Đảm bảo công tác xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về Văn học, nghệ thuật sát yêu cầu thực tiễn

Bộ VHTTDL vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ về “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về Văn học, nghệ thuật (Nghị định 90); Nghị định số 133/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2014/NĐ-CP (Nghị định 133) khu vực phía Bắc.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến về quá trình thực thi Nghị định 90, Nghị định 133 đã được lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ VHTTDL; lãnh đạo các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương và một số địa phương nêu lên.

Đảm bảo công tác xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về Văn học, nghệ thuật sát yêu cầu thực tiễn - 1

Toàn cảnh hội nghị diễn ra vào ngày 28/11 tại Hà Nội. Tham dự Hội nghị có đại diện các Ban, Bộ, ngành Trung ương; các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL; các Sở VHTTDl, Sở VHTT; các Hội VHNT chuyên ngành cùng nhiều chuyên gia, văn nghệ sĩ…

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều kiến nghị xem xét lại quy định về xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh: “Quy định tác phẩm đã sử dụng để xét Giải thưởng Nhà nước không được tiếp tục sử dụng để đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh còn bất cập. Trong văn học, một nhà văn được xét tặng Giải thưởng Nhà nước hầu hết đã qua thời kỳ sung sức của sáng tạo, thường trên 50 hoặc 60, 70 tuổi. Những thăng hoa, đột phá trong sáng tạo sau giai đoạn này rất hiếm. Do vậy sẽ khó có thể có tác phẩm xuất sắc hơn những tác phẩm đã được đề nghị xét Giải thưởng Nhà nước. Trong khi, Giải thưởng Hồ Chí Minh là một giải thưởng danh giá, kiêu hãnh, cần là sự ghi nhận cả cuộc đời sáng tác của mỗi tác giả”.

Đảm bảo công tác xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về Văn học, nghệ thuật sát yêu cầu thực tiễn - 2

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều phát biểu tại Hội nghị

Ý kiến của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam được nhiều người đồng tình. Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Văn Tân cho rằng, xuất phát từ những quy định về tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh nên dẫn đến thực trạng còn bất cập này.

Để nâng cao hiệu quả xét tặng các Giải thưởng, theo ông Tân, cần có cơ chế lấy ý kiến phản hồi công chúng, từ đó định lượng sức ảnh hưởng của tác phẩm đối với đời sống. Bên cạnh đó, Giải thưởng Hồ Chí Minh là giải thưởng cao quý, phải chọn lọc, kết tinh từ các giải thưởng cao nhất của các cuộc thi chuyên ngành, nếu lấy các giải thấp trong những cuộc thi này để đưa vào hồ sơ xét tặng sẽ hạ thấp uy tín giải.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đồng tình: “Nhiều nhạc sĩ phải đến 50-60 tuổi mới được trao Giải thưởng Nhà nước, sau đó họ không còn đủ quỹ thời gian để có thể có tác phẩm đỉnh cao. Do vậy khó có thể từ sau Giải thưởng Nhà nước đến Giải thưởng Hồ Chí Minh, tác giả khó có thể sáng tạo tác phẩm xuất sắc”.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành đề xuất, để khắc phục bất cập này, nên chăng sửa đổi quy định thành tác giả có thể đăng ký đề nghị xét luôn Giải thưởng Hồ Chí Minh mà không cần qua bước xét Giải thưởng Nhà nước. Ông Thành nêu, trong mỹ thuật, họa sĩ Nguyễn Gia Trí cũng đã đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và đã được trao tặng Giải thưởng này mà không qua xét Giải thưởng Nhà nước.

Đảm bảo công tác xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về Văn học, nghệ thuật sát yêu cầu thực tiễn - 3

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành phát biểu tại Hội nghị

Cũng theo Cục trưởng Vi Kiến Thành, không nên tách phim điện ảnh, truyền hình thành hai hạng mục khi xét giải, bởi đây là hai loại hình cùng chung ngôn ngữ, tư duy sáng tác, chỉ khác nhau về độ dài và kỹ thuật. Trong Nghị định sửa đổi sắp tới, theo ông Vi Kiến Thành, cần xác định ai là tác giả chính trong các tác phẩm điện ảnh, sân khấu và biểu diễn - những tác phẩm nghệ thuật của một tập thể sáng tạo. Như vậy sẽ tránh được những tranh chấp kéo dài.

Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương nêu, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các văn nghệ sĩ, sau tiếng nói quan trọng của Hội đồng cơ sở, đến Hội đồng cấp Nhà nước, ý kiến của Chủ tịch Hội chuyên ngành tham gia Hội đồng này cần mang tính chất định hướng, quyết định.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông nêu dù tại Nghị định 133 đã quy định tác phẩm được công bố, sử dụng trước năm 1993 thì không cần giải thưởng nhưng kể cả giai đoạn sau 1993, trong hoạt động của Hội VHNT chuyên ngành, lãnh đạo các Hội và nhiều nghệ sĩ lâu năm, tên tuổi lại không tham gia liên hoan giải thưởng, do vậy không đủ tiêu chuẩn để tham gia xét tặng Giải thưởng. Đây là một bất cập cần nghiên cứu giải pháp sao cho vừa bám sát Luật Thi đua khen thưởng, vừa tránh sự cứng nhắc thiệt thòi cho văn nghệ sĩ.

Đảm bảo công tác xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về Văn học, nghệ thuật sát yêu cầu thực tiễn - 4

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông phát biểu tại Hội nghị 

Một số ý kiến cho rằng, quy định tỉ lệ phiếu đồng ý của các thành viên Hội đồng phải đạt từ 80% phiếu đồng ý của tổng số thành viên có mặt tại cuộc họp vẫn là con số cao, cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét cho phù hợp.

Trước những ý kiến của lãnh đạo các Cục, Vụ, Hội VHNT nêu lên tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho biết: "Bộ VHTTDL luôn lắng nghe và mong muốn có sự phối hợp các Bộ, ngành, địa phương, các Hội chuyên ngành để triển khai xây dựng, tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định mới đạt hiệu quả, hoàn thiện nhất, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra".

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết thêm, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức Hội nghị về nội dung này tại TP Hồ Chí Minh để lấy ý kiến đóng góp của các nghệ sĩ, nhà quản lý khu vực phía Nam. Từ đó, Bộ VHTTDL sẽ tổng hợp, ghi nhận những ý kiến đóng góp trong quá trình nghiên cứu, tham mưu, sửa đổi Nghị định 90 và Nghị định 133.

Minh Tâm

Tin liên quan

Tin mới nhất