Đọc "Giấc mơ lá đỏ" - Tập thơ Trần Tất Tiến

Tập thơ Giấc mơ lá đỏ của nhà thơ Trần Tất Tiến (hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa) do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2022 có tính triết luận, là sự kiếm tìm, khẳng định cái tôi bản lĩnh của nhà thơ, gắn với những giá trị nhân ái cao đẹp, gốc rễ của con người và văn hóa Việt; mạnh mẽ cất tiếng nói phản biện, đấu tranh với những gì đi ngược lại giá trị tốt đẹp đó.  

Tập thơ có 35 bài thơ, trong đó, bài Thơ haiku lại chứa trong lòng nó tới 28 bài Haiku; bài Thơ hai câu cũng gồm 6 cặp thơ 2 câu. Vậy, thực chất tập thơ này có 67 bài. Số bài thơ ngắn và rất ngắn (từ 2-4 câu) có tất cả 44/67 bài, chiếm 2/3 số bài của cả tập.

Điều rất thú vị: đối lập với sự ngắn đó, là sự dài, tập thơ có 5 bài thơ dài, từ 33 câu đến 66 câu (Cô gái gõ cửa trong đêm, Đêm Ai Cập, Giấc mơ lá đỏ, Đêm rừng sâu, Cô gái gõ cửa phần 2). Mặt khác, trong 67 bài của cả tập, chỉ có 2 bài thơ lục bát; như vậy, thơ tự do chiếm tỷ lệ áp đảo tuyệt đối. Bởi thơ tự do thích hợp để diễn đạt tâm trạng/ trạng thái cá nhân trong bối cảnh, nhịp sống khẩn trương của thời hiện đại/ đương đại…

Trước tiên, với mảng thơ thế sự, nhà thơ Trần Tất Tiến dụng công phê phán những biểu hiện xấu xa, có thể là “nhỏ”, dễ bị người đời bỏ qua nhưng lâu dần sẽ có nguy cơ làm suy thoái nhân cách. Trong bài Đi chợ, thơ nói về Người phụ nữ giàu sang/ Mặc cả một ngàn, đó chính là cái nghèo của kiếp trước rớt lại, luân hồi vào kiếp sau.

Hay trong bài Vô cảm, thơ đả phá lối sống ngó lơ, quay mặt trước nỗi khổ của đồng loại. Nhà thơ cảnh báo: mỗi một lần như thế, chính là: Những cơ hội làm người bị bỏ qua/ Chỉ sớm đưa con người đến ga cuối/ Trên chiếc xe/ Chất đầy hành lý của sự vô cảm. Cũng như vậy, lời cảnh báo lần nữa lại vang lên trong bài thơ Đan lưới: Mỗi khi con người làm một việc bất thiện/ Như dùng gian kế để lừa người (...) Đó là lúc con người rút que đan/ Đan thêm một mắt vào tấm lưới/ Đủ rộng/ Cất con người mẻ cuối.

Trong 3 bài thơ vừa dẫn, (bài 1) từ hình ảnh “cái nghèo của kiếp trước rớt lại” có tính chất cụ thể, nhắm đến một khái niệm trừu tượng luân hồi vào kiếp sau. Đến (bài 2) hình ảnh chiếc túi Chất đầy hành lý của sự vô cảm/ Chỉ sớm đưa con người đến ga cuối; và (bài 3) hình ảnh tấm lưới được đan bởi những con người bất thiện sẽ đủ rộng để cất con người mẻ cuối - lại đi theo chiều ngược lại: từ trừu tượng đến cụ thể. Song tựu trung các hình ảnh trên đều là sự sáng tạo riêng của nhà thơ Trần Tất Tiến, và đều đạt đến hiệu quả nghệ thuật, thoả mãn nhu cầu cảm giác và nhận thức của người đọc.

Đọc "Giấc mơ lá đỏ" - Tập thơ Trần Tất Tiến - 1

Ấn tượng tiếp theo là phần thơ Haiku, có 28 bài (mỗi bài 3 câu). Nhóm 1, gồm loại bài mà nhà thơ dụng tâm dựng cảnh thiên nhiên cụ thể với những chi tiết tối giản, tiêu biểu nhất. Để người đọc tự liên tưởng/ tương tác (ngang/ dọc/ chéo) giữa các chi tiết; tạo ra một “trường xúc cảm” sinh động và đa diện nhất có thể. Như các bài 1/6, 3/22, 4/23, 6/25...

Thử khảo sát bài số 1/6: Giun dế kêu rả rích/ Làm lạnh ánh trăng thu/ Bên thành giếng. Nếu thơ đảo lại, chẳng hạn, để thành tố bên thành giếng xuất hiện trước, có lẽ cảm giác “lạnh” trong bài thơ sẽ giảm nhẹ, mờ nhạt hơn rất nhiều...

Loại bài thứ hai, với đặc điểm như trên, nhưng thêm hoạt động của con người, khiến người đọc quan tâm hơn đến những người khác, đến cộng đồng. Tiêu biểu như các bài số 8/28, 9/30, 10/31, 13/34, 16/37... Như bài số: 9/30: Đêm xuân sông rộng thêm/ Bác lái đò đẩy chiếc thuyền con/ Bên kia bờ - Nón trắng. Bài số 10/31: Thảm hoa đồi sim chín/ Ve rừng quen lối/ Môi em nhuộm tím chiều hè.

Loại bài thứ ba, nhà thơ mượn một tiểu cảnh của thiên nhiên ở những địa bàn quen thuộc, gần gũi để ám dụ những hoạt động của con người. Đơn cử bài số 20/42: Góc sân lá rụng/ Đàn kiến tíu tít khênh xác bướm/ Chạy cơn giông. Có thể liên tưởng đến cảnh “chạy thóc” phơi trên sân mà cơn mưa thình lình ập đến, cảm thông hơn với những cập rập, vất vả của nhà nông, ngay cả khi thóc sắp vào bồ. Bài số 22/44: Mây đen đùn lên đầu núi/ Hoẵng mẹ dẫn con chạy/ Theo ánh trăng lu. Có gì đó tương đồng với cảnh dân bản phải dắt díu nhau, bồng bế con chạy lũ quét bất ngờ trong đêm.

Ngược thời gian xa hơn, khung cảnh trên cũng tương đồng với thời chiến tranh, khi dòng người từ thành phố lũ lượt tản cư sơ tán về các vùng quê xa xôi, hẻo lánh để tránh giặc giã, tránh bom rơi đạn lạc. Và cũng không xa lạ với dòng người mới một hai năm trước đây (phần lớn là từ nông thôn lên các thành phố, đô thị kiếm việc làm) ùn ùn tháo chạy về quê để tránh đại dịch Covid. Một sự chiêm nghiệm ngỡ nhẹ nhàng mà vô cùng thấm thía...

Ngoài ra, các bài thơ Haiku mà Trần Tất Tiến vừa nêu cũng làm cho mọi người quan tâm hơn đến thế giới tự nhiên. Vì xét cho cùng, nếu tách khỏi tự nhiên, sớm muộn con người cũng phải trả giá bằng chính cuộc sống của mình... Sự kỳ diệu của thơ Haiku, phải chăng là ở nghệ thuật tinh lọc ngôn từ và sắp đặt chi tiết cực kỳ tinh tế, khéo léo và “cao tay”, đề cập các trạng thái tâm hồn đa diện của con người như nhà thơ Trần Tất Tiến đã thể hiện.        

Trong tập thơ Giấc mơ lá đỏ của nhà thơ Trần Tất Tiến, mảng thơ tình cũng thành công không kém, song rất tiếc, do khuôn khổ của trang báo, đành hẹn với quý độc giả một dịp khác… Chỉ xin đề cập bài thơ Giấc mơ lá đỏ - bởi nó có tính khái quát - biểu tượng cao, cũng là tên chung của cả tập thơ. Bài thơ mở ra với dòng người đi tìm lá đỏ/ In những giấc mơ đổi đời - như vậy, lá đỏ đã thành biểu tượng của hạnh phúc, cái đích kiếm tìm của mọi người trên thế gian này... Họ là những con người đã lạc nhau từ kiếp trước:

       May còn giữ được nửa lá bài

       Làm vật khớp nhau để nhận ra nhau

       Ở phía luân hồi

       Nơi cuối cánh rừng đêm nay.

May mắn, có những người đã tìm thấy nhau. Nhưng có những người lại không được may mắn như thế:

       Người phụ nữ tìm con chó lạc

       Không thấy

       Đứa con gái nhỏ của chị

       Cũng lạc mẹ từ lúc nào

       Lẫn và dòng người cứ trôi như bào ảnh

Thật đau xót, người mẹ đã không tìm được chó, mà còn để thất lạc cả đứa con… Đến hạn cuối cùng khi trời sắp sáng, hai mẹ con cũng không tìm thấy nhau. Hình ảnh kết của bài thơ, nhân vật “tôi” đã cầm nửa lá bài của “người mẹ” trao cho, mong sẽ giúp người phụ nữ tìm được đứa con: 

       Tôi giơ nửa lá bài còn nguyên lúc ban đầu

       Lên ánh  nắng ban mai màu mận nhú

       Nửa lá bài của tôi mang dòng chữ

       Nhà ngươi

       Sẽ tìm thấy nửa lá đỏ

       Kiếp sau…

Bài thơ kết thúc ở đây. Thật là bất ngờ! Cả hành trình mơ hồ, bầm dập, hốt hoảng... cho kết quả chỉ là... hy vọng ở kiếp sau? Nhà thơ cho người đọc chứng kiến nhân vật trữ tình ở hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, để cả người đọc và nhân vật trữ tình cùng bật lên ý chí sống mạnh mẽ nhất và cùng gặp nhau ở một thông điệp nhân văn. Đó là: Hành trình của nhân loại, từ thượng cổ đến nay và mãi về sau, luôn luôn là một hành trình kiếm tìm hạnh phúc; dù kết quả trước mắt có “thảm hại” như thế nào, con người vẫn cần niềm tin, sự kiên trì để không bao giờ bỏ cuộc! Ý nghĩa của hạnh phúc nằm chính trong quá trình kiếm tìm hạnh phúc…

Với bài thơ trên, cũng như với tập thơ Giấc mơ lá đỏ, nhà thơ Trần Tất Tiến gửi gắm một niềm tin: với những con người mạnh mẽ và kiên cường như Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh (chữ của nhà văn Nga Xô - viết nổi tiếng Nikolai Ostrovsky trong tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy), hạnh phúc cuối cùng sẽ đến!

Đinh Ngọc Diệp

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống  văn hóa, văn minh đô thị

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống văn hóa, văn minh đô thị

Hội thảo khoa học diễn ra ngày 25/07/2024 tại TP.HCM do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam – Asean TP.HCM tổ chức mang chủ đề "Giải pháp phát huy giá trị đa văn hóa và tiềm năng của các gia đình có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM góp phần xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị” đã đặt ra nhi

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), đồng thời Lễ truy điệu cũng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Ủy vi