻ đẹp thiên nhiên và cuộc sống. Dù ở trong tình thế và cảnh ngộ nào, Người vẫn hòa mình cùng người bạn thiên nhiên.

Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh cũng là phần làm cho chúng ta xúc động khi tiếp cận tác phẩm “Nhật ký trong tù”, đó là tình yêu thương, chia sẻ, nâng đỡ con người; là sự thấu cảm với những mảnh đời éo le, bất hạnh. Văn chương trong “Nhật ký trong tù” là văn chương chuyên chú về con người, lo đời, đau đời, cảm thông sâu sắc với số phận con người.

Sức sống mãnh liệt, lâu bền, sức lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ của “Nhật ký trong tù” suốt 80 năm qua đã trở thành chân lý của sáng tạo nghệ thuật: Khi đi đến tận cùng của tâm hồn, cảm xúc, thân phận con người, tình yêu Tổ quốc thì sẽ bắt gặp cái chung cao đẹp của cộng đồng và của nhân loại.

Phát huy tốt hơn giá trị đặc biệt của “Nhật ký trong tù”

Hội thảo 80 năm “Nhật ký trong tù” - Những giá trị bền vững, sức lan tỏa sâu rộng được tổ chức vào thời điểm rất có ý nghĩa, khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã bày tỏ sự phấn khởi khi được lắng nghe những ý kiến tham luận đầy tâm huyết, trí tuệ, sâu sắc của các nhà khoa học, nhà quản lý và các văn nghệ sĩ.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa mong muốn các nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiếp tục đầu tư nghiên cứu, giới thiệu những giá trị to lớn, đặc sắc về tư tưởng và nghệ thuật của tập thơ, để lan tỏa sâu rộng hơn nữa đến đồng bào ta ở trong và ngoài nước, cùng bạn bè quốc tế.

Những giá trị bền vững, sức lan tỏa sâu rộng của Bảo vật quốc gia “Nhật ký trong tù” - 8

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận Hội thảo.

Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị các cấp, các ngành quan tâm, lĩnh hội đầy đủ giá trị đặc biệt của tác phẩm, để tiếp tục trau dồi, bồi dưỡng tâm hồn, bản lĩnh và đạo đức cách mạng, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao; góp phần xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội; để đất nước ta “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ khẳng định, kết quả của Hội thảo là những luận cứ khoa học để Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tư vấn giúp Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, địa phương, các cơ quan nghiên cứu, giáo dục có những chủ trương, chính sách, biện pháp tiếp thu và phát huy tốt hơn giá trị đặc biệt của Bảo vật quốc gia “Nhật ký trong tù”.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất