Bắt cô trói cột

Truyện ngắn của Châu La Việt

Tổ công binh gồm có ba người. Tiểu đội trưởng Sung hơi trẻ, tiểu đội phó Đòm lại có vẻ hơi già. Còn anh chàng Thạch thì rõ là lính mới, quần áo lúc nào cũng phẳng phiu, tươm tất, cứ y như khi đơn vị còn đóng ở hậu phương.

Họ chốt trong một chiếc hang đá nằm kề ngay cung đường ra trận. Đá xù xì và khô nhọn. Góc hang có một thùng nước và một chậu nước được gò bằng ống pháo sáng. Đòm đang lên cơn sốt rét, ngồi trùm chăn ngang người, hai hàm răng va vào nhau lập cập.

Bắt cô trói cột - 1

(Ảnh minh họa)

Thạch từ bìa rừng đi vào, nói với Đòm điều mà anh chàng cho là phát hiện mới mẻ nhất từ khi đến chốt ở đây:

- Anh Đòm này, đất ở quãng đường qua đèo Ngam thơm như có ai tưới nước hoa ấy anh ạ.

- Ở cạnh rừng gỗ trầm phải không?

Thạch cậy một miếng đất ở mặt đưa cho Đòm:

- Đây, anh xem có thơm không này.

Đòm đưa lên mũi hít hà:

- Ái dà, nức lên nhỉ. Mùi trầm đây…

Gật gù hồi lâu:

- Cái gỗ thì cuối cùng cũng hóa ra đất, còn cái hương thì không thể mất đâu cậu ạ.

- Đêm qua đi sửa đường về, người em lấm như trâu đầm ấy. Không bói đâu ra nước, tặc lưỡi chui luôn vào màn… Này, anh Đòm này, thế nào lại ngủ mê thấy đi chơi với cô Huệ sún, sáng nay dậy cứ bâng khuâng mãi anh ạ…

- Lại cô Huệ sún… Thế nó có chê cậu bẩn không?

- Đố dám. Em mà bẩn à? Chỉ dạo này nước hiếm hoi mới thế thôi.

Thạch đang cơn hứng, đi đi lại lại trong hang trông rất oai:

Ừ, lần sau mà đoán nằm mơ thấy con gái, cứ là phải tắm gội sạch sẽ, thắng ngay quần áo mới vào.

Thôi, bây giờ em đi tắm đây.

- Này, cẩn thận đấy. Ra giếng cái tầm này máy bay nó choảng cho đấy.

- Không, em xách nước về rồi. Giếng cạn trơ ra, ngần ngừ mãi mới dám múc một thùng.

- Tắm thế thì bõ bèn gì?

- Ông anh này, chỉ sợ sau này lại không được thế này nữa thôi ấy. Em đi đây.

Thạch vừa đi  ra vừa ngêu ngao hát:

“Còn em thương bên tây mùa đông

Nước khe cạn bướm bay lèn đá

Biết lòng anh say sưa miền đất lạ…

Là chắc anh lo đường, chắn bom thù…"

Bỗng có tiếng phản lực xé toạc câu hát, rồi tiếng bom nổ dữ dội. Đòm lần ra cửa hang, gặp ngay Sung hốt hoảng chạy về, tay xách theo một thùng nước.

Nó đánh gần à?

Sung thơ dài:

- Giếng sập rồi!

Đòm thảng thốt:

Sập à!

Cả hai im lặng. Là lính thâm niên ở cung đường miền tây này, họ cùng hiểu điều hết sức hệ trọng gì vừa xảy ra…

- Đang múc nước thì thằng F.4 bổ nhào vãi một tràng rốc két. Vừa kịp chạy vào hầm nó lại đùn một loạt bom nữa. May mà đường không sao cả.

Cũng lúc ấy,Thạch như một luồng gió chạy  vào:

- Có chuyện gì mà anh Sung chạy như cọp đuổi thế?

Đòm:

Bom đánh sập giếng rồi.

Thạch:

Chết, nước thì sao?

Sung:

- Nạo vét mãi còn được lưng thùng bùn.

Thạch:

Bỏ mẹ. Nghe bom nó đánh, em đã thấp thỏm. Vừa rửa xong cái mặt thì nghe tiếng anh Sung. Biết ngay có chuyện mà.

