Bảo đảm yêu cầu phát triển của lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới

Kết luận số 84-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” cho thấy tinh thần của Nghị quyết số 23-NQ/TW vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục tạo động lực để xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật. Theo NSND Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch Chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của văn học nghệ thuật trong giai đoạn mới cần phải có tư duy mạnh mẽ hơn và sự quyết tâm rất lớn của lãnh đạo các cấp.

Bảo đảm yêu cầu phát triển của lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới - 1

NSND Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch Chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật còn nhiều khó khăn, bất cập

Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” ra đời vào thời điểm năm 2008, khi đó đất nước ta còn rất nhiều khó khăn, nhưng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nhìn nhận đúng đắn vai trò quan trọng của văn học nghệ thuật và có sự đầu tư chuyên biệt cho lĩnh vực này.

“Nghị quyết số 23-NQ/TW thể hiện tư duy, tầm nhìn chính xác, sự quan tâm, lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật. Đồng thời, là động lực để lực lượng văn nghệ sỹ hăng say sáng tác, góp phần đưa văn học nghệ thuật phát triển lên một tầm cao mới”, NSND Vương Duy Biên khẳng định.

Bảo đảm yêu cầu phát triển của lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới - 2

Nghị quyết số 23-NQ/TW thể hiện tư duy, tầm nhìn chính xác, sự quan tâm, lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật. (Ảnh minh họa)

Sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23- NQ/TW, công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền quan tâm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thể chế hóa chính sách và nguồn lực cho phát triển văn học, nghệ thuật. Tự do, dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật được bảo đảm, tôn trọng và phát huy. Hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật ngày càng sôi động, phong phú về nội dung, đa dạng về phương thức thể hiện. Phong trào văn nghệ quần chúng được đẩy mạnh, từng bước đáp ứng nhu cầu hoạt động và thụ hưởng của đông đảo quần chúng nhân dân. Hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn học nghệ thuật có chuyển biến tích cực theo hướng coi trọng hiệu quả và thực chất,…

Tuy nhiên, trong công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, vướng mắc: Các chính sách, pháp luật chưa theo kịp thực tiễn phát triển văn học, nghệ thuật, trong đó, cơ chế, chính sách về đầu tư, đặt hàng, hỗ trợ sáng tác, quảng bá tác phẩm, về tự chủ tài chính và xã hội hóa chưa thể hiện được tính đặc thù, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; Mô hình tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của các hội văn học nghệ thuật chậm đổi mới, việc sáp nhập các đoàn nghệ thuật ở nhiều địa phương còn mang tính “máy móc”, “cơ học”; Thiếu vắng những văn nghệ sĩ lớn có tầm ảnh hưởng tới đông đảo văn nghệ sĩ và xã hội, đồng thời, thiếu những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; Thị trường các sản phẩm, dịch vụ văn học, nghệ thuật phát triển chưa đồng bộ, bền vững; Một số văn nghệ sĩ chưa ý thức được trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, sử dụng mạng xã hội tùy tiện, vi phạm trang phục, phát ngôn, cá biệt số ít bộc lộ sự dao động, hoài nghi về lý tưởng và niềm tin đối với sự nghiệp phát triển đất nước trong vận hội mới;…

Cùng với đó, trong suốt 15 năm qua, việc đưa Nghị quyết 23-NQ/TW vào đời sống luôn chịu sự ảnh hưởng, chi phối của nhiều yếu tố như: công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; sự tác động của quá trình toàn cầu hóa; cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4; tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19...

NSND Vương Duy Biên nêu rõ: “Cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, sau 15 năm chúng ta chưa làm được gì nhiều cho Nghị quyết 23-NQ/TW, có nhiều nguyên nhân khách quan như tiềm lực kinh tế, điều kiện vật chất nhưng nguyên nhân chính là do con người”.

Là một trong những người từng kiểm tra, theo dõi sát sao, đôn đốc thường xuyên việc thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW tại một số địa phương, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hạn chế nêu trên là do một số lãnh đạo chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật nên chưa thực sự quan tâm đến công tác xây dựng và phát triển cho lĩnh vực này.

Tại một số tỉnh thành, do năng lực và phương thức lãnh đạo còn nhiều hạn chế, nhiều lãnh đạo chưa có được tư duy đồng bộ với trung ương khiến cho việc thực hiện Nghị quyết này diễn ra một cách hời hợt, không có sự quyết tâm, cũng như khá bị động và chưa kịp thời.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ lớn của Nghị quyết 23-NQ/TW gặp khó khăn trong công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan có liên quan, đặc biệt là việc tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế tài chính còn chậm và chưa thực sự hiệu quả.

Ví dụ, nếu muốn xây dựng và thực hiện có hiệu quả một đề án về đào tạo nguồn nhân lực văn học nghệ thuật chất lượng cao thì phải có sự kết hợp chặt chẽ, liên ngành giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính,... Nếu không có sự đồng thuận, phối hợp thì các mục tiêu, kế hoạch được đề ra trong đề án đó khó có thể thực hiện được.

Tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác văn học, nghệ thuật

Sau hơn 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 84-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết này, trong đó yêu cầu thực hiện tốt 7 nhiệm vụ để xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong giai đoạn mới.

Kết luận số 84-KL/TW mang ý nghĩa quán triệt, xây dựng các chương trình, kế hoạch và bố trí nguồn lực thực hiện có hiệu quả các nội dung của Nghị quyết 23-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn học nghệ thuật Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Để thực hiện có hiệu quả, nó đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn ở các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương.

Bảo đảm yêu cầu phát triển của lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới - 3

Các văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác (ảnh minh họa).

“Xét về tính chất, Kết luận số 84-KL/TW chưa mang tính ràng buộc như Nghị quyết 23-NQ/TW, nên nó cũng đặt ra những băn khoăn về việc tạo động lực, tính răn đe khi thực hiện một nhiệm vụ lớn như vậy. Do đó, trong quá trình tổ chức thực hiện cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả và tăng cường giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật”, NSND Vương Duy Biên nêu.

Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng: “Cần phải xác định, giá trị của văn học nghệ thuật đôi khi không đến tức thời, không thể có kết quả ngay lập tức như kết quả sau khi xem một trận bóng đá hay xây dựng một công trình. Giá trị của văn học nghệ thuật sẽ thẩm thấu dần, lan tỏa dần trong từng kế hoạch mà chúng ta triển khai, nó có thể đến chậm, thậm chí nhiều năm sau mới có thể thấy kết quả”.

Bảo đảm yêu cầu phát triển của lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới - 4

Cần tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác văn học nghệ thuật trong giai đoạn mới cần có sự kiên trì, tránh vì thành tích trước mắt mà nóng vội; cần có nhiều cố gắng, nỗ lực hơn nữa trong xây dựng tổ chức, tìm tòi, đổi mới phương thức hoạt động để từng bước tạo cơ chế hiệu quả; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác, góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn học, nghệ thuật nước nhà.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Thi ca yêu nước và các nhà thơ cách mạng

Thi ca yêu nước và các nhà thơ cách mạng

Buổi sinh hoạt chuyên đề “Thi ca yêu nước và các nhà thơ cách mạng” do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9 đã tập trung bàn về một phẩm chất đặc biệt của dòng thơ cách mạng kháng chiến 1945-1975 là thi pháp trữ tình lãng mạn – điều đã làm nên sức sống trường tồn của thi ca đương đại Việt Nam.

Phi tần từng được hoàng đế sủng ái nhất hậu cung, sinh 6 người con nhưng cuối đời chịu cảnh cô quạnh

Phi tần từng được hoàng đế sủng ái nhất hậu cung, sinh 6 người con nhưng cuối đời chịu cảnh cô quạnh

Từng là phi tần được hoàng đế sủng ái nhất chốn hậu cung, người phụ nữ này đã hạ sinh 6 người con, giữ vững địa vị cao quý và sự yêu thương từ nhà vua. Tuy nhiên, cuộc đời không mãi êm đềm, khi về già, bà phải đối mặt với sự cô độc, lẻ loi trong những năm tháng cuối đời khiến bao người cảm thán.