Diện mạo văn học viết Việt Nam từ khởi thủy đến đầu thế kỷ thứ X

Những bộ văn học sử Việt Nam được xuất bản từ trước đến nay khi giới thiệu về văn học viết đều lấy cái mốc thế kỷ XI (đời Lý) hay thế kỷ X (đời Ngô, Đinh, Tiền Lê), còn văn học viết trong gần mười thế kỷ trước khi nước nhà giành lại độc lập tự chủ thì hầu như chưa được đề cập đến, hoặc nếu có thì mới chỉ nhắc qua một cách sơ lược dăm bảy trang sách như công trình của Nguyễn Đổng Chi (1942), hoặc tương đối nhiều hơn một chút với gần một trăm trang sách như công trình của Lê Văn Siêu (1956).

Về việc định danh cho nền văn học gần mười thế kỷ này, Nguyễn Đổng Chi trong công trình Việt Nam cổ văn học sử (1942) gọi là “thời kỳ phát đoan” (Nguyễn Đổng Chi, 1942, tb 1970); Trần Nghĩa trên Tạp chí Văn học (1975) gọi là “giòng văn học viết thời Bắc thuộc” (Trần Nghĩa, 1975). Chúng tôi cho rằng 10 thế kỷ văn học này là thời kỳ thai nghén, là mầm móng, là tiền đề cho văn học nước nhà phát triển mạnh mẽ, có nhiều thành tựu kiệt xuất sau khi giành lại độc lập tự chủ bởi chiến công của người anh hùng Ngô Quyền vào mùa đông năm 938.

Dù được viết trong thời kỳ nước nhà bị phong kiến phương Bắc đô hộ nhưng chúng tôi không định danh là “văn học thời Bắc thuộc” như nhà nghiên cứu Trần Nghĩa đã gọi, bởi lý do, nếu định danh như trên thì vô tình hay hữu ý dòng văn học này đã phải lệ thuộc, phụ thuộc sâu đậm nặng nề văn hóa tư tưởng phong kiến Trung Quốc, nhưng thực tế, những tác phẩm văn học hiện còn của thời kỳ này ít nhiều đã thể hiện dấu ấn Việt, mang bản sắc văn hóa tư tưởng Việt. Vì thế, chúng tôi mới định danh cho thời kỳ văn học gần mười thế kỷ này là “Văn học viết Việt Nam trước thế kỷ thứ X” hay “Văn học viết Việt Nam từ khởi thủy cho đến khi nước nhà giành lại độc lập tự chủ”.

Diện mạo văn học là đường nét, dáng vẻ bề ngoài mang tính tổng quan của văn học. Nhờ những đường nét, dáng vẻ bên ngoài dễ nhận thấy đó người đọc có thể dễ dàng nhận rõ những nét tương đồng hay dị biệt ở những điểm cơ bản nhất giữa các nền văn học, các giai đoạn văn học, các bộ phận văn học. Bốn thành tố làm nên diện mạo văn học là lực lượng sáng tác (loại hình tác giả), hệ thống thể loại (loại hình thể loại), ngôn ngữ văn tự (loại hình ngôn ngữ) và đề tài phản ánh. Như vậy muốn tìm hiểu diện mạo văn học thì cần khảo sát bốn thành tố đó. Các nhà nghiên cứu văn học đã thừa nhận rằng chức năng của văn học là khôi phục diện mạo. Sau đây bài viết sẽ trình bày bốn thành tố làm nên diện mạo văn học Việt Nam từ khởi thủy cho đến khi nước nhà giành lại độc lập tự chủ vào đầu thế kỷ thứ X. 

Diện mạo văn học viết Việt Nam từ khởi thủy đến đầu thế kỷ thứ X - 1

Ba cuốn cổ sử tác giả bài viết đã tham khảo.

