Chuyện của một dòng sông (bút ký)

Là người Việt không ai là không biết đến một dòng sông.

Và những ai đã từng cắp sách đi học phổ thông từ những năm 60 của thế kỷ trước thì cũng không thể không nhớ nổi một câu thơ trong bài thơ Nhớ con sông quê hương, của nhà thơ Tế Hanh.

Đó là nỗi nhớ bản thể. Theo tôi ban đầu anh chỉ cần nhớ về dòng sông tuổi thơ ở ngay làng mình, rồi lớn lên có điều kiện đi xa thì nhớ đến nhiều dòng sông trên đất nước và nỗi nhớ ấy là để biết ơn biết bao công sức của tiền nhân để lại mà ngày nay chúng ta có một hệ thống sông ngòi dày đặc để nuôi cây lúa, cây khoai... và để cho mỗi một cá thể người, không ai là không có ít nhất một dòng sông quê để tuổi thơ thì vô tư tắm mát, đến khi trưởng thành sau bao năm dài phiêu bạt lại trở về úp mặt vào sông quê mà rưng rưng tri ân với tổ tiên, trời đất.

Làng tôi cũng vậy, cũng có một con sông đào chảy dọc sau lưng làng. Ngày xưa làng còn thêm một cái tên: Làng Bến, vì có chợ Bến nằm sát bờ sông, bến sông lại có âu thuyền tuy nhỏ, nhưng vẫn đủ để cùng lúc hai con thuyền cập mạn, cho phu chợ đưa nhu yếu phẩm như dầu hỏa, mắm muối, vải vóc,... lên 12 gian chợ và mùa nào thứ ấy đưa xuống những sọt mận chín tím lịm, những bồ nhót roi rói đỏ tươi, những bịch nhãn lồng thây lẩy thơm tho tủa đi khắp Hà Thành để chào bán. Các bậc bô lão trong làng từng tự hào về quê hương văn vật trên bến dưới thuyền của mình.

Một đặc điểm của sông đào là khi chảy qua địa phương nào thì mang tên địa phương ấy. Nhưng đã là sông thì phải có nguồn, tức là nơi tiếp nối với một dòng chảy khác lớn hơn. Vậy thì cội nguồn của con sông làng tôi được nối dòng với một con sông to hơn nằm trong hệ thống sông đại thủy nông Bắc Hưng Hải, mà cửa lớn mở vào Sông Cái (Sông Hồng) qua cống lớn Xuân Quan.

Chuyện của một dòng sông (bút ký) - 1

Cống Xuân Quan – Điểm khởi đầu của hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải. Ảnh ST

Nhân đây cũng xin được nhắc lại một tình tiết lịch sử, đó là nhằm ngày 1 tháng 10 năm 1958 (nhân ngày Quốc khánh lần thứ 9 nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa). Thủ tướng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Phạm Văn Đồng và đồng chí Hà Kế Tấn đã: Bổ nhát cuốc đầu tiên động thổ xây cống Xuân Quan (thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên).

Ở làng tôi ngày ấy hầu như nhà nào cũng có người được đi dân công làm thủy lợi. Nơi xa thì lỉnh kỉnh quần áo, chăn màn, gạo củi, quang gánh, nơi gần thì tòong teng cơm nắm muối vừng. Ngày đó mẹ thường sai tôi tìm mo cau để nắm cơm cho cha đi dân công. Nhưng cau trong xóm vốn không có nhiều lại cả tháng mới có một tàu già rụng xuống, nên tôi cứ tiếc vì trước đó đã nhiều lần nhặt được mo cau to mà chỉ biết làm trò chơi phu kéo xe, kéo đến mòn mo thủng đít em bé làm khách ngồi.

Một thực tế lịch sử nữa là trong 24 năm làm chủ tịch nước. Bác Hồ đã 10 lần về thăm tỉnh Hưng Yên. Riêng huyện Văn Lâm yêu dấu của tôi Bác đã tới thăm 2 lần ở 2 xã Đình Dù và Lạc Đạo, để khuyên dân làm thủy lợi. Nhờ được sự quan tâm đặc biệt của Bác mà nông dân Hưng Yên đã đào đắp tới hàng trăm triệu mét khối đất hoàn thành hệ thống công trình Đại thủy nông Bắc Hưng Hải. Xứng đáng là tỉnh duy nhất 5 năm liền giữ cờ: Đơn vị làm thủy lợi giỏi nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhờ làm tốt công tác thủy lợi mà ngành nông nghiệp tỉnh Hải Hưng sau đó mới bừng bừng khởi sắc tạo dựng một sức sống mới và đã hoàn thành sứ mệnh là tỉnh đóng góp nhiều nhất về lương thực, thực phẩm cho hậu phương lớn nuôi quân đánh Mỹ thắng lợi. Ghi dấu thành tích hào hùng đó Nhạc sĩ Đỗ Nhuận - Một người con của đất Hải Hưng đã sáng tác thành công ca khúc: Quê ta từ đất dấy lên.

*

Trở lại với dòng sông quê tôi, nhờ được nạo vét, mở rộng từ ấy mà nước sông Hồng đỏ nặng phù sa chảy vào tận từng chân ruộng vuông vắn, khoai lúa bời bời tươi tốt, làng quê ấm no, khoan hòa đầy ắp tiếng cười, tiếng ca.

Sông quê không chỉ mang nước tưới cho một nền nông nghiệp sạch mà còn mang lại nguồn thực phẩm tươi khá dồi dào. Những nhà ở sát bờ sông, không nhà nào là không biết đào lỗ năn, lỗ nhảy rồi nhử thính để bắt cá. Nghề đan lờ, đan đó, giăng câu cũng giúp nhiều gia đình tăng thêm thu nhập vào những tháng nông nhàn.

Năm nào cũng vậy như có sự giao thoa kỳ diệu của trời đất, nên cứ vào tiết tiểu mãn là thế nào nước sông cũng lên và thế nào cũng mò được tôm một cách dễ dàng. Những con tôm càng thịt đanh mẩy, rắn căng khi tóm được thì búng đạp tanh tách, nhưng dưới nước thì lại lờ đờ cắn đuôi nhau dạt vào gốc cỏ để vật trứng, nên chỉ cần khẽ lùa hai bàn tay sát mặt bùn là nhất định tóm được một, hai chú.

Chuyện bắt tôm dễ dàng chỉ diễn ra trong một, hai ngày mà người ta gọi là ngày giở giời. Những ngày ấy không nhà ai là không có tôm ăn, bà con hỏi nhau. Nhà bác chế biến kiểu gì? Rang muối xả hay rim mắm Hải Phòng. Gớm có tôm ngon lũ trẻ nhà tôi ăn thủng nồi trôi rế, giá quanh năm sông cho tôm thế này nhỉ. Sao nhà dì tham thế, còn để dành cho nơi khác nữa chứ. Rồi họ nói họ cười vui vẻ, lại giở trầu thuốc ra ăn, gió thổi lồng lộng làm thơm nồng cả một khúc sông quê.

Nhà cô Dạ ở sát nhà tôi, cùng đi chung một lối xuống sông, nhưng bên cô không có ai mò tôm được. Chồng cô bị ốm nằm liệt giường đã mấy năm rồi. Hằng Nga là con gái chỉ kém tôi hai tuổi, nhưng lại mắc bệnh hen, nên mẹ cấm không được bén mảng xuống nước. Thành ra năm nào tôi cũng được đem cho tôm, rồi lần nào cầm rổ tôm trên tay cô Dạ cũng khóc ối giời ơi! Giá thằng Đông nhà cô không bị lộn cổ xuống sông chết năm ấy thì thế nào năm nay nó cũng mò được tôm giỏi như cháu. Cô cám ơn cháu, nhưng cô cũng đau lòng lắm, ối giời ơi là đất ơi. Tôi sợ quá vội chuồn về ngay, vì sợ đứng lâu thế nào cũng bị cô Dạ kéo theo xuống sông mà vật vã hú tên con thảm thiết.

Cô Dạ không những là người đàn bà đẹp mà còn là người cuối cùng của làng có hàm răng nhuộm đen nhưng nhức.

Cuối năm ấy cô lại để trong tôi một ấn tượng mạnh về tình nghĩa của con người với con sông. Sáng ấy chồng cô chết, mặt cô tái xanh chạy sang nhà tôi bảo. Thanh cho cô vay 1 đồng xu mà con thường chơi đáo được không? Tôi chạy vào nhà đưa cho cô một vốc, ngớ ngẩn hỏi. Cô cũng chơi à? Cô Dạ lựa một đồng năm xu còn mới rồi nói nhỏ. Chỉ cần một đồng chinh thôi, nhưng phải có để tạ ơn Hà Bá. Đoạn cô cun cút chạy xuống sông đến sát bờ nước thì bất ngờ cô quỳ mọp xuống kính cẩn đưa hai tay ngang mặt lẩm bẩm khấn bài, xong cô trịnh trọng gieo đồng xu ra giữa dòng rồi cầm cái bát mang theo múc nước. Lúc quay lại nhìn thấy tôi, cô sợ quá run chân, ríu tay làm đổ cả bát nước vào ngực khiến làn áo phin mỏng tang dính liền vào da thịt.

- Con xin lỗi cô!

- Không Thanh không có lỗi, lỗi ở cô và cô Dạ quả quyết quay lại múc đầy bát nước khác mạnh mẽ bước thẳng về nhà.

Đó chính là bát nước cô Dạ mua của thần sông để rửa mặt cho chú Hồng trước lúc nhập quan. Vì theo tục lệ của dân làng tôi thuở ấy thì chỉ có nước sông mới rửa sạch được bụi trần. Mặt người chết có được rửa sạch thì thần hồn mới chịu nhập vào thể phách và vong linh mới được hỉ xả siêu thoát dưới suối vàng.

*

Năm ngoái tình cờ xem truyền hình Hưng Yên. Mục "Khách mời Văn nghệ sĩ", thấy nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền, nền nã trong bộ áo dài màu xanh lá mạ, trên dưới điểm xuyết nhã nhặn màu đào phai. Phóng viên hỏi: Trong cuộc đời làm nghệ thuật nửa thế kỷ qua nghệ sĩ có kỷ niệm nào về tỉnh Hưng Yên không? Nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền trả lời. Năm 1967 vừa nhập môn được vài năm, đơn vị của tôi đã phải cùng đoàn chèo I Trung ương (Bây giờ là Nhà hát chèo Việt Nam) về sơ tán tại thôn Đoan Khê, xã Trung Kiên, huyện Văn Lâm, để học triết học và mỹ học. Tôi ở nhà một chị có chồng đi bộ đội và hàng xóm có hai bố con đều biết đánh đàn kéo nhị, nhà họ liền sông nên chiều chiều chúng tôi hay ra sông tắm rồi mò trai, bắt cua rất vui, rất thích.

Tôi (người viết truyện ký này) đã từng xao xuyến bao lần trước vẻ đẹp đằm thắm ngọt ngào của chất giọng trời cho riêng Thu Hiền. Nay ngắm nhìn người nghệ sĩ trong tôi trỗi dậy một kỷ niệm. Đúng như chị nói, năm ấy chị cùng một, hai người nữa hay ra sông tắm. Dòng sông tuy không rộng, nhưng cũng đủ làm ranh giới của hai xã. Buổi sáng lũy tre của bờ bên kia trùm bóng mát sang bờ bên này, còn buổi chiều thì ngược lại.

Nhìn cung cách bơi của các chị văn công trẻ chẳng chịu giống ai, từ bờ bên này tôi đã bày cách cho các chị tự làm nổi mình, cách phối hợp tay khua, chân đạp để giữ thăng bằng, đồng thời nhoài lên phía trước.

Rồi tôi còn bày cho chị cách lặn trai, chiều hôm sau đó tôi đã lặn sẵn được cả chục con trai to, chỉ đợi chị hỏi là đưa sang cho chị. Cầm một con trai to bằng bàn tay, chị nhỏ nhẹ cảm ơn rồi cười rất hồn nhiên.

Kỷ niệm nhỏ ấy chắc gì chị đã nhớ.

Thoắt cái mà đã hơn năm mươi năm, đúng là thời gian trôi đi nhanh quá. Đời người chẳng đáng là bao, giơ tay ra phía trước sắp chạm phải cái hữu hạn vô thường rồi. Tiếc thay.

Đột nhiên tôi nghĩ giá mà mời được bà Thu Hiền này về chơi nhỉ. Thôn Đoan Khê thì vẫn đây, nhưng xã Trung Kiên (cũng như xã Vạn Xuân cùng nhiều xã khác ở thời cải cách ruộng đất, hay sính những cái tên rất “nổ”, nay đã đổi lại thành Lạc Đạo và Đình Dù rồi) còn rặng nhãn rất xanh, rất đẹp từ bến xe về làng là rặng nhãn của xã Tiền Tiến cũ mà theo chị rặng nhãn ấy đã cho chị cảm xúc mạnh khi thể hiện ca khúc Tình cây và đất của Tô Thanh Tùng, cùng nhiều bài hát hay khác đã tạo nên thương hiệu Thu Hiền.

Nhưng lạy giời, bây giờ chúng tôi không dám mời nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền về tắm sông và mò trai nữa, vì sông còn nước sạch đâu mà tắm. Dòng sông đã cạn, đã chết theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng rồi. Hai bên bờ không thiếu một thứ chất thải gì mà con người không tống táng xuống. Ngoài những công ty, nhà máy thải chất bẩn ra, lại hình thành rất nhiều làng nghề phế liệu chuyên xay rửa rác thải nhựa khiến lòng sông co hẹp và nông choèn, chỉ còn sền sệt một thứ nước đen sì như dầu máy thải. Quanh năm bốc mùi, lúc thì thum thủm tanh tanh, lúc thì nồng nồng khen khét. Và thực tế làng đã có nhiều người chết trẻ, chết đột ngột.

Thấy tôi than phiền về sự ngắc ngoải của con sông làng mình, một bạn văn bảo: Chả riêng gì sông của làng ông đâu mà cả hệ thống sông Bắc Hưng Hải cùng nhiều nơi khác mức độ ô nhiễm có khi còn nặng nề hơn thế nữa kia. Đài truyền hình Trung ương chẳng đã làm nhiều thiên phóng sự nóng rồi mà tình hình có chuyển biến là bao.

Dẫu sao tôi vẫn muốn để nghệ sĩ nhân dân mục sở thị về cái được và cái mất của kinh tế thị trường nơi đây mà hợp sức cùng chúng ta một lần nữa khẩn thiết gọi: Sông ơi!

Nguyễn Thành

Thạch Hãn còn mãi yêu thương
Thạch Hãn còn mãi yêu thương

Tôi nhớ đến sông Thạch Hãn hiền hòa trong xanh soi bóng quê hương mình tận đáy, tôi nhớ đến Thạch Hãn đôi bờ bình yên...

Tin liên quan

Tin mới nhất

Amsterdam, “Venice phương Bắc”

Amsterdam, “Venice phương Bắc”

Amsterdam, thủ đô của Vương quốc Hà Lan, một quốc gia nhỏ ở Tây Âu với hơn 40% lãnh thổ thấp hơn mặt nước biển từ 1 đến 2 mét. Hà Lan nói chung và Amsterdam nói riêng hệ thống kênh rạch và đê biển đóng một vai trò hết sức quan trọng. Người dân thủ đô Amsterdam coi kênh rạch không chỉ là công trình thủy lợi mà còn là công trình văn hóa độc đáo được xây dựng qua bao thế kỷ.

Potsdam – thành phố Hollywood của Đức

Potsdam – thành phố Hollywood của Đức

Potsdam đặc biệt nổi tiếng về di sản văn hóa là thành phố ngự trị của Vương quốc Phổ, với nhiều lâu đài, cung điện, vườn hoa, nơi được ví là Hollywood của Đức. Potsdam nằm về phía Bắc nước Đức thuộc bang Brandenburg, là thành phố đông dân nhất của bang. Potsdam cách thủ đô Berlin khoảng 60km.

Roma - Thành phố nghìn năm tuổi

Roma - Thành phố nghìn năm tuổi

Theo truyền thuyết, Roma là tên một thành phố do vị vua đầu tiên của Italia là Romulus đặt, lúc ông được tôn làm vua năm 753 Trước công nguyên (TCN). Lúc đầu Roma là sự hợp nhất của các làng nằm trên các ngọn đồi Roma. Nhưng đến khoảng thế kỷ thứ VI và thứ V TCN, Roma phát triển nhanh và chẳng bao lâu trở thành thủ đô của một đế quốc rộng lớn, thâu tóm hầu hết các vùng đất ven biển