Chuẩn mực văn chương

Văn chương là trụ cột của văn học nghệ thuật. Văn học nghệ thuật là trụ cột của nền văn hóa. Đừng để văn chương cũng loạn chuẩn như một số lĩnh vực văn hóa hiện nay.

“Văn chương tự cổ vô bằng cứ”?

Đấy là câu cửa miệng khi nói về văn chương các cụ xưa truyền lại. Có thật như vậy chăng? Tôi thì cho rằng đánh giá văn chương cũng như đánh giá con người, có tiêu chí nhưng cũng có khi vượt ngoài tiêu chí. Vì có tiêu chí (khi thành văn, khi bất thành văn), nên về cơ bản mọi người có thể thống nhất với nhau được, nhưng cũng sẽ có những ý nghĩ khác nhau, đôi khi trái ngược nhau. ý kiến trái ngược nhau thường nảy sinh ở những nét lạ của đối tượng được đánh giá. Có tiêu chí nên mới tổ chức được những cuộc thi (thi giọng ca, thi hoa hậu, thi thơ, thi tiểu thuyết…). Còn ngoài tiêu chí mới dẫn đến chẳng mấy khi kết quả thi làm thỏa mãn tất cả mọi người, đôi khi nảy sinh sự bất mãn.

Tôi đã có kinh nghiệm về việc bình xét, đánh giá văn chương nên luôn có thái độ bình tĩnh trước một tác phẩm, một hiện tượng văn chương. Tôi thấy việc đánh giá một tác phẩm, một hiện tượng văn chương là vô cùng khó khăn. Bởi người sáng tác thì giấu chìa khóa của mình đi, còn nhà phê bình thì đi tìm nó. Công việc đi tìm này trong thực tế cuộc sống khó khăn như thế nào thì mỗi người chúng ta ai cũng đã trải qua. Việc đi tìm chìa khóa để mở một tác phẩm văn chương còn khó khăn gấp nhiều lần, và việc tìm thấy nó không nhiều lắm.

Tôi chỉ lấy một ví dụ nhỏ để thấy sự khó khăn khi đánh giá một tác phẩm, ấy là trong khi biên tập tập thơ Trăng suông của tôi xuất bản năm 2005, bài thơ Chuyện cô y tá đã có ba ý kiến khác nhau, trong đó có hai ý kiến trái ngược nhau. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, người tự nguyện tuyển chọn thơ giúp tôi, từ trên 300 bài để lấy 51 bài, đã đánh hai dấu cộng (+) ở trên và dưới bài thơ. Ký hiệu ấy chỉ có ở gần chục bài mà anh cho là hay nhất trong tổng số 51 bài được chọn.

Thế nhưng một nhà thơ cũng khá nổi tiếng và có kinh nghiệm trong công tác biên tập của nhà xuất bản thì lại phê ở bên lề là “gượng ép” và quyết định để lại không cho vào tập cùng với chỉ hai bài khác nữa. Thế là hai ý kiến trái ngược nhau. Ông tổng biên tập kiêm giám đốc nhà xuất bản cũng là một nhà thơ khá nổi tiếng khác thì chỉ lẳng lặng phê “duyệt đăng” mà không khen cũng chẳng chê.

Khi tập thơ in ra, có hơn chục bài phê bình trên các báo, nhưng cũng chẳng ai để ý đến bài thơ này. Mỗi tác giả của từng bài viết lại chú ý sự khen chê của mình vào những bài thơ khác. Có một bài thơ được mọi người chú ý một cách chú tâm hơn cả (nhà thơ Nguyễn Đức Mậu chọn in giới thiệu trên tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Hàn Thủy Giang (Xuân Anh) chọn giới thiệu trên Đài Truyền hình Việt Nam) là bài Con bướm có chấm đen, thì bản thân tôi cũng không hề chú ý, và còn hơi lưỡng lự khi đưa vào tập. Nhưng bây giờ bình tĩnh lại thì tôi thấy hai bài thơ này có hơi khác thường (mà mọi người vẫn quen gọi là lạ). Cái lạ thường nảy sinh sự đánh giá khác nhau chăng?

Từ xưa, một danh nhân đã từng nói: “Đối với văn chương, chỉ nên khen chê, không được mắng mỏ”, là ngài đã thấu hiểu cái khó của văn chương, một thái độ có văn hóa khi đối xử với lĩnh vực cao siêu và tế nhị này. Thái độ của ngài là rõ ràng: có thể khen, có thể chê, nhưng không được xúc phạm. Âu đó cũng là điều nhắc nhở của người xưa đối với những người làm công tác phê bình, đối với những người làm công tác quản lý, đối với anh chị em văn nghệ sĩ và tất cả mọi người yêu văn chương nghệ thuật.

Chuẩn mực văn chương - 1

Ảnh minh họa

Chuẩn mực văn chương

Lĩnh vực nào cũng phải có chuẩn mực để phân định những giá trị. Từ đó mới có thể xếp trên dưới, thứ hạng. Không có chuẩn mực thì mọi sự sẽ bị định giá lung tung, nhiều khi bị đảo lộn. Sự đảo lộn giá trị sẽ dẫn tới mất ổn định nhiều mặt, có thể dẫn tới xung đột hủy hoại vô cùng nguy hiểm. Mà trong bất cứ lĩnh vực nào, sự ổn định cũng vô cùng quan trọng. Chỉ có ổn định mới có sự phát triển vững chắc, rồi từ đó lượng đổi thành chất, mới mong có bước nhảy vọt, đột biến.

Văn chương nghệ thuật là một lĩnh vực cao siêu, phức tạp. Nhưng dù cao siêu phức tạp đến đâu cũng có chuẩn mực để định giá. Vì thế, từ ngàn xưa lịch sử mới thống nhất xóa bỏ những thứ phi nghệ thuật, những thứ nghệ thuật non yếu, chỉ giữ lại những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Đó là sự sàng lọc khách quan, tự nhiên ngoài ý muốn của mọi cá nhân, thế lực. Vì vậy, những người công minh là người biết tôn trọng giá trị thực, tôn trọng chân lý. Nên làm một người công minh thật khó lắm thay!

Càng nghĩ càng thấy cụ Nguyễn Du sâu sắc khi viết chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Thực ra, thì bằng ba hay bằng mấy chỉ là cách nói. Nhưng câu ấy đã xác định vị trí của chữ tâm là cao hơn chữ tài, và chuẩn mực định giá cũng chỉ từ hai thứ ấy. Người công minh là người có được hai thứ ấy, có tấm lòng và có tài năng. Nếu thiếu một trong hai điều ấy thì rất khó làm người công minh. Nếu hai điều ấy kết hợp hài hòa trong một con người thì nó có thể nhân lên giá trị trong nhìn nhận, đánh giá. Những tài năng lớn thì hai điều này thường song hành. Vì vậy, từ xưa đến nay, những người được chọn vào ban chấm thi, hội đồng xét giải phải là những người có uy tín cả về đạo đức và chuyên môn. Đối với lĩnh vực văn chương thì đó thường là những nhà văn nhà thơ lớn.

Trước đây, những cuộc thi thơ mà hội đồng xét giải có tên các nhà thơ Xuân Diệu, Chế Lan Viên, nhà phê bình Hoài Thanh là giới nhà văn và công chúng yên tâm. Các tác giả thơ cứ thế mà tin tưởng gửi bài. Quần chúng yêu thơ cứ đọc những bài thơ được tuyển chọn đăng báo để thấy thế nào là thơ chất lượng, đọc những bài được giải thưởng để thấy thế nào là thơ hay. Những tác giả đạt giải cao được giới nhà thơ và công chúng yêu thơ trân trọng, theo dõi những bài thơ tiếp theo của họ. Hai cuộc thi thơ của báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) 1969- 1970 và 1972-1973 đã đạt được chuẩn mực ấy. Những trạng nguyên của hai cuộc thi ấy là Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Đức Mậu, Lâm Thị Mỹ Dạ đã tiếp tục phát triển tài năng trở thành những nhà thơ có uy tín trên thi đàn.

Những năm gần đây, có phải cơ chế thị trường đã tác động làm cho chuẩn mực văn chương không còn được như trước? Một số nhà văn, nhà phê bình đã tung hứng một số hiện tượng văn chương không đúng với giá trị thực. Một số hội đồng chấm và xét giải thưởng gây tâm lý ngờ vực cho các nhà văn và quần chúng yêu văn chương. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến sự phát triển của nền văn chương.

Chuẩn mực mà lệch lạc thì đời sống văn chương sẽ rối loạn. Vì vậy, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đối với nền văn chương nước nhà phải đặc biệt chú ý đến điều này. Văn chương là trụ cột của văn học nghệ thuật. Văn học nghệ thuật là trụ cột của nền văn hóa. Đừng để văn chương cũng loạn chuẩn như một số lĩnh vực văn hóa hiện nay. Có giữ được chuẩn mực cho văn chương thì mới mong xây dựng được nền văn học nghệ thuật tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Mới mong có được những tác phẩm đỉnh cao xứng đáng với dân tộc và thời đại.

Đinh Quang Tốn

Tin liên quan

Tin mới nhất