Nghi án “đạo văn" chấn động văn đàn: PGS.TS Đỗ Lai Thúy chính thức lên tiếng
Liên quan đến nghi án “đạo văn" chấn động văn đàn gần đây, về cuốn sách được hai giải thưởng của hai đơn vị danh giá là Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và Hội Nhà văn Việt Nam, PGS.TS Đỗ Lai Thúy liên tục bị “réo tên".
Bởi lẽ, tên của PGS.TS Đỗ Lai Thúy xuất hiện trong đề tài nghiên cứu cấp bộ do TS Vũ Thị Trang chủ biên. Một phần của đề tài này xuất hiện trong sách Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật. Và đây chính là đề tài mà TS Đỗ Hải Ninh đặt nghi vấn về liêm chính học thuật đối với TS Vũ Thị Trang khi cho rằng TS Trang đã lấy hơn 11.700 chữ của mình đưa vào sách cá nhân (tạm gọi nghi án “đạo văn” số 1). Vụ việc vẫn chưa lắng xuống thì một lần nữa, người ta lại phát hiện ra một nghi án “đạo văn” khác song song tồn tại. Và một lần nữa, sự việc lại liên quan đến PGS.TS Đỗ Lai Thúy.
Nghi án mới này, liên quan đến cuốn sách Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy của chính PGS.TS Đỗ Lai Thúy, xuất bản năm 2011.
Theo đó, khoảng 8 trang sách Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật của TS Trang giống nhiều đoạn văn ở các trang khác nhau trong cuốn sách của PGS.TS Đỗ Lai Thúy, thống kê theo công bố của nhà báo Thiên Điểu, báo Tuổi Trẻ.
Tuy nhiên, PGS.TS Đỗ Lai Thúy lại chính là người viết lời giới thiệu cho cuốn sách của TS Trang.
Bức ảnh quảng bá về cuốn sách "Phê bình phâm tâm học: Phía của những ám ảnh nghệ thuật" được TS Vũ Thị Trang đang tải trên trang cá nhân vào tháng 3/2021.
Giữ im lặng và từ chối trả lời phỏng vấn suốt thời gian nghi án “đạo văn” số 1 nổ ra, cuối cùng, PGS.TS Đỗ Lai Thúy cũng đã lên tiếng chính thức trong nghi án “đạo văn" liên quan trực tiếp đến mình.
Trả lời phỏng vấn Thời báo Văn học Nghệ thuật, PGS. TS Đỗ Lai Thúy khẳng định chỉ trả lời duy nhất câu hỏi “dính” đến mình.
Ông cho biết: “Tôi chỉ trả lời ngắn gọn rằng phần liên quan đến tôi là phần dẫn luận chứ không phải là chính văn. Vì ở trong đó (cuốn sách của TS Trang - PV) người ta có nhắc đến tôi, người ta có quyền nhắc đến tôi và có quyền trích dẫn. Đấy là sự khác biệt giữa dẫn luận và chính văn. Vì thế tôi nghĩ rằng không có vấn đề bản quyền ở đây. Và nếu như mọi người nghĩ rằng “có” thì tôi sẽ không có tranh chấp bản quyền gì với Trang cả".
Lời giới thiệu cuốn sách Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật của PGS.TS Đỗ Lai Thúy:
Một cuốn sách hay khiến người đọc bị ám ảnh. Anh ta có thể đọc đi đọc lại mãi không chán. Và, ở mỗi lần đọc, anh lại biết thêm một lớp nghĩa mới, lại trải nghiệm thêm một thích khoái thẩm mĩ mới. Bởi vậy, tìm hiểu cái hay của một tác phẩm văn học, thực chất là giải phẫu cái ám ảnh nghệ thuật này, nhất là nhờ đến con dao mổ của Phê bình phân tâm học. Chuyên khảo Phê bình phân tâm học – Phía của những ám ảnh nghệ thuật của TS. Vũ Thị Trang là một công trình Phê bình phân tâm học như vậy.
Phân tâm học hay tâm lý học các chiều sâu nghiên cứu phần vô thức trong con người. Vô thức như phần chìm của tảng băng quyết định hướng trôi, tốc độ trôi, quyết định ý thức, tâm tư, chí hướng và hành vi của con người. Phân tâm học, như vậy, nghiên cứu con người, đúng hơn là con người trong con người, con người vô thức. Mà con người thì là chủ/khách thể của vô vàn những cạnh khía của đời sống cá nhân và xã hội. Phân tâm học, vì thế, mau chóng trở thành một khoa học nhân bản, phổ quát. Riêng đối với văn học, thứ nhân học ấy, Phân tâm học lại càng thành công trong lĩnh vực phê bình. Từ đó, Phê bình phân tâm học ra đời.
Phê bình phân tâm học, theo diễn trình phát triển của nó, đã trải qua ba giai đoạn: 1/ Phê bình phân tâm học tiểu sử/ Freud; 2/ Phê bình phân tâm học văn bản/Jung; 3/ Phê bình phân tâm học người đọc/Lacan/Holland. Tuy nhiên, trong thực tiễn phê bình tác phẩm, nhất là các công trình phê bình gần đây, không phải bao giờ người ta cũng rạch ròi chỉ sử dụng chuyên một phương pháp, mà sử dụng cùng lúc cả ba phương pháp, hoặc lấy một phương pháp làm chủ đạo, còn hai phương pháp kia là bổ trợ. Đây là lối Phê bình phân tâm học phức hợp (từ Nguyễn Mạnh Tiến dùng để chỉ các Phê bình phân tâm Đỗ Lai Thúy) hết sức hiệu quả của TS. Vũ Thị Trang, đặc biệt trong công trình phân tích, lý giải những biểu tượng ám ảnh.
Có một phương pháp đi tìm biểu tượng ám ảnh do Charles Mauron, nhà phân tâm học người Pháp, cha đẻ của thuật ngữ Phê bình phân tâm học, đó là xếp chồng văn bản, tức lấy những chương/đoạn của một tác phẩm, hay những tác phẩm của một tác giả, xếp chồng lên nhau, như ta xếp chồng những tấm lưới. Người đọc bắt gặp ở các văn bản được xếp chồng những hình ảnh, biểu tượng đơn lẻ, thông thường, nhiều lần trùng nhau. Nếu tần số lặp lại của chúng lớn đến một mức độ nào đó thì đấy chính là những biểu tượng ám ảnh. Sự có mặt một cách thường xuyên của những biểu tượng là do tiềm thức, tức vô thức cá nhân hoặc vô thức tập thể muốn/thúc nhắc ý thức chúng ta một điều gì đó. Tìm hiểu sâu hơn những biểu tượng ám ảnh này sẽ thấy hiện lên thế giới nội tâm của tác giả. Ở mỗi con người, đặc biệt là các nhà văn, Charles Mauron giải thích, đều có những chấn thương ấu thời, tạo thành những phức cảm, rồi chúng kết đọng lại thành huyền thoại cá nhân. Mỗi nhà văn đều có thứ hoang tưởng này. Đó chính là động lực sáng tạo của anh ta, là thế giới nghệ thuật riêng của anh ta.
Nghiên cứu tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, tác giả Vũ Thị Trang đã tìm ra những biểu tượng ám ảnh đặc sắc như ám ảnh tính dục, ám ảnh tâm linh, ám ảnh đám đông… Các nhân vật Nghị Hách, Thị Mịch, Long trong Giông tố, bà Phó Đoan, Tuyết, Tuýp Phờ Nờ (TYPN) trong Số đỏ, Huyền trong Làm đĩ luôn bị ám ảnh dục tình, bị chi phối, điều khiển bởi dục tình. Trong sáng tác của nhà văn này còn xuất hiện nhiều nhân vật thầy bói, thầy tướng số, thầy phong thủy. Đặc biệt, nhân vật Hải Vân – nhà cách mạng, nhưng lại là người theo thuyết định mệnh, Xuân Tóc Đỏ thì luôn tin vào “số đỏ” của mình. Rồi biểu tượng đám đông, chưa thành quần chúng, ở thôn quê qua việc phát chẩn trong Vỡ đê, ở thành phố qua đám tang Cụ Cố Hồng, hoặc đám đông tung hô Xuân Tóc Đỏ ở sân quần vợt, tạo ra hình ảnh một đám đông nhếch nhác, một xã hội nhếch nhác. Tuy chưa đi đến sự khám phá ra một huyền thoại cá nhân ở/của Vũ Trọng Phụng, nhưng TS. Vũ Thị Trang đã có những lý giải thuyết phục như nhu cầu khẳng định sự tồn tại bản thể, sự nhạo báng niềm tin, những xung đột vô thức, nhất là mặc cảm cái Tôi.
Những xung đột và mặc cảm cái Tôi nghệ sĩ được tác giả công trình này chuyển sang nghiên cứu một cách trực tiếp qua các hồi ký, tự truyện. Xin kể một vài cuốn Chiều chiều và Cát bụi chân ai của Tô Hoài, Lê Vân yêu và sống (Bùi Mai Hạnh chấp bút), Để gió cuốn đi của Ái Vân, Chuyện nghề của Thủy (Lê Thanh Dũng chấp bút), Hồi ký của Phạm Duy, Một mình ở châu Âu, Xuyên Mỹ, Về nhà của Phan Việt… Qua những ám ảnh về tự do, người viết đã làm rõ được sự xung đột của những cái Tôi trong tự truyện Việt Nam đương đại. Có thể thấy, đến với hồi ký văn học, tự truyện, các nhà văn đã có thể giãi bày, giải tỏa những ẩn ức nội tâm, dũng cảm đối diện với chính mình trong quá khứ, và, nhờ đó, nhận thức được trách nhiệm của mình trong cuộc sống hôm nay.
Sau 1986, Đổi mới và Mở cửa, xã hội Việt Nam, một mặt vừa quay lại với tính chất dân sự của thời Vũ Trọng Phụng, mặt khác có nhiều điểm khác trước. Điều này phản ánh rõ trong tiểu thuyết. Bởi vậy, nghiên cứu tiểu thuyết đương đại từ Phê bình phân tâm học, Vũ Thị Trang muốn cấp cho người đọc một so sánh thú vị với tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng. Cũng vẫn trên những chủ đề như ám ảnh tính dục, ám ảnh tâm linh và ám ảnh hiện sinh (thay cho ám ảnh đám đông), người viết tìm ra những cạnh khía mới và, do đó, khám phá những diễn giải mới. Qua các tác phẩm Dàn thiêu của Võ Thị Hảo, Mẫu thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh, Mình và họ (Xe lên xe xuống) của Nguyễn Bình Phương, 3.3.3.9 những mảnh hồn trần của Đặng Thân…, tác giả chống lại những cấm kị tính dục qua các thời đại. Còn ở Bến không chồng của Dương Hướng, Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, Thần thánh và bươm bướm của Đỗ Minh Tuấn… là những diễn ngôn nữ quyền luận. Rồi ám ảnh hiện sinh với những tác phẩm Mưa ở kiếp sau, Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng, Thoạt kỳ thủy, Ngồi của Nguyễn Bình Phương, T mất tích của Thuận… được lý giải bằng kiếm tìm sự tồn tại (nỗi cô đơn mang tính bản thể), cảm thức lưu vong (nỗi cô đơn mang tính hoàn cảnh), cô đơn giữa đám đông (nỗi cô đơn mang tính thời đại).
Phân tâm học là một đại dương, mênh mông và sâu kín. Phê bình phân tâm học tìm ra những con đường để dò nơi “rốn bể” ấy, phát hiện thêm nhiều chiều kích thẩm mỹ mới, lần mở đường biên tác phẩm. Vũ Thị Trang thì đi sâu vào giải mã những ám ảnh để tìm ra những giá trị nghệ thuật ở phía bên kia nó…
None
Bình luận