Chiết xuất từ giấc mơ

Nhà thơ Trần Quốc Thực (1948-2007) quê Ý Yên - Nam Định. Sinh thời ông đã xuất bản 4 tập thơ: “Miền chờ” (1989), “Nét khắc” (1995), “Trái tim hoa bìm” (1988) và “Tháp cúc” (2003). Con gái ông - chị Trần Yến Châu đã tuyển soạn và đầu năm 2015 cho xuất bản Tuyển thơ Trần Quốc Thực dưới nhan đề “Cỏ ướt”, gồm 116 bài, trong đó có 11 bài chọn từ di cảo. Nhà thơ vĩnh biệt cõi - tạm đi ở cõi - về đã nhiều năm nay, nhưng thơ của thi sĩ Trần Quốc Thực vẫn bám chặt trong đời sống thực tại, trong lòng người yêu thơ với ánh huyễn ảo ở một vị trí rất riêng.

Thơ Trần Quốc Thực tiếp tục được tiếp nhận một cách sâu hơn, đúng với nguồn khởi phát từ một trái tim thơ của một người thơ thầm lặng, mong manh, và cũng bởi, như chính Trần Quốc Thực quan niệm: “Bằng thơ, anh hãy trình bày một cách đúng nhất, giản dị nhất... với độc giả... những điều mà anh muốn gửi gắm. (...) Phải tạo dựng một bầu không khí cho việc tiếp nhận ý tưởng và cảm xúc thơ”.

Trần Quốc Thực viết: “Có lẽ tôi còn mãi đi thu gom tàn của những vàng hương tôi vừa hóa để làm màu mỡ thêm miền tôi được thừa tự. Có lẽ tại vì thế chăng? Hay bởi những gì huyền bí khác nữa nảy sinh sau mỗi bước hành hương vào Trời Đất.” (Tự Sự).

Chiết xuất từ giấc mơ - 1

Nhà thơ Trần Quốc Thực bên con gái với người vợ sau là nhà thơ Phạm Hồ Thu.

Ước mơ, ở trạng thái chủ động, luôn mong mỏi thay đổi những gì đã xảy ra và hướng tới những gì sẽ xảy ra, thậm chí là hão huyền. Ở trạng thái bị động, mộng mị thường đắm chìm vào ảo giác. Trong trạng thái nghỉ tích cực của não bộ, giấc mơ là sự tái hiện hiện thực đã trải qua, được sắp xếp theo những cấu trúc linh hoạt, không lặp lại, diễn ra trong giấc ngủ sâu hoặc ngay trong lúc còn đang mơ màng. Trong thơ Trần Quốc Thực có khá nhiều câu dành biểu đạt những hình ảnh từ giấc mơ. Chẳng hạn:

Mặt trời va vào chim tung tóa bình minh

(Chim sơn ca)

Em đi, sương nắng khuất

Những đồi hoa in gót chân xa

(Em xa)

Ngồi bên đầm sen với những lá miên man

ban mai chạm đến đâu, cánh mở tới đó

(Nhập định)

Sân trường. Một chớm thu

đậu xuống chân bạn gái

một cuống bàng thôi...

(Bạn gái)

Mùa mưa, nước đang bò dần lên chân giường mẹ ngồi

(Đê sông Đuống)

Những hình ảnh trên đây khiến ta nghĩ: dường như từ giấc mơ đã mách bảo, giục giã con người hãy tưởng tượng nhiều hơn và xa hơn để hướng tới cái đẹp tiềm ẩn trong thiên nhiên, trong cuộc sống.

Ở bài Thu 8 có một khổ bốn câu thơ khá tiêu biểu, đậm dấu ấn một giấc mơ:

tràn

cứ thế em đầy dần lên, tràn ra ngoài những dòng chữ 

tràn qua mặt bàn, tràn ra ngoài thềm

tràn lên lối đi, tràn đến một bóng cây đang run rẩy

và… tràn xuống mặt Hồ Tây đang trăng lên

Sự ám ảnh là một trong những đặc điểm của giấc mơ. Trong giấc mơ, hình ảnh liên tục thay thế và hun hút, nhòa vào nhau, biến hóa dị thường:

em xa quá... xa đến mức ngày trời xanh lại

một người xe thong thả đạp trong cây

(Tiếng thở dài)

Không dừng, không ngoái lại cũng là hun hút:

“Người” đi qua không thèm dừng lại

“người” cố tình thế không ngoái nữa

(Dỗi)

Và, giấc mơ tan biến đúng lúc cao trào:

sửng sốt trước khuôn mặt em hiển hiện anh

choàng ghì khuôn nhớ khuôn thương

cánh tay chợt dại tê khi vật vào tường...!

(Chắp lời em nói)

Đó là những chữ trong những câu thơ, còn sau đây là một bài thơ mà người thơ Trần Quốc Thực gần như “chép” nguyên vẹn giấc mơ của mình, rất trình tự, với những hình ảnh ấn tượng, ngay từ cái tên - Tháp cúc:

Ngày đang duỗi thăm

lối hai tháp cúc

nhấp nhô cánh buồm

con sông phía trước

tháp cúc quệt quạc

ánh vàng lên mây

miền sông lối cát

miền trời heo may

miền nào nữa các

đầy hoe bóng người

những tháp cúc nở

em vừa đi qua

bạn ngồi bạn nhẩm

bông gần bông xa

Những hình ảnh liên tục hiện ra và mất hút, đứng cạnh nhau mà không mấy gần nhau, cũng là thực rồi chuyển thành hư vô lập tức, khiến cho những câu thơ chênh vênh, mong manh, không dễ dàng nắm bắt. Song, bài thơ thật cuốn hút bởi nhịp và điệu, có hương có hồn, làm người đọc bồn chồn, vấn vương, ngâm ngợi.

Dấu ấn của giấc mơ hiển hiện là kết quả của lối tư duy trong thơ Trần Quốc Thực, có nghĩa sự sáng tạo của ông có ý thức không sao chép hiện thực một cách trần trụi mà qua lăng kính hiện thực ấy chọn lọc những ánh xạ để “làm mầu mỡ miền thừa tự” của ông, cũng là làm thơ ông hay và khác với thơ của bầu bạn thơ. Chính sức tưởng tượng đã tiếp sức cho nhà thơ nảy ra những chữ thơ lạ.

Chiết xuất từ giấc mơ - 2

Tập thơ "Cỏ ướt"

Đi xa hơn bài Tháp cúc, Trần Quốc Thực “kiến trúc” bài Thần cảm I trong không gian nhiều chiều hơn, đa tầng hơn. Xuất phát từ cõi khác, nhân vật em trong Tháp cúc lướt qua đơn chiếc, “duỗi thăm” vườn trần, băn khoăn tự vấn “miền nào nữa các/ đầy hoe bóng người”.

Ở Thần cảm I (bài Thần cảm II dấu ấn giấc mơ nghiêng chiều thực hơn), nhân vật “người âm” - họa sĩ rõ nét, đa dạng và đầy tâm tư.

Mùa mưa thôi không níu kiếp giọt gianh

Những giọt rượu thôi không được ngự trong rừng râu họa sĩ

Nắng sớm hong hanh, áo gió phong thanh, chàng đi

Túi cói nặng trĩu những bức tranh không rao bán

Qua quán cũ, chàng lần khân dừng lại, ngó

Mọi người đang ngồi trước dăm giọt rượu của mình

- Họ đang nói về ai thế như

Chàng tò mò, chàng nín thinh.

À, thì ra họ đang nói về mình! - Chàng chợt nhớ 2.

Rồi chàng len lỏi vào chỗ hồi hôm của chàng

Người ngồi đó chợt một thoáng rùng mình, nhích ra vừa đủ thêm một chỗ

Họ chẳng biết đâu, chỉ nghe gió xào xạc, mang mang

Nhưng cuộc chuyện của họ về chàng không vì thế mà chấm dứt

Cũng như họ không thấy chàng - một nụ cười rung rung trong râu

Rốn thêm chút nữa, rồi chàng đứng lên, đi, còn nghe họ nói:

- Người ấy không thành đạt!

Ánh mắt chàng chợt cháy lên một nỗi ấm nhau...

Bài thơ kể một câu chuyện có ngành có ngọn, có lớp có lang, có mở đầu và kết thúc. Kể chuyện người âm đấy mà nghe/ đọc không rờn rợn, lại như chuyện thật ở cõi dương thế. Câu chuyện ăm ắp những chi tiết, những hành động, cài chặt, quấn quýt và dẫn lối cho nhau trên dặm đường từ cõi xa xăm “trở về” chốn xưa thân thiết đã từng. Và, một cái kết thật là hay, hay ở hai chữ “ấm nhau”, thật là nhân bản vì “họ thương “chàng” bởi “người ấy không thành đạt”, một tình thương không còn âm-dương cách biệt. Có lẽ đó là “những gì huyền bí khác nữa nảy sinh sau mỗi bước hành hương vào Trời Đất” mà Trần Quốc Thực lấn bấn hỏi mình. Nhiều khi là chủ đích, nhưng cũng lắm lúc chẳng chủ tâm, ở “thể” chủ quan, trong lao động sáng tạo của mình, nhà thơ/ nhà nghệ thuật chưa thể tường minh hết những gì mình chiết xuất từ hiện thực, thông qua tiến trình tư duy, để thành tác phẩm. Giá trị của mỗi tác phẩm được thẩm định/khẳng định qua lăng kính của người đọc khó tính, qua sự sàng lọc nghiệt ngã của thời gian.

Chiết xuất từ giấc mơ để có những chữ, những câu và bài thơ “đứng” lại với thời gian, trong lòng người đọc, Trần Quốc Thực đã làm được điều ông từng suy nghĩ: “Cách đứng, phải là cái cách đứng của riêng mình. Không phải là cái cách mà thiên hạ người ta đứng. (...) Cái anh làm thơ mà có ý thức, là cái anh tự biết... tự biết mình nên làm cái gì, nên làm như thế nào.”, và vì thế ông trở thành “thi sỹ mong manh nhất trong cuộc đời này” (Trịnh Thanh Sơn).

Trần Quốc Thực là một trong số hiếm hoi các nhà thơ nghiêng vào cõi âm huyền bí, gần như thoát ra khỏi thế giới bị bao bọc bởi tồn tại cảm tính, để tiếp cận tồn tại lý tính. Thơ Trần Quốc Thực mang nhiều dấu ấn giấc mơ. Ông bảo: “Làm thơ... như là kéo người ta ra ngoài, để người ta cũng đi được trong cái mưa lất phất ấy để cùng cảm nhận được mùa Xuân nó là như thế nào”. Người thơ này tên là Thực mà thơ huyền ảo làm sao…

Cao Ngọc Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Người bán đô la Mỹ tạm nghỉ, bảng Anh bất ngờ tăng mạnh

Người bán đô la Mỹ tạm nghỉ, bảng Anh bất ngờ tăng mạnh

Sau nhiều tuần bị bán tháo, đồng đô la Mỹ (USD) đã có dấu hiệu ổn định trở lại khi các nhà đầu tư “nghỉ tay” để chờ tín hiệu mới từ đàm phán thương mại Mỹ và dữ liệu kinh tế Trung Quốc. Trong khi đó, bảng Anh gây bất ngờ khi vươn lên mức cao nhất trong 6 tháng, nhờ triển vọng tích cực từ một thỏa thuận thương mại với Mỹ.