Người nhặt những mảnh vỡ...

(Ba đoản khúc về “Vụn vặt chuyện nhà”, tập truyện ngắn của Y Mùi, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2022)

1. Vào khoảng đầu năm 2015, chị Hoàng Tuyên lúc đó