Chu Cẩm Phong – nhà văn – anh hùng liệt sĩ

Nhà văn Chu Cẩm Phong tên thật là Trần Tiến, sinh ngày 12 tháng 8 năm 1941. Quê quán thị xã Hội An (nay TP Hội An), tỉnh Quảng Nam. Năm 1954, theo cha tập kết ra Bắc, Chu Cẩm Phong vào học trường Phổ thông Trung học của học sinh miền Nam tại Hải Phòng. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, Chu Cẩm Phong vào học Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ít ai biết rằng năm 1963, khi đang học năm thứ 3 đại học, sinh viên Trần Tiến được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1964, tốt nghiệp đại học với tấm bằng xuất sắc, ông về làm phóng viên Thông Tấn xã Việt Nam tại mặt trận Quảng – Đà trong những năm chống Mỹ cứu nước. Nhà văn Chu Cẩm Phong đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và đã hy sinh trong một cuộc chiến không cân sức với địch ngày 1 tháng 5 năm 1971, trên mảnh đất quê hương sông Thu Bồn tại thôn Vĩnh Cường, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, lúc mới 30 tuổi.

Chu Cẩm Phong tuổi đời cũng như tuổi nghề còn rất trẻ, tác phẩm của ông cũng chưa nhiều, ngoài Mặt biển, mặt trận (truyện ký, 1968), còn có Rét tháng Giêng (truyện và ký, 1985) và Nhật ký chiến tranh.

Nhật ký chiến tranh là một tác phẩm có số phận rất đặc biệt, là tập hợp những ghi chép thường ngày của Chu Cẩm Phong tại chiến trường. Chu Cẩm Phong còn có  Vườn cây ăn quả nhà mẹ Thám; Gió lộng từ Cửa Đại; Mẹ con chị Hiền.

Tuy số lượng rất ít ỏi, nhưng chất lượng rất cao, khi đọc Chu Cẩm Phong, nhà thơ Thanh Quế viết: “Chu Cẩm Phong ghi chép rất kỹ lưỡng. Trong cuốn sổ tay để lại, anh tả từng khuôn mặt người, ghi từng câu nói, từng từ lạ, những từ mang bản sắc vùng đất cùng những vật dụng mà bà con dùng ở từng vùng....Những gì anh viết ra chỉ là một phần nhỏ so với những điều anh thu nhặt được, anh hiểu thấu đáo nhiều việc xảy ra ở đồng bằng, miền núi Khu V. Tạng của anh là tạng của một nhà tiểu thuyết lớn. Nhưng tôi cứ nghĩ về anh như nghĩ về Trần Đăng (rút trong cuốn “Việt Nam” – NXB Đà Nẵng, 1996). Trong hoàn cảnh chiến tranh này, mình đã nghĩ đến những gì tàn nhẫn nhất có thể đến. Nhưng cuối cùng còn ngưng tụ lại trong  lòng mình, trong suy nghĩ của mình, lóng lánh, óng ả những sắc màu và ấm áp khôn cùng của một tình yêu sáng ngời trong những hy sinh gian khổ”.  

Chu Cẩm Phong, nhà văn -  chiến sỹ, tài năng đang độ chín, ông đã ngã xuống trước làn đạn của kẻ thù hung hãn, khi tuổi đời còn quá trẻ. Sự nghiệp văn chương chưa nhiều, những những trang viết ít ỏi của ông đã để lại cho chúng ta hôm nay là những trang đầy xúc động, được bật ra từ trái tim của một người con yêu nước.

Chu Cẩm Phong – nhà văn – anh hùng liệt sĩ - 1

Chu cẩm Phong cuộc đời phong sương.

Đọc Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong, Tô Hoàng, trên báo Văn nghệ số 31 (29/7/2000) viết: “Những ai đã từng trải qua thử thách ở những mảnh đất chiến trường..., đọc nhật ký Chu Cẩm Phong chắc chắn càng đồng cảm, càng rung động hơn với từng trang viết của anh.... Trong “Nhật ký chiến tranh” có thể đếm trên đầu ngón tay những ngày anh thơi thới, khỏe mạnh. Giáp địch khi đang sốt, ngủ qua đêm trong những cơn mê sảng, vì bệnh tật dày vò: lội suối, vượt dốc, ngay cả khi mắt mờ, đôi chân bải hoải, cơ hồ không muốn cất bước, vì đói cơm, đói muối,... Đã thế, cuộc sống hàng ngày lại quá căng thẳng hầu như luôn luôn cận kề với cái chết”.

Ta hãy đọc một đoạn ghi chép của anh để thấy rõ sự ác liệt của chiến tranh, mà anh và đồng đội đã phải trải qua: “...Ba ngày nay, bị ba trận bom Mỹ. Đi đến đâu, gặp bom đó. Sáng nay lại bị một trận bom (14/5/1968). Buổi chiều ngồi làm việc thì bị oanh tạc. Một trái thủ pháo tàu nổ trên bờ đất cách mình 2 thước. Đất bụi đổ tối tăm, phủ lên giấy tờ, sổ tay, bút...(21/5/1968). Buổi sáng định đến thăm chị Ca (vợ anh C, người đã hy sinh anh dũng trong một đợt tổng khởi nghĩa). Mọi người đều can ngăn, Vừa lúc đó, chiếc HU1A, tàu rọ quần thảo, bắn nát và là sát và xe tăng trong Bình Dương càn ra. Phải chui hầm từ 9 giờ đến 15 giờ...(22/5/1968)”.

Sống trong mưa bom, bão đạn như thế mà Chu Cẩm Phong vẫn tranh thủ ghi được trên 1.000 trang nhật ký, ông ghi rất đều đặn. Hầu như không bỏ sót ngày nào trong các năm từ 1967 cho đến hết những ngày cuối cùng của tháng 4/1971, nghĩa là trước ngày ông hy sinh chỉ vài ngày.

Đọc những trang nhật ký này, nhà văn Tô Hoàng càng hết sức ngạc nhiên  rằng: “Câu cú, chữ nghĩa, hình ảnh thậm chí cả mạch văn, tất cả đều trong trẻo, giàu chi tiết, nóng hổi cảm xúc và tươm tất như bạn đang đọc mỗi trang trên tay. Không phải ai sống trong hoàn cảnh như Chu Cẩm Phong cũng làm được công việc ấy như anh. Thành thử nghị lực, lòng lạc quan yêu đời, nếu muốn nói - kể cả tới tác phong cần mẫn, chăm chỉ của một người hành nghề nhà báo, nhà văn thì phải bắt đầu tính từ đây...”.

Chu Cẩm Phong – nhà văn – anh hùng liệt sĩ - 2

Tác phẩm "Nhật ký chiến tranh".

Đọc Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong khiến chúng ta còn phải ngạc nhiên ở nhiều điều khác nữa. Tô Hoàng cho hay: “...Sức hấp dẫn tập sách bắt đầu ngay từ trang một và dù chỉ là nhật ký, là truyện người thật việc thật, chúng ta vẫn bị cuốn hút như không muốn ngưng giữa chừng, như muốn nín thở mà theo đuổi chuyện về việc và người cho đến tận trang cuối... ”.

Cũng là những công việc thường nhật, vẫn là chuyện các má, các chị, các anh bộ đội đánh giặc phá càn, đánh đồn bốt, tiêu diệt Mỹ - ngụy, lính Nam Hàn... “Nhưng cung cách ứng xử, suy nghĩ nội tâm, lời ăn tiếng nói, hành động anh hùng của hàng nghìn nhân vật có tên và không có tên mà Chu Cẩm Phong ghi vào nhật ký, đều mỗi người một vẻ, không ai giống ai. Nhiều nhân vật người thật, việc thật ấy đã lờ mờ hiện lên hình hài, tính cách, của nhân vật văn học... ”.

Có thể nói Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong là lời tự bạch của một người viết khi từ đáy sâu tâm can hiểu rõ rằng trong những cơn biến động dữ dằn, cũng như ở những khúc ngoặt của lịch sử, anh ta phải sống, phải cảm nhận, thâu gom tư liệu như thế nào đây, để nhân dân bao giờ cũng phải “nhân vật số một” trong các trang viết của mình.

Riêng nhà văn Hoàng Minh Tường ghi nhận: “Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong ngót nghìn trang đầy ắp những trăn trở, nỗi niềm, những nghĩ suy của Chu Cẩm Phong về nghề viết, đời viết về những buồn vui trước những số phận mà anh đã gặp, những cảnh ngộ mà anh đã trải, những biến đổi, chuyển động của quê hương  đất nước mà anh đang sống. Càng về cuối cuốn nhật ký, phẩm chất và tâm hồn người cộng sản  - nhà văn - chiến sĩ  Chu Cẩm Phong  càng ngời sáng. Những trang tự sự về mối tình trong sáng, cao đẹp của anh với chị PL, khiến người đọc bị cuốn hút như đang đọc những trang tình sử hay nhất trong chiến tranh. Những dòng tuyệt bút này phải chăng là thông điệp gửi tất cả những cặp tình nhân hôm nay và mai sau?”.

Đọc Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong, Nguyễn Thụy Kha cho rằng: “Đây là những lời chân thật nhất về những vùng đất Khu V ác liệt “trung dũng, kiên cường đi đầu diệt Mỹ”. Không chỉ diệt Mỹ còn diệt cả Đại Hàn (bây giờ gọi là Hàn Quốc), lính đánh thuê nhưng cực kỳ dã man, tàn bạo...

Đây là những lời chân thật nhất về thiên nhiên và con người Khu V, đầy mến thương và kỳ diệu. Sao ta thấy run rẩy như đang nằm trong mưa, trong gió, trong sương trong những cánh rừng đại ngàn Trường Sơn thuần khiết, nhưng đầy thương tích của bom đạn và chất độc da cam. Sao ta bỗng rưng rưng như đang sống cùng những người dân Quảng Nam nghèo nhưng vẫn sẻ chia từng lon gạo, đến từng góc tắm an toàn nơi biển dã...”.

Trong cuốn Chân dung các nhà báo liệt sỹ, Ngô Thế Oanh và Ngô Văn Phú nhận định: “Chu Cẩm Phong bước vào sáng tác văn học hơi muộn hơn nhiều người. Và trên con đường ấy, anh chỉ làm được có 4 năm. Những gì anh để lại gần như chỉ  là một khả năng báo hiệu. (...)  Chiến trường Khu V với những năm gian khổ, ác liệt, thời gian có thể dành sáng tác nào có bao nhiêu đâu, ít – vô cùng ít. Nhưng khi đọc anh, dù chỉ đôi dòng bình dị, cũng khiến tôi suy nghĩ. Anh viết thận trọng. Anh đưa in còn thận trọng hơn. Rất nhiều bản thảo anh viết xong, nhưng lại đắn đo, cất đi. Mãi sau khi anh hy sinh, bạn bè mới tìm được. Có những người tìm đến sáng tác văn học nghệ thuật hình như là để bày tỏ tài hoa hay thông minh của mình. Chu Cẩm Phong với cuộc đời giản dị của anh không thuộc vào lớp những người ấy. Anh đến với báo chí, văn học cũng như anh đến với đời sống, đến với cách mạng là để bày tỏ tình yêu...”.

Để ghi nhớ công lao của ông, năm 2005, Thành phố Đà Nẵng đã lấy tên ông Chu Cẩm Phong đặt tên cho một con đường. Con đường này dài 390m, rộng 7,5 m, từ điểm đầu đường Lê Văn Hiến đến giáp đường Bùi Thế Mỹ, thuộc quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.

Năm 2007, Chu Cẩm Phong được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Năm 2010, ông được vinh dự truy tặng danh hiệu  cao quý Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Trần Mạnh Thường

Tin liên quan

Tin mới nhất