Cuộc thi viết “Hà Nội & Tôi”: Góp nhặt những “miền riêng về Hà Nội”
Với mong muốn góp nhặt những “miền riêng về Hà Nội”, Cuộc thi viết “Hà Nội & Tôi” là dịp để mỗi người được trải lòng mình với những điều giản dị, riêng có của Hà Nội… Từ đó, tôn vinh, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống, cốt cách thanh lịch văn minh của người Hà Nội.
Cơ hội thể hiện góc nhìn, cảm xúc với Thủ đô
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), sáng 27/9, tại Phố sách Hà Nội 19/12, Tạp chí Người Hà Nội tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Hà Nội & Tôi”.
Quang cảnh Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Hà Nội & Tôi”.
Phát biểu tại buổi Lễ, nhà báo Vương Minh Huệ - Tổng Biên tập Tạp chí Người Hà Nội nhấn mạnh, Hà Nội không chỉ là nguồn cảm hứng bất tận đối với các văn nghệ sĩ mà còn đối với những người gắn bó, sinh sống, làm việc và rời xa Hà Nội. Mỗi người đều mang trong mình những hồi ức về Hà Nội với những xúc cảm riêng biệt, để khi gắn bó thì yêu thương, trân quý; khi rời đi thì nuối tiếc, nhung nhớ khôn nguôi.
Theo nhà báo Vương Minh Huệ, các tác tác phẩm dự thi đã phản ánh sinh động những nét văn hóa đặc trưng của mảnh đất Hà thành. Qua từng trang viết, người đọc được trở về với một Hà Nội xưa cũ trong những dấu tích kinh thành ở vùng đất Thập Tam Trại, “núi Tổ” Ba Vì, thành Ô Diên, những ngôi chùa cổ, làng cổ...; được khám di tích danh thắng của Thăng Long - Hà Nội như năm cửa ô, cột cờ Hà Nội, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, núi Đôi; được chu du cùng Hà Nội trong những cung đường, mùa hoa... Nhiều món ăn Hà Nội một thời cũng được gợi nhắc, nào phở gánh, phở Phú Gia, nem Phùng; nào bánh mì Ngã Tư Sở, cốm Mễ Trì, kem Tràng Tiền, bánh cuốn, bánh chưng xanh…
Bên cạnh đó, không ít tác phẩm đã gửi gắm những ký ức, hoài niệm, sự gắn bó, tình yêu, nỗi nhớ về Hà Nội. Ký ức, hoài niệm ấy có khi là một góc phố, một bản nhạc, một mùi hương, một gánh hàng rong, một khoảnh khắc giao mùa; có khi là hồi ức về nét đẹp công sở của Hà Nội thập niên 70 – 80, về lần đầu đặt chân lên Hà Nội, về một thời gác trọ sinh viên nơi Thủ đô; có khi là những hồi ức gắn với những con người bình dị mà ấm áp, chân tình. Và phía sau những hoài niệm chất chứa niềm thương nhớ là cốt cách, nét hào hoa, thanh lịch của người Hà Nội.
Nhà báo Vương Minh Huệ - Tổng Biên tập Tạp chí Người Hà Nội phát biểu khai mạc buổi Lễ.
NSND Trần Quốc Chiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội bày tỏ niềm vui mừng khi thấy các tác giả dự thi từ nhiều vùng miền về tham dự lễ tổng kết và trao giải thưởng. Theo ông, điều này cho thấy sức lan tỏa của Cuộc thi cũng như tình yêu của độc giả cả nước dành cho Hà Nội.
NSND Trần Quốc Chiêm kỳ vọng, Cuộc thi viết “Hà Nội & Tôi” sẽ trở thành sân chơi văn học đầy ý nghĩa, là cơ hội để các tác giả ở mọi lứa tuổi, trên khắp mọi miền Tổ quốc thể hiện góc nhìn, cảm xúc của mình với Thủ đô Hà Nội; góp phần khơi dậy, bồi đắp tình yêu, niềm tự hào đối với mảnh đất ngàn năm văn hiến, góp thêm tiếng nói xây dựng Thủ đô ngày một văn minh, hiện đại.
NSND Trần Quốc Chiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội phát biểu.
Vinh danh 10 tác phẩm xuất sắc nhất
Với chủ đề “Hà Nội & Tôi” đầy sự gợi mở, Cuộc thi viết được Tạp chí Người Hà Nội phát động từ tháng 10/2022 đã nhận được sự quan tâm, tham gia của nhiều cây bút chuyên, không chuyên cũng như các tác giả trên cả nước và kiều bào ở nước ngoài với nhiều tác phẩm chất lượng.