Thạch ra cửa hang, hậm hực trông ra xa. Lại tiếng bom vọng tới.

Đòm:

- Nó lại đánh nữa, dai thật.

Sung:

Cái kỳ đào giếng, úp bát mấy lần mới được vùng đất ấy. Khổ một nỗi nó lại kề ngay đường.

Đòm như sực nhớ ra điều gì:

- Còn mấy cái hố bom?

Sung lắc đầu:

- Cá với cua nằm phơi càng chết khô cả.

Đòm:

Gay thật! Không nơi nào còn nước à?

Một không khí rất nặng nề bao trùm hang đá.

Thạch:

Đành  bỏ công khơi sâu thêm giếng thôi.

Đòm:

- Nó vừa ném bom, biết thế nào mà ra.

Thạch:

Anh cứ như còn lạ với bom đạn ấy.

Sung:

Đi bây giờ thì tối lấy sức đâu mà lên mặt đường?

Thạch:

- Không có nước thì sống sao được ạ?

Đòm giọng đầy vẻ thâm trầm:

Không gì khổ nhục bằng mất nước nhỉ?

Thạch lùi lũi đi ra. Bên ngoài cánh rừng lại trở về vẻ hoang sơ của nó, với những bóng nắng rập rờn, đàn bướm đủ màu sắc. Tổ công binh ba người chốt ở đèo Ngam này không biết cũng lúc này,trên con đường giao liên ngoằn ngoèo giữa rừng, có một cô gái Hà nội xinh đẹp sẽ bất ngờ lọt vào hang đá của họ.

Nhưng đó là đoạn sau câu chuyện, còn lúc này trong hang Sung và Đòm đang im lặng ngồi bên nhau, tất nhiên không việc gì hơn là nghĩ về cái giếng nước vừa bị đánh sập…

Một hồi lâu sau Sung đưa cái điếu cho Đòm:

- Anh hút thuốc đi, cho tôi xin cái sái nhì.

Đòm xua xua tay:

- Cậu hút đi, tớ đắng cổ lắm.

Sung cầm cái điếu, định ra thùng đổ nước vào điếu, nhưng lại thôi.

Đòm hiểu ý:

- Này, hút khan rát cổ đấy.

- Thôi, cho nó đậm khói.

Sung hút thuốc, phả quầng khói nghi ngút hang đá:

- Anh còn rét lắm không?

- Nhức tận óc. Cái lạnh bên trong nó thấm ra ghê thật. Mà cái khí núi ở đây buốt như chó cắn ấy.

- Ở hang, tôi cứ ngẫm vách đá càng khô thì cái hơi càng buốt.

- Đêm nằm chân tay cứ đờ ra, ngỡ cả người mình hóa đá. Cứ muốn ôm lấy thằng Thạch cho đỡ lạnh. Thế mới biết cái hơi người ta ấm thật. Đắp mấy lần chăn cũng không bằng.

Thạch vào, mang một thùng nước đặt ngay ngắn nơi góc hang:

- Thêm một thùng nữa là hai. Tần tiện cũng được mấy ngày.

Mắt Đòm bừng sáng:

- Ở đâu ra đấy? Có nguồn mới à?

Thạch:

- Hồi sớm em múc về định tắm…

Đòm:

- Ờ… thế không tắm nữa à?

Thạch:

Thôi, tắm khô cũng được.

Đòm:

Gì kia?

Thạch:

Tắm khô. Kinh nghiệm của binh trạm phó ngày đánh đồi Him lam đấy.

Thạch chẳng nói chẳng rằng  lùi lũi đi ra ngoài.

Sung với theo:

- Thạch này

Anh định cầm thùng nước đưa cho Thạch nhưng nghĩ thế nào lại  sững lại:

“Tắm khô, ờ…”

Tiếng hát nghêu ngao của Thạch vẳng vào:

“Còn em thương bên tây mùa đông

Nước khe cạn bướm bay lèn đá

Biết lòng anh say miền đất lạ…”

Đòm đứng dậy, ra cửa hang có ý đợi chờ. Miệng cứ lẩm bẩm: Ước gì một cơn  mưa nhỉ? Ước gì…

Cho đến lúc  bỗng thấy choáng váng, anh tiến về phía Sung:

- Cậu lấy cho tớ hai viên ký ninh.

- Vâng. Nước uống đây anh

Đòm xua xua tay:

- Thôi, mình nuốt.

Sung kinh ngạc:

- Nuốt?

- Ừ!

Sung nằn nì:

- Một ngụm nước thôi mà!

- Thôi, dành dụm được tí nào hay tí ấy cậu ạ

Đòm ngửa cổ nuốt thuốc. Nghe như vị đắng khét lẹt chạy ngược lên làm mắt anh trợn ngược…

Bỗng có tiếng hú của ai đó vọng vào

Sung ngạc nhiên:

- Ai hú thế nhỉ?

- Chắc lại cánh bộ binh đi lạc đường.

- Quanh đây có ai đâu. Để tôi ra xem.

Sung xách khẩu súng chạy ra. Còn lại Đòm ngồi chùm chăn run bần bật. Anh không hay có một cô gái vừa xuất hiện. Đó là Thảo, ngang vai đeo một túi cứu thương. Quần áo cô tuy bẩn nhưng vẫn gọn gàng. Thấy Đòm ngồi lù lù, cô hãi quá thốt lên:

- Ối!

Đòm giật mình mở chăn ra:

Kìa, ai thế?

Thảo:

Thế còn anh?

Đòm xua xua tay:

- Bộ đội chứ còn ai, cô bỏ súng xuống. Cô đi đâu?

- Tôi đi tìm bộ đội. Mà anh là ai? Sao chùm chăn kín mít thế này?

- Tôi bị sốt rét, không đứng dậy tiếp cô được.

Thảo tiến lại gần Đòm, nhìn anh với sự quan tâm nghề nghiêp:

- Anh lên cơn sốt rét đã lâu chưa?

Đòm gọn lỏn:

- Vừa dứt cơn.

- Anh uống thuốc gì? Ni-va-kin hay Bi-min.

- Uống chát cả cổ rồi!

- Phải tích cực uống thuốc anh ạ.

- Giọng Thảo đã có vẻ bình tĩnh hơn.

- Thế anh ở đơn vị nào?

- Chúng tôi là công binh của binh trạm… Còn cô?

 - Em mới sang.

Bỗng giật mình khi thấy Sung lấp ló nơi cửa hang:

- Kìa, lại ai thế kia?

Đòm:

Tổ trưởng của tôi đấy, cô cứ bỏ súng xuống. Sung ơi, vào đây.

Sung vào

Thảo:

Chào anh!

Sung nở một nụ cười rất tươi:

- Vâng, chào đồng chí!

Thảo:

- Ôi! Nghe tiếng “đồng chí” em mừng quá. Các đồng chí sao lại ở hang này?

Sung:

Chúng tôi là lính công binh trấn con đường qua đèo Ngam.

Thảo mừng rỡ:

May quá, thế là em gặp người cùng binh trạm rồi.

Hóm hỉnh:

- Thế mà em cứ tưởng…

Đòm:

Phỉ?

Thảo:

Vâng. Anh ngồi thế ai mà không khiếp.

Sung:

Anh ấy ngồi sưởi nắng đấy!

Thảo:

Sao anh không cắt tóc đi.

Đòm:

- Cần gì, có ai ngắm đâu.

Thảo:

- Có lẽ vì tính em...

Đấy, anh cứ cắt cao như anh này này (chỉ Sung) trông khỏe biết mấy.

Đòm liếc mắt sang nhìn Sung. Sung hơi lúng túng.

Thảo bây giờ mới phát hiện ra là Sung cũng không được như cô nghĩ:

Cả anh nữa… quần áo đầy bùn.

Sung bối rối:

- À…

Đòm:

Thế là sạch đấy. Mọi bữa còn…

Sung nói tránh:

- Tôi vừa ra giếng.

Thảo:

Sao anh không tắm luôn thể. Quần áo chỉ dính bụi thế này, em đã thấy khó chịu lắm rồi.

Bất chợt có tiếng chim hót vọng vào. Với những người lính thâm niên ở đây thì đã thành thân thuộc, nhưng với môt cô gái mới từ hậu phương vào kể như lần đầu nên đầy ngạc nhiên thú vị:

Con chim gì hót thế anh?

Đòm :

Chim “bắt cô trói cột” đấy!

Thảo lắng nghe đầy thích thú:

Hay nhỉ!

Đòm: 

Ngày thường thì nó hót khác, thấy cô sang nó chuyển giọng đấy.

Thảo có vẻ ngượng:

Chả phải.

Đòm:

Đấy… đấy…

Thảo:

A, em nhớ ra rồi. Không phải như anh nói đâu… Mà là… Mà là… như chuyện cổ tích bà em kể cơ.

Sung:

Có cô thì nó đòi “bắt cô trói cột”, chứ với chúng tôi thì nó lại giục “khó khăn khắc phục”. Cô cứ nghe xem có đúng không?

Chim hót.

Thảo nhẩm theo:

Khó khăn khắc phục… Ừ, đúng thật!

Sung rít thêm một hơi thuốc lào:

- Cô mới ở bên tuyến sang?

- Mới đêm qua ạ. Em đi nhờ xe sang, tới quãng trên kia thì trời sáng, xe phải dừng lại. Em nóng lòng về đơn vị quá nên đi bộ.

- Thế cô đi một mình?

- Không, mấy người cơ. Người đi trả phép, người sang nhận công tác như em, người đi viện về… thế là nhập luôn thành đoàn. Tới đây mệt quá, các anh ấy chỉ cho em vào đây.

- Cô công tác ở quân y viện?

- Y sĩ Mạnh bị thương, em được điều sang thay.

Đòm ngồi hóng hớt câu truyện, bây giờ mới góp vào:

- Cô là y sĩ?

Sung phá lên cười:

Rõ anh này… thay y sỹ Mạnh tất nhiên phải là y sĩ rồi.

Đòm ngượng nghịu cười theo:

Trông cô chỉ bằng con cháu gái tôi ở nhà.

Thảo bẽn lẽn:

- Em mới ra trường ạ.

- Thảo nào, quần áo còn thơm lựng mùi hồ. Anh Đòm này, cứ nhìn cô ấy sạch thế thì đúng là con nhà y rồi.

Thảo ngượng nghịu:

- Đi đường bụi quá, bẩn hết.

- Mải nói chuyện quên biến mất, thế cô đã ăn uống gì chưa?

- Cảm ơn anh, em không đói, em chỉ muốn rửa cái mặt thôi.

Sung nói với Đòm:

- Dễ cô là người đầu tiên đặt chân tới đây đấy nhỉ?

Đòm hứng chí:

- Cái hang đá lạnh thế này mà ấm hẳn lên.

Sung đi vào bên trong, chỉ một ngách hang:

Cô Thảo ở ngách này nhá, có giường rồi đấy, lát nữa tôi đan cho cái liếp che cửa.

Đòm:

- Tôi có thể biếu cô cái dù pháo sáng để trang hoàng cho đẹp.

Thảo ngại ngần, ý tứ:

- Thôi anh ạ!

Đòm:

Ấy, cứ khách khí thế là chúng tôi không bằng lòng đâu… Chà, giá có thêm một cô nữa, cứ ngồi ở trên giường mà cãi nhau cho chúng tôi nghe cũng đủ phấn khởi rồi. Sáu năm không thấy bóng một cô gái nào…

Thảo:

- Con gái chúng em rồi sẽ lên Trường Sơn nhiều không kém các anh đâu.

Đòm:

Nhớ cái đêm trên đèo Ngam, thoảng nghe có tiếng con gái hò, làm tôi sững lại. Chao, giọng hò nó mới lanh lảnh làm sao chứ. Khi lại gần thì té ra một cậu lái xe nó hò giả giọng nữ, lúc ấy nghe trối cứ như dấm rót tai ấy.

Tất cả cùng cười.

Thảo nói với Đòm:

Anh cho em mượn cái chổi.

Đòm đưa chổi cho Thảo, nhưng vẫn khách khí:

- Để anh em tôi.

- Thôi, mặc em. Anh đang ốm.

Thảo cầm chổi, đi vào ngách bên dọn dẹp.

Sung kéo Đòm ra, thì thầm:

- Anh Đòm tiếp cô ta nhé, tôi đi nấu cơm.

- Thôi ông ạ, chả gì ông cũng một vợ hai con, hiểu tâm lý phụ nữ, tôi thì biết bụng dạ họ thế nào.

Sau một hồi nghĩ ngợi:

- Với lại tôi ít chuyện lắm, quanh đi quẩn lại chỉ có cái câu mời nhau hút thuốc lào thôi…

- Anh cứ nói chuyện như lúc nãy ấy.

- Tôi vụng lắm. Lại có tiếng là khô rồi.

Bỗng như sực nhớ:

À, cái khoản nước thì sao nhỉ?

Sung nghĩ ngợi:

- Gay đấy!

Đòm vẻ rất quan trọng:

- Cô này tính ưa sạch sẽ lắm ông ạ. Có nhẽ dân thành phố.

 - Con gái ai không thế. Đàn ông đàn ang chúng mình bẩn, chui vào màn chả bị vợ nó đuổi quầy quậy là gì?

- Thật thế à?

- Họ là không chịu được cái cảnh ăn bẩn, ở bẩn đâu.

- Tôi muốn đón cô ta cho tươm tươm một tí. Cũng là để cho cô ta thấy dù chúng ta có nhiều khó khăn nhưng vẫn đàng hoàng, lịch sự.

- Gớm thật. Hôm nay tôi mới biết anh rất có khả năng ngoại giao.

- Sao lại ngoại giao, cao hơn chứ. Người nhà? Không, mà là một đồng đội, một người từ hậu phương tới… lại là một cô gái… Cô gái đầu tiên đặt chân tới hang này.

Sung đầy băn khoăn, nghĩ ngợi:

- Thế còn nước thì sao nhỉ?

- Con gái họ cần nước hơn ta chứ?

- Cái đó thì hẳn rồi. Nhưng chỉ còn hai thùng.

- Cho cô ta một chậu.

- Anh thử tính kỹ xem.

- Còn một thùng rưỡi dè xẻn cũng được ba ngày. Được… Được… lúc ấy tôi khỏi rồi, chúng ta sẽ đi khoan giếng. Thế nhá!

Sung cầm rá gạo ra. Đòm nói với theo: “Này, kho thịt bỏ ít muối thôi nhá” rồi quên cả mệt mỏi, anh đi ra  đổ nước từ thùng ra chậu. Cũng là lúc Thảo vào, chiếc khăn mặt vắt trên vai xinh xắn.

- Xin cô bỏ lỗi cho, cô tên là gì nhỉ?

- Em là Thảo ạ!

- Bích Thảo?

- Thảo thôi ạ! Nguyễn Thị Thảo

- Tay kia là Sung. Còn tôi là Đòm, Đinh Tắc Đòm.

Thảo trố mắt nhìn Đòm:

Gì kia ạ?

Đòm vỗ vào ngực mình:

- Đòm, Đinh Tắc Đòm. Sao, cô  buồn cười à?

- Không ạ! Mà tên anh nghe cứ như súng nổ ấy ạ…

Đòm cũng phá ra cười:

Chính thế, chính thế… Bố tôi ngày xưa là du kích xã, chỉ có mấy cây gậy tre đánh giặc. Ước mơ lớn nhất đời ông là có khẩu súng đoàng đoàng mà đánh tây. Khi bu tôi sinh tôi, ông nhất quyết mang cái ước mong ấy trao gửi vào tôi, nên mới đặt tên tôi là Đòm, Đinh Tắc Đòm…Cô nghe ra chửa?

Đòm vẫn hết sức hồn nhiên, trong khi Thảo đang ra sức bụm miệng để khói trào ra tiếng cười.

Thế cô Thảo quê đâu ta nhỉ?

 - Hà Nội ạ.

- Nói cho văn hoa thì phải gọi cô là thiếu nữ Thủ đô.

- Em chỉ muốn chóng trở thành chiến sĩ Trường Sơn như các anh.

- Ấy, không mấy chốc đâu cô ạ!

Đòm cố nói văn vẻ nhưng nghe ra lại rất cảm động:

- Thế quê hương ta giờ ra sao nhỉ?

- Dạ, vẫn xứng đáng với các anh ở đây.

- Chúng tôi vẫn cố gắng để khỏi phụ tấm lòng hậu phương

Thảo đã có vẻ sốt ruột, mong có một thùng nước dội lên người cho mát mẻ, sảng khoái, hoặc chí ít cũng là một chậu nước để vã mặt vào đó cho tươi tỉnh:

À, anh này… Nước ở đâu anh nhỉ?

Đòm kéo tay Thảo ra chỗ để nước:

- Tôi đã đổ sẵn ra chậu rồi đấy. Cô cứ dùng thoải mái. Con gái chắc không chịu được bẩn.

Thảo sung sướng:

Các anh sống ở đây đàng hoàng quá.

Đòm xe ra có vẻ vênh vang, hãnh diện:

- Có thế thằng giặc mới khiếp mình cô ạ, liệu có sống được không cô?

- Được quá đi chứ ạ!

- Cô cứ rửa nhé, tôi ra đây một lát. Ngoài kia có mấy cụm hoa trứng gà…

Đòm hớn hở ra ngoài bìa rừng. Những bụi hoa trứng gà rập rờn đang vẫy gọi anh. Còn Thảo khoan khoái lấy khăn nhúng vào chậu nước vã lên mặt thích thú. Cô còn hết sức thú vị khi thấy gương mặt mình hiện ra trong chậu nước có vẻ xinh hơn mọi ngày…

Bất chợt Thạch xuất hiện.Nhìn cảnh tượng ấy, chàng trai này thốt lên:

Ấy chết!

Thảo giật mình:

- Sao ạ?

- Cô làm gì đấy?

- Em rửa…

Thạch nhăn nhó:

- Không được.

- Chính anh gì bảo em mà.

- Ai

- Cái anh  tên như súng nổ ấy…

Đòm cầm bó hoa vào:

- Có Đòm tôi đây!

Thạch quay sang Đòm:

- Sao anh lại thế?

Đòm:

- Sao?

Thạch:

Nước!

Thảo kinh ngạc:

Không dùng được sao anh?

Đòm khoát tay:

Không… không… Cô cứ rửa đi.

Thạch:

Kìa, Anh Đòm…

Sung chạy từ bên ngoài vào. Vốn là người nhạy cảm, anh đã hiểu mọi nhẽ rắc rối:

À, cô cứ dùng đi. Cậu ấy lo nước chảy làm ẩm hang. Cô đem ra ngoài cửa ấy.

Nghe lời Sung, Thảo bê chậu nước ra bên ngoài.

Thạch nhíu chân mày hết nhìn Đòm lại nhìn Sung:

Tìm được nguồn nước mới rồi à?

Sung lắc đầu:

Sao nỡ phí phạm thế. Mà cô ta là ai đã chứ?

Sung:

- Mới ở hậu phương sang.

Đòm:

Một y sĩ hẳn hoi đấy. Mà lại là người con gái đầu tiên đặt chân tới hang này. Cậu hiểu chứ!

Thạch:

- Để làm gì?

Sung :

Ở nhờ, thế mới thành chuyện. Nhưng quan trọng là cô ta mới đặt chân lên Trường Sơn lần đầu.

Đòm thở dài:

Cô ta lại không chịu được bẩn.

Sung vỗ vai Thạch:

Chúng mình thiếu thốn quen rồi, còn có thể chịu đựng được. Cô ta mới chân ướt chân ráo sang, chưa quen như cánh ta…

Thạch thở dài:

Hay là vì em quá lo xa.

Sung:

Ngày ở đỉnh đèo Năm Thang, đại đội mấy tháng trời phải chặt cây lấy nước dùng. Thế mà vẫn mở  được đường. Cậu nhớ không?

Thảo vào. Hồn nhiên đưa chậu nước cho Sung:

Nước mát quá anh ạ. Anh cho em xin thêm một chậu nữa.

Thạch nghe thế giãy nảy.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống  văn hóa, văn minh đô thị

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống văn hóa, văn minh đô thị

Hội thảo khoa học diễn ra ngày 25/07/2024 tại TP.HCM do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam – Asean TP.HCM tổ chức mang chủ đề "Giải pháp phát huy giá trị đa văn hóa và tiềm năng của các gia đình có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM góp phần xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị” đã đặt ra nhi

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), đồng thời Lễ truy điệu cũng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Ủy vi