Bố dượng (truyện ngắn)

"Nó buông chiếc cặp lồng rơi từ trên tay lúc nào không hay, những hạt cơm còn nóng hổi lăn lóc trên nền đất. Năm miếng đậu phụ, hai quả trứng luộc đã bóc vỏ, một ít rau luộc, thức ăn nó chuẩn bị cho mẹ bồi bổ sau khi sinh xong. Nó hớt hải khóc lóc bám gấu áo người đàn ông đi vào trong phòng, hai người nhìn mặt mẹ nó lần cuối..."

Trời mưa rả rích, nó – một cô bé mười hai tuổi, đen nhẻm, đang cầm chiếc cặp lồng cơm trên tay. Nghe tiếng khóc oe oe cất lên từ phòng bệnh nhỏ. Tiếng khóc chen lẫn màn mưa đang rơi bên hiên. Một cô y tá chạy ra khỏi phòng với vẻ mặt hớt hải gọi người đàn ông đang ngồi cạnh nó:

Anh Hoan! Chúng tôi rất tiếc, chị Hoa ra máu nhiều quá nên chỉ cứu được bé chứ mẹ cháu thì...

Nó buông chiếc cặp lồng rơi từ trên tay lúc nào không hay, những hạt cơm còn nóng hổi lăn lóc trên nền đất. Năm miếng đậu phụ, hai quả trứng luộc đã bóc vỏ, một ít rau luộc, thức ăn nó chuẩn bị cho mẹ bồi bổ sau khi sinh xong. Nó hớt hải khóc lóc bám gấu áo người đàn ông đi vào trong phòng, hai người nhìn mặt mẹ nó lần cuối. Người đàn ông mếu máo bế đứa trẻ đỏ hỏn trên tay. Nó nhìn tấm vải trắng đắp lên mặt mẹ nó rồi gào thét đau đớn tột cùng:

Mẹ ơi! Mẹ đừng bỏ con!

Nền trời xám ngoét xé toạc, sáng lóe vài tia chớp, những giọt mưa đuổi nhau rơi nặng hạt hơn.

***

Bố dượng (truyện ngắn) - 1

Ảnh minh họa

Mùa hè năm trước, ngày ấy trời không mưa, những làn nắng vô tư trải dài trên cánh đồng ngô bạt ngàn phù sa màu mỡ. Nó theo mẹ về quê chồng mới của mẹ. Người đàn ông bao dung trong nét cười hiền từ. Nơi quê chồng của mẹ ở ngoại đê, nhà nào cũng đắp một ụ đất cao rồi xây nhà trên đó để ngăn lũ. Nếu lũ dâng cao, cùng lắm cũng chỉ ngập đến mép cửa chứ nước không tràn vào nhà được. Vì thế, con dốc từ cổng lên nhà xa tít tắp như ngọn đồi, từng lớp đất phù sa bám níu chặt vào gót dép màu đỏ quạch.

- Mai ơi! Con hãy gọi ta là bố nhé!

Người đàn ông, chẳng biết chú ấy đã trở nên thân quen với nó từ khi nào, chú vuốt mái tóc cháy nắng của nó và đề nghị với nó một lời thân thương. Tiếng “bố” nó chưa bao giờ được cất lên từ lúc nó sinh ra. Mẹ nó không bao giờ kể cho nó nghe ai là bố nó. Chỉ biết rằng, căn nhà nhỏ ven cánh đồng làng Tẩy, cứ mùa đông mẹ nó trồng rau cải mang lên chợ bán. Mùa hè, mùa thu hai vụ lúa chiêm lúa mùa thóc gạo đủ ăn chờ vụ tới. Mẹ thương yêu nó, nhưng chưa đủ. Chúng bạn ở lớp toàn trêu nó là đồ con hoang. Nó chạy về nhà mách mẹ, mẹ dắt nó đi đến từng nhà mắng mấy đứa trẻ con nói lời vụng dại trêu đùa. Nhưng khi mắng lũ trẻ xong, mẹ con nó bước chân quay ra khỏi cổng, chính người lớn là bố mẹ chúng còn mỉa mai “cái thứ phụ nữ không chồng mà đẻ oai phong gì”.

