Đầu nguồn của Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam: Hội văn hóa cứu quốc Việt Nam (1943 - 1948)

Để nói về lịch sử Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam hiện nay, phải nhắc đến cơ sở đầu nguồn của nó: Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam (1943 - 1948).

Đầu nguồn của Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam: Hội văn hóa cứu quốc Việt Nam (1943 - 1948) - 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự khai mạc “Triển lãm Văn hóa”, do Hội văn hóa Cứu quốc tổ chức tại trụ sở cũ của Hội Khai trí Tiến Đức (Hà Nội), ngày 7/10/1945.

Tháng 2/1943, hội nghị của Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương đã thông qua “Đề cương về văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo. Trong đề cương, Đảng tuyên bố tham gia mặt trận văn hóa, chủ trương xây dựng một nền văn hóa mới Việt Nam theo ba nguyên tắc “dân tộc, khoa học, đại chúng”. Đề cương cũng đề ra một trong những nhiệm vụ trước mắt là tổ chức các văn nghệ sĩ vào một đoàn thể do Đảng lãnh đạo.

Từ năm 1941, tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII do Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì, nêu nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu; tổ chức quần chúng của Đảng là Mặt trận phản đế Đông Dương được đổi tên thành Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh); các tổ chức quần chúng của mặt trận Việt Minh đều lấy tôn chỉ là các “đoàn thể cứu quốc”, như: “Công nhân cứu quốc hội, Nông dân cứu quốc hội, Thương nhân cứu quốc hội, Thanh niên cứu quốc đoàn, Phụ nữ cứu quốc đoàn, Đội tự vệ cứu quốc, Văn hóa cứu quốc hội, Nhi đồng cứu quốc hội, Thiếu niên tiền phong đội” (1)

Dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Trường Chinh, tại Hà Nội từ giữa năm 1943 đã thành lập được một số nhóm “Văn hóa cứu quốc” do Bí thư ban cán sự Đảng thành phố là Lê Quang Đạo phụ trách.

Một cán bộ đảng là Vũ Quốc Uy đã liên lạc với một số văn nghệ sĩ, trí thức từng hoạt động thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương 1936-1939 và phong trào Việt Minh, như các nhà văn Như Phong, Học Phi, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, hoặc những trí thức từng hoạt động trong Hội Truyền bá quốc ngữ như Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Công Mỹ, Phạm Văn Khoa, Lưu Văn Lợi; cũng có những trí thức nhân sĩ như Đặng Thai Mai, được liên lạc đơn tuyến với lãnh đạo đảng, trở thành thành viên Văn hóa cứu quốc, không liên lạc với các nhóm.

Giữa năm 1943, một cuộc họp bí mật do Trung ương Đảng triệu tập một số văn nghệ sĩ, đã thảo luận và thông qua “Điều lệ của Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam”. Điều lệ ghi rõ tên hội là “Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam”, một thành viên trong Mặt trận Việt Minh, có mục đích “Liên lạc hết thảy những nhà văn hóa Việt Nam tha thiết với văn hóa để đả phá những xu hướng văn hóa phản tiến bộ, để kiến thiết cho nước Việt Nam một nền văn hóa mới có đủ ba tính chất khoa học, đại chúng và dân tộc, cần thiết cho cuộc phục hưng cấp bách của nước nhà và hợp với trào lưu thế giới”.(2)

Người Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, là nam hay nữ, thuộc mọi tôn giáo, giai cấp, thực lòng yêu văn hóa, dù đã có hay chưa có công trình văn hóa, đều có thể được nhận làm hội viên. Về hệ thống tổ chức, điều lệ quy định: 5 hội viên hợp thành một chi, mỗi chi bầu một bí thư để phụ trách công việc và liên lạc với cấp trên. Tất cả các chi trong một tỉnh, thành phố họp lại thành bộ tỉnh hoặc bộ thành, cử đại biểu bầu một ủy ban chấp hành tỉnh (tỉnh bộ, thành bộ), để điều khiển công việc toàn tỉnh, thành.

Tất cả các bộ tỉnh, bộ thành trong mỗi xứ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ), họp thành xứ bộ, cử đại biểu họp đại hội đại biểu toàn xứ, bầu ra Ủy ban chấp hành xứ (xứ bộ) để điều khiển công việc toàn xứ. Tất cả các xứ bộ họp thành Hội, cử đại biểu họp đại hội đại biểu toàn quốc, bầu ra Ủy ban Chấp hành Trung ương để chỉ huy công việc Hội trong toàn quốc.

Phần cuối điều lệ ghi rõ: Điều lệ này được thông qua tại hội nghị ngày 20 tháng 6 năm 1943, ký tên 4 hội viên sáng lập: Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Đình Thi, Vũ Quốc Uy, Như Phong.(3).

Ngay từ khi thành lập Hội, các thành viên Văn hóa cứu quốc có một số hoạt động tuyên truyền chống phát-xít và phát triển ảnh hưởng của Việt Minh trong giới văn nghệ sĩ, trí thức, vận động những người cảm tình, mở rộng tổ chức. Từng thành viên tiến hành tuyên truyền trong môi trường hoạt động của mình. Ví dụ, Tô Hoài, -– trong các bạn văn có cảm tình; Nguyễn Hữu Đang, Phạm Văn Khoa -, – trong hội truyền bá quốc ngữ; Như Phong tìm gặp một số văn nghệ sĩ có tên tuổi; Nguyễn Đình Thi -– trong nhóm sinh viên Dương Đức Hiền và một số bạn nhạc sĩ ở Hải Phòng: Văn Cao, Đỗ Nhuận. Cuối năm 1944, trước khi Nhật đảo chính Pháp, đã có một số văn nghệ sĩ trí thức tham gia hoặc tìm cách liên hệ với Văn hóa cứu quốc như Nam Cao, Kim Lân, Trần Huyền Trân, Thâm Tâm, Trần Đình Thọ, Ngô Huy Quỳnh, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung.

Một số thành viên viết bài (bản tin, thơ ca…, v.v.) cho các tờ báo bí mật Cứu quốc, Cờ giải phóng, Hồn nước.

Một số thành viên viết bài, vận động các nhà xuất bản in sách có nội dung cách mạng do mình viết, hoặc đưa đăng sáng tác trên báo chí công khai như báo Tiểu thuyết thứ bảy, báo Truyền bá (Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nam Cao), báo Trung Bắc chủ nhật (Kim Lân, Học Phi), bán nguyệt san Tri tân (Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi), tạp chí Thanh nghị (Đặng Thai Mai).

Sau ngày cách mạng tháng Tám thắng lợi, tất cả các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh, bao gồm cả Văn hóa cứu quốc, đều chuyển từ bí mật sang hoạt động công khai. Tại cuộc họp ban chấp hành mở rộng ở Hà Nội, ngày 4/.9/.1945, Nguyễn Đình Thi chủ tọa, Hội đề ra chương trình hành động gồm 4 điểm:

1/ Triệu tập một hội nghị văn hóa toàn quốc để động viên các lực lượng văn hóa phụng sự cho nền độc lập nước nhà;

2/ Giúp sức cho Bộ Tuyên truyền của Chính phủ lâm thời;

3/ Sưu tầm tài liệu về những tội ác của người Pháp ở đây trước kia, để viết một cuốn Hắc thư kết tội thực dân Pháp;

4/ Cho ra tờ tạp chí “Tiên phong”, cơ quan của Văn hóa cứu quốc trước đây vẫn viết và in trong bí mật.

“Đoạn rồi hội nghị bầu lại ban chấp hành của Văn hóa cứu quốc hội. Ban chấp hành bây giờ có năm anh là: Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Hữu Đang, Đặng Thai Mai, Trang, Nguyễn Huy Tưởng.” (4) (Trang là Trần Quốc Hương, cán bộ Trung ương Đảng, cần giữ bí mật nên chỉ ghi bí danh).

[Trang là Trần Quốc Hương, cán bộ Trung ương Đảng, cần giữ bí mật nên chỉ ghi bí danh].

Ngay khi ra hoạt động công khai, Ban Chấp hành trung ương Hội Văn hóa cứu quốc đã ra “Chỉ thị về việc lập Ủy ban Văn hóa cứu quốc hàng tỉnh”, nhờ cậy tỉnh bộ Việt Minh các tỉnh “cử những đồng chí có năng lực văn hóa và ý thức chính trị, tạm thời đảm nhận việc tổ chức vận động văn hóa”, nêu quy cách tổ chức như đã có trong điều lệ; nhiệm vụ chính là tuyên truyền giải thích chủ trương của Hội Văn hóa cứu quốc, lập các chi (tức tiểu tổ) vận động văn hóa.(5).

Trong kỳ bầu cử Quốc hội đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một số thành viên Văn hóa cứu quốc đã trúng cử Đại biểu Quốc hội (khóa I: 1946 - 1960): Trần Huy Liệu, Nguyễn Huy Tưởng, Cù Huy Cận, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Đình Thi, Đoàn Phú Tứ, Ngô Xuân Diệu, Đặng Thai Mai, Phan Thao, Huỳnh Văn Gấm, Lê Tư Lành.., v.v.

Hoạt động nổi bật của Văn hóa cứu quốc từ sau cách mạng tháng Tám là báo chí, xuất bản. Tờ Tiên phong được xuất bản như một bán nguyệt san (mỗi tháng 2 kỳ), mỗi số gồm khoảng 24 -– 40 trang khổ giấy A4. Tiên phong tự giới thiệu là “Cơ quan vận động văn hóa mới” của Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam, với 3 nội dung “khoa học, dân tộc, đại chúng”.

Tiên phong có thư ký tòa soạn 5 số đầu là Nam Cao, tiếp đến (từ số. 6, ngày 16/.2/.1946) là Xuân Diệu; từ số s. 8 (1/.4/.1946) trở đi, bìa Tiên phong nêu chức danh chủ bút là Trần Huy Liệu.

Những cây bút chủ lực trên Tiên phong là Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng, Nam Cao, Tô Hoài, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Nguyễn Văn Tỵ.., v.v. Tiên phong có trên 60 cộng tác viên ở các bộ môn văn học nghệ thuật. Trên Tiên phong có một số bài đấu tranh tư tưởng khá gay gắt, nổi bật là bài đăng 3 kỳ của Thanh Bình (bút danh của Đặng Thai Mai) phê bình cuốn “Tương lai văn nghệ Việt Nam” (Hàn Thuyên xb., 1945) của Trương Tửu; vạch ra những đề xuất không thiết thực về một “tân văn nghệ”, việc đề cao tự do tuyệt đối của văn nghệ sĩ, quan niệm văn nghệ “là sự phản kháng thường xuyên đối với thực tại và hiện tại”.., v.v. Các bài phê bình nghệ thuật của Nguyễn Văn Tỵ giúp công chúng hiểu rõ hơn về sáng tác tranh tượng của giới họa sĩ Việt Nam.

Nhiều sáng tác thơ, văn, truyện ký đăng trên Tiên phong ghi được đôi nét mới của cuộc sống đương thời. Từ các nhà thơ từng nổi tiếng thời “thơ mới” (1932 - 1945) như Huy Cận, Huy Thông, Vũ Hoàng Chương, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh, đến những nhà thơ trẻ tuổi hơn như Trần Mai Ninh, Tế Hanh, Văn Cao.., v.v., đều có thơ đăng Tiên phong. Gần cuối năm 1946, Tiên phong dự định được chuyển thành tuần báo, nhưng cuộc kháng chiến bùng nổ tại Hà Nội, dự kiến bất thành.

Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam còn xuất bản tờ tuần báo chữ Pháp La République (Nước Cộng hòa), chủ bút Lưu Văn Lợi, có sự cộng tác của Nguyễn Khánh Toàn; sau hiệp định sơ bộ 6/.3/.1946 báo đổi tên là Le Peuple (Nhân dân). Tờ báo chữ Pháp này ra đều cho đến đầu kháng chiến, có nhiệm vụ thông tin vận động những người Pháp và binh lính Pháp đang có mặt tại Đông Dương. Thời kỳ quân đội Trung Hoa Dân Quốc vào Việt Nam với lý do giải giáp quân đội Nhật Bản từ vĩ tuyến 16 ra Bắc theo sự phân công của Đồng Minh, Văn hóa cứu quốc Việt Nam còn xuất bản tờ Tân Việt Nam bằng chữ Hoa, cũng với nhiệm vụ vận động binh lính Tàu Tưởng và Hoa kiều.

Trong dịp bầu cử Quốc hội Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa đầu tiên, ngày 6/.1/.1946, Văn hóa cứu quốc xuất bản tờ Quốc hội để cổ động Tổng tuyển cử.

Cuối năm 1946, một vài thành viên Văn hóa cứu quốc cùng một số trí thức sáng lập tạp chí Thế giới mới; ban giám đốc gồm Tạ Quang Bửu, Đặng Thai Mai, Trần Công Tường, thư ký tòa soạn Nguyễn Hữu Đang, số 1 ra tháng 11/1946; nhưng cuộc kháng chiến bùng nổ tại Hà Nội, dự án dừng lại tại đó.

Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam cũng hoạt động như một nhà xuất bản.

Cuốn Trang sử mới, tập văn kiện đầu tiên của Chính phủ lâm thời, gồm Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những phát biểu tại lễ Độc lập ngày 2/.9/.1945 (Lời hô hào quốc dân của Tổng bộ Việt Minh, Nguyễn Lương Bằng đọc; báo cáo của trưởng đoàn giao thiệp với triều đình Huế, Trần Huy Liệu đọc; diễn văn về chính sách của Chính phủ lâm thời, Võ Nguyên Giáp đọc), là do Hội Văn hóa cứu quốc xuất bản. 

Từ tháng 8/1945 đến tháng 8/1946, Hội đã xuất bản 3 tập thơ (“Ngọn quốc kỳ”, “Hội nghị non sông” của Xuân Diệu, “Thơ” của Tố Hữu), 1 kịch bản (“Bắc Sơn” của Nguyễn Huy Tưởng), 4 cuốn truyện và ký sự (“Căm hờn” của 9 nhà văn, 3 họa sĩ; “Mặt trận Nam có gì lạ” của Thu Tâm; “Luồng cày” của 4 nhà văn: Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân, Nguyên Hồng; “Nghĩa Lộ vượt ngục” của Trần Huy Liệu; “Địa ngục” của Nguyên Hồng), 1 bút ký (“Miền Nam nước Việt” của Xuân Diệu), 3 quyển luận về văn hóa (“Một nền văn hóa mới” của Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Đình Thi; “Có một nền văn hóa Việt Nam” của Hoài Thanh; “Văn hóa là gì?” của Đào Duy Anh), 6 quyển nghiên cứu (“Chủ nghĩa dân chủ mới” của Nguyễn Đình Thi; “Văn sĩ xã hội” của Hải Triều; “Chữ của dân tộc” của Ngô Quang Châu; “Các nước trên trường quốc tế” của L.T.C.; “Việt Nam với Pháp trên trường kinh tế”, “Công cuộc chống nạn thất học ở Việt Nam” của Nguyễn Công Mỹ), 3 tập sử liệu (“Trang sử mới”, “Temoignages et documents franҫais relatifs à la colonization franҫaise au Vietnam”, “80 năm tội ác…”), 4 bản nhạc (“Cứu quốc ca” của 4 nhạc sĩ; “Căm hờn” của Nguyễn Đình Thi; “Quốc hội” của Đỗ Nhuận; “Bắc Sơn” của Văn Cao), 4 quyển chính trị phổ thông (“Hiến pháp là gì”, “Quyền và bổn phận làm dân”, “Ấn Độ và đế quốc Anh”, “Sự bảo vệ nhi đồng ở Liên Xô”), 8 cuốn “Gương chiến đấu” (“Năm anh hàng thịt”, “Năm trẻ anh hùng ở Thái Nguyên”, “Chị Tư gánh nước giết giặc”, “Lá cờ máu”, “Người chiến sĩ trong bộ đội Thu Sơn”; “Quyết chiến”; “Người chiến sĩ say”; “Miền Nam chiến đấu diễn ca”); tổng số đã xuất bản 37 tên sách (titres) với 199 880 bản in (exemplaires). 

Văn hóa cứu quốc còn tổ chức một số sự kiện văn hóa khác. Trước hết là hai cuộc triển lãm: Triển lãm văn hóa do Liên đoàn văn nghệ Bắc Bộ tổ chức (7/.10/.1945), trưng bày sách xuất bản công khai và sách báo xuất bản bí mật thời Nhật - Pháp, và trưng bày tranh của nhiều họa sĩ; Hồ Chủ tịch và cố vấn Vĩnh Thụy đến dự khai mạc. Triển lãm mỹ thuật tháng Tám 1946 với những tác phẩm mới về đề tài khởi nghĩa tháng 8/1945 và cuộc kháng Pháp đang diễn ra ở miền Nam của Tô Ngọc Vân, Phạm Văn Đôn, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Văn Bình.., v.v. Văn hóa cứu quốc cũng tổ chức cho các họa sĩ Nguyễn Thị Kim, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung tiếp xúc, nặn và vẽ chân dung Hồ Chủ tịch.

Văn hóa cứu quốc tổ chức được “Tuần lễ văn hóa” ủng hộ Nam Bộ kháng chiến, bằng các hình thức ngày sân khấu, ngày âm nhạc, ngày hội họa.., v.v. thu 20 vạn đồng ủng hộ Quỹ Nam Bộ kháng chiến. Hội cũng tổ chức biểu diễn sân khấu với những vở diễn đề tài cách mạng, như “Tô Hiệu” của Nguyễn Công Mỹ, “Bắc Sơn” của Nguyễn Huy Tưởng.

Văn hóa cứu quốc tổ chức cho một số văn nghệ sĩ đi tiếp xúc thực tế: đi mặt trận phía Nam (Nam Cao, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Xuân Diệu, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Đình Lạp, Sĩ Ngọc…, v.v.).

Sau cách mạng tháng Tám, hàng ngũ hội viên Văn hóa cứu quốc Việt Nam đã tăng trưởng gấp bội. “Trong một năm tranh đấu, kết quả khả quan nhất, khuyến khích nhất của Hội Văn hóa cứu quốc, ấy là sự bành trướng về số lượng. Từ những buổi họp vài ba người trong thời kỳ bí mật, đến những cuộc khai hội vài chục người sau khi ra công khai, ngày nay hội đã có trong hàng ngũ mình hàng trăm hội viên, gồm những nhà trí thức và văn nghệ sĩ rải rác trong toàn cõi Việt Nam. Tất cả đều là những phần tử chân thành, vâng theo một tư tưởng thiêng liêng: cứu nước và xây dựng nước”.(6).

Vì đã có những kỳ hội họp trong các nhóm nhỏ, nhất là cuộc họp để thông qua điều lệ Hội (20/.6/.1943), được mặc định là đại hội thứ nhất, cho nên kỳ họp được triệu tập vào các ngày 11 -– 13/.10/.1946 được gọi là Đại hội nghị Văn hóa cứu quốc toàn quốc lần thứ hai. 

Đại hội khai mạc sáng 11/.10/.1946 tại giảng đường Đại học Việt Nam (nay là 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội) và họp các phiên sau tại hội sở 40 Quang Trung, Hà Nội, bế mạc vào chiều tối 13/.10/.1946.

Sau tuyên bố khai mạc của Trần Huy Liệu (Chủ tịch Hội do Đảng chỉ định) là diễn văn khai mạc của Đặng Thai Mai. Các báo cáo chính: của Văn hóa cứu quốc Trung ương - Nguyễn Đình Thi; của Văn hóa cứu quốc Nam Bộ - Ca Văn Thỉnh; của Văn hóa cứu quốc Trung Bộ - Lưu Quý Kỳ. Các đề án được trình bày và thảo luận: về điều lệ mới - Nguyễn Đình Thi; đề án văn nghệ - Đặng Thai Mai; đề án bình dân học vụ và văn hóa bình dân - Nguyễn Công Mỹ; đề án đời sống mới - Trần Huy Liệu.

Theo dõi các bài tường thuật sẽ thấy, bên cạnh các hội viên được các địa phương cử đi, đại hội Văn hóa cứu quốc toàn quốc lần thứ hai này còn mời khá nhiều khách là văn nghệ sĩ, trí thức; đó là những khách mời, không phải,– hoặc ở thời điểm tháng 10/.1946 chưa phải – là thành viên Văn hóa cứu quốc.

Ví dụ: Nguyễn Văn Tố, Dương Quảng Hàm, Khái Hưng, Trương Tửu, Nguyễn Đức Quỳnh, Nguyễn Tuân, Chu Ngọc, Ngô Tất Tố, bà Phan Thanh (Lê Thị Xuyến), Vũ Hoàng Chương, Lê Văn Siêu…, v.v. Những nhân vật này cũng tham gia thảo luận các đề án như các hội viên Văn hóa cứu quốc, nhưng họ không tham gia bầu cử, và không ký tên vào bản Tuyên ngôn của Đại hội.     

Đại hội này đã bầu ra một Ban chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam nhiệm kỳ 1946 - 1947 gồm 14 người, với cơ cấu cụ thể: Chủ tịch - Đặng Thai Mai, Tổng thư ký - Hoài Thanh, các phó Tổng thư ký - Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng; các ủy viên - Văn Cao, Ngô Quang Châu, Nguyễn Đỗ Cung, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Văn Tỵ, Chế Lan Viên; các ủy viên dự khuyết - Trương Chính, Minh Đạo, Lưu Quý Kỳ).(7).

Đại hội thông qua một Tuyên ngôn: “Trước tình hình nước nhà và thế giới ngày nay, giới văn hóa nhận thấy tất cả sự quan trọng của sứ mạng văn hóa trong công cuộc bảo vệ hòa bình cho thế giới và tranh đấu giải phóng cho dân tộc. Nhà văn hóa nhận thấy sự quan hệ rất chặt chẽ giữa bản thân mình với dân tộc, giữa sự tự do của tư tưởng, nghệ thuật với tự do của nhân loại. [………] Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam thiết tha kêu gọi tất cả anh em giới văn hóa nước nhà sát cánh cùng nhau, dưới ngọn cờ dân tộc và dân chủ để đi tới một mặt trận văn hóa thống nhất trong toàn quốc, để phụng sự Văn hóa, phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân loại”.

Bản Tuyên ngôn có chữ ký của 86 thành viên, - đây là những hội viên Văn hóa cứu quốc có mặt tại đại hội này: Nguyễn Hữu Ba, Nguyễn Văn Bổng, Huy Cận, Nam Cao, Văn Cao, Ngô Quang Châu, Trương Chính, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Cư, Đoàn Văn Cừ, Đào Duy Dếnh, Xuân Diệu, Đỗ Đức Dục, Phạm Duy, Vân Đài, Nguyễn Hữu Đang, Minh Đạo, Nguyễn Thượng Đạt, Vi Huyền Đắc, Hồ Mậu Đường, Phạm Văn Đôn, Lưu Động, Bùi Hiển, Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Nguyễn Anh Hồng, Vĩnh Huyên, Nguyễn Trọng Hứa, Nam Hương, Tố Hữu, Hoàng Công Khanh, Phạm Văn Khoa, Nguyễn Thị Kim, Lê Hữu Kiều, Đào Duy Kỳ, Lưu Quý Kỳ, Lê Tư Lành, Nguyễn Thành Lê, Trần Huy Liệu, Dương Lĩnh, Lưu Văn Lợi, Nguyễn Văn Luân, Lưu Trọng Lư, Đặng Thai Mai, Nguyễn Công Mỹ, Trần Hữu Nghiệp, Nguyễn Xuân Ngọc, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Đức Nùng, Bùi Xuân Phái, Vũ Ngọc Phan, Học Phi, Như Phong, Lưu Hữu Phước, Hằng Phương, Vũ Minh Phương, Ngô Huy Quỳnh, Xuân Sanh, Lan Sơn, Linh Sơn, Thâm Tâm, Trần Văn Tấn, Hoài Thanh, Lê Đại Thanh, Đặng Trần Thi, Nguyễn Đình Thi, Ca Văn Thỉnh, Trần Đình Thọ, Lưu Quang Thuận, Thanh Thủy, Xuân Thủy, Hà Văn Thư, Minh Tranh, Trần Huyền Trân, Phạm Đăng Trí, Bùi Công Trừng, Hải Triều, Lê Vĩnh Tuy, Mạnh Phú Tư, Trần Công Tường, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Thế Văn, Chế Lan Viên, Thành Thế Vỹ.(8).

Có thể coi Đại hội lần thứ hai này là một sự kiện đánh dấu việc tập hợp và thống nhất lực lượng của Văn hóa cứu quốc, trước khi nổ ra cuộc kháng chiến chống Pháp.

Cuối năm 1946, Văn hóa cứu quốc góp phần quan trọng giúp Chính phủ tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/.11/.1946). Hai sự việc đáng ghi nhận tại đây: bài diễn văn dài 40 phút của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và việc bầu ra được một Ủy ban văn hóa toàn quốc “để tiếp tục công việc vận động văn hóa và chờ dịp triệu tập một hội nghị thứ hai”.(9).

Diễn văn của Hồ Chủ tịch nêu ra những gợi ý về việc xây dựng văn hóa mới Việt Nam có phần rộng rãi hơn so với “Đề cương văn hóa” năm, 1943.

Ủy ban văn hóa toàn quốc được bầu bằng bỏ phiếu kín gồm 15 thành viên chính thức: Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh (bốn vị nhiều phiếu nhất), Nguyễn Đình Thi, Hồ Hữu Tường, Bùi Công Trừng, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Thiệu Lâu, Trương Tửu, Khái Hưng, Thế Lữ, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Huyên, và 5 vị dự khuyết là các ông Lưu Hữu Phước, Hoàng Tích Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn.(10).

Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), các lực lượng văn nghệ sĩ, trí thức từ Hà Nội tản cư về nhiều hướng: vào Khu 5, Khu 4, Khu 3, Liên khu Việt Bắc… Tại các vùng kháng chiến dần dần hình thành một số trung tâm văn nghệ sĩ, trí thức, tại đó văn nghệ sĩ được thông tin về thời sự chính trị, xã hội, trao đổi về các vấn đề sáng tác, có thể xuất bản sách báo, tạp chí.

Với hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai (16 – 20/7/1948) tại Việt Bắc, thành lập Hội Văn hóa Việt Nam, và hội nghị văn nghệ toàn quốc (23 – 25/7/1948) cũng tại Việt Bắc, thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, hội văn hóa cứu quốc Việt Nam đã hoàn thành vai trò lịch sử của mình.

Chú thích:

(1) Trung ương.Ư. Đảng Cộng sản SĐông Dương: “Chỉ thị về công tác, 1/12/1941”, trong sách: Văn kiện Đảng toàn tập, T. 7 (1940 - 1945), Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2000, tr. 218.

(2) Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam (trong Mặt trận Việt Minh): Điều lệ, bản in ty--pô tại nhà in Lê Văn Tân, xong ngày 1/10/1945, tr. 8.

(3) Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam (trong Mặt trận Việt Minh): Điều lệ, sách đã dẫn.

(4) ([không ghi tác giả)]: “Cuộc khoáng đại hội nghị của Văn hóa cứu quốc hội”, Cứu quốc, H., s. 39 (10/9/1945), tr.2.

(5) Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam (trong Mặt trận Việt Minh): Chỉ thị về việc lập Ủy ban Văn hóa cứu quốc hàng tỉnh, bản in ty-pô, nhà in Lê Văn Tân, Hà Nội, xong ngày 24/11/1945.

(6) Tiên Phong: “Hoan nghênh Đại hội nghị Văn hóa cứu quốc lần thứ hai”, Tiên phong, H. s. 21 (16/10/1946), tr. 1-2.

(7) Danh sách Ban chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam 1946 - 1947, Tiên phong, H, s. 22 (1/11/1946).

(8) Tiên Phong: “Đại hội nghị Văn hóa cứu quốc toàn quốc, họp những ngày 11, 12 và 13 tháng X năm 1946 ở Hà Nội” ([tường thuật)], Tiên phong, H, s. 22 (1/11/1946), tr. 3-4, 16; Nguyễn Văn Bổng: “Ngày hội của lòng em”, Tiên phong, H, s. 22 (1/11/1946), tr. 5-7.

(9) “Vì tình thế, Hội nghị văn hóa toàn quốc đã bế mạc sau một ngày thảo luận”, Cứu quốc, H., s. 416 (25/11/1946), tr. 1, 4; Phóng viên: “Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, 24/11/1946”, Tiên phong, H., s. 24 (1/12/1946), tr. 7.

(10) “Vì tình thế, Hội nghị văn hóa toàn quốc đã bế mạc sau một ngày thảo luận. Hồ Chủ tịch đã đọc một diễn văn khai mạc trong 40 phút; Đã bầu xong một Uỷ ban văn hoá toàn quốc để tiến hành công việc”, Cứu quốc, H, s. 416 (thứ hai, 25/11/1946), tr. 1, 4.

Lại Nguyên Ân

Tin liên quan

Tin mới nhất

TS. Phạm Việt Long, văn nhân nặng lòng với văn hóa dân tộc

TS. Phạm Việt Long, văn nhân nặng lòng với văn hóa dân tộc

Tôi đến tư gia thăm nhà văn, TS. Phạm Việt Long sau ngày cơ quan cũ của ông tổ chức ra mắt “Tín ngưỡng thờ mẫu từ góc nhìn văn hóa”, NXB Dân Trí năm 2024. Ông tặng tôi tập sách, hay nói đúng tầm là công trình nghiên cứu này. Sách dày đến gần 600 trang, bìa cứng, trang trọng.