Xây dựng hoạt động Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước

Sáng 14/4, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức toạ đàm “Góp ý dự thảo Kế hoạch tổ chức các hoạt động Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025)”. Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì toạ đàm.

Xây dựng hoạt động Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước - 1

Toàn cảnh tọa đàm. (Ảnh: Huyền Thương)

Xây dựng Kế hoạch tổ chức các hoạt động tổng kết

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ của con người Việt Nam. Bước vào thời kỳ hòa bình, độc lập, thống nhất, đổi mới và hội nhập quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng, văn học, nghệ thuật Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đổi mới căn bản, toàn diện cả về tư duy lý luận, thực tiễn sáng tạo, phương thức truyền bá và xu hướng tiếp nhận; tạo được một nền văn học, nghệ thuật thống nhất, gắn bó với vận mệnh dân tộc và sự phát triển của đất nước.

Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) là dịp để đánh giá toàn diện, sâu sắc nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau 50 trên các phương diện cơ bản: tư duy lý luận, phương thức lãnh đạo của Đảng, năng lực quản lý của Nhà nước về văn học, nghệ thuật; quá trình đổi mới tư duy sáng tạo, phương thức biểu đạt, xu hướng, thành tựu và những vấn đề đặt ra đối với từng loại hình văn học, nghệ thuật; quá trình đổi mới tư duy lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; sự phát triển và đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ người Việt Nam ở trong và ngoài nước; quá trình biến đổi và đặc trưng thị hiếu thẩm mỹ của công chúng văn học, nghệ thuật.

Để tổ chức các hoạt động tổng kết bảo đảm tính khách quan, khoa học, biện chứng, bám sát thực tiễn văn học, nghệ thuật và đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, bằng các hình thức phù hợp, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, có sức lan tỏa sâu rộng, gắn kết với các hoạt động Kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Ban Tuyên giáo Trung ương đã xây dựng Kế hoạch tổ chức các hoạt động Tổng kết.

Xây dựng hoạt động Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước - 2

Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì toạ đàm “Góp ý dự thảo Kế hoạch tổ chức các hoạt động Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025)”. (Ảnh: Huyền Thương)

Theo đó, các hoạt động tổng kết tiêu biểu nằm trong Kế hoạch là: Tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước: thành tựu, triển vọng và định hướng phát triển”; Tổ chức các hội thảo, tọa đàm tổng kết theo các địa phương, lĩnh vực và nhóm vấn đề; Triển khai các nhiệm vụ khoa học, nghiên cứu, tổng kết; Tổ chức Đại hội Văn nghệ toàn quốc (Hội nghị gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ) nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025); Tổ chức sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề: “Non sông thống nhất”;…

Tại tọa đàm, với 17 ý kiến phát biểu, tham luận của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nhà lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các nhà quản lý từ khối viện nghiên cứu, nhà trường, khối báo chí truyền thông,… đã đưa những ý kiến đóng góp sâu sắc, có ý nghĩa thiết thực đối với việc tổ chức các hoạt động Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước.

Xây dựng hoạt động Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước - 3

Tọa đàm diễn ra với 17 ý kiến tham luận đầy tâm huyết của các đại biểu. (Ảnh: Huyền Thương)

Nhìn nhận 50 năm văn học nghệ thuật một cách khách quan, khoa học

Phát biểu tại tọa đàm, GS.TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) là dịp để nhìn lại một thành tựu vĩ đại của dân tộc và việc xây dựng các hoạt động, kế hoạch cho dịp đặc biệt này không phải đơn giản, có rất nhiều việc cần phải làm.

Xây dựng hoạt động Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước - 4

GS.TS Đinh Xuân Dũng phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Huyền Thương)

Đối với việc Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật, theo GS.TS Đinh Xuân Dũng: “Văn học nghệ thuật trong 50 năm qua cũng đầy trăn trở, đầy băn khoăn, đầy tìm tòi và có những điều còn chưa giải đáp được, vậy nên phải nhìn nhận nó một cách khách quan, khoa học chứ không chỉ nhìn nó theo cách biểu dương thành tựu của 50 năm qua”.

GS.TS Đinh Xuân Dũng cũng bày tỏ sự nhất trí với việc cần tổ chức các đề tài nghiên cứu khoa học, các hội thảo như kế hoạch đã đề ra, bên cạnh đó ông cho rằng cần tăng cường trao đổi, tổ chức các toạ đàm khoa học một cách khách quan, trung thực, thẳng thắn, tập trung cho một số nội dung cốt lõi và tránh dàn trải, tránh tham lam.

Xây dựng hoạt động Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước - 5

PGS.TS Phạm Quang Long phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Huyền Thương)

Nhất trí với quan điểm của GS.TS Đinh Xuân Dũng, PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên Phó Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội cho rằng, trong dịp này cần nhìn đến thực trạng nhiều vấn đề đang đặt ra cho văn học nghệ thuật, cũng như trong xã hội mà chúng ta vẫn chưa giải quyết được.

“Cần phải làm sao để chất lượng hoạt động tổng kết này cao hơn, nhưng cũng tránh lãng phí. Bởi vì chúng ta tổng kết cả một giai đoạn thì chúng ta phải làm sâu hơn và có những cái cần nhìn theo cách tiếp cận khác đi chứ không hoàn toàn chỉ như trước đây nữa”, PGS.TS Phạm Quang Long nhấn mạnh.

Làm sao để văn học nghệ thuật cũng được thống nhất

PGS. TS Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương cho rằng việc tổng kết cũng là lúc định vị mục tiêu có một nền văn hóa vừa thống nhất, vừa đa dạng, vừa dân tộc, vừa hiện đại.

PGS. TS Trần Khánh Thành đặt vấn đề: “Trong dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước chúng ta cũng nên quan tâm đến vấn đề làm sao để văn học nghệ thuật cũng được thống nhất, chúng ta có 54 dân tộc anh em thì vấn đề thống nhất trong đa dạng là như thế nào? Làm sao để cho các nền văn hóa các dân tôc phát triển nhưng vẫn có tính thống nhất, hội tụ được tinh thần cội nguồn”.

Theo ông, việc xây dựng các hoạt động tổng kết này, trước hết nên tập trung vào vấn đề lãnh đạo của Đảng và quản lý nhà nước về văn học nghệ thuật trong 50 năm qua như thế nào, có chỗ nào là đã sáng tạo, chỗ nào là thành tựu, chỗ nào còn bó hẹp để cùng tháo gỡ.

Xây dựng hoạt động Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước - 6

PGS. TS Trần Khánh Thành phát biểu. (Ảnh: Huyền Thương)

Bên cạnh đó, PGS. TS Trần Khánh Thành cũng cho rằng cần quan tâm đến vấn đề đánh giá đội ngũ, chủ thể sáng tạo văn học nghệ thuật, xem đội ngũ này đã phát triển thế nào và phát triển ra sao.

Vấn đề công chúng tiếp nhận theo ông cũng cần được quan tâm vì đời sống văn học nghệ thuật có sáng tạo thì phải có tiếp nhận, cần biết được rằng công chúng hiện nay có thị hiếu như thế nào, vì sao công chúng lại có thị hiếu như thế, để thấy được quá trình tiếp nhận là rất quan trọng.

Xây dựng hoạt động Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước - 7

Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận tọa đàm. (Ảnh: Huyền Thương)

Phát biểu kết luận tọa đàm, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trân trọng tiếp thu các ý kiến của các đại biểu đã đưa ra trong tọa đàm.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng cho biết thêm, trong tổng kết phải có sự nhìn lại, đánh giá, nhìn lại những điều chúng ta đã đạt được, những điều hiện nay đang khó khăn, đang vướng mắc, đang hạn chế và vạch ra những vấn đề sẽ đặt ra như thế nào và thực hiện ra sao.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Honda City và các đối thủ: Thiết kế nào vừa lòng người Việt nhất?

Honda City và các đối thủ: Thiết kế nào vừa lòng người Việt nhất?

Phân khúc sedan hạng B tại Việt Nam luôn nóng bỏng với những cái tên như Honda City, Toyota Vios, Hyundai Accent, Mazda2 và Kia Soluto. Mỗi mẫu xe mang phong cách thiết kế riêng, từ sự sắc sảo, thể thao của City đến vẻ bền bỉ của Vios hay thời thượng của Accent. Vậy đâu là thiết kế chinh phục người Việt nhất?

Những SUV đáng chú ý sẽ ra mắt trong năm 2025

Những SUV đáng chú ý sẽ ra mắt trong năm 2025

Khi mà thị trường ô tô ngày càng phát triển, các thương hiệu lớn đang chuẩn bị cho ra mắt những mẫu xe mới với thiết kế và công nghệ tiên tiến nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.