Trò chuyện cùng một trong những đại diện tiêu biểu của văn học Hàn Quốc đương đại: nữ nhà văn Pyun Hye-Young

Những năm gần đây, nhờ những thành tích đáng chú ý trên trường quốc tế, cùng nỗ lực miệt mài của những tổ chức chuyên chú tài trợ quảng bá văn học Hàn Quốc và những dịch giả tâm huyết, văn học Hàn Quốc đã từng bước tiến vào thị trường Việt Nam và xây đựng dược tầng độc giả riêng. Tiêu biểu nhất phải kể đến những tác phẩm mang tính mở đường như best-seller Hãy chăm sóc mẹ (Shin Kyung Sook) hoặc các tác phẩm đoạt giải và lọt vào long-list, short-list của các giải thưởng danh giá như Bản chất của người của Han Kang...

Càng ngày, văn học Hàn Quốc càng định hình và nhấn mạnh được nét độc đáo của riêng mình – không chỉ so với các nền văn học châu Á khác mà với chính các hình thức văn hóa đã sớm phổ biến khác của Hàn Quốc (phim ảnh, ca nhạc).

Một trong những nhà văn nổi bật của văn học Hàn Quốc đương đại và tác phẩm mới nhất của cô: nhà văn Pyun Hye-Young và tiểu thuyết “Hố đen sâu thẳm”.

Để giới thiệu tác giả và tác phẩm, cũng như đưa văn học Hàn Quốc đến với đông đảo bạn đọc hơn, vừa qua, Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc (LTI Korea) và Nhã Nam đã phối hợp tổ chức buổi giao lưu trực tuyến cùng nữ nhà văn Pyun Hye-Young, và cô đã có nhiều chia sẻ thú vị xung quanh cuốn sách.

Trò chuyện cùng một trong những đại diện tiêu biểu của văn học Hàn Quốc đương đại: nữ nhà văn Pyun Hye-Young - 1

nữ nhà văn Pyun Hye-Youngcó nhiều chia sẻ thú vị xung quanh cuốn sách

Xin tác giả cho biết cô đã viết tác phẩm “Hố đen sâu thẳm” như thế nào?

Khi viết một tiểu thuyết, chủ đích của tôi ban đầu không phải là truyền tải thông điệp, mà muốn mô tả chân thật nhất mối quan hệ và cảm xúc của nhân vật chính. Tôi đặc biệt tập trung vào mối quan hệ giữa Ogi với vợ và mẹ vợ. Theo tôi nghĩ, nhân vật này dù đáng phê phán, nhưng có hai mặt đối lập: một mặt, anh ta có nhiều điểm tiêu cực, mặt khác, cuộc sống của anh ta cũng có sự thiếu thốn. Thông qua nhân vật này, tôi muốn chia sẻ thông điệp đó. Nhiều độc giả cảm thấy rất đồng cảm với việc anh ta đã phải chịu đau khổ sau tai nạn và gặp khó khăn như vậy, nhưng một phần nào đó thì cũng có độc giả cho thấy cần phải phê phán thái độ sống của Ogi. Thông qua các nhân vật như thế này, người đọc có thể rút ra rằng cần phải đón nhận, phải nhận diện những mặt bất an trong lòng, để hướng đến một cuộc sống ổn định về mặt tinh thần và cảm xúc.

Trò chuyện cùng một trong những đại diện tiêu biểu của văn học Hàn Quốc đương đại: nữ nhà văn Pyun Hye-Young - 2

Tiêu đề cuốn tiểu thuyết được dịch sang tiếng Việt là “Hố đen sâu thẳm”, mang đến một ấn tượng mạnh mẽ. Cô đã lựa chọn đặt tên cuốn sách như thế nào? Một số người nói rằng tiêu đề này có một ý nghĩa tiềm ẩn và có thể được hiểu là một vết nứt hoặc một vùng trống. Cô nghĩ gì về điều này?

Quý vị độc giả khi đọc cuốn sách này có thể đoán được ý nghĩa của nó, đó là luôn có một vùng trống trong cuộc đời mỗi người. Có những điều ở người khác mà ta không thể hiểu được được, và cũng có những điều người khác không biết được về con người mình. Trước khi giác ngộ ra được sự thật đó, chúng ta cần có những trải nghiệm, và trong tác phẩm này tôi muốn đưa ra những góc nhìn như vậy, những khoảng trống để quý vị độc giả có thể hiểu được. Tựa sách “Hố đen sâu thẳm” trong tiếng Hàn có một chữ mang ý nghĩa “một mình”. Có nhiều người cho rằng điều này có nghĩa là nhân vật Ogi đến cuối sẽ bị bỏ lại một mình. Tôi thường tìm kiếm phản ứng của độc giả sau khi sách được xuất bản, do vậy nên đây là một tựa đề mở, để cho quý vị độc giả có thể tưởng tượng và mở rộng ra theo ý hiểu của mình.

Nhiều độc giả ở độ tuổi 40 cảm thấy đồng cảm sau khi đọc cuốn sách. Cô có thể cho chúng tôi biết ý nghĩa của tuổi 40 mà cô đã cố gắng định nghĩa thông qua nhân vật chính “Ogi”, cũng như suy nghĩ của chính cô về độ tuổi này?