Lực lượng sáng tác 

Theo tư liệu hiện còn, tác giả là vua chúa, quan lại, nhà nho chúng tôi thống kê được 14 tác giả. Triệu Vũ Đế với bài chiếu thư gửi vua Hán Văn Đế viết năm 179 TCN cùng những phát ngôn (một dạng ngữ lục) về việc ly khai khỏi nhà Hán để thành lập điển chế của nhà nước phương Nam; Lữ Gia viết bài hịch kể tội Cù hậu viết năm 113 TCN cùng những phát ngôn của ông chủ trương chống lại nhà Hán để gìn giữ nền độc lập tự chủ của đất nước…

Xin được trình bày thêm, mặc dù từ cuối thế kỷ XVIII, Ngô Thì Sĩ trong Việt sử tiêu án có nêu nghi vấn là Triệu Đà đánh chiếm nước Âu Lạc của An Dương Vương, và Việt Nam ta mất nước từ ngày ấy. Trong mấy chục năm nay, quan điểm của giới sử học ở Viện Sử học cùng các nhà biên soạn sách giáo khoa đều cho rằng dân tộc ta bị mất nước bởi Triệu Đà xâm lược. Nhưng từ thời Lý - Trần cho đến đầu thế kỷ XV, trong tâm thức của người Việt thì vẫn cho Triệu Đà là vua Nam Việt, thuộc tộc Việt. Chính vì thế mà trong Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu, trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi đã khẳng định. Tiếp theo, Ngô Sĩ Liên trong Sử ký toàn thư đã tiếp thu quan điểm của Lê Văn Hưu, ghi thành một mục “Kỷ Triệu thị” ở phần Ngoại kỷ, đầu quyển II của bộ sử. Gần đây Bùi Văn Nguyên trong công trình Việt Nam và cội nguồn trăm họ đã cho rằng Triệu Đà là cháu đằng nội của Hùng Vương, còn Thục Phán An Dương Vương là cháu đằng ngoại của Hùng Vương. Trong đề tài này, chúng tôi theo quan điểm của Nguyễn Trãi và các sử gia đời Lê, nên cho rằng Triệu Đà, Lữ Gia là thuộc về Nam Việt của bộ tộc Việt, là tác giả của bài chiếu thư, bài hịch, cắm cái mốc mở đầu cho văn học viết Việt Nam.     

Trương Trọng với lời biện bác với vua Hán Minh Đế (58-75), được nhà vua khen và cất nhắc chức quan.

Lý Tiến với bài sớ tâu lên vua Hán Linh Đế (184-189), Hán Hiến Đế (190-220) và cuộc biểu tình nhỏ của Lý Cầm, Bốc Long, đòi quyền bình đẳng tại sân rồng dưới triều Hán Hiến Đế (190-220) được vua nhà Hán chấp thuận.

Vai trò của Sĩ Nhiếp trong việc mở mang học thuật và truyền bá Nho học vào cuối thế kỷ thứ II SCN.

Tinh Thiều, thế kỷ thứ III, một nhà nho có tiếng mà sử sách của Trung Quốc, Việt Nam có ghi chép, vinh danh như trong Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên nhận định “Tinh Thiều là người giỏi văn chương”.

Sứ quân Lý Miễu (Diễu) viết ba trong số sáu bức thư gửi Đạo Cao và Pháp Minh để hỏi về Phật pháp vào thế kỷ thứ V. 

Thơ của Phùng Đái Tri được vua nhà Đường khen ngợi.

Khương Công Phục với bài văn chính luận Đối binh bộ thí xạ phán.

Khương Công Phụ với bài văn sách Đối trực ngôn cực gián sách và bài phú Bạch vân chiếu xuân hải được người đời Đường xưng phục.

Liêu Hữu Phương với bài thơ Đề lữ thấn.

Anh học trò vô danh với hai bài thơ Tống Mã Thực và Thích An Nam sự vào thế kỷ thứ IX.

Theo tư liệu mà chúng tôi đã tiếp cận và thống kê, có thể thấy số lượng các tác giả là thi tăng (thiền sư thi sĩ) Việt Nam thời Bắc thuộc (từ thế kỷ II TCN đến đầu thế kỷ X) là 24 tác giả. Đó là: Mâu Bác, Đạo Thanh, Khương Tăng Hội, Chí Hàm, Đạo Cao, Pháp Minh, Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Pháp Hiền, Vận Kỳ, Giải Thoát Thiên, Khuy Xung, Huệ Diệm (Tuệ Viêm), Trí Hành và Đại Thừa Đăng, Định pháp sư, Duy Giám, vị thiền tăng ở Nhật Nam, Vô Ngại thiền sư, Thanh Biện, Định Không, Cảm Thành, Thiện Hội, Vân Phong, La Quý An.

Ở đây có một vài tác giả cần được trao đổi thêm để rõ hơn về quan điểm của chúng tôi khi thực hiện đề tài như trường hợp Mâu Bác và Khương Tăng Hội. Trong một số tài liệu của Trung Quốc thì cho rằng Mâu Bác (sinh khoảng 165-170, không rõ năm mất) là người Tàu và do vậy tác phẩm Lý hoặc luận thuộc về văn học Trung Quốc. Đây cũng là lý do để Trần Nghĩa xếp Mâu Bác và Lý hoặc luận vào phần “Phụ lục” trong công trình của ông (Trần Nghĩa, 2000), tức dạng tồn nghi. Chúng tôi thì cho rằng, đúng là Mâu Bác gốc Trung Quốc, quê ở Thương Ngô, tức vùng Hoa Nam xưa. Ông vốn là đạo sĩ tu tiên. Khi Trung Quốc loạn lạc bởi nạn Tam quốc thì Mâu Bác mới đưa gia đình sang định cư ở nước ta (Luy Lâu, Giao Châu). Tại đây, khi tiếp xúc với kho tàng kinh sách Phật giáo tại trung tâm Luy Lâu, Mâu Bác mới cải đạo, quy y thọ giới theo Phật. Như vậy, Mâu Bác là một trong số rất ít người nước ngoài đầu tiên đến Giao Châu tu học và truyền bá đạo Phật tại đây vào cuối thế kỷ thứ II. Trước tình hình những người theo Nho, Lão nêu những nghi ngờ về Phật nên Mâu Bác mới viết tác phẩm Lý hoặc luận để phá tan những nghi ngờ đó. Lý hoặc luận được Mâu Bác viết tại Luy Lâu sau khi xuất gia học đạo Phật tại đây, cho nên chúng tôi xếp tác giả và tác phẩm này thuộc về văn học Việt Nam.

Cũng vậy, dù Khương Tăng Hội có cha là người Khương Cư, vùng Trung Á sang Giao Châu buôn bán, nhưng mẹ Khương Tăng Hội là người Việt và sinh ra ông tại Giao Châu. Khi ông mười tuổi thì cha mẹ mất, ông vào chùa tu tập, theo Mâu Bác học đạo, viết sách dịch kinh tại Luy Lâu. Như vậy Khương Tăng Hội sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, được Phật giáo Việt Nam nuôi dưỡng, giáo dục và đào tạo. Cho nên, chúng tôi xếp Khương Tăng Hội và những tác phẩm của ông thuộc về văn học Việt Nam. Cụ thể như sau:

Thế kỷ II: Mâu Bác với Lý hoặc luận, một luận thuyết triết học viết theo lối vấn đáp, khoảng năm 195-198.

Thế kỷ III: Đạo Thanh dịch kinh Pháp hoa tam muội vào năm 255 cùng Chi Cương Lương Tiếp (Chi Cương Lương, Cương Lương Lâu Chí).

Khương Tăng Hội với sự nghiệp truyền đạo, chấn hưng Phật pháp, từ những năm 230 đến 280, trong những ngày ở Việt Nam và ở Trung Quốc, ông đã biên dịch, biên soạn, chú giải và viết lời Tựa nhiều tác phẩm có giá trị như sau: Biên dịch: Kinh Bát thiên tụng Bát nhã, Ngô phẩm (Đạo hành Bát nhã) (hiện không còn). Biên soạn, biên tập: Lục độ yếu mục (hiện không còn), Nê hoàn phạm bối (hiện không còn), Lục độ tập kinh, Cựu tạp thí dụ kinh. Viết lời tựa cùng chú sớ: An ban thủ ý kinh (An Thế Cao dịch, Khương Tăng Hội và Trần Tuệ chú sớ, Khương Tăng Hội chú sớ, đề tựa). Pháp cảnh kinh (An Huyền dịch, Khương Tăng Hội chú sớ, đề tựa), Đạo thọ kinh (Chi Khiêm dịch, Khương Tăng Hội chú sớ và đề tựa).

Thế kỷ IV: Chí Hàm viết Triệt tâm ký.

Thế kỷ V: Đạo Cao và Pháp Minh là tác giả của 3 bức thư trong Sáu bức thư tranh luận về Phật pháp với Lý Miễu (Diễu). Đạo Cao còn là tác giả của Tá âm, Tá âm tự (biên khảo) và Đạo cao pháp sư tập (luận thuyết).

Bộ ba ván khắc: Cổ Châu lục, Cổ Châu hạnh. Cổ Châu nghi chùa Dâu.

Thế kỷ VI: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Pháp Hiền (khoảng từ năm 580 đến năm 600) với những bài kệ phú pháp mà sách Thiền uyển tập anh ngữ lục quyển hạ đã chép.

Thế kỷ VII, VIII với phong trào du học của các tăng sĩ Việt Nam mà sách Đại Đường Tây vực cầu pháp cao tăng truyện của Nghĩa Tịnh ở Trung Quốc có ghi. Đó là Vận Kỳ, Giải Thoát Thiên, Khuy Xung, Huệ Diệm (Tuệ Viêm), Trí Hành và Đại Thừa Đăng. Đây là những trí thức tăng lữ mà theo Nguyễn Đổng Chi trong Việt Nam cổ văn học sử cho rằng những vị này “có khả năng sáng tác văn chương” và “trình độ học vấn của họ chẳng kém gì người Trung nguyên (Nguyễn Đổng Chi. 1942, tb 1970).

Riêng Đại Thừa Đăng viết khá nhiều. Ông đã viết những bộ sách lý giải kinh, luận của Phật giáo như Câu xá luận ký, Duy thức chỉ nguyên, Đại thừa bách pháp minh môn luận thuật ký và Luận duyên sinh. Ông còn là tác giả của bài thơ Thương (Điếu) Đạo Hy pháp sư viết năm 675, lúc Đại Thừa Đăng sang lại Ấn Độ, có đến thăm người bạn Trung Quốc khi xưa cùng tu học với mình ở Trường An tên là Đạo Hy. Đến nơi, sư chỉ còn thấy dấu vết và bút tích của bạn còn người thì đã về cõi Tây phương nên ông nhỏ lệ tiếc thương mà viết bài thơ. Lời dẫn và bài thơ được Nghĩa Tịnh chép trong Đại Đường cầu pháp cao tăng truyện, quyển thượng, tờ 4c 11-13.

Trong những năm cuối thế kỷ VII đầu thế kỷ VIII có nhiều nhà sư danh tiếng được vua Trung Quốc mời sang kinh đô của họ để giảng kinh. Có vị dù ở nơi thâm sơn cùng cốc nhưng nhờ danh đức mà các nhà thơ nổi tiếng đời Đường cũng tìm đến thăm. Có thể các thiền sư này đã xướng họa thơ văn với các thi nhân đời Đường. Nhưng rất tiếc, những bài thơ xướng họa này của các thiền sư Việt Nam hiện chưa tìm thấy, chỉ còn lại một số bài thơ tặng, thơ tiễn biệt của các thi sĩ đời Đường như Dương Cự Nguyên viết tặng Định pháp sư bài Cung phụng Định pháp sư; Giả Đảo (nhà thơ - thiền sư) viết hai bài, một bài tiễn thiền sư Duy Giám và một bài tiễn ông Hoàng Hòa Tân: Tống An Nam Duy Giám pháp sư và Tống Hoàng Hòa Tân quy An Nam thi; Trương Tịch đã vào tận núi thăm một vị thiền tăng ở Nhật Nam, có viết bài thơ tặng Sơn trung tặng Nhật Nam tăng thi; còn Thẩm Thuyên Kỳ nhân một lần sang chơi ở Giao Châu đã có bài thơ khen Vô Ngại thiền sư ở chùa Sơn Tĩnh quận Cửu Chân: Tặng Vô Ngại thượng nhân. Sở dĩ ta biết được những tác giả trên là nhờ các sách Loại Hàm, Anh Hoa, Toàn Đường thi của Trung Quốc, mà sau này Lê Quý Đôn có ghi lại trong Kiến văn tiểu lục. Dù hiện nay chúng ta chưa tìm thấy thơ văn của các tác giả này nhưng cũng có thể nói rằng, các vị là những người giỏi thơ văn và thơ văn của họ chẳng kém gì người phương Bắc. Có thể họ đã từng làm thơ xướng họa với các thi sĩ nổi tiếng đời Đường nên các thi sĩ này mới có thơ tặng lại. 

Tụng, kệ, sấm vĩ, ngữ lục của Thanh Biện (thế kỷ VII) và Định Không (thế kỷ VIII), có ghi trong Thiền uyển tập anh ngữ lục.

Kệ, ngữ lục, sấm vĩ của các thiền sư Cảm Thành, Thiện Hội, Vân Phong, La Quý An vào cuối thế kỷ IX có ghi trong Thiền uyển tập anh ngữ lục.

Hệ thống thể loại (loại hình thể loại)

Qua tư liệu hiện còn ở trong nước và nước ngoài, chúng tôi đã thống kê trong văn học Việt Nam từ khởi thủy đến đầu thế kỷ thứ X đã hiện diện các thể loại như sau: Thư, Hịch, Tấu, Sớ, Luận thuyết Phật giáo, Thư tranh luận, Ghi chép kinh văn, Biên khảo ngôn ngữ, Truyện ký, Thơ xướng họa, Tụng, Kệ, Ngữ lục, Sấm vĩ, Thơ trữ tình, Thơ tự sự, Phú, Văn sách. 

Như vậy là văn học Việt Nam từ khởi thủy đến đầu thế kỷ thứ X dù hệ thống thể loại chưa đầy đủ và phong phú như các giai đoạn văn học sau đó, nhưng có thể nói 18 thể loại như đã nêu, chủ yếu là thuộc các thể loại chức năng. 

Các thể loại mang tính chức năng hành chính như Thư, Hịch, Tấu, Sớ, Văn sách, Phú (dùng trong thi cử). 

Các thể lại mang tính chức năng tôn giáo như Luận thuyết Phật giáo, Truyện ký Phật giáo, Thư tranh luận, Ghi chép kinh văn, Biên khảo ngôn ngữ, Thơ xướng họa, Tụng, Kệ, Ngữ lục, Sấm vĩ. 

Các thể loại mang tính phi chức năng, tức các thể loại văn học nghệ thuật theo quan niệm hiện nay như Thơ trữ tình, Thơ tự sự. Theo tư liệu hiện còn thì văn học thời kỳ này còn lại rất ít, chỉ dăm ba bài thôi. Đó là các bài Thương (Điếu) Đạo Hy pháp sư của Đại Thừa Đăng; bài thơ Đề lữ thấn của Liêu Hữu Phương; hai bài thơ Tống Mã Thực và Thích An Nam sự của anh học trò vô danh vào thế kỷ thứ IX; bài Bạch vân chiếu xuân hải phú của Khương Công Phụ.

Văn tự ngôn ngữ (loại hình ngôn ngữ)

Văn học viết Việt Nam từ khởi thủy đến đầu thế kỷ thứ X chủ yếu viết bằng chữ Hán. Bên cạnh đó, các tác giả còn dùng hình thức tá âm, tức vay mượn chữ Hán để đọc theo âm Việt. Nếu ở thế kỷ thứ II, Sĩ Nhiếp đã dùng chữ Hán “da” để ghi tên một trái cây cống phẩm là “dừa” (mộc + da) trong bài tấu để tâu lên triều đình nhà Ngô, thì sang nửa đầu thế kỷ thứ III, Khương Tăng Hội trong tác phẩm Lục độ tập kinh có đến 81 trường hợp tá âm và 15 câu có trật tự cấu trúc ngữ pháp diễn đạt theo tiếng Việt. Đây là bước đầu đặt nền để hình thành chữ Nôm cho giai đoạn sau. Đến thế kỷ thứ V có Đạo Cao viết hai tác phẩm Tá âm Tá âm tự. Đây là hai tác phẩm biên khảo về ngôn ngữ. Dù nội dung sách hiện không còn, nhưng qua tư liệu ghi chép và qua nhan đề tác phẩm, có thể suy luận rằng Tá âm là cuốn sách bàn về việc mượn âm, mượn tiếng, mượn chữ Hán để ghi âm tiếng Việt. Còn Tá âm tự là cuốn từ điển ngôn ngữ ghi lại những chữ Hán mà người Việt vay mượn để đọc theo âm Việt. Đây là hình thức phôi thai để hình thành chữ Nôm ở giai đoạn sau, khi nước nhà đã giành lại độc lập tự chủ hồi đầu thế kỷ thứ X.  

Đề tài phản ánh

Qua các tác phẩm hiện còn, có thể thấy văn học viết Việt Nam từ khởi thủy đến đầu thế kỷ thứ X đã thể hiện các đề tài sau:

Chống lại các triều đại phong kiến Trung Quốc, tìm cách thoát Trung, thể hiện trong Chiếu thư và những phát ngôn của Triệu Đà; trong lời Hịch và phát ngôn của Lữ Gia

Đòi hỏi phong kiến Trung Quốc đối xử bình đẳng với kẻ sĩ và quan lại gốc Việt y như các kẻ sĩ và quan lại gốc Hán qua những Tấu Sớ của Trương Trọng, Lý Tiến, cuộc biểu tình nhỏ của Lý Cầm và Bốc Long trước triều đình nhà Hán.

Thể hiện tư tưởng giáo lý Phật đà trong những tác phẩm thuộc bộ phận văn học Phật giáo như trong Lý hoặc luận của Mâu Bác; Lục độ tập kinhCựu tạp thí dụ kinh của Khương Tăng Hội; Cuộc tranh luận sôi nổi về Phật pháp “không thấy chân hình Đức Phật” qua Sáu bức thư của Lý Miễu (Diễu), Đạo Cao và Pháp Minh.

Biên khảo về ngôn ngữ thông qua hình thức tá âm, bắt đầu từ Lục độ tập kinh của Khương Tăng Hội vào đầu thế kỷ thứ III đến Tá âmTá âm tự của Đạo Cao thế kỷ thứ V. 

Thể hiện cảm xúc cá nhân của tác giả thông qua một số bài thơ trữ tình, thơ tự sự của Đại Thừa Đăng, Liêu Hữu Phương, của anh học trò vô danh, phú của Khương Công Phụ.

Tóm lại, như đã trình bày ở trên, có thể thấy văn học Việt Nam từ khởi thủy đến khi nước nhà giành lại độc lập tự chủ không đến nỗi là “quá ít ỏi”, hay “quá mờ nhạt”, “chẳng có giá trị gì” như trước đây có vị học giả đã nhận định trên tạp chí chuyên ngành. Theo chúng tôi, những thành tựu văn học thời kỳ này tuy chưa nhiều nhưng chính nó là nền tảng, là tiền đề cho văn học Việt Nam góp phần tạo đà phát triển, tạo bước nhảy vọt cho văn học thời Lý - Trần khi nước nhà giành lại độc lập tự chủ vào đầu thế kỷ thứ X.

Ghi chú: “Nghiên cứu này được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) trong khuôn khổ Đề tài mã số B2022-18b-05”

PGS, TS Nguyễn Công Lý – Ths. Nguyễn Công Thanh Dung

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tập khảo cứu đầu tiên về ngành in ấn thời thuộc địa

Tập khảo cứu đầu tiên về ngành in ấn thời thuộc địa

Nghề in ấn là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực báo chí và xuất bản, tuy nhiên chưa có cuốn sách nào ở Việt Nam thực sự viết về ngành in ấn thời thuộc địa. Từ nhận định đó, tác phẩm “Lần theo dấu chữ – Thời kỳ đầu in ấn sách báo chữ Latinh ở Việt Nam (1862-1920)” của tác giả Trịnh Hùng Cường đã phác nên những nét cơ bản quan trọn