Đáng chú ý, bên cạnh các tác giả trẻ tích cực hưởng ứng cuộc thi còn có không ít những tác giả cao niên cũng nhiệt tình gửi bài tham dự như tác giả Nguyễn Văn Cự, Phạm Xuân Trường, Phùng Khánh, Đào Ngọc Chung... đều đã ngoài 80 tuổi.
Giao lưu với các tác giả tham dự cuộc thi.
Các tác phẩm dự thi thuộc nhiều thể loại như: tản văn, ký, ghi chép, phóng sự phản ánh sinh động những nét văn hóa đặc trưng của mảnh đất Hà thành như: ẩm thực, nghề truyền thống, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, nghệ thuật, di sản...; đặc biệt là cốt cách người Hà Nội từ chiều sâu quá khứ vẫn “lấp lánh” trong đời sống hôm nay.
Viết về Hà Nội, nhiều tác giả đã cố gắng để “bứt” khỏi những lối mòn bằng sự tìm tòi, thể hiện cách nhìn mới. Nhiều tác phẩm tham dự cuộc thi đã phản ánh “hơi thở” cuộc sống, cho thấy những góc nhìn đa chiều cùng những mong ước, trăn trở, kỳ vọng về một Hà Nội trong tương lai. Đồng thời, cũng có những tác phẩm đề cập tới những kiến giải, khơi gợi cho mỗi người cùng suy ngẫm về trách nhiệm cá nhân để góp phần dựng xây Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững.
Từ gần 400 tác phẩm dự thi, Hội đồng giám khảo đã thống nhất chọn ra 10 tác phẩm xuất sắc nhất trong số 30 tác phẩm vào vòng chung khảo để trao giải. Trong đó, giải Nhất được trao cho tác phẩm Hà Nội trong tôi có một cây cầu và dòng sông - tác giả Đào Thị Thu Hiền (Hà Nội).
Trao giải Nhất cho tác giả Đào Thị Thu Hiền.
Giải Nhì được trao cho hai tác phẩm Phố cổ: Hoài niệm và tình yêu - tác giả Trà Mi (Hà Nội) và Cẩm nang tôi - Hà Nội có lâu rồi - tác giả Mộc Nhiên (Thái Nguyên).
Trao giải Nhì cho các tác giả.
Giải Ba được trao cho ba tác phẩm: Thăng Long - Hà Nội và giấc mơ hóa rồng - tác giả Vũ Minh Phúc (Hà Nội), Hà Nội trong mắt tôi – tác giả Bùi Duy Phong (Bình Định), Thanh âm ngày ấy – tác giả Nguyễn Thị Vân Kim (Hà Nội).
Trao giải Ba cho các tác giả.
Giải Khuyến khích được trao cho bốn tác phẩm: Hà Nội thương một đời, đâu phải… tạm thương! – tác giả Lê Minh (Đức), Ấm áp tình người Hà Nội – tác giả Nguyễn Vân Hậu (Lâm Đồng), Đêm giao thừa ấy ở Hà Nội – tác giả Phùng Khánh (Hà Nội), Hà Nội Phú Quang – tác giả Hồ Huy (Vũng Tàu).
Trao giải Khuyến khích cho các tác giả.
Bên cạnh đó, Ban Tổ chức đã chọn ra 25 tác phẩm có lượt người xem cao nhất trong từng tháng, từng quý và từng năm để trao các giải phụ.
Nhà thơ Bùi Việt Mỹ - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, thành viên Hội đồng giám khảo nhận định: “Các tác phẩm được chọn vào vòng chung khảo đều là các tác phẩm xứng đáng, có thể tập hợp để in thành một tập sách hay về Hà Nội. Đối tượng được thể hiện trong bài viết có thể giống nhau song cách tiếp cận và cảm nhận của mỗi tác giả khá riêng nên lối thể hiện cũng khác, bộc lộ tài hoa của từng tác giả, chuyển tải được tình cảm người viết với Hà Nội. Nhiều bài viết có sự đầu tư, tìm tòi, thể hiện cách nhìn mới về Hà Nội. Đây là điều mà Hội đồng giám khảo hết sức ghi nhận”.
Để lan tỏa rộng rãi các tác phẩm đến với độc giả, các bài dự thi đảm bảo đúng yêu cầu thể lệ cuộc thi đã được Tạp chí Người Hà Nội lần lượt giới thiệu trong chuyên mục Cuộc thi viết “Hà Nội & Tôi” trên Tạp chí điện tử Người Hà Nội.
Sau thành công của cuộc thi viết “Hà Nội & Tôi” lần thứ nhất, Tạp chí Người Hà Nội tiếp tục phát động cuộc thi viết “Hà Nội & Tôi” lần thứ hai với chủ đề “Hà Nội: Chuyện làng, chuyện phố”. |
"Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về Nghề báo – Người làm báo Thủ đô và cả nước 2025" góp phần lan...
Bình luận