Chỉ một bài báo đã làm điêu đứng một tài năng văn học

Đúng là như vậy. Từ một bài báo làm phương hại một tài năng văn học. Người ấy khi đang giữ chức Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội, tự cho mình có cái quyền phán xét với tư cách bề trên, đã biên tập, cắt gọt, sửa chữa bài viết của nhà văn lớn Nguyễn Tuân, làm cho ông phải nổi đóa: “Này Nguyễn Bắc, muốn cắt thì viết lấy mà cắt!”. Rồi ông đòi lại bản thảo mang về. Không cần in nữa, mặc dù người của quý tòa soạn đến khẩn khoản đặt tác giả viết bài. Còn người bị quy chụp vô lối ấy là nhà văn Ngọc Giao (5/5/1911 – 8/7/1997). Ông là một nhà văn yêu nước, thương dân, hết lòng vì sự nghiệp văn học mà bị quy chụp là “dinh tê”, bỏ kháng chiến quay về Hà Nội sống yên thân trong vùng địch đang còn kiểm soát. Hơn 30 năm ông buông bút, vì “sống cũng như chết”. Ông còn tự tay đốt hết cả gia tài tác phẩm đồ sộ của mình. Đã có lúc nghĩ đến cái chết, đưa giây thòng lọng vào cổ mình để kết liễu cuộc đời cho xong, vì oan ức và phẫn uất quá, đường cùng không lối thoát. Bắt đầu từ năm 1986, nhờ không khí đổi mới của đất nước, ông như hồi sinh, ông hối hả và cấp tập cầm bút viết lại cho đến lúc cuối đời.

Nhà văn Ngọc Giao tên khai sinh là Nguyễn Huy Giao, quê quán ở Thuận Thành – Bắc Ninh, sinh năm 1911 tại Huế trong một gia đình có truyền thống nho học. Ngọc Giao viết văn từ năm 1930, khi ấy mới 19 tuổi. Truyện ngắn đầu tay đăng trên Ngọ Báo (do Bùi Xuân Học chủ trương) và nhanh chóng trở thành cây bút chủ lực của “Tiểu thuyết thứ Bảy”, cùng thời với các cây bút danh tiếng hồi ấy như Vũ Trọng Phụng, Tam Lang, Lan Khai, Thạch Lam, Thanh Châu, Tchy A, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân…

Chỉ một bài báo đã làm điêu đứng một tài năng văn học - 1

Nhà văn Ngọc Giao thời trai trẻ, Ảnh tư liệu do gia đình cung cấp.

Từ năm 1934, Ngọc Giao được mời làm Tổng thư ký tòa soạn “Tiểu thuyết thứ Bảy”, đồng thời còn viết cho các báo “Tiểu thuyết thứ Bảy” và nhiều báo khác.

Ngày 5/5/2011, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Ngọc Giao (1911 – 2011). Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh, trong nhận xét đúc kết đã nói các đánh giá về Ngọc Giao cho thấy một thái độ công bằng, chân thành và cái nhìn đổi mới trong việc trả lại vị trí đúng cho các giá trị: “Nhà văn Ngọc Giao chắc chắn có một vị trí xứng đáng trong Bảo tàng Văn học Việt Nam và Hội Nhà văn đã sẵn sàng đỡ đầu việc xuất bản một toàn tập tác phẩm Ngọc Giao”.

* * *

Chỉ một bài báo đã làm điêu đứng một tài năng văn học - 2

Tôi biết ông qua tác phẩm, đặc biệt là tập truyện ngắn mang tên “Cô gái làng Sơn Hạ”. Ông thực sự là một trong những văn nhân tài năng xuất hiện khá sớm. Nếu tôi không lầm thì ông cùng thời và đứng ngang hàng với các danh sĩ thời ấy như Lan Khai, Thạch Lam, Nhất Linh, Khái Hưng, Tam Lang, Lê Văn Trương, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài…

Tôi quen ông đã vài năm, đôi ba lần gặp qua nhà nhiếp ảnh lão thành Hồng Tranh giới thiệu. Nhà nhiếp ảnh Hồng Tranh là bạn thân của nhà văn Nguyễn Tuân và cũng là bạn tâm giao tri kỷ của nhà văn Ngọc Giao cho đến những ngày cuối đời.

Một buổi sáng mùa đông những năm gần cuối thế kỷ XX, tôi nhận được cú điện thoại của nhà nhiếp ảnh Hồng Tranh nói rằng: “Tôi đang ngồi với nhà văn Ngọc Giao tại nhà riêng của ông ở nhà số 1 - B4 khu Trung Tự. Ông Ngọc Giao có nhã ý mời Hoàng Kim Đáng đến chơi”. Tôi nhận lời và đã có mặt chỉ nửa giờ sau đó.

Hai ông đang ngồi đàm đạo trước hiên nhà với vẻ mặt trầm ngâm. Đặc biệt là ông Ngọc Giao với mái tóc bạc phơ, đang buồn, thể hiện một điều gì băn khoăn khó tả.

Tôi chưa vội đánh tiếng, liền dùng máy ảnh lắp ống kính “Tê-lê 135” chĩa qua lỗ thủng hàng rào mà bấm máy để giữ lấy nguyên dạng khuôn mặt đầy tâm trạng ấy rồi mới cất tiếng chào. Hai ông mời tôi uống nước và từ đấy xem ra không khí có phần sinh động hơn, vui vẻ hơn.

Tưởng ông Ngọc Giao không nhớ, ông Hồng Tranh liền giới thiệu:

- Đây là anh Hoàng Kim Đáng, nhà nhiếp ảnh, nhà báo hiện đang là Ủy viên Ban thư ký Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Phó Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh - người mà ông Ngọc Giao đang cần gặp đấy!

Bắt tay tôi thật chặt rồi bằng một giọng nhỏ nhẹ, chậm rãi, ông tâm sự:

- Quả thật tôi biết tiếng anh từ lâu qua các nhà văn, nghệ sĩ lão thành, nhất là ông Hồng Tranh đã có lần cho gặp. Có điều này, tôi đã hỏi ông Hồng Tranh nhưng chưa có sự trả lời. Tôi viết văn khá sớm, từ những năm 1930, khi ấy tôi mới 19 tuổi và thành đạt cũng khá sớm, được bạn đọc biết đến với bút danh Ngọc Giao qua truyện ngắn, bút ký, phóng sự, truyện vừa, truyện dài rồi tiểu thuyết, nhất là từ khi ông Vũ Đình Long mời tôi làm Tổng thư ký tòa soạn “Tiểu thuyết thứ bảy” - một tờ báo để lại nhiều danh thơm tiếng tốt cho đến ngày nay.

Ông khẽ lắc đầu, vẻ luyến tiếc cho cái thời vàng son, huy hoàng đến tột đỉnh ấy. Tôi cũng từng được làm thư ký tòa soạn cho tờ tuần báo Người Hà Nội, do nhà văn Tô Hoài sáng lập. Tôi còn được giao phụ trách thêm mảng nghệ thuật của báo, còn là người đứng ra mở các khóa đào tạo nhiếp ảnh, lại phụ trách phong trào nhiếp ảnh của Thủ đô nên tôi có sự thông cảm sâu sắc.

Tôi kém ông những trên hai mươi tuổi, không thuộc thế hệ ông nhưng tôi biết công việc của người thư ký tòa soạn khá bận rộn mà mỗi tuần lại cho ra đời một truyện ngắn, một tháng “xuất bản” đến 4 truyện ngắn ở báo nhà và còn cộng tác khá nhiều và thường xuyên với các báo: Tri tân, Ngọ báo, Phổ thông, Sinh lực, Tao đàn, Lẽ sống, Lên đường, Công tội, rồi Phổ thông bán nguyệt san… cùng với gần 10 đầu sách gồm truyện ngắn, bút ký, phóng sự, tiểu thuyết như: Một đêm vui (NXB Tân Dân, 1937, NXB Hương Sơn tái bản, 1952); Cơn gió bấc - Tiểu thuyết (NXB Tân Dân, 1938); Phấn Hương (NXB Tân Dân, 1939); Đất - Tiểu thuyết (NXB Cây thông, 1940); Hiền - truyện thiếu nhi (NXB Tân Dân, 1942); Cô gái làng Sơn Hạ (NXB Tân Dân, 1942); Chuyện người trẻ tuổi (NXB Phổ thông, 1944); Nhà quê - tiểu thuyết (NXB Bách Việt và NXB Hương Sơn tái bản 1951)…

Chỉ một bài báo đã làm điêu đứng một tài năng văn học - 3

Mỗi khi băn khoăn được giải tỏa, phong thái nhà văn Ngọc Giao là như thế đó. Ảnh Hoàng Kim Đáng

Sức sáng tạo và làm việc của ông thật phi thường. Ông như một con ong cần mẫn hút nhụy hoa làm mật cho đời. Ông là một nhà văn triệu phú về vốn sống và viết ào ạt nhưng tuyệt nhiên không phải là sản phẩm của cơ chế thị trường, nên được bạn đọc yêu mến bởi một văn phong bình dân nhưng không kém phần tinh tế, trữ tình và lãng mạn. Ông nói hộ tâm trạng, cảnh huống những người cùng khổ của xã hội đương thời.

Vậy mà chỉ vì một vài bài báo quy chụp vô lối, vô trách nhiệm đã làm phương hại một đời văn tới trên ba mươi năm.

- Anh Đáng ạ, tôi đau lắm, tôi nhục lắm. Suốt 30 năm sống vật vờ như một cái bóng, chỉ quanh quẩn xó nhà, buồn lây cho vợ con, chỉ biết làm bạn với chim muông và cây cảnh. Nhiều lúc tôi đã nghĩ đến cái chết và tôi đã đốt hết cả gia tài tác phẩm của mình. Tôi đã rút ruột, vắt óc của mình vì một sự nghiệp văn chương, một quan niệm nhân sinh, bởi vì tôi là một người Việt, mang tâm hồn Việt, vậy mà tôi bị xóa phiên hiệu nhà văn đã trên 30 năm!

Ông khẽ lắc đầu và im lặng trong giây lát rồi bằng một giọng cởi mở hơn, ông tiếp:

May sao vào cuối thập kỷ tám mươi của thế kỷ XX, nhờ không khí đổi mới của đất nước nên ngòi bút của Ngọc Giao mới gắng gượng trở lại để những năm cuối đời có được một loạt bút ký, hồi ký về Hà Nội cũ và những chân dung bạn bè tâm huyết và đáng trân trọng như tôi đã viết, đang viết và sẽ viết về Vũ Trọng Phụng, Vũ Đình Long, Lê Văn Trương; về Tam Lang, Vũ Đình Chí, về Lan Khai, về Nguyễn Bính… Và cách đây mấy hôm, ông Bùi Hiển, một trong những thành viên trong ban lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam đến mời tôi vào lại Hội Nhà văn!... Hôm nay gặp anh tôi muốn hỏi: "ý anh thế nào?”

- Thưa bác, Đáng chưa biết ý kiến của bác Hồng Tranh ra sao nhưng Đáng xin mạo muội thưa với bác rằng: Thời trai trẻ Ngọc Giao đã sống và viết xứng đáng với một tên tuổi, một tác giả được bạn đọc vô cùng yêu mến và nể trọng, vẫn còn in đậm vào tâm thức lớp độc giả lớn tuổi cùng thời cho đến hôm nay. Với trên ba mươi năm vắng bóng trên văn đàn, thế hệ trẻ không mấy ai biết về nhà văn Ngọc Giao. Bây giờ bác đã hồi sinh, đã bắt đầu viết lại, phải viết sao cho thế hệ trẻ kính phục bởi ngòi bút của văn tài Ngọc Giao vẫn sắc sảo và tâm huyết như trước. Độc giả lớn tuổi lại ngỡ ngàng và mừng vui tìm đọc chỉ riêng một tập truyện ngắn chọn lọc “Cô gái làng Sơn Hạ” được NXB Văn học xuất bản năm 1989, độc giả cũng đủ thấy tầm cỡ của nhà văn Ngọc Giao như thế nào rồi. Việc vào lại Hội Nhà văn chỉ là tôn trọng tổ chức mà thôi… không phải vì vào lại Hội Nhà văn thì Ngọc Giao mới là nhà văn chính hiệu, phải không bác?

- Anh Đáng nói chí phải, tôi nghe anh. Cảm ơn anh về những lời khuyên chân tình và hoàn toàn chính xác!...

Với tôi hôm đó là một ngày có ý nghĩa vì đã được các bậc đàn anh tin yêu tham khảo ý kiến khá hệ trọng cho một cuộc đời, một sự nghiệp và tôi đã cố định được bức chân Ngọc Giao đầy tâm trạng vào ống kính của mình.

Một ngày đầu xuân năm 1992, khoảng 11 giờ, tôi chuẩn bị đi ăn cơm trưa thì có một ông già mái tóc bạc phơ dắt chiếc xe đạp mini vào sân 51 Trần Hưng Đạo. Theo sự chỉ dẫn của cụ Triệu ở phòng thường trực: “Đây là trụ sở của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Ông Đáng vẫn đang ở cơ quan, xin mời cụ vào”. Tôi bước ra cửa và chợt nhận ra vị khách quý.

- Xin chào bác Ngọc Giao, mời bác vào uống nước đã.

- Gớm! tôi đã đến tìm anh đến ba lần, hôm nay mới gặp được.

- Dạ thưa bác, có điều chi bác cần hỏi ạ?

- Tôi đến thăm và tặng anh cuốn sách, vậy thôi. Và tiện đây tôi cũng thông báo cho anh một tin mừng: bên Mỹ họ đang in lại cuốn tiểu thuyết “Cầu sương” (hay “Thiếp phụ chàng”) của tôi. Bìa sau cuốn sách, tôi có in bức chân dung anh chụp và đôi dòng về tác giả bức ảnh. Họ đã tạm ứng cho tôi một số tiền. Tôi xin gửi anh gọi là tiền làm ảnh, xin anh vui lòng nhận giúp. Khi nào in xong, họ sẽ trả nhuận bút, tôi lại sẽ có lời cảm ơn anh.

Tôi cầm cuốn sách mang tên “Cô gái làng Sơn Hạ” trên tay. Đây là tuyển tập truyện ngắn do đích thân anh Nguyễn Tuấn Khanh, con trai nhà văn sưu tầm và tuyển chọn; do Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 1989. Chịu trách nhiệm xuất bản: Giám đốc Lý Hải Châu. Biên tập: Nguyễn Văn Lưu (sau này là giám đốc Nhà xuất bản Văn học). Trình bày sách: Tần Khoát. Trình bày bìa: Sĩ Khương. Bìa và giấy in tuy không đẹp nhưng số lượng in tới 5.000 cuốn.

Tôi mở trang đầu với dòng đề tặng của tác giả:

“Rất kính yêu tặng nghệ sĩ thiên tài Hoàng Kim Đáng. Đọc để không nỡ quên nhau cuối nẻo đường mòn văn bút, đi vào cõi hết!

Ngọc Giao. Xuân 1992”.

Tôi sửng sốt và ngỡ ngàng tước hai chữ “thiên tài” do chính tay nhà văn Ngọc Giao viết.

- Thưa bác, bác “phong” cho Đáng hai chữ thiên tài thì e không xứng!

- Ngọc Giao là người cầm bút, đã viết cả hàng vạn chữ, xưa nay không biết nịnh ai, kể cả kẻ đang nắm chính quyền thời Pháp khi Ngọc Giao còn trai trẻ. Anh Đáng đã đọc kỹ tác phẩm của Ngọc Giao, thấu hiểu cuộc đời và sự nghiệp của Ngọc Giao. Tấm ảnh chân dung đã ghi đúng thần thái, ghi dấu chấm hết cái giờ phút bĩ cực của Ngọc Giao, từ đấy chuyển sang một trang mới, kể từ giờ phút anh bấm máy, Ngọc Giao vẫn còn đang đứng giữa ngã ba đường… sự nghiệp.

Chỉ một bài báo đã làm điêu đứng một tài năng văn học - 4

Nhà văn Ngọc Giao, ký họa của họa sĩ Bùi Xuân Phái năm 1973.

Nhà văn khi viết chân dung văn học nhiều khi viết dài nhưng vẫn không ra chân dung con người ấy. Nhiều họa sĩ chỉ cần vẽ đúng, vẽ giống đã khó. Huống chi chỉ là một cú bấm máy đúng lúc, giữ được thần thái, đặt dấu chấm hết một giai đoạn của một văn sĩ như Ngọc Giao chẳng hạn. Hai chữ ấy có nghĩa lý chi. Ngọc Giao đã suy nghĩ kỹ - cân nhắc kỹ mới ghi vào đấy. Anh Đáng hãy vui lòng nhận cho để Ngọc Giao còn nhận anh là bạn tâm giao tri kỷ rất quý mến và quý hiếm!

Ngọc Giao đã dặn các con: Khi có điều kiện in sách của cha, hãy nhớ in bức chân dung do Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng chụp. Khi cha mất, bức chân dung ấy sẽ để lên ban thờ cha, các con nhé!

Tôi sung sướng và xúc động đến trào nước mắt dù biết ông yêu mến nên khen hơi quá lời. Với tôi, lời để tặng của ông còn quý cả hơn vàng. Ở tuổi ngoài 80 khi tư tưởng được giải tỏa, ba tập sách liên tiếp được xuất bản, những ngày cuối đời, do NXB Văn học ấn hành, chứng tỏ bút lực và sức sáng tạo của nhà văn Ngọc Giao quả là phi thường. Rất tiếc, chỉ một cơn tai biến mạch máu não đã cướp đi sinh mạng của một văn tài đang còn nhiều ý tưởng, dự định chưa kịp thực hiện. Con người và sự nghiệp văn chương của ông còn mãi trong lòng bạn đọc.

Hoàng Kim Đáng

Tin liên quan

Tin mới nhất