Tuổi trẻ sáng tạo Việt Nam - ASEAN trong môi trường giáo dục đa văn hóa
Chuỗi sự kiện Giao lưu văn hóa Việt Nam - ASEAN+; Tọa đàm quốc tế “Giáo dục trong môi trường đa văn hóa: Hiện trạng và giải pháp” do Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Nguồn nhân lực ASEAN - trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á TP Hồ Chí Minh, Trường Quốc tế Đài Bắc tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đã thu hút nhiều nhà quản lý giáo dục, các giảng viên, các đại sứ văn hóa, các thành viên Hội hữu nghị, Hiệp hội doanh nghiệp ASEAN+ và đông đảo học sinh, sinh viên trường Đài Bắc cùng nhiều trường đại học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Đánh giá tầm ảnh hưởng, tác động tích cực của giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học trong môi trường đa văn hóa, TS Lê Hoàng Dũng - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nhận định: Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn là một trong hai trường đào tạo các nội dung về khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia lớn nhất cả nước, với triết lý giáo dục: toàn diện, khai phóng, đa văn hoá. Quán triệt tinh thần đó, Ban Giám hiệu luôn tạo điều kiện thuận lợi để các khoa, trung tâm đẩy mạnh hợp tác quốc tế thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học. Giáo dục đa văn hóa là một đề tài nghiên cứu theo đúng định hướng phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
TS Lê Hoàng Dũng cũng nhấn mạnh: Sự hợp tác với Trường Quốc tế Đài Bắc tại TP Hồ Chí Minh với sự tham dự của nhóm học sinh - tham gia câu lạc bộ đại sứ văn hóa của trường, có đại diện của các học sinh, các gia đình đa văn hoá chắc chắn sẽ giúp nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo nguồn nhân lực ASEAN có thêm tư liệu thực tiễn về giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông từ Trường Quốc tế Đài Bắc tại TP Hồ Chí Minh, tham khảo bài học kinh nghiệm quốc tế trong các chính sách phát triển giáo dục đa văn hóa, vai trò của gia đình - nhà trường trong việc giáo dục kiến thức, kỹ năng và phẩm chất của học sinh, sinh viên trong xu thế toàn cầu hóa như hiện nay.
Tọa đàm quốc tế “Giáo dục trong môi trường đa văn hóa: Hiện trạng và giải pháp”
PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân nhấn mạnh mục tiêu, sứ mệnh của “Công dân toàn cầu”. Để giải đáp câu hỏi: Công dân toàn cầu - Bạn là ai?, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân khái quát: Việt Nam bắt đầu quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ những năm 90, sau hơn 30 năm, với nhiều nỗ lực thay đổi tư duy, quan điểm và hành động, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã và đang đạt được nhiều thành tựu đáng nể. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước ta luôn đưa ra các nghị quyết, chủ trương đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt.
Trong bối cảnh đó, tuổi trẻ sáng tạo Việt Nam - Asean trong môi trường giáo dục đa văn hóa của cả khu vực và quốc tế đặt ra yêu cầu bên cạnh kiến thức tích hợp đa ngành, liên ngành, thái độ luôn lắng nghe, tinh thần quyết tâm đổi mới sáng tạo thì những kỹ năng hội nhập, ngoại ngữ, giao tiếp và quản lý xuyên văn hóa, công nghệ thông tin là rất cần thiết và quan trọng phải được lớp trẻ đặc biệt trau dồi. Với lợi thế học tập trong môi trường quốc tế, có nhiều ngoại ngữ, am hiểu cả văn hóa Việt Nam, các nước trong khối Asean với thế giới là cơ hội để lớp trẻ từng bước trưởng thành và trở thành công dân toàn cầu, đóng góp cho quê hương, xứ sở và cho cả cộng đồng.
PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân chụp ảnh lưu niệm cùng các bạn trẻ tham dự Tọa đàm quốc tế “Giáo dục trong môi trường đa văn hóa: Hiện trạng và giải pháp”
Chia sẻ kinh nghiệm, chính sách giáo dục Đài Loan trong chuyển đổi kỹ thuật số và biến đổi khí hậu, GS.TS Trần Hòa Hiền - Tham tán giáo dục (Văn phòng văn hoá - kinh tế Đài Bắc tại TP Hồ Chí Minh) nêu 6 hành động chuyển đổi chính để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Đài Loan là: Tăng cường năng lực nguồn nhân lực; kinh tế tuần hoàn; chuyển đổi năng lượng; nông nghiệp lương thực bền vững, bảo tồn sinh thái; thành phố thông minh và cách mạng kỹ thuật số bền vững.
Trong đó, chuyển đổi kỹ thuật số phải là yếu tố quan trong quá trình tạo ra các giá trị bền vững và lợi ích cộng đồng. Thúc đẩy công nghệ luôn luôn sáng tạo, luôn luôn đổi mới: Internet vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và chuỗi khối... nhằm đẩy nhanh chiến lược thực hiện mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.
Trên cơ sở thúc đẩy giáo dục môi trường trong 30 năm của MOE, định hướng chính sách mới "Phát triển giáo dục môi trường thế hệ mới" (Newgeneration Environmental Education Development, NEED) sẽ không chỉ có thể chuyển đổi giáo dục môi trường hiện tại, từ việc tập trung vào một khía cạnh duy nhất của môi trường, mà còn mở rộng ra tư duy có hệ thống tổng thể về xã hội và kinh tế, đồng thời có thể dẫn đến một định hướng các vấn đề tích cực hướng tới tương lai để tìm kiếm giải pháp.
Nhìn nhận về sức mạnh của tuổi trẻ trong tiến trình phát triển văn hóa, giáo dục đa sắc tộc, Ths Trần Hiếu Thành (Văn phòng Văn hóa - Kinh tế Đài Bắc) khẳng định tầm quan trọng của kiến thức đa văn hóa đối với thế hệ trẻ trong giai đoạn hội nhập quốc tế: Tiếp xúc đa văn hóa và giao lưu với quốc tế có hai ưu điểm nổi bật rất đáng kể. Một là mở rộng tầm nhìn biết thêm kiến thức. Hai là tạo nhiều cơ hội và điều kiện cho bản thân mỗi bạn trẻ trong quá trình lĩnh hội kiến thức và giao lưu học hỏi.
Bà Serene Chong đến từ Hiệp hội Doanh nghiệp Malaysia tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ về các chính sách giáo dục đa văn hóa của Malaysia và đồng thời đưa ra vài gợi ý dành cho các trường ở Việt Nam để đẩy mạnh giáo dục đa văn hóa. Malaysia là một quốc gia đa tộc, do đó chính sách giáo dục đa văn hóa của Malaysia nhằm mục đích thúc đẩy sự gắn kết xã hội, thống nhất và hiểu biết giữa các nhóm dân cư đa dạng của mình.
Đất nước này là nơi sinh sống của nhiều nhóm dân tộc khác nhau, bao gồm người Mã Lai, người Hoa, người Ấn và cộng đồng bản địa. Nền giáo dục đa văn hóa ở Malaysia được thể hiện qua các nội dung về bối cảnh lịch sử, quốc ngữ, giáo dục bản ngữ, chương trình giảng dạy quốc gia, giáo dục đạo đức, hoạt động ngoại khóa, đoàn kết và hội nhập, sáng kiến giáo dục đặc biệt, đào tạo giáo viên và phát triển chuyên môn, và đóng góp xã hội.
Giao lưu với học sinh, sinh viên, KS Lê Ngọc Ánh Minh - Chủ nhiệm Câu Lạc bộ Hydrogen Việt Nam - ASEAN truyền cảm hứng đến các bạn trẻ thông qua Diễn đàn sáng tạo dành cho thanh niên ASEAN, gợi ý các em phát triển những ý tưởng những giải pháp nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ cuộc sống.
Là đơn vị đồng tổ chức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Hiệu trưởng Trường Quốc tế Đài Bắc tại TP Hồ Chí Minh đánh giá cao nỗ lực của ban tổ chức và sự thành công của chuỗi sự kiện và tin tưởng rằng đây là cơ hội đặc biệt thúc đẩy giao lưu hợp tác đa văn hóa giữa nhà trường và các cơ sở giáo dục tại TP Hồ Chí Minh.
Bình luận