Cao Huy Thuần với lời nhắn từ thiên nhiên

Giáo sư Cao Huy Thuần (1937-2024) là một trí thức nổi tiếng, nên tin ông qua đời tại Pháp ngày 7 tháng 7 vừa qua lập tức được các cơ quan truyền thông lớn cả nước thông báo. Di sản giáo sư Cao Huy Thuần để lại rất phong phú. Trước đây, cứ vài năm, ông lại cho cho ra đời một cuốn sách – những tác phẩm với văn phong nhẹ nhàng, tinh tế mà sâu sắc luôn được các nhà xuất bản và bạn đọc đón chờ như "Nắng và Hoa", "Thế giới quanh ta", "Thấy Phật", "Nhật ký sen trắng", "Sợi tơ nhện"…

Cao Huy Thuần với lời nhắn từ thiên nhiên - 1

Giáo sư Cao Huy Thuần (1937-2024). Ảnh TL

Riêng với tôi, cuốn sách được ông tặng gần một phần tư thế kỷ trước, vẫn mãi còn ấn tượng sâu đậm. Đó là cuốn Thượng Đế, thiên nhiên, người, tôi & ta (NXB TP. Hồ Chí Minh, in lần đầu năm 2000). Còn nhớ, khi buông cuốn sách, tôi bước ra ban công, sau cơn mưa đầu mùa. Trong làn gió mát, cành mãng cầu dập dờn bên lan can buông những giọt nước trong như hạt thủy tinh đậu trên mặt lá xuống tay chân tôi. Và bất chợt, giữa những tầng lá xanh mềm mại, quả mãng cầu xanh dúm dó vì nắng hạn hôm nào, nay được uống nước trời thỏa thuê, nở bung trắng xóa như ai đó đang cười...

Cành mãng cầu ở đó đã bao năm mà hôm ấy tôi như mới nhìn thấy nó, mới nghĩ về những về phép mầu của tạo hóa. Các trang cuốn sách với tựa đề độc đáo của GS Cao Huy Thuần (Thượng Đế, thiên nhiên, người, tôi & ta) đã “mở mắt” cho tôi. Một cuốn sách triết học với không ít những trích dẫn các tác giả nổi tiếng trên thế giới (nhưng hẳn là công chúng ở Việt Nam còn ít biết đến) mà sinh động, dễ hiểu, chứ không hề cao đạo nặng nề "sách vở"; một tác giả tuy đang sống bên "Tây", thông hiểu sâu sắc triết lý Tây phương nhưng lại trân trọng đề cao những giá trị văn hóa phương Đông.

Cao Huy Thuần với lời nhắn từ thiên nhiên - 2

Thượng Đế, thiên nhiên, người, tôi & ta

Cuốn sách lý thú còn vì tính "thời sự" của nó, trước hết là những vấn đề xoay quanh "triết lý luật" và thái độ của con người trước thiên nhiên. Chúng ta, cả Nhà nước và xã hội, đang "vất vả" trong việc xây dựng luật pháp và thực thi pháp luật. Quốc hội kỳ họp nào cũng dành phần lớn thì giờ bàn cãi về luật. GS Cao Huy Thuần học Đại học Luật Sài Gòn (1955-1960), dạy học tại Đại học Huế (1962-1964); năm 1964, sang du học tại Pháp; bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Paris (1969)… Sau đó, ông từng là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Cộng đồng châu Âu tại Đại học Picardie… trình bày vấn đề từ nguyên thủy, từ nguồn gốc sinh ra luật (Luật là gì? - Luật bắt nguồn từ thần linh - Luật bắt nguồn từ Thượng đế - Luật đến từ tự nhiên - Luật đến từ con người, từ cá nhân...); có những mối tương quan, những phạm trù tưởng là rất dễ phân biệt nhưng vẫn gây "rắc rối" như "luật và phong tục", "luật và luân lý", "luật và đạo đức", "luật và tôn giáo"... Hiểu biết cặn kẽ những vấn đề này hẳn là rất có ích trong việc xây dựng một nhà nước pháp quyền, một xã hội biết tôn trọng luật pháp. Xin dành việc đi sâu về "luật" cho những học giả am hiểu vấn đề hơn, cũng như xin không bàn đến những khía cạnh liên quan riêng tới Phật giáo ở đây (tuy rằng, đó cũng là những vấn đề gần gũi với con người như thiện và ác, từ bi, bác ái, vị tha...).

Cũng là "triết lý luật", nhưng tôi đặc biệt thích thú chương viết về Luật đến từ thiên nhiên, từ sự sống. Chúng ta đều biết vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái đã trở thành một "mặt trận" nóng bỏng có tính toàn cầu, quan hệ đến sự tồn vong của nhân loại. Đó là hậu quả của cuộc chạy đua trong thế giới kỹ trị, là sự trả giá cho tư duy xem thiên nhiên như một đồ vật, như một nguồn của cải, đặt dưới sự thống trị của con người. Tiêu biểu cho loại tư duy này, Cao Huy Thuần đã trích dẫn một câu thật "đắt", thật "dễ sợ" của Francis Bacon (1561-1626), một chính khách kiêm triết gia và thi sĩ nổi tiếng người Anh: "Thiên nhiên giống như gái điếm; ta phải khuất phục nó, thông suốt bí mật của nó, chinh phục nó tùy theo sở thích của ta...".

Bị điều khiển bởi tư duy "kinh khủng" này, thế giới "hiện đại" đến lúc phải kêu cứu về môi trường suy thoái là điều tất nhiên.

Tuy vậy, tiếng kêu cứu ấy cũng chỉ nhằm phục vụ con người và lâu nay chúng ta thường quan niệm việc bảo vệ thiên nhiên chỉ vì lợi ích của con người. Đã đến lúc cần phải quan niệm con người và thiên nhiên đều có giá trị bằng nhau vì đều có giá trị nội tại, vì đều là những hình thức sống - những hình thức sống khác nhau.

Người chỉ là một bộ phận trong một chuỗi sinh thái. Và thiên nhiên có giá trị nội tại, nên thiên nhiên cần phải được công nhận là một chủ thể luật pháp. Cũng có nghĩa là chúng ta không chỉ nói đến việc bảo vệ nhân quyền, mà còn phải biết tôn trọng quyền của thiên nhiên. Đây là luận cứ của các tác giả Leopold, Routley, Stone, Godfrey-Smith... Lesvi-Strauss, nhà xã hội học, dân tộc học, triết gia, Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp (sinh năm 1908) mà Cao Huy Thuần gọi là "đại tác gia nhân chủng học", đặt vấn đề một cách triệt để hơn: trước cả những con người, phải đặt sự sống, triết lý về chủ thể nhường chỗ cho triết lý về sự sống. Thiên nhiên chính là sự sống.

Ông viết: "Chỉ quan tâm duy nhất đến con người mà chẳng đồng thời liên đới quan tâm gì cả đến những sự sống khác tức là, dù muốn dù không, đưa nhân loại đến chỗ đàn áp chính nhân loại, mở đường cho nhân loại đàn áp và tự bóc lột chính mình".

Ở trên, tôi có nói điều thú vị là một tác giả ở bên "Tây", nói chuyện triết lý phương Tây mà lại trân trọng những giá trị văn hóa phương Đông; không thể dẫn ra hết nội dung của chương Luật trong văn minh Á Đông của cuốn sách, tôi chỉ xin trích đoạn kết cuốn sách của Cao Huy Thuần để làm "chứng".

Ông đã viết: "...Tôi trích một sử liệu thứ 4, vẫn một câu thôi, nhưng tôi cho là vĩ đại: Năm 1126, vua xuống chiếu cấm nhân dân mùa Xuân không được chặt cây (“Đại Việt sử ký toàn thư”, trang 225).

Luật của cây cối là: Xuân sanh, hạ trưởng, thu thâu, đông tàn.

Xuân sanh: Hãy nhìn một lộc non vừa nhú lên trong mùa Xuân, bao nhiêu là hạnh phúc, bao nhiêu là sức sống! Chặt cây cối trong mùa Xuân là kết án tử hình sự sống! Chặt cây cối trong mùa Xuân là tử hình mùa Xuân. Chưa bao giờ chân lý, thiện và mỹ được nâng cao lên đến mức ấy.

Tôi biết luật này của vua Lý từ thuở còn là sinh viên. Bốn mươi năm qua, bốn mươi mùa Xuân, mỗi khi nhìn cây cối ra hoa nở nụ, tôi vẫn mong rằng bất cứ ai nói đến nhân quyền, nhất là Liên hiệp quốc, hãy ghi điều luật này vào một bản tuyên ngôn như tượng trưng cho quyền thiêng liêng nhất của con người: quyền của sự sống trên sự chết, sự sống của mình nơi sự sống của người khác, nơi sự sống của mọi vật xung quanh...".

***

Những lời nhắn gửi từ thiên nhiên được GS Cao Huy Thuần “chuyển” tới bạn đọc hơn hai thập kỷ trước không biết đã “thấu” tận đâu? Chỉ biết là loài người trên con đường chạy đua hiện đại hóa và tăng trưởng vẫn cứ bất chấp những quy luật của tạo hóa, can thiệp thô bạo vào tự nhiên và thậm chí hủy hoại vô số cảnh quan thiên nhiên, gây ra rất nhiều thảm họa.

Trong Thông điệp video nhân ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai (13/10/2021), Tổng Thư ký Liên hiệp quốc đã nhấn mạnh: “… Mất đa dạng sinh học, sự sụp đổ của hệ sinh thái và việc đô thị hóa nhanh chóng không có quy hoạch là những nguyên nhân liên quan đến nhau dẫn đến nguy cơ xảy ra những thảm họa thiên nhiên…”. Nhà nước ta cũng luôn nhắc nhở “không chạy theo phát triển bằng mọi giá…”. Những điều này chứng tỏ vấn đề bảo vệ và tôn trọng thiên nhiên trước đòi hỏi phát triển và tăng trưởng ở mọi vùng đất là bài toán vô cùng nan giải. Trong tình đó, đọc lại những trang viết trong cuốn Thượng đế, thiên nhiên, người, tôi & ta, tôi có cảm giác như GS Cao Huy Thuần ở nơi “cao xanh” vẫn đang tham dự vào tiến trình xây dựng Đất Nước hôm nay…

Nguyễn Khắc Phê

Tin liên quan

Tin mới nhất