Tôi cũng là một người đã qua độ tuổi này, nên trong quá trình viết sách, tôi đặc biệt chìm đắm vào nó. Nhân vật Ogi trong sách là một người đã đạt được một vị trí nhất định trong xã hội, và tôi nghĩ rằng anh là người có thể dễ dàng đưa ra những lựa chọn hợm hĩnh và trần tục trong khi bằng lòng với cái vị trí của mình ở độ tuổi 40. Tuy nhiên khi bản thân vừa bước qua tuổi 40 thì tôi nhận ra rằng đây không phải là một điểm đặc biệt chỉ giới hạn ở độ tuổi này. Đây là nỗi bất an về cuộc sống mà tôi muốn mô tả, và tôi nghĩ điều đó cũng đúng với mọi đối tượng, ở mọi lứa tuổi.

 Phân đoạn trong “Hố đen sâu thẳm” được nhiều độc giả Hàn Quốc đồng cảm.

“Thế nhưng, Ogi vẫn nghĩ rằng không có một định nghĩa về tuổi bốn mươi nào đúng hơn định nghĩa bốn mươi là tuổi mang đầy tội lỗi. Bốn mươi là thời điểm để tội lỗi có điều kiện phát triển, vì người ta hoặc là có quá nhiều thứ, hoặc là chẳng có gì. Nói cách khác, vào tuổi bốn mươi, con người dễ dàng gây ra tội lỗi vì quyền lực hoặc vì phẫn nộ và cảm giác bị tước đoạt. Những người có quyền lực thì thường kiêu ngạo và dễ làm điều ác. Phẫn nộ và cảm giác bị tước đoạt thì dễ dàng động chạm đến lòng tự trọng, cướp đi tính nhẫn nại, làm bản thân cảm thấy mình nhu nhược, khiến người ta tự cho rằng hành động của mình là vì công lý. Nếu lạm dụng quyền thế vào mục đích xấu là người thực dụng thì vì phẫn nộ mà làm chuyện xấu lại chẳng khác nào kẻ thua cuộc cay cú. Vì vậy, có thể coi năm bốn mươi tuổi là thời điểm thể hiện thành quả sống của những tháng ngày trước đây và cũng là căn cứ để phán đoán tương lai sau này. Người ta hoặc sẽ vĩnh viễn sống thực dụng, hoặc sẽ mãi mãi thua cuộc.” (trang 79)

Trò chuyện cùng một trong những đại diện tiêu biểu của văn học Hàn Quốc đương đại: nữ nhà văn Pyun Hye-Young - 3

Nữ nhà văn giao lưu trực tuyến

Ở một bài phỏng vấn, cô có chia sẻ về các tác giả cô yêu thích như Franz Kafka, Stephen King, Shirley Jackson, Angela Carter, Yoko Ogawa… đồng thời cô cũng nói bị cuốn hút bởi cấu trúc cốt truyện, nhịp độ và sự căng thẳng của thể loại rùng rợn/kinh dị. Cô có thể chia sẻ thêm về các tác giả cũng như tác phẩm cô yêu thích/truyền cảm hứng hay ảnh hưởng đến quá trình sáng tác của cô không?

Trong các buổi phỏng vấn, tôi thường đề cập đến các tác giả mà tôi đã hoặc đang đọc hoặc là yêu thích vào thời điểm đó. Tôi nghĩ là mỗi một giai đoạn, một thời kỳ sẽ có những tác giả khác nhau. Những tác giả được hỏi ở trên, tôi đều yêu thích, nhưng khi tôi viết tiểu thuyết thì thay vì những nhân vật chịu ảnh hưởng từ các tác giả đó, tôi có khuynh hướng chọn những nhân vật gần gũi trong đời thực. Do đó nên tôi thường mô tả các nhân vật sợ hãi, lo lắng bởi tội lỗi họ đã gây ra hay sẽ sớm bị phơi bày trước thế giới. Tất cả những điều đó rất đời thường, và những nỗi bất an đó đều có thể gặp trong cuộc sống.

Tác phẩm tiếp theo của cô sẽ được viết theo thể loại gì?

Khi bắt đầu viết thì thường tôi chưa nghĩ được một câu chuyện hoàn chỉnh, mà trong quá trình viết, tôi mới mở rộng câu chuyện của mình; đó là phong cách viết của tôi. Có rất nhiều người gặp khó khăn với cuộc sống hiện thực và muốn sống một cuộc đời khác. Tôi muốn viết câu chuyện về những con người như vậy, những người muốn từ bỏ cuộc sống hiện tại và hướng đến một cuộc sống họ cho là lý tưởng. Đây có thể sẽ là một câu chuyện mà tôi sẽ viết trong tương lai.

Xin cảm ơn những chia sẻ của nhà văn!

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Đường lên Điện Biên”, giới thiệu tới công chúng 70 tác phẩm hội họa, đồ hoạ, điêu khắc, ký hoạ, áp phích, sáng tác trong giai đoạn 1949 - 2009 của 34 tác giả, được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng.