Cần bước ngoặt lớn để văn học Việt Nam được hiện diện nhiều hơn tại Hàn Quốc

“Tinh thần của văn học chân chính đã xóa đi mọi khác biệt và mọi giới hạn giữa các dân tộc” đó là nhận định của Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tại Hội thảo văn học Việt – Hàn 2022 diễn ra vào chiều 25/11.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, hơn hai mươi năm quan hệ văn học giữa hai nước, Hội Nhà văn Việt Nam chủ trì tổ chức Hội thảo Văn học Việt – Hàn 2022 với chủ đề “Những tác phẩm đã được giới thiệu giữa hai nước Việt – Hàn”.

Hội thảo có sự tham dự của Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Ông Hyun Gi-young, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hàn Quốc; Ông Bang Jai-Suk, đồng Chủ tịch câu lạc bộ Văn học Hòa bình Việt – Hàn; Cùng đông đảo các nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nhà phê bình văn học của Việt Nam và Hàn Quốc.

Cần bước ngoặt lớn để văn học Việt Nam được hiện diện nhiều hơn tại Hàn Quốc - 1

Hội thảo có sự tham dự của đông đảo các nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nhà phê bình văn học của Việt Nam và Hàn Quốc. (Ảnh: Huyền Thương)

Bóng dáng văn học Việt Nam ở Hàn Quốc còn mờ nhạt

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Hiền, Trưởng Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, trường Đại học Văn Lang cho biết, Việt Nam xuất hiện trong tư liệu Hàn Quốc từ khá lâu, trong những ghi chép lịch sử của các sứ thần Joseon, đến các tư liệu của các học giả Hàn Quốc thời trung đại. Việt Nam xuất hiện trong văn học Hàn Quốc thường xuyên có lẽ từ văn học hiện đại, văn học chiến tranh và hậu chiến của Hàn Quốc.

Tuy nhiên theo TS. Nguyễn Thị Hiền, hình ảnh Việt Nam xuất hiện trong văn học Hàn Quốc chủ yếu một phía, hoặc qua hồi tưởng của nhân vật. Đa số các tác phẩm văn học hiện đại Hàn Quốc viết về Việt Nam chủ yếu vẫn xoay quanh đề tài chiến tranh, hoặc đề cập khá chung chung.

Cần bước ngoặt lớn để văn học Việt Nam được hiện diện nhiều hơn tại Hàn Quốc - 2

Từ trái qua: "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, tập thơ "Thời tái chế" của Mai Văn Phấn và tiểu thuyết "Chúa đất" của Đỗ Bích Thúy (bản tiếng Hàn Quốc). (Nguồn ảnh: Báo Tuổi trẻ)

Nhà văn, nhà báo Cho Yong – ho cũng nhận định, nhìn chung văn học Việt Nam được giới thiệu ở Hàn Quốc chưa thực sự nhiều. Văn học Việt Nam được biên dịch và xuất bản lần đầu ở Hàn Quốc là tiểu thuyết “Nửa chừng xuân” của Khái Hưng vào năm 1969.

Một số tác phẩm văn học Việt Nam được giới thiệu đến độc giả Hàn Quốc như “Áo trắng Sài Gòn” của Nguyễn Văn Bổng, “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, “Nếu anh còn được sống” của Văn Lê, “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, tập truyện ngắn “Có thể có, có thể không”, tập thơ “Bức thư mùa đông” của Hữu Thỉnh,…

Nhà văn, nhà báo Cho Yong – ho cho rằng, độc giả Hàn Quốc từng trải qua nỗi đau chiến tranh nên họ hướng một cách tự nhiên tới những tiểu thuyết mà các tác giả Việt Nam quay nhìn lại chiến tranh. Ông đề xuất, cần thông qua những hoạt động giao lưu văn học sâu hơn và đa dạng hơn để tạo bàn đạp hiểu biết đa dạng về lịch sử, văn hoá của Việt Nam.

Kỳ vọng một thông điệp mới cho một giai đoạn mới

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, việc gặp gỡ của các nhà văn Việt Nam và Hàn Quốc là một sự phục hồi đầy cảm hứng và mang một thông điệp lớn sau những năm bị hạn chế do dịch bệnh. Ông khẳng định lịch sử quan hệ giữa hai dân tộc Việt Nam và Hàn Quốc là một lịch sử đặc biệt và quan hệ giữa văn học của Việt Nam và Hàn Quốc làm cho lịch sử đó trở nên đẹp đẽ và sâu sắc hơn.

Cần bước ngoặt lớn để văn học Việt Nam được hiện diện nhiều hơn tại Hàn Quốc - 3

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tặng hoa cho đại diện Hàn Quốc - Ông Bang Jai- Suk. (Ảnh: Huyền Thương)

Theo Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, văn học Hàn Quốc đang từng bước chiếm ngự trái tim của bạn đọc Việt Nam bằng những vẻ đẹp riêng biệt của nghệ thuật văn chương Hàn Quốc, của những vẻ đẹp văn hóa Hàn Quốc và của tư tưởng thời đại trong những tác phẩm của các nhà văn Hàn Quốc. Đồng thời, bạn đọc Hàn Quốc cũng có sự hiểu biết hơn về văn học Việt Nam, đã không ít các tác phẩm văn học Việt Nam có mặt trong đời sống tinh thần của người Hàn Quốc.

Đại diện Hội nhà văn Việt Nam mong muốn trong thời gian tới, sự hợp tác giữa hai nước sẽ có một bước ngoặt lớn để tác phẩm văn học được hiện diện nhiều hơn nữa trong đời sống tinh thần của hai nước. Và từ đó, xác lập vị trí rõ ràng hơn, uy thế hơn của văn học Việt Nam và Hàn Quốc trên thế giới.

Kỳ vọng một thông điệp mới cho một giai đoạn mới trong đời sống tinh thần của hai dân tộc, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: “Cho đến lúc này, không còn một chút băn khoăn nào nữa trong quan hệ giữa hai đất nước Việt Nam và Hàn Quốc và đặc biệt trong quan hệ giữa các nhà văn hai nước. Tinh thần của văn học chân chính đã xóa đi mọi khác biệt và mọi giới hạn giữa các dân tộc”.

Cần bước ngoặt lớn để văn học Việt Nam được hiện diện nhiều hơn tại Hàn Quốc - 4

Hội thảo khẳng định bước phát triển đặc biệt trong quan hệ giữa các nhà văn hai nước. (Ảnh: Huyền Thương)

Ông Hyun Gi-young, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hàn Quốc chia sẻ, cả Hàn Quốc và Việt Nam đều mang những ký ức đau buồn về chiến tranh, dù thắng hay thua thì kết cục của chiến tranh cũng chỉ là sự tàn phá khủng khiếp mạng sống của con người. Theo ông, nếu muốn giữ gìn hòa bình thì phải ghi nhớ mãi không quên cảnh tượng kinh hoàng của chiến tranh để không lặp lại quá khứ ấy.

Cần bước ngoặt lớn để văn học Việt Nam được hiện diện nhiều hơn tại Hàn Quốc - 5

Ông Hyun Gi-young, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hàn Quốc phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Huyền Thương)

Kỳ vọng vào vai trò của nhà văn, ông Hyun Gi-young nhấn mạnh: “Nhà văn phải trở thành người cần mẫn chống lại sự lãng quên. Nhà văn phải nhớ thay những người vô tâm với sự thảm khốc của chiến tranh. Nhưng dù vậy, nhà văn với tư cách là trí thức vẫn phải phát ngôn về những trải nghiệm thảm khốc của cộng đồng. Nếu không làm như vậy thì rõ ràng rằng đang lơ là bỏ bê nhiệm vụ”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ, ấn tượng của ông về đất nước Hàn Quốc rất đặc biệt và sâu sắc, ông vô cùng khâm phục sự phát triển của Hàn Quốc, một đất nước rất ít tài nguyên, khoảng sản nhưng ngày nay lại có sự phát triển mạnh mẽ, hiện đại.

Cần bước ngoặt lớn để văn học Việt Nam được hiện diện nhiều hơn tại Hàn Quốc - 6

Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Huyền Thương)

Ông cho biết, trong 20 năm qua, sự kết nối giao lưu giữa các nhà văn, giao lưu văn học của hai nước đã có nhiều bước phát triển quan trọng. Nhiều đoàn nhà văn sang thăm và sáng tác về đất nước của nhau, văn học của Việt Nam được dịch sang Hàn Quốc và ngược lại,…

“Con đường giao lưu văn hóa là con đường bền vững nhất để nối liền quan hệ giữa nhân dân hai nước. Chúng ta sẽ làm hết sức mình để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai hội nhà văn thêm bền chặt” - Nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất