Dấu ấn 40 năm phát triển của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

I/ LỊCH SỬ RA ĐỜI

Trải qua quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc trí thức Việt Nam luôn nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và có vai trò quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Trong thời đại Hồ Chí Minh, tri thức nước nhà đã không ngừng phấn đấu hy sinh, hăng hái tham gia khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Nửa đầu thế kỷ XX, nhiều tổ chức của trí thức đã được thành lập và phát triển rộng khắp như: Hội truyền bá quốc ngữ (1938), Hội văn hóa cứu quốc  (1943), Hội văn nghệ Việt Nam (1948) góp phần tích cực mở mang dân trí, giải phóng dân tộc, chấn hưng đất nước.

Dấu ấn 40 năm phát triển của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội Phổ biến Khoa học, Kỹ thuật Việt Nam.

Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước không những có tác dụng giải phóng lực lượng sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, mà còn tạo ra không khí cởi mở và luồng sinh khí mới vào các hoạt động xã hội, tạo điều kiện cho sự hình thành các hội khoa học và công nghệ. Trong vòng hơn 2 thập kỷ, đã có gần 50 hội được thành lập, cùng với các hội được thành lập trước đó đã đưa tổng hợp số hội KHCN đạt con số 66 Hội.

Từ thực tế này, xu thế tập hợp các Hội khoa học và công nghệ thành một tổ chức chung, thống nhất là tất yếu. Tháng 3/1965, Ủy ban Liên lạc lâm thời các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam được thành lập. Các nhà khoa học Hà Nội đã tiên phong thành lập hội đầu tiên của cả nước (1982) mang tên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội.

Đầu những  năm 80 của thế kỷ XX, thực tế đã hội đủ những điều kiện cần thiết cho sự ra đời một tổ chức thống nhất của Hội Khoa học và công nghệ. Trong sự cố gắng hoạt động và chuẩn bị của Ủy ban liên lạc lâm thời, ngày 26/3/1983 với sự có mặt của 14 hội khoa học kỹ thuật cả nước và Hội Khoa học kỹ thuât Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam được chính thức thành lập, đánh dấu mọt sự kiện quan trọng của đất nước.

II/ TÁM KỲ ĐẠI HỘI TỪ NGÀY THÀNH LẬP ĐẾN NAY

1/ Đại hội I: được diễn ra vào ngày 26/3/1983 tại Khách sạn Bờ hồ Hà Nội. Đại hội đã thông qua điều lệ và bầu BCH TW Liên hiệp Hội Việt Nam. Giáo sư viện sỹ Trần Đại Nghĩa được bầu là Chủ tịch; các Giáo sư: Nguyễn Văn Hiệu, Đào Văn Tập, Lê Văn Thời, Kỹ sư Lê Khắc, là Phó Chủ tịch.

Ngày 29/7/1983 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) có Quyết định số 121 HĐBT cho phép chính thức thành lập và hoạt động. Đại hội vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng nhiều đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Dấu ấn 40 năm phát triển của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - 2

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đại biểu tham dự Đại hội lần thứ nhất.

2/ Đại hội II: diễn ra từ ngày 12/5/1988 tại Nhà hát lớn Hà Nội với sự tham gia của đại biểu 18 hội ngành toàn quốc và 5 Liên hiệp hội địa phương. Đại hội đã bầu 49 Ủy viên BCH TW Hội nhiệm kỳ 88-93. GSTS Hà Học Trạc được bầu làm Chủ tịch; các GSTS Trịnh Văn Tự, Phạm Sỹ Liêm, được bầu làm Phó chủ tịch. Giáo sư viện sỹ Trần Đại Nghĩa được suy tôn làm Chủ tịch danh dự Liên hiệp Hội Việt Nam.

Đại hội vinh dự được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới dự và phát biểu chỉ đạo (Đại hội còn có sự tham dự của các đại biểu quốc tế là các Trưởng  đoàn của Liên Xô và Bungari).

3/ Đại hội III: Diễn ra trong 2 ngày 27 và 28/9/1993 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) với 184 đại biểu thay mặt cho 34 hội ngành toàn quốc và 8 liên hiệp hội địa phương.

Đại hội đã bầu Đoàn Chủ tịch Hội đồng TW Liên hiệp Hội Việt Nam nhiệm kỳ 1 (1993-1999) gồm 11 Ủy viên. GSTS Hà Học Trạc được bầu tái cử là Chủ tịch, các GSTS Phan Huy Lê, Phạm Sỹ Liêm, Nguyễn Hữu Tăng, được bầu làm Phó Chủ tịch.

Đại hội vinh dự được Tổng Bí thư Đỗ Mười, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự và phát biểu chỉ đạo.

4/ Đại hội IV: diễn ra trong 2 ngày 8 và 9/1/1999 tại Nhà hát lớn Hà Nội với sự có mặt của 213 đại biểu thay mặt cho 40 Hội ngành TW và 19 Liên hiệp hội địa phương.

Đại hội đã bầu 133 Ủy viên Hội đồng TW và 17 Ủy viên Đoàn Chủ tịch liên hiệp hội (nhiệm kỳ 1999-2004). GS viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng được bầu làm Chủ tịch, các GSTS Hồ Uy Liêm, Nguyễn Hữu Tăng, Trần Ngọc Hiên, được bầu làm Phó Chủ tịch.

Đại hội vinh dự được đón Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Thủ tướng Phan Văn Khải, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới dự và phát biểu chỉ đạo. Nhân dịp này, Liên hiệp hội được Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình  trao tặng Huân chương Độc lập Hạng Nhất cho Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

5/ Đại hội V: diễn ra trong 2 ngày 27 và 28/1/2004 tại Nhà hát lớn Hà Nội với sự có mặt của 434 đại biểu thay mặt cho 56 Hội ngành toàn quốc và 36 Liên hiệp hội địa phương.

Đại hội đã bầu 212 Ủy viên Hội đồng TW nhiệm kỳ 2004-2009. GS viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng được bầu tái cử làm Chủ tịch, các GSTS: Hồ Uy Liêm, Nguyễn Hữu Tăng, Trần Ngọc Hiên, Phạm Mạnh Hùng, Phạm Quốc Anh, được bầu làm Phó Chủ tịch hội đồng TW Liên hiệp Hội Việt Nam.

Đại hội vinh dự được đón đồng chí Phan Diễn- Thường trực Bộ Chính trị, Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự. Tại nhiệm kỳ này, nhân kỷ niệm 25 năm ngày truyền thống 26/3/1983-26/3/2008, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

6/Đại hội VI: diễn ra vào ngày 27 và 28/4/2010 tại Hà Nội với sự có mặt của 677 đại biểu thay mặt cho 125 Hội thành viên. Đại hội đã bầu 144 Ủy viên và 23 thành viên Hội đồng TW do GS viện sỹ Đặng Vũ Minh làm Chủ tịch. Các nhà khoa học: TS Vũ Ngọc Hoàng, PGS-TS Hồ Uy Liêm, TS Trần Việt Hùng, làm Phó Chủ tịch.

Đại hội vinh dự được đón đồng chí Trương Tấn Sang – Thường trực Bộ Chính trị cùng nhiều lãnh đạo, Nguyên lãnh đạo Đảng , Nhà nước tới dự và chỉ đạo Đại hội.

7/ Đại hội VII: diễn ra trong 2 ngày 2 và 3/6/2015 tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô Hà Nội.

Đại hội đã bầu 173 Ủy viên Hội đồng TW, 25 Ủy viên Đoàn Chủ tịch, 5 Ủy viên thường trực nhiệm kỳ 2015-2020. GSTS Đặng Vũ Minh được bầu tái cử làm Chủ tịch, 4 Phó chủ tịch gồm: TS Vũ Ngọc Hoàng, TS Phạm Văn Tân, TS Phạm Tùng Mậu, TS Nghiêm Vũ Khải.

Đại hội vinh dự dược đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới dự và chỉ đạo.

Dấu ấn 40 năm phát triển của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - 3

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Đại hội.

8/ Đại hội VIII: diễn ra trong 2 ngày 24 và 25/12/2020 tại Hà Nội

Đại hội đã bầu 192 Ủy viên Hội đồng TW, Đoàn Chủ tịch, Thường trực Đoàn Chủ tịch và Ủy ban kiểm tra Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025. TS khoa học Phan Xuân Dũng được bầu làm Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch gồm: đồng chí Nguyễn Hồng Diên, đồng chí Phạm Quang Thao.

Đại hội vinh dự được đón đồng chí Nguyễn Xuân Phúc -Ủy viên Bộ chính trị- Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới dự và chỉ đạo Đại hội.

III/ THÀNH TỰU VÀ NHỮNG DẤU ẤN ĐẶC BIỆT

Trải qua chặng đường 40 năm thành lập và phát triển, với 8 nhiệm kỳ Đại hội, các nhà khoa học và trí thức Việt Nam trong ngôi nhà chung là Liên hiệp Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, luôn được sự quan tâm lãnh đạo trực tiếp của Đảng và Nhà nước. Nếu như từ buổi đầu sơ khai chưa ra đời Liên hiệp hội, sau cách mạng tháng 8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam, thì qua suốt 8 kỳ Đại hội đều nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các tổ chức chính trị, đoàn thể TW, Bộ Chính trị, BCH TW khóa 8 đã ban hành chỉ thị 45 TW về việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp Hội các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ đã có các Chỉ thị: 14/2000 CT-TTG; Quyết định 22/2022 QĐ-TTG; Tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 45 CT/TW. Ngày 9/7/2004 Ban Bí thư TW Đảng (khóa IX) ra thông báo 145 TB/TW kết luận về việc tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cChir thị 45 đối với Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, được đề cập trực tiếp  trong Nghị quyết TW 2 khóa VIII. Từ sự quan tâm đó, các chương trình hành động và kết quả hoạt động của Liên hiệp Hội lần lượt được ra đời có hiệu quả như: “Tuần lễ xanh Quốc tế Việt Nam- từ năm 2000) thẩm định hồ sơ kinh tế kỹ thuật có liên quan đến dự án đầu tư: Thủy điện Sơn La (tháng 5/1999), Thủy điện Lai Châu (1/2001), Quy hoạch Thủy điện sông Đà (1/2022), Phản biện thành công hủy bỏ dự án thay nước Hồ Tây. Năm 2000 đã có 7 công trình do Liên hiệp Hội tuyển chọn được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.

Tháng 11/2000 Liên hiệp Hội Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức thành công Hội nghị lần thứ 18 Liên đoàn các tổ chức kỹ sư ASEAN tại Hà Nội. Tháng 10/2004 lần đầu tiên trao chứng chỉ kỹ sư chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN cho 19 kỹ sư Việt Nam. Hội nghị TW7 Khóa X ngày 6/8/2008 về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đã khẳng định “Trong mọi thất bại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội , đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt, sáng tạo và truyền bá tri thức”.

Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng trong sự hình thành và phát triển của kinh tế tri thức... Mục tiêu sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 đòi hỏi phải lựa chọn con đường phát triển rút ngắn, phát huy cao nhất mọi nguồn lực, tiềm năng trí tuệ của dân tộc, đặc biệt là năng lực trí tuệ, sáng tạo của đội ngũ trí thức...

Trong quá trình thực hiện NQ 27 TW của BCH TW khóa X và Chỉ thị 42 CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả của Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Liên hiệp Hội đã có những bước phát triển quan trọng và đạt được kết quả trên các mặt: tư vấn, phản biện và giám định xã hội, nghiên cứu khoa học và phát triển, công nghệ, bảo vệ môi trưởng, giáo dục và đào tạo, thông tin và phổ biến kiến thức, đóng góp tích cực vào việc hoạch định chính sách của Đảng, Nhà nước trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong cuộc cách mạng 4.0, tiến trình chuyển đổi số đang diễn ra sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, nhiều quốc gia. Đặc biệt ở nước ta không để lỡ nhịp, bỏ lại phía sau, đòi hỏi sự nỗ lực và trí tuệ sáng tạo cao của đội ngũ trí thức trong Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Thay cho lời kết của bài viết này, tác giả xin trích dẫn bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội 7 Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020, đó là: “Xây dựng Liên hiệp Việt Nam thực sự trở thành tổ chức chính trị xã hội vững mạnh ở TW và các tỉnh, thành phố trực thuộc TW giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết và phát huy năng lực sáng tạo của đội ngũ những người làm khoa học và công nghệ cả nước, góp phần đưa khoa học và công nghệ trở thành một trong những động lực quan trọng hàng đầu cho phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Trần Ngọc Dũng

Tin liên quan

Tin mới nhất