Gia đình, bạn văn nghẹn ngào tiễn biệt nhà văn Võ Khắc Nghiêm

Sáng 3/10, tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội), Hội Nhà văn Việt Nam và gia đình đã tổ chức Lễ viếng, Lễ truy điệu nhà văn Võ Khắc Nghiêm. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Nhà văn, nhà báo Hoàng Dự, Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật và đông đảo các nhà văn, nhà thơ đã đến chia buồn cùng gia quyến.

Thay mặt cho Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã đọc Điếu văn tiễn đưa nhà văn Võ Khắc Nghiêm.

Gia đình, bạn văn nghẹn ngào tiễn biệt nhà văn Võ Khắc Nghiêm - 1

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đọc Điếu văn tiễn đưa nhà văn Võ Khắc Nghiêm.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều xúc động cho biết, Võ Khắc Nghiêm rất được đồng nghiệp quý trọng bởi tài năng nhiều mặt, bởi lối sống giản dị, chân thật, thương yêu và quý trọng, sẵn sàng giúp đỡ tất cả mọi người. Là một người thẳng tính, tôn trọng sự thật, sẵn sàng dấn thân để bảo vệ sự thật, Võ Khắc Nghiêm nêu một tấm gương sáng về nhân cách người tri thức Việt Nam. Không gì có thể làm ông thay đổi tính chiến đấu trong mỗi trang viết của mình. Ông dấn thân vào con đường bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý, bảo vệ những giá trị người ở mọi hoàn cảnh và trước mọi thách thức.

“Nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã đi xa nhưng tên tuổi và sự nghiệp của ông sẽ còn mãi với tư cách là một nhà văn tiêu biểu, kịch tác gia nổi tiếng, một nhà báo tài năng chính trực và là một con người chân chính. Những đóng góp bền bỉ và xuất sắc của ông cho văn chương đổi mới sẽ được bạn đọc trân trọng và ghi nhớ” - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh.

Nhà văn, nhà báo Hoàng Dự, Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật đã ví “người anh” Võ Khắc Nghiêm thân thiết của mình như "một vỉa than lấp lánh". Với nhà văn Hoàng Dự, Võ Khắc Nghiêm là người đã luôn nâng đỡ, tạo điều kiện, khuyến khích các cây bút trẻ, các cây bút nghiệp dư đến với văn chương và cổ vũ cho những đam mê đó, trong đó có cả ông và tờ báo ông đang lãnh đạo.

Gia đình, bạn văn nghẹn ngào tiễn biệt nhà văn Võ Khắc Nghiêm - 2

Nhà văn, nhà báo Hoàng Dự, Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật ghi sổ tang thương tiếc nhà văn Võ Khắc Nghiêm.

Ông Võ Khắc Đế, em trai nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã có những vần thơ xúc động gửi đến anh trai:

Nhắm mắt xuôi tay biệt cõi đời

Đau lòng vợ góa với con côi

Vành khăn tang trắng bao đau xót

Chiếc áo tang đen luống ngậm ngùi

Dẫu biết sinh ly âu phận số

Nhưng lòng thương cảm vẫn không nguôi

Người đi để lại tấm gương sáng

Cầu nguyện hương hồn Anh thảnh thơi.

Gia đình, bạn văn nghẹn ngào tiễn biệt nhà văn Võ Khắc Nghiêm - 3

Gia đình, bạn bè, bạn văn nghẹn ngào tiễn biệt nhà văn Võ Khắc Nghiêm.

Trong điếu văn, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã lược lại tiểu sử và những đóng góp của nhà văn Võ Khắc Nghiêm như sau:

Nhà văn Võ Khắc Nghiêm sinh ngày 10 tháng 10 năm 1942 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Quê quán tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Thuở nhỏ Võ Khắc Nghiêm học tại Khánh Hòa, là một học sinh giỏi đều các bộ môn, được thầy giáo rất hy vọng, bạn bè rất quý mến.

Sau hòa bình lập lại (1954), Võ Khắc Nghiêm tập kết ra Bắc và theo học khóa đầu của trường trung cấp cơ điện - Mỏ. Sau khi tốt nghiệp, anh được cử về công tác tại vùng mỏ Quảng Ninh. Đó là những năm tháng quý báu nhất để Võ Khắc Nghiêm trải nghiệm cuộc sống vùng mỏ thời chiến và thâm nhập tìm hiểu số phận của những người công nhân lao động quên mình vì Tổ quốc.

Gia đình, bạn văn nghẹn ngào tiễn biệt nhà văn Võ Khắc Nghiêm - 4

Nhà văn Võ Khắc Nghiêm

Tập truyện ngắn "Xung đột âm thầm" đầu tiên của ông ra đời trên đất mỏ, phản ánh tấm gương lao động của những người công nhân bình thường và dũng cảm. Ngay từ tác phẩm đầu tay của nhà văn Võ Khắc Nghiêm, bạn đọc đã nhận ra tài năng của cây bút mới luôn tìm con đường đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật.

Từ thực tế bề bộn của vùng mỏ, Võ Khắc Nghiêm mở rộng tầm nhìn tới hiện thực rộng lớn của đất nước trong chiến tranh, vì vậy ý nghĩa xã hội của tác phẩm được nâng lên rất nhiều. Đó là những tiểu thuyết "16 tấn vàng", xuất bản năm 1989; "Đại dương trong mắt em", "Người cha tội lỗi", "Người tình 15 năm", xuất bản năm 1990; tiểu thuyết "Cướp ngày" xuất bản năm 1989.

Điều làm nên tên tuổi ông là ông đã vượt qua tính giới hạn của đề tài để khám phá chiều sâu tâm hồn con người và dựng lên những vấn đề lớn của xã hội và thời đại một cách sâu sắc và có tính tư tưởng.

Bước vào thời kỳ đổi mới, nhà văn Võ Khắc Nghiêm công bố vở kịch "Nhân danh công lý" rất nổi tiếng, một vở kịch đề cao nhân phẩm, đem lại vẻ vang cho tên tuổi của ông. Tiếp theo "Nhân danh công lý", Võ Khắc Nghiêm liên tiếp công bố hàng loạt vở kịch, trở thành một trong những kịch tác gia hàng đầu của sân khấu đổi mới. Đó là những vở kịch "Bi kịch ngược chiều" (1988), "Quy luật muôn đời" (1991), "Bỉ vỏ" (1990), "Tình yêu hai quá khứ" (1990).

Trở lại văn học, theo đuổi không mệt mỏi về việc hoàn thiện nhân cách, truy đuổi cái ác, bảo vệ cái thiện, nhà văn Võ Khắc Nghiêm cho ra đời hàng loạt tiểu thuyết mang tính thế sự sâu sắc. Đó là những tác phẩm "Mảnh đời của Huệ", "Chân dung tình yêu" xuất bản năm 1997, "Mạnh hơn công lý" xuất bản năm 2000, "Huyết thống" năm 2004...

Mỗi tác phẩm của ông mang một chủ đề khác nhau, đánh dấu những nét mới mẻ trong đổi mới tư duy tiểu thuyết và khả năng phát hiện những vấn đề đạo đức, ông là một trong những cây bút viết về công nhân thành công nhất.

Được nghỉ hưu, ông chuyển gia đình về sống ở Hà Nội và trở thành cây bút trực chiến của báo Văn nghệ. Ông dày công tìm hiểu những vấn đề lịch sử và dành tâm huyết cuối đời để hoàn thành tập tiểu thuyết lịch sử "Thị Lộ chính danh".

Tác phẩm này đã được giải nhì cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 của Hội Nhà văn Việt Nam. Tiểu thuyết "Thị Lộ chính danh" là sự chiêu tuyết cho Nguyễn Thị Lộ, khắc phục những thành kiến dai dẳng về bà ngự trị qua hàng mấy thế kỷ, trả lại danh giá và nhân cách đẹp đẽ, cao thượng cho bà. Đấy chính là thái độ sống, quan niệm sống và lương tri của một nhà văn trước những oan khuất của con người trong xã hội.

Gia đình, bạn văn nghẹn ngào tiễn biệt nhà văn Võ Khắc Nghiêm - 5

Tiểu thuyết "Thị Lộ chính danh" - một tác phẩm nổi bất của nhà văn Võ Khắc Nghiêm.

Với những cống hiến xuất sắc và có hiệu quả, nhà văn Võ Khắc Nghiêm được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật và nhiều giải thưởng vinh danh khác.

Nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã đi xa nhưng tên tuổi và sự nghiệp của ông sẽ còn mãi với tư cách là một nhà văn tiêu biểu, kịch tác gia nổi tiếng, một nhà báo tài năng chính trực và là một con người chân chính. Những đóng góp bền bỉ và xuất sắc của ông cho văn chương đổi mới sẽ được bạn đọc trân trọng và ghi nhớ.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất