Bernard Werber: Nhà văn mở rộng góc nhìn của độc giả lên 360 độ

Bernard Werber là một trong những nhà văn Pháp đương đại nổi tiếng nhất. Danh tiếng của Werber gắn liền với bộ tiểu thuyết “Kiến” gồm 3 cuốn: “Kiến”, “Ngày của kiến”, “Cách mạng kiến” được xuất bản trong vòng 6 năm từ 1991 đến 1996. Lấy chủ đề trung tâm là loài kiến - một loài vật ít được để ý cả ngoài đời thật và trong văn chương, bộ ba tiểu thuyết “Kiến” của Bernard Werber đưa độc giả đến với một thế giới khoa học ngoài sức tưởng tượng, mở rộng góc nhìn của độc giả lên 360 độ, đến với nền văn minh của loài kiến.

Bernard Werber: Nhà văn mở rộng góc nhìn của độc giả lên 360 độ - 1

Buổi toạ đàm giao lưu đầu tiên với Bernard Werber diễn ra tại Thư viện Quốc gia Việt Nam chiều 16/3.

Những tác phẩm ly kỳ về kiến

Mở đầu bằng việc kế thừa một kho chứa đồ từ ông bác là nhà côn trùng học, nhân vật chính Jonathan Wells đã dấn thân vào một cuộc phiêu lưu trong nền văn minh tân tiến đến không ngờ của loài kiến. Bằng tư duy của một nhà báo khoa học lâu năm, kết hợp với một tâm hồn văn chương, Bernard Werber đã đưa vào bộ ba tiểu thuyết “Kiến” một cốt truyện hấp dẫn, ly kỳ và những kiến thức khoa học đồ sộ, mạch lạc và mang nhiều tầng ý nghĩa. Không chỉ có vậy, bộ tiểu thuyết có dung lượng lớn này còn là tổng hòa của triết học, tâm linh, kinh dị, thần thoại và ý thức.

Bernard Werber: Nhà văn mở rộng góc nhìn của độc giả lên 360 độ - 2

Bộ 3 cuốn tiểu thuyết về kiến của Bernard Werber. Ảnh: Nhã Nam

Chia sẻ về bộ tác phẩm “Kiến” Bernard Werber cho biết, ông đã chọn viết về kiến bởi vì người ta thường cho rằng đây không phải là chủ đề hay nhưng với ông đó lại là một chủ đề đầy lạ lẫm. Khi còn nhỏ ông đã từng bắt gặp một con kiến và đã đặt câu hỏi: “Con kiến bé như vậy nó nghĩ gì về ta và ta nghĩ gì về nó?”. Bernard Werber đã viết bộ “Kiến” từ lúc 16 tuổi, 4,5 tiếng mỗi ngày, mất 12 năm để hoàn thành và viết lại 18 lần với cả trăm phiên bản khác nhau.

Kiến là một loài vật đã có mặt trước chúng ta trên hành tinh này, kiến có cả một nền nông nghiệp, có một nghệ thuật về chiến tranh chính vì thế tác giả đã muốn hiểu biết hơn về sự khác biệt của loài kiến và loài người, cũng như là sự hiểu biết của một loài có trước và một loài có sau.

“Khi con nhỏ tôi đã quan sát loài kiến rất lâu và có sự suy ngẫm về vị trí của con người trong thiên nhiên, tôi nhìn vào một tổ kiến và cũng đặt mình vào địa vị của một con kiến, để hỏi rằng con kiến nghĩ gì về con người. Và trong tác phẩm của tôi cái tầm nhìn của con kiến đối với con người đó là một sự gặp gỡ, mặc dù đôi khi sự gặp gỡ này là sự kết thúc của chú kiến đó vì sẽ có nhiều người giẫm vào kiến bằng gót giày của mình.

Tôi biết có nhiều người trong chúng ta đã từng giẫm đạp vào tổ kiến như một trò để đùa vui thôi, nhưng các bạn có nghĩ khi người ngoài hành tinh đến, họ có thể trông rất khổng lồ, họ đến các thành phố của chúng ta, rồi phá huỷ chúng và cũng chỉ để vui thôi. Khi các bạn hiểu điều này thì tôi nghĩ, khi gặp tổ kiến các bạn sẽ có cách ứng xử khác”, Werber chia sẻ.

Bernard Werber: Nhà văn mở rộng góc nhìn của độc giả lên 360 độ - 3

Bernard Werber chia sẻ tại toạ đàm với sự dẫn dắt của Tiến sĩ văn học Nguyễn Quyên. Ảnh: Ngọc Ánh

Khi đề cập đến kiến, Werber muốn độc giả cùng suy nghĩ về thân phận của con người và có thêm một tầm nhìn khác. Theo ông, đây không phải là khoa học viễn tưởng mà nó là triết học viễn tưởng, điều ông làm là đem lại một cái nhìn khác đối với những vấn đề mà hiện nay con người đang phải đối mặt.

Ông nhấn mạnh: “Tất cả những gì diễn ra trong bộ 3 tiểu thuyết này là sự tổng hợp những quan sát của tôi về loài kiến và đã được kiểm nghiệm bằng khoa học, thứ khác biệt duy nhất là tôi đã nhân cách hoá cho các con kiến này và chúng sẽ cất tiếng nói để thể hiện suy nghĩ của mình. Đó là điều duy nhất mà tôi đưa vào, còn những yếu tố còn lại như kiến xây dựng quân đội, kiến có những phát kiến hoặc cách kiến tự xoay sở trong cuộc sống của chúng,… thì đó là sự thật mà chúng ta có thể kiểm chứng”.

Bernard Werber: Nhà văn mở rộng góc nhìn của độc giả lên 360 độ - 4

Bộ ba tiểu thuyết “Kiến” đã đưa tên tuổi của Werber vượt ra ngoài ranh giới nước Pháp. Ảnh: Ngọc Ánh

Trải qua hành trình dài ba tập, đến khi khép lại những trang viết cuối cùng của bộ tiểu thuyết khoa học viễn tưởng “Kiến”, bên cạnh khối kiến thức đồ sộ, độc đáo và đầy thú vị, độc giả cũng sẽ có khoảnh khắc ngẫm nghĩ về những triết lý sâu sắc về lòng dũng cảm, về chủ nghĩa anh hùng, sự sáng tạo hay ý nghĩa hiện sinh. Đó cũng là đặc trưng trong sáng tác đã đưa Werber đi từ một nhà báo khoa học dày dặn kinh nghiệm trở thành một trong những nhà văn Pháp đương đại nổi tiếng nhất.

Tiểu tuyết phải khuyến khích độc giả có thêm chiêm nghiệm 

Sau thành công vang dội của bộ tiểu thuyết khoa học viễn tưởng “Kiến”, Bernard Werber vẫn tiếp tục sáng tác những tiểu thuyết sci-fi khác. Năm 2018, Bernard Werber cho xuất bản tiểu thuyết mới có tên “Chiếc hộp Pandora”. 

Với tiểu thuyết này, Bernard Werber đã đưa ra một thể loại văn chương mới mà ông gọi là “triết lý viễn tưởng”, pha trộn khoa học viễn tưởng, triết học và tâm linh. Vẫn với phong cách đặc trưng là văn chương kết hợp với khoa học viễn tưởng, lần này, với “Chiếc hộp Pandora”, Bernard Werber đưa yếu tố tâm linh làm gia vị cho cốt truyện của mình.

Bernard Werber: Nhà văn mở rộng góc nhìn của độc giả lên 360 độ - 5

Tác phẩm “Chiếc hộp Pandora” của Bernard Werber. Ảnh: Nhã Nam

“Chiếc hộp Pandora” kể về cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ của René, một giáo viên lịch sử sau khi tham gia một buổi biểu diễn thôi miên đã vô tình lạc vào một kiếp sống trước. Sự kiện này đã vô tình liên tục đẩy anh vào những kiếp sống khác nữa, khiến anh đi đến một thách thức đầy kích thích: liệu anh có thể làm thay đổi dòng chảy của lịch sử, viết lại nó, và từ đó làm thay đổi trí nhớ của cộng đồng?

Đây là một cốt truyện táo bạo, đưa người đọc du hành vượt không gian và thời gian, đi từ Paris, vòng qua Atlantis - thành phố mất tích, rồi đến Ai Cập bằng thôi miên tiền kiếp. Yếu tố khoa học viễn tưởng cũng được đưa vào một cách khéo léo khi đề cập đến các cơ chế của trí nhớ, cả cá nhân lẫn tập thể, cũng như ý nghĩa của lịch sử và ảnh hưởng của nó lên đời sống của xã hội.

Bernard Werber: Nhà văn mở rộng góc nhìn của độc giả lên 360 độ - 6

Bernard Werber là một trong những nhà văn Pháp đương đại nổi tiếng nhất hiện nay. Ảnh: Nhã Nam

Có thể thấy, cấu trúc tiểu thuyết của ông làm say mê các độc giả yêu thích khoa học khi đan xen giữa các đoạn văn chương và các phần kiến thức khoa học bách khoa. Chia sẻ về việc viết tiểu thuyết, Werber cho rằng, tác giả cần làm sao đặt ra những câu đố rồi trao cho độc giả chìa khoá và thúc đẩy họ phát triển một suy nghĩ khác cái suy nghĩ độc giả thường có.

Ông quan niệm tất cả các tiểu thuyết là một sự mở mang, sự bắt đầu một ý tưởng cho độc giả và để độc giả thấy rằng họ hoàn toàn có thể tìm ra được giải pháp cho chính mình sau mỗi cuốn tiểu thuyết mà họ đọc.

“Tôi nghĩ rằng tiểu thuyết không chỉ đơn giản là việc kể một câu chuyện mà việc tác giả cần làm là phải làm sao cho độc giả có thể suy nghĩ về một vấn đề nào đó, làm độc giả thay đổi quan niệm về thế giới. Trong tất cả các tiểu thuyết của tôi, tôi rất mong muốn đặt ra những câu hỏi mới, những vấn đề mới, để có thể đánh thức độc giả ở một cái khía cạnh nhất định nào đó”, tác giả Werber cho hay.

Các tác phẩm của Bernard Werber thể hiện trí tưởng tượng hết sức phong phú, là sự kết hợp nhuần nhuyễn, hài hoà và thú vị giữa văn chương, khoa học viễn tưởng và các ý tưởng triết học. Ông luôn cố gắng đề cập đến thân phận con người và khuyến khích độc giả chiêm nghiệm triết học về vị trí của con người trên trái đất, về khả năng của con người trong việc thấu hiểu những gì khác biệt với mình và thấu hiểu chính bản thân mình.

Bernard Werber sinh năm 1961 tại Toulouse, Pháp. Sau khi tốt nghiệp Đại học Toulouse chuyên ngành Luật và trường Báo chí Quốc gia, ông dành hơn mười năm làm nhà báo khoa học và từng cộng tác với rất nhiều tờ có tên tuổi khác như Le Point, Ça m'intéresse. 

Các tác phẩm của Bernard Werber đã được dịch ra hơn 35 thứ tiếng. Với 15 triệu bản sách bán được trên toàn thế giới, Bernard Werber là một trong những nhà văn Pháp đương đại nổi tiếng nhất. Ngoài tiểu thuyết, ông còn được biết đến với truyện ngắn, truyện tranh, kịch và phim. 

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tổ chức tài chính quyền lực nhất thế giới Fed hiện có bao nhiêu tiền?

Tổ chức tài chính quyền lực nhất thế giới Fed hiện có bao nhiêu tiền?

Lượng dự trữ tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020, gây lo ngại về tình trạng thanh khoản trong hệ thống tài chính. Với áp lực từ các chính sách thắt chặt định lượng (QT) và động thái điều chỉnh lãi suất, liệu Fed có đủ dư địa để kiểm soát tình hình?