Bi kịch những bức thư không hồi âm (truyện ngắn)
Sau giải phóng miền Nam, Long không xuất ngũ mà trở lại trường Đại học Bách khoa để học nốt năm cuối khoa Vô tuyến điện tử với tư cách là bộ đội được cử đi học. Tốt nghiệp, anh được phân công về phòng thông tin của một bộ tư lệnh binh chủng trong quân đội với quân hàm thiếu uý, lương tháng 65 đồng...
Một mình với đồng lương ấy, Long sống ẩn lánh cùng với câu chuyện tình bi thương và hàng trăm bức thư không thèm hồi âm, những phong thư còn nguyên dấu bưu điện đếm những khoảnh khắc mỏi mòn chờ mong của người vợ phải chôn chặt tuổi thanh xuân của mình vào một mối tình khờ dại thời sinh viên, những mảnh tình ấy được buộc chặt bằng một sợi dây dù, chiến lợi phẩm của người lính từ chiến trường. Dường như những bức thư ấy bị ép vào nhau đến nghẹt thở cho đến tận cuối cuộc đời của một người lính trinh sát. Long cứ dằn lòng mình để quên đi chuyện cũ, nhưng càng muốn quên, anh lại càng nhớ như in mọi chuyện.
Nhớ những năm học Bách khoa, cứ thứ Bảy hằng tuần là ngày được nghỉ ngơi trọn vẹn nên đứa nào cũng mong mỗi tuần học trôi nhanh. Buổi sáng, cả bọn nội trú thân nhau rủ đi cà phê Quán Gió, Long với người bạn thân nhất là Trung hôm ấy rủ thêm được hai bạn nữ học khoa Động lực là Minh Hiền và Thúy Oanh nhập hội.
Hiền là em kết nghĩa của Trung, quê ở thành phố Nam Định, nổi tiếng với vẻ xinh đẹp, mắt đen lúng liếng, tóc dài qua gối. Trung ca ngợi em mình đẹp kiểu “mình sếu chân giang”, bước đi duyên dáng như chim sáo nhảy nhót. Thúy Oanh thì thấp bé nhẹ nhàng, ưa nhìn, tính tình vui vẻ cởi mở, thích giúp đỡ mọi người. Cuộc gặp gỡ giới thiệu bạn bè thật chân tình, thế rồi tình cảm cứ lớn dần cùng tuổi trẻ sinh viên. Trong nhóm bạn may mắn có cậu Huỳnh Vĩnh Minh luôn đứng ra bao cả hội bởi Minh là học sinh miền Nam, tính tình rộng rãi, phóng khoáng, hơn nữa Minh còn được học bổng toàn phần tới 22 đồng mỗi tháng.
Và cứ thành lệ, sáng thứ Bảy nào cả bọn cũng gặp nhau như thể đã thân thiết từ lâu. Lần ấy, sau khi chia tay mọi người để “nhảy tàu điện” về nhà, Long mơ màng suy nghĩ hình như mình và Hiền có “duyên tiền định”. Mấy tuần sau Long chủ động đi tìm Trung để bày tỏ cảm xúc của mình, nhưng vòng vo không biết diễn đạt thế nào nên chỉ ậm ừ: “Ông với tôi là bạn, từ nay tôi muốn gọi ông bằng anh có được không?”.
Minh họa Ngô Xuân Khôi
Trung là người ranh mãnh hiểu ra ngay ý của Long, chắc Long định tìm hiểu em gái nuôi của mình đây. Trung đã có vợ con ở quê, lại có khiếu ăn nói nên tư vấn rất nhiệt tình cho Long, nào là phải “thứ nhất cự li, thứ nhì tốc độ”. Thêm nữa Trung cũng cho Long biết Hiền là thiếu nữ có tâm hồn lãng mạn, cô say mê thơ tình Nguyễn Bính và đắm chìm trong ca tình nổi tiếng “Hoa Trinh nữ” của Trần Thiện Thanh:
“Như yêu một loài hoa trên vùng đá sỏi buồn phiền
Loài hoa không hương, không sắc màu nhưng loài hoa biết khép lá ngây thơ”
Bài thơ Long gửi cho Hiền đã trở thành dải lụa hồng buộc chặt mối duyên nghiệt ngã của cuộc đời người lính yêu đến hận thù.
“Anh có ngờ đâu em, nơi ngõ phố lạ lùng này
Lại nói với em những lời say đắm ấy
Khi mơ ước lòng anh vừa nhóm dậy
Khi trang đời trong sáng tựa trang thơ
Em đến bất ngờ như trong một giấc mơ
Anh đứng sững, bàng hoàng không kịp hiểu
Ôi đường vắng quen thân ôm bóng sấu
Có còn chăng những kỷ niệm xa xưa
Tan lớp về, trời đổ cơn mưa,
Anh nắm tay em ẩn mình sau tán lá
Vội nói với em những điều xa lạ
Mà có trong anh không biết tự bao giờ”
Kết cục cuộc tình ám ảnh bởi hai câu thơ kết:
“Em như con tem, anh như cái phong bì,
Dấu bưu điện như cái môi của cuộc đời hôn lên hai đứa.”
Mối tình sinh viên của họ đẹp như thơ, rồi điều gì đến cũng phải đến. Hiền có bầu, từ đó cô bỏ học, trốn gia đình ở lại sống với Long. Nhà của Long ở khu tập thể Cống Vị, căn nhà cấp bốn hình hộp chữ nhật mặt tiền khoảng ba mét, chiều sâu hơn hai chục mét, không có khu vệ sinh, các dãy cách nhau cách bởi một rãnh thoát nước.
Mặt trước kề với ngõ nhỏ là cái sân chừng bốn mét vuông, có một cửa ra vào và một chiếc cổng sắt trước mỗi dãy nhà. Bố mẹ Long mất sớm. Long và Hiền yêu nhau chưa đầy tháng thì “tai nạn tình yêu” đến với họ ngoài ý muốn. Hiền hốt hoảng biết mình trót “ăn cơm trước kẻng” nên Long và Hiền đành bí mật sống chung, không cưới hỏi mặc cho hàng xóm, láng giềng dòm ngó, điều ong tiếng ve. Rồi kết quả cuộc tình phi thường ấy cho ra đời một bé gái bụ bẫm đáng yêu đặt tên là Hiền Thảo, nó là báu vật, là cứu tinh để tạo nên hình hài của một gia đình.
Bé Hiền Thảo chưa đầy tuổi thì một sáng nọ, bố nó vừa đi học, vừa phải làm bảo vệ cho công trường xây dựng khu “Cao-Xà-Lá” ở Thượng Đình, mỗi tuần vài ba ca đêm để kiếm tiền phụ giúp cho vợ trang trải cuộc sống. Sáng hôm ấy đi làm về, thấy cổng khoá, Long băn khoăn không biết hai mẹ con Hiền đi đâu, hay con bé Thảo có chuyện gì, bao nhiêu câu hỏi cứ xoáy trong đầu. Nỗi lo lắng, bồn chồn mỗi lúc lại dâng lên. Long vào nhà nằm vật ra giường, trong lòng bắt đầu dấy lên sự hồ nghi, bụng dạ nóng như lửa đốt. Không thể chịu được nữa anh ngồi bật dậy chạy sang nhà Ẩn, bạn thân trong khu tập thể, hắn tính khí bộc trực lại hay pha trò.
Thấy Long hớt hải vừa nói vừa thở hổn hển, Ấn bảo: “Sao mặt mày tái nhợt thế? Sáng tinh mơ tao thấy vợ con mày được một “đồng chí” bộ đội đèo nhau bằng chiếc xe đạp Phượng Hoàng màu rêu xích hộp mới coong, ngó bộ tình cảm thắm thiết lắm. Tao bảo thật nhé: vợ vừa xinh, vừa trẻ đẹp mày phải biết giữ lấy, cứ mải miết kiếm tiền như mày khéo mà thành “tò vò mà nuôi con nuôi nhện” đấy!
Nói rồi Ấn quay mặt đi nở một nụ cười ranh mãnh. Những lời bóng gió của Ẩn như muối xát vào lòng, không trả lời, Long vội vã chạy về nhà. Trong đầu anh lóe lên ý nghĩ “Vợ mình hư thật rồi sao?”.
Một lúc sau thấy Hiền địu con rồi đèo nhau bằng chiếc xe đạp Phượng Hoàng mới toanh về. Hiền gạt chân chống xe rồi bế con vào nhà, thấy vẻ mặt Long bừng bừng sát khí, Hiền hỏi: “Anh sao thế? Hôm nay em thấy anh lạ quá!”.
Không nói không rằng, chiếc xe đạp Phượng Hoàng màu rêu như tang chứng vụ án bị Long dùng thanh gỗ chặn cửa đập túi bụi khiến nó bị cong vênh, méo mó, từng mảng sơn bong tróc bắn tung tóe xuống nền nhà, chiếc xe nằm sõng soài ngăn cách giữa hai “tình địch”. Tất cả những lời phân trần của Hiền không lọt vào tai Long, không ai chịu nghe ai nói và cái kết là hai kẻ khùng điên cùng lúc thét lên: “Ly dị đi!!!”. Ngay chiều hôm ấy, Hiền bế con ra ga Hàng Cỏ xuôi về Thành Nam. Ngậm đắng nuốt cay về tình đời nghiệt ngã, hai mẹ con đành phải bấu víu vào ông bà ngoại sống cho qua những tháng ngày đầy nước mắt để nuôi con Thảo nên người.
*
Năm 1971, cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn căng thẳng. Nhu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam trở nên cấp bách. Thực hiện lệnh tổng động viên, các địa phương đồng loạt kêu gọi thanh niên lên đường tòng quân. Không ít sinh viên nhận được giấy gọi nhập ngũ ngay thời điểm vừa có giấy báo nhập học. Long cùng với nhiều sinh viên các trường Bách khoa, Tổng hợp, Xây dựng, Nông nghiệp, Kinh tế kế hoạch… gác lại giấc mơ tuổi thanh xuân để cống hiến sức trẻ theo tiếng gọi của Tổ quốc. “Lính sinh viên” chủ yếu được đưa vào huấn luyện trong các đơn vị bộ binh, trực tiếp cầm súng chiến đấu. Trước đó, tất cả đều phải tập đeo đất hành quân, nâng dần từ 15kg lên tới 25kg.
Sau ngày thống nhất đất nước, theo chính sách đối với quân nhân là sinh viên nhập ngũ đi B, Long được trở lại trường để học nốt năm cuối đại học. Tốt nghiệp, anh về công tác tại phòng thông tin của một bộ tư lệnh binh chủng trong Quân đội cho đến ngày nghỉ hưu.
Ở Nam Định, Hiền trở thành tổ trưởng tổ cơ điện của Nhà máy Dệt Nam Định. Bé Thảo năm nào nay đã tốt nghiệp trường Báo chí và Tuyên truyền, trở thành biên tập viên của một đài truyền hình danh tiếng.
*
Được tin Long mắc bệnh hiểm nghèo, hai mẹ con Hiền đến thăm và quyết định túc trực ở giường bệnh trong những ngày Long chỉ còn nửa tỉnh nửa mơ. Hiền thu xếp, gói ghém tư trang cho chồng, biết rằng Long khó qua khỏi bởi không những bị bệnh tật dày vò mà vết thương lòng cũng không ngừng hành hạ anh. Bất chợt, Hiền tá hoả khi phát hiện một bọc thư mà đối với cô những chiếc phong bì đã quá quen thuộc và nét chữ không thể là ai khác, cùng với một xấp tiền vẫn bị cột chặt bởi sợi dây dù chiến lợi phẩm - qua mấy kì đổi tiền - những tờ giấy bạc đó chỉ còn là kỉ niệm xót xa. Hiền bỗng lặng người!
Hiền đã viết thư cho chồng ròng rã suốt hai năm trời nhưng Long không hề ngó ngàng đến. Những phong thư vẫn nguyên vẹn như khi gửi đi. Cái Thảo được mẹ cho xem hàng trăm bức thư viết trong nước mắt tủi hờn ngày xưa. Long đã hiểu lầm nghiêm trọng! Sự thật là, anh trai của Hiền trước khi đi B ghé qua thăm em gái. Thương em vất vả nên có chút tiền dành dụm được và chiếc xe Phượng Hoàng là tài sản giá trị nhất anh đã gửi lại tất cả cho hai mẹ con. Chiến tranh tàn khốc đã khiến người lính ấy ra đi mãi mãi - anh không bao giờ biết rằng tấm lòng yêu thương của mình lại vô tình trở thành nguyên cớ cho sự đổ vỡ hạnh phúc của đứa em gái mà mình yêu thương nhất.
*
Một ngày đầu đông năm Đinh Hợi, trong căn phòng điều trị tích cực của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhiều bạn bè hầu hết là các nhà văn, nhà thơ đứng quanh giường bệnh của anh Phạm Tiến Duật - nhà thơ lớn nhất của Trường Sơn, thời chống Mỹ. Nếu không có sự xuất hiện của ông thì thơ chống Mỹ, thơ Trường Sơn thiếu đi phần đặc sắc. “Tuyển tập Phạm Tiến Duật” - lời tri ân với thi sĩ Trường Sơn một thuở đã được nhà văn Nguyễn Khắc Phục thay mặt cho nhóm biên soạn tặng tác giả Phạm Tiến Duật - con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại trong niềm xúc động đúng vào thời khắc nhà thơ sắp đi xa mãi mãi. Những tình cảm ấy không thể cân đo, đong đếm, mà được xác định bằng chính những vần thơ còn lại mãi cùng năm tháng. Nhà thơ Phạm Tiến Duật đưa cặp mắt đẫm lệ và nở nụ cười hiền hậu đón nhận tình cảm của đời đối với anh… Một không khí hân hoan đan xen cả những giọt nước mắt, những nụ cười, sự mãn nguyện và ngập tràn yêu thương…
Đối nghịch với cảnh tượng ấm áp tình người ấy, ở phía xa cửa sổ, hai mẹ con Hiền mắt đỏ hoe, ngồi trầm mặc như hai pho tượng thạch cao, cúi đầu trước chiếc giường bệnh bằng inox lạnh lẽo - một người lính già nhỏ thó, khắc khổ có tên đầy đủ Nguyễn Hữu Long nằm chơ vơ, bất động lẫn trong nền ga trắng như ngủ thiếp đi trên con thuyền độc mộc âm thầm trôi vào quên lãng. Hai cánh tay gầy guộc vòng lên ôm lấy cuốn sách được ấp trên ngực. Chính bé Thảo là người trực tiếp biên soạn gần 200 bức thư của mẹ để in thành cuốn truyện nhan đề “BI KỊCH NHỮNG BỨC THƯ KHÔNG HỒI ÂM” cho cha kịp đọc để thanh thản trước lúc đi xa mãi mãi.
Cuộc đời Long lúc này là sự nuối tiếc nhất, đau khổ tột cùng nhất nhưng cũng đau khổ khi những giây phút cuối đời ông được chạm vào cuốn sách còn hăng mùi mực, được đọc về thiên tình sử với gần 200 bức thư thống thiết của người vợ kiên trì, ròng rã suốt hai năm trời gửi theo đường bưu điện cho chồng mà ông đã lạnh lùng bỏ qua.
Chiến tranh không chỉ là “Nỗi buồn” mà chiến tranh còn là tội ác, cái giá mà con người phải trả cứ mãi đeo bám cho dù chiến tranh đã lùi xa./.
Sau buổi họp, tôi lên phòng ông trưởng phòng tổ chức truy hỏi. Ông xòe bàn tay, xoa xoa ngón cái vào những ngón kia bảo tại...
Bình luận