Dáng liêu xiêu của hai mẹ con nó dắt nhau về căn nhà nhỏ, cô đơn và rời rạc chẳng đủ gọi là một gia đình. Bởi gia đình nào thì đứa con thường đứng giữa, nên mẹ đó đi bên nào cũng thấy lệch chẳng cân.

Mai ạ! Bố con là người tốt, nhưng có những bí mật cần phải giữ. Mai có mẹ yêu con là đủ, nhỉ!

Không! Con muốn có bố! Con không muốn là đứa con hoang như các bạn trêu!

Vậy mẹ sẽ đi lấy chồng, sẽ tìm bố cho con. Được chứ?

Câu chuyện hai mẹ con hôm đó dừng lại như thế, lúc ấy nó mới là cô bé tròn 6 tuổi. Mẹ nó chỉ bâng quơ nói cho qua chuyện, cho nó yên tâm không buồn. Thế mà năm năm sau mẹ nó lấy chồng thật. Một người đàn ông ở phía bên kia sông Đuống.

Hôm ấy mẹ nó lên chợ bán rau, nó đợi mãi đến trưa không thấy mẹ về. Nó ngóng mẹ và ngóng cả thứ quà trẻ con hay mong mỗi buổi chợ phiên. Khi thì mẹ nó sẽ mua cho nó cái bánh rán, khi thì vài tấm mía cong cong. Trời trưa trặt, mẹ nó về cùng người đàn ông lạ, họ mua mớ cá và ít thịt để nấu cơm. Người đàn ông đưa cho nó túi kẹo Bon Bon, lúc nào cũng giữ nguyên nụ cười trên môi ấm áp. Bữa cơm đầu tiên trong ngôi nhà nhỏ có đủ ba người. Mẹ nó líu ríu truyện trò bên mâm, nó thấy trong lòng một hãnh diện nho nhỏ. Giá như lúc này, các bạn ở lớp nhìn thấy bữa cơm nhà nó, bữa cơm có đầy đủ thành viên trong gia đình, chắc chúng bạn chẳng bảo nó là đồ con hoang. Nhưng đó chỉ là những giây phút nó chợt tưởng tượng ra viễn cảnh rất ngắn. Sau bữa cơm trưa, người đàn ông đó dắt chiếc đạp đi ra phía cổng, chào hai mẹ con nó ra về.

Lúc đầu, nó cảm giác hơi hụt hẫng, nhưng thời gian sau người đàn ông đó đến nhiều hơn. Mẹ nó cũng hạnh phúc long lanh trong đáy mắt. Có những buổi tối thật ấm áp, chú ấy dạy nó làm toán, mẹ thoăn thoắt nó đan len chiếc khăn mùa đông. Câu chuyện góp chung lời, vui như một gia đình trọn vẹn.

Tháng sau giời hết nồm ẩm, mùa hè sang. Mẹ con mình sẽ về nhà chú Hoan sống.

Thế hả mẹ? Hai mẹ con mình sẽ đi cùng nhau chứ ạ?

Mẹ nó khẽ mỉm cười gật đầu. Nó nhìn vào mẹ, niềm vui ánh lên từ khóe mắt. Mẹ nó thật đẹp những lúc mẹ vui thế này, vài sợi tóc mai vương trên má, tay mẹ vén nhẹ, vén luôn cả giọt mồ hôi chưa kịp rơi.

Mẹ! Nếu mẹ cưới chú Hoan rồi mẹ có còn yêu con không?

Tất nhiên là mẹ yêu con nhất, sau mới đến chú Hoan.

Tại vì con ở với mẹ từ nhỏ, chú Hoan mới gặp được mấy tháng nên mẹ yêu con nhiều hơn mẹ nhỉ!

Thực ra mẹ gặp chú Hoan trước cả khi sinh con đấy! Nhưng tình yêu không so sánh theo thời gian như thế. Thôi ngủ đi con!

Hai mẹ nó con chìm vào giấc ngủ khi trăng đầu hè vẫn còn thao thức bên của sổ. Tuần sau, mẹ nó cưới chồng rồi.

Ngày tổ chức hôn lễ của mẹ nó, nói là đám cưới nhưng nhà nó không có rạp che như các đám khác nó từng đi xem ở làng. Cô dâu là mẹ nó không mặc áo dài, không tô son điểm phấn, không cài hoa trên đầu. Nhà nó chỉ vỏn vẹn có dăm mâm cỗ, vài người họ hàng đằng nhà bà ngoại nuôi, cả đời cưới xin có một lần, mẹ nó mời mãi họ mới thương tình đến dự.

Mẹ nó cũng là đứa trẻ mồ côi được bà ngoại nuôi nhặt mẹ về từ bến tàu. Lúc ấy chiến tranh, đất nước vẫn còn bom rơi đạn nổ. Mẹ nó còn nguyên dây rốn, quấn trong chiếc chiếc tã rách, đặt trong cái làn nhựa màu xanh. Bà ngoại sống một mình, bà bị bệnh phong hay còn gọi là bênh hủi, chạy chữa mãi chưa khỏi hẳn, dân làng đuổi bà ra bãi đất trống ở giữa cánh đồng, họ thương tình xây cất cho bà ngôi nhà nhỏ. Bà ngoại yêu thương mẹ nó như con ruột. Nhưng bà đã mất đi lúc mẹ nó mười sáu tuổi trăng tròn.

Mẹ ở lại căn nhà của bà ngoại. Tuổi thanh xuân mẹ nó cũng dần lớn lên nhưng chẳng có ai thèm ướm hỏi, mặc dù mẹ nó rất xinh. Phần vì người ta thấy mẹ nó từng sống với bà ngoại bị bệnh phong, phần vì người ta chê mẹ nó không môn đăng hộ đối với ai ở làng. Đến năm mười chín tuổi, mẹ sinh nó. Một ngày mùa xuân mưa phùn giăng phủ trên bệnh viện cũ. Nó sinh ra xinh xắn nhưng có đôi mắt u buồn, dân làng không biết bố nó là ai. Mẹ nó chưa bao giờ nói.

***

Nó rất muốn gọi người đàn ông ấy là bố, nghe chú Hoan đề nghị vậy, nó sung sướng rồi lí nhí trong mồm kêu tiếng “bố!”. Nhưng chiều nay, khi nó đi học về, nó đang hào hứng với lớp học có cô giáo và các bạn mới. Họ không gọi nó là đồ con hoang mà tỏ ra rất thân thiện. Anh Vinh - con riêng của “bố” nó lôi nó ra gốc cây sung rồi dọa:

Tao cấm mày gọi bố tao là bố! Bố mày ở đâu thì đi tìm mà gọi, mày cứ liệu hồn nếu tao mà nghe thấy một lần nữa!

Ánh mắt trợn ngược của Vinh khiến nó sợ hãi. Trước giờ nó đã phải nén chịu quá nhiều những ánh mắt khinh miệt của mọi người. Giờ đây Vinh nhìn nó, nó vừa sợ lại vừa tủi thân. Vinh gửi ánh nhìn sắc lẹm đi khuất sau bức tường, nó buồn xo nhìn khoảng trời chiều bàng bạc. Đàn chim mỏi cánh tìm chốn ngủ, đàn kiến tha mồi nối đuôi nhau thành hàng đi về tổ. Nó lạc lõng, giấu những giọt nước mắt và chạy vào trong nhà hỏi mẹ.

Mẹ ơi! Con phải gọi chú Hoan là gì hả mẹ? Anh Vinh không cho con gọi chú ấy là bố.

Mẹ trở nên bối rối trước câu hỏi của nó:

Con cứ tạm gọi là “chú Hoan” đi, rồi mẹ lựa khuyên anh Vinh.

Mẹ thương nó nhưng mẹ biết, Vinh bằng tuổi nó mà bướng bỉnh. Từ ngày mẹ Vinh mất, Vinh càng trở nên lì lợm hơn. Nhiều lần mẹ cố gắng gần gặn Vinh thủ thỉ nhưng Vinh không đáp lại mà né tránh bằng mọi cách. Hôm chú Hoan đón mẹ con nó về, Vinh đi miết sang nhà bà ngoại gần đó, nói thế nào Vinh cũng không chịu về, Vinh bảo trừ khi chú Hoan đuổi hai mẹ con nó đi.

Chú Hoan phải dỗ mãi, nào là bố sẽ luôn công bằng, bố thương con, bố không muốn mẹ Vinh mất đi, nhưng căn bệnh tim đã khiến mẹ Vinh mắt khép tay buông đầy tiếc nuối, để sống tiếp, hai bố con cần có người phụ nữ vun vén cho gia đình. Chú Hoan phải tỉ tê cả buổi chiều, mãi rồi Vinh cũng hơi tỏ ý xuôi lòng theo bố về, nhưng thái độ vẫn còn bậm bục lắm.

***

Người làng ác mồm ác miệng gọi chú Hoan là “người vía độc”. Bởi chỉ một năm sau khi cưới mẹ nó, ngày Hiên - đứa em gái cùng mẹ khác cha với nó cất tiếng khóc chào đời thì mẹ nó cũng ra đi. Lúc mẹ nó nằm trong quan tài, nó gào khóc khản đặc giọng. Chú Hoan thì bế đứa em gái từ trong tay người cô rồi đứng trước linh cữu, nói với người đã chết như van lơn:

Em cho con bú đi, nó đang khóc gọi mẹ này! Sao em vô tâm thế, ai cũng gọi em từ hôm qua tới giờ. Đừng nằm im mãi như thế, trả lời anh nghe một tiếng Hoa ơi!

Cả không gian tang thương chìm vào màn mưa trắng xóa. Mưa ngâu tháng Bảy, mưa như giọt nước mắt của trời đổ lệ khiến ai cũng xót xa. Người ta, có những lúc đau đớn đến tột cùng, đau đớn tới mức mà người ta không biết giây phút tiếp theo người ta sẽ phải đứng dậy bằng cách nào để sống tiếp.

Đám tang mẹ nó xong, nhìn chiếc bàn thờ khói hương nghi ngút. Mắt nó sưng húp mọng nỗi buồn. Trước giờ, nó chỉ có mẹ là người thân duy nhất trên đời này. Mẹ nó đi rồi, liệu chú Hoan có gửi lại nó về căn nhà ở nhỏ? Liệu chú Hoan còn thương nó? Tay nó bế em, còn Vinh đứng ở phía chiếc bàn gỗ và lườm nó:

Mẹ nó chết rồi, bố hãy trả nó về làng Tẩy, ai thích nuôi nó thì nuôi, nhà mình làm gì có tiền mà cưu mang nó.

Chú Hoan nheo mắt với Vinh và quay sang ân cần với Mai:

Mai không phải đi đâu cả, mẹ và em con cũng ở đây nên chúng ta vẫn là một gia đình.

Vâng chú! Con cũng làm gì còn nơi nào để đi nữa ạ!

Nó nói đứt quãng trong tiếng nấc, trong sự tủi phận tột cùng, trong lúc này nó hiểu rõ thân phận của một đứa trẻ bơ vơ.

Từ ngày đó, chú Hoan không đi thêm bước nữa. Mà cũng chẳng ai dám lấy chú kể cả những người phụ nữ quá lứa lỡ thì hay xấu xí ở làng. Họ kháo với nhau rằng ai làm vợ chú sẽ lại chết như hai người vợ trước, bởi vì chú là người “người vía độc”.

***

Bố dượng (truyện ngắn) - 2

Ảnh minh họa

Thời gian trôi đi, hết mùa ngô, mùa lúa rồi đến mùa đậu, mùa cà. Nó vừa làm đồng áng giúp chú Hoan và tranh thủ học hành sớm tối. Nó đảm đương vị trí thay mẹ nó trong gia đình này. Cũng đến ngày nó lớn lên, trở thành cô gái xinh xắn giống hệt mẹ nó. Khuôn ngực nó đầy đặn, ánh mắt hơi buồn bên hàng mi cong, nó hay thả ánh nhín lãng đãng ra cánh đồng ngô nơi có ngôi mộ mẹ nó nằm ở đó.

Chiều nay, ánh mắt hau háu của Vinh khiến nó cảm thấy như cái nhìn của một con thú khát thèm. Vinh cũng hơn hai mươi tuổi rồi mà chưa có một mảnh tình vắt vai. Cái tính lầm lì ít nói lúc nào cũng nằng nặng trên khuôn mặt anh ta thật khó gần. Đôi lúc sống trong gia đình này, nó nhìn Vinh rồi nó đâm ra gờn gợn những người đàn ông có tính dâm dê. Nó đang tuổi thanh xuân, khuôn ngực của nó đầy đặn như vầng trăng tròn ngày giữa tháng. Thân phận nó khác em Hiên, nó không có máu mủ tình thân với những người đàn ông trong gia đình này. Đàn ông những lúc khát thèm sao mà làm chủ được lí trí của họ. Nhỡ ra…

Không phải tự nhiên nó lo lắng như thế, hôm trước khi đi dạy học thêm về, trời đã tối, nó mang quần áo ra giếng tắm. Lúc định cài cánh cửa ọp ẹp bằng gỗ nhà tắm thì chợt có bàn tay của người đàn ông đẩy vào. Là Vinh! Anh ta đè nó ra và rúc cái đầu vào ngực nó, anh ta miết bộ râu cưng cứng vào má nó rồi xuýt xoa: “Mai đẹp quá, chiều tôi đi!”. Nó không thấy cảm xúc gì ngoài cảm giác ghê tởm. Nó hét lên và cựa chân đạp thật mạnh. Vinh bị tấn công bất ngờ nên anh ta ngã lăn ra. Cùng lúc ấy chú Hoan xuất hiện, chú túm cổ áo của Vinh xếch lên rồi tát Vinh thật đau:

Mày là thằng khốn nạn. Nó là em gái mày đấy! Tao sẽ giết mày nếu mày làm thế với nó một lần nữa.

Nó ôm hai tay trước ngực giữ cái áo khỏi tuột khuy và khóc. Nó run run như con thú bị tổn thương sợ hãi. Thế rồi Vinh bỏ đi làm ăn xa đi ngày đó, có thể do Vinh ngại, hay chút lương tri của tình người vẫn còn vớt vát trong anh ta, nó không biết nữa. Chỉ thấy dáng Vinh khoác ba-lô tồi tội đi ra đi vào một buổi chiều không nắng.

Nó cũng có người yêu, nó yêu Long, một thầy giáo dạy học trường làng cùng nó. Hôm trước Long đưa nó về ra mắt bố mẹ. Nhưng mẹ Long có vẻ không hài lòng khi bà dò xét thân thế của nó. Chả thế mà mẹ Long cứ bóng gió như nói cho nó tự hiểu:

Lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống. Nhà cô chả nhiều nhặn gì, có mỗi thằng Long. Cho nên cô cũng muốn chọn cho nó cô vợ vẹn toàn, gia đình môn đăng hộ đối.

Nó nghe xong mặt buồn hẳn, cuộc đời nó là chuỗi những ngày cô đơn dài đằng đẵng. Long đến bên nó, như xua tan đi đám mây u ám trên đầu để nó vui vẻ sống tiếp. Long thương nó, an ủi nó, anh trìu mến trong cả cái ôm, cái hôn với người con gái anh yêu là nó. Nhưng gia cảnh xuất thân của nó, nó làm sao chọn lựa được. Nhiều khi nhìn cách chú Hoan bao dung nó, nuôi nó lớn, cho nó tiền đóng học phí. Hay cả khi chú ấy lóc cóc đưa nó đi nhờ cậy người quen xin việc cho nó làm cô giáo trường làng. Nó cảm giác chú Hoan giống như bố đẻ của nó vậy.

Chú Hoan và bố Long là hai bạn thân từ khi hai người là bộ đội đóng quân ở biên giới Lạng Sơn năm 1979. Biết mẹ Long còn lăn tăn về nó. Chú mời bố Long đến nhà uống rượu, cũng là để chú nói chuyện về nó cho bố Long hiểu hơn. Hai người chén tạc chén thù kể chuyện ngày xưa, hồi hai người còn trẻ. Đến khi rượu ngà ngà, nó ở trong buồng nghe chú Hoan bắt đầu tâm sự với bố Long vài câu khó hiểu. Nào là “Cuộc đời tao, về cơ bản là bất hạnh. Đôi khi, vì con Mai mà tao cố gắng sống tốt.” rồi bố Long lại hỏi: “Chuyện của mày và Hoa mày định giấu cái Mai mãi sao?”

Câu chuyện họ nói, nó nghe câu được câu chăng, mà căn buồng nó đang soạn bài thì ồn ào tiếng xẻ gỗ xưởng mộc ở nhà hàng xóm bên cạnh. Nó bắt đầu mơ hồ một bí mật nào đó đã từng được che đậy mà chưa từng bị lãng quên.

Bố Long đã nói chuyện với mẹ Long về nó để cô hiểu nó hơn. Nó là một cô giáo tốt tính ở trường, chịu thương chịu khó. Nó yêu thương Long thật lòng và nguyện xây dựng tổ ấm hạnh phúc bên nhau. Nhận ra điều đó, mẹ Long chẳng cấm cản nữa mà hai ông bà đến xin cưới, định ngày cho nó và Long thành đôi vào tháng sau.

Nó và cả nhà đều vui hơn hẳn trong những ngày này. Vinh gọi điện về cho nhà báo rằng anh đã tìm được công việc ổn định, Vinh xin lỗi nó và khi nào nó cưới anh sẽ dẫn bạn gái về cùng ra mắt cả nhà luôn.

Mùa xuân mới sang, tháng Giêng nghiêng mình bên tia nắng ấm. Nhà nó dựng rạp tưng bừng đám cưới. Bạn bè, đồng nghiệp đến trong nụ cười rạng rỡ chung vui. Nó trở thành cô dâu, đi bên Long đầy tin cậy nắm tay. Nhưng lúc đứng trước bàn thờ di ảnh mẹ nó, nó khóc nấc lên thành tiếng, bao nỗi tủi thân và những kỷ niệm mất mát chen lấn ùa về không sao dỗ nổi. Nó thương phận mình, ngày vui cuộc đời mà nó đứng trơ trọi giữa chốn đông người, không có ai thân thích trừ em Hiên, em gái nhỏ cùng mẹ khác cha với nó.

Lúc trao chiếc vòng vàng làm của hồi môn, chú Hoan rưng rưng dặn dò nó “Con về nhà người ta sống tốt nhé!” Thế rồi, chú cũng không cầm được nước mắt mà khóc cực lên. Nó bất chợt nhỏ bé nép vào chú Hoan như một đứa trẻ khát thèm người cha đến cháy bỏng.

Bố!...

Nó phát ra âm thanh tự nhiên bật ra từ cổ họng như hiểu được bí mật của chú Hoan-bố nó- người đứng trước mặt nó đây, từng giữ kín bao năm chẳng kể cho nó? Bố nó siết chặt vòng ôm hơn nữa, nghẹn ngào không nói nên lời. Mà lúc này đây, mọi ngôn từ chẳng cần nói ra con tim đã rỉ rả dẫn yêu thương gặp nhau, chạm lối.

Truyện ngắn của Nguyễn Thanh Nga

Tin liên quan

Tin mới nhất