Đến với “Gái tỉnh lẻ” của nhà văn Huệ Ninh

Vào một ngày cuối năm quý mão vừa qua, nữ nhà văn Huệ Ninh giới thiệu với công chúng tác phẩm văn học mới nhất của chị: “Gái tỉnh lẻ”. Không phải tổ chức một hội trường nào, mà buổi ra mắt tác phẩm tổ chức ở sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ. Ngoài giới thiệu về tác giả tác phẩm như thường thấy, lại còn hẳn một trích đoạn truyện được “sân khấu hóa” biểu diễn. Rất thú vị, lôi cuốn. Ai cũng hiểu tác giả đã gửi gắm nhiều hy vọng vào cuốn sách, và cũng thấy chất đặc sắc của cây bút Huệ Ninh. Chị là tác giả văn học, nhưng đồng thời cũng là cây bút điện ảnh, đã từng có kịch bản văn học và phim truyền hình hàng chục tập, đã từng được giải thưởng của Hội điện ảnh, lại cũng từng là tác giả sân khấu có vở biểu diễn tại các nhà hát.

Đa tài, đa sắc, và có nhẽ cũng là đa đoan lắm...

Đến với “Gái tỉnh lẻ” của nhà văn Huệ Ninh - 1

Tác giả Huệ Ninh trong buổi ra mắt sách.

Trong buổi lễ ra mắt sách, nhà văn Huệ Ninh tâm sự lý do đã đưa chị đến với sáng tạo văn chương mới này: “Trong hành trình cầm hút hơn 20 năm của người viết, tôi đã viết rất nhiều thể loại từ: truyện ngắn, tiểu thuyết, lý luận, phim truyền hình, kịch bản sân khấu, kịch bản truyền thanh và làm cả podcast.

Đây là lần đầu tiên tôi dấn thân vào thể loại truyện dài với một câu chuyện đặc biệt, Nó đặc biệt ở chỗ tôi viết không phải phải mưu sinh, không do một đơn đặt hàng nào,  mà xuất phát từ sự đau đáu tự thân.

Có được sự đặc biệt đó bởi suốt hành trình cầm bút của mình, những nhân vật trong truyện dài “Gái tỉnh lẻ" ở đây lại gần như từ hiện thực nó quá sống động, lạ lùng khiến nhiều khi tôi khó có thể tưởng tượng ra được nhiều sự kiện. Bởi vậy, nó tạo thành nỗi ám ảnh, buộc phải công bố cuốn sách này vào hôm nay".

Đến với “Gái tỉnh lẻ” của nhà văn Huệ Ninh - 2

Buổi ra mắt "Gái tỉnh lẻ"

Quả cầm “Gái tỉnh lẻ” trên tay, cang thấu hiểu những tâm sự của nhà văn Huệ Ninh. Đây là câu chuyện với 400 trang chuyển tải bằng ngôn ngữ văn chương, mà chất liệu chính là  40 năm sống và trải nghiệm của cuộc đời tác giả, với 4 tháng miệt mài và cần mẫn gieo chữ, trong hưng phấn tột cùng của sáng tạo văn chương và cũng không ít đêm rất mệt mỏi với từng trang giấy trắng, cứ như thế liền suốt 4 năm để tạo nên tác phẩm...

Tác phẩm như một tự sự, một tự kể “Tôi vào đời” của tác giả. Nhưng Huệ Ninh lại đặt tên sách là “Gái tỉnh lẻ” và ghi nó là truyện dài. Nghĩa là có cả những yếu tố hư cấu. Nhưng đọc hết sách, bạn đọc khó mà tìm ra đâu là thật, đâu là hư cấu. Chỉ thấy nó chân thực, xúc động, và lôi cuốn từ trang đầu đến trang cuối tác phẩm. Như tác giả viết bằng con tim của mình, có đớn đau, có thất vọng, có ê chề, có tủi nhục, nhưng rồi cô gái nhân vật chính Huyền Anh đã vượt lên tất cả nghịch cảnh của đời mình, kiến tạo nên một cuộc sống “ra hồn người” của một số phận sống vào cái thời nhiều “đồ giả, đồ đểu”, thời  nhiều biến động, nhiều ngang trái và nhiều thử thách tưởng như quá sức tưởng tượng với một người thiếu nữ, nhất lại là một gái tỉnh lẻ...

Đến với “Gái tỉnh lẻ” của nhà văn Huệ Ninh - 3

"Gái tỉnh lẻ" là tác phẩm văn học thứ 9 đã được xuất bản của tác giả Huệ Ninh

Nhiều người ghi nhận tác phẩm chân thực và lôi cuốn như một Tự truyện của chính tác giả. Nhiều người cảm nhận tác giả “rút ruột rút d gan như con tằm  nhả tơ  mà viết”. Nhiều người thấy đúng là một tác phẩm văn chương rất chặt chẽ, dễ đọc, lôi cuốn của một cây bút có nghề và khá là điệu nghệ trong văn chương, trong nghệ thuật...

*

Được biết tác giả Nguyễn Thị Huệ Ninh sinh ra ở Quảng Ninh, là học sinh giỏi văn của tỉnh từ thuở ấu thơ, rồi sau này theo học Trường Đại học sân khấu điện ảnh ở Hà Nội, đã từng thành công ở nhiều thể loại và đoạt nhiều giải thưởng như: Cánh diều bạc của Hội Điện ảnh Việt Nam, năm 2013; Huy chương bạc cho vở diễn Ngược chiều gió tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021, nhiều giải thưởng văn học khác; Tập sách chuyên luận nghiên cứu Tiếp thu giá trị văn học dân gian để viết kịch bản phim truyện truyền hình Việt Nam, đạt giải Cánh diều bạc của Hội Điện ảnh Việt Nam, năm 2013...

Tác giả cũng tham gia viết nhiều kịch bản phim như: 35 tập kịch bản phim truyện truyền hình “Cây nước mắt” do Hãng phim Cửu Long sản xuất năm 2014; Kịch bản phim truyện truyền hình “Người đàn ông kỳ lạ” - 20 tập do Hãng phim TFS sản xuất; Kịch bản phim hoạt hình “Thân Nhân Trung” (2023). Bên cạnh đó, kịch bản sân khấu của tác giả còn được dàn dựng thành vở “Táo cười đón xuân” (2006), do Nhà hát Tuổi trẻ kết hợp với Công ty Nghe nhìn dàn dựng; “Ngược chiều gió” (2019), Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng.

“Gái tỉnh lẻ” là tác phẩm văn học thứ 9 mà tác giả đã cho ra mắt đến thời điểm này. Một trong những phần của cuốn truyện dài này đã được chuyển thể thành kịch bản phim truyện truyền hình dài tập, hoặc kịch bản phim truyện điện ảnh 90 phút như: “Thời áo trắng”, “Cạm bẫy ngọt ngào”, “Cô bé trường chuyên” và đã được đầu tư của Hội Điện ảnh Việt Nam, Hãng phim truyện Việt Nam…

Thật sự là một cây bút sung sức, tài năng, hết mình cho văn chương và nghệ thuật. Ấy là điều tôi hay nghĩ về cây bút trẻ này và mảnh đất nuôi lớn tuổi ấu thơ của cô: Quảng Ninh. Hình như một cây bút nữ cũng rất xuất sắc của chúng ta là Nguyễn Thị Thu Huệ cũng trưởng thành ở đây.

Thế đấy, Quảng Ninh...

Nhà báo Thanh Nga cho hay: Trên văn đàn Quảng Ninh những năm đầu thế kỷ XXI đã xuất hiện một số cây bút trẻ được coi là có nhiều triển vọng như Tằng A Tài, Nguyễn Thanh Nga, Ngô Thượng Tùng, Nguyễn Thị Nguyệt, Huệ Ninh v.v.. Tuy nhiên, hơn mười năm trôi đi, lứa viết ngày ấy bây giờ, người làm báo, người là công chức, nhà giáo v.v. và dường như công việc chuyên môn đã khiến họ bận bịu hơn nên tâm sức dành cho văn chương cũng ít đi chăng… Chỉ thấy có Huệ Ninh là vẫn kiên trì với “cái nghiệp” vốn không dễ dàng này.

Tôi lại nhớ trong truyện dài Gái tỉnh lẻ, nhân vật chính Huyền Anh khi đặt chấn tới mái trường sân khấu điện ảnh học tập, cô đã bồi hồi vì biết bố mình 40 năm trước cũng học ở mái trường này. Bỗng trong tôi lại lại nhớ Khóa 2 Trường Nghệ thuật sân khấu ngày ấy cũng ở khu Mai dịch này, từng có những học sinh rất xuất sắc như Đặng Tất Bình, Phạm Minh Thủy, Lê Hùng, Bằng Thái. Ngọc Bảo, Vân Hương, Hoàng Mai...và khi tốt nghiệp, phần lớn họ đã được đưa về tăng cường cho  Đoàn kịch nói Vùng mỏ, và chỉ ít năm sau họ đã làm dậy sóng sân khấu Thủ đô với kịch” Thép đã tôi thế đấy” lừng danh.

Cũng chính miền đất Mỏ này, đã sinh ra những giọng hát  xuất sắc”: NSND Lê Dung, NSND Quang Thọ, NSND Doãn Tần, NSND Quang Huy, NSND Hồng Hạnh...

Và cũng chính nơi này, trong âm thanh sóng vỗ Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã viết nên bản tình ca bất hủ “Xa khơi”, và nhạc sỹ Hoàng Vân viết “Tình ca của người thợ mỏ”.

Quảng Ninh thân yêu ơi

Trong tình yêu quê hương có một tấm lòng

Dành cho em người mà anh yêu quý vô cùng

Ấy là những điều, tôi không thể không viết thêm về mảnh đất đã ươm mầm, nuôi lớn những tài năng văn học nghệ thuật như Huệ Ninh.

Châu La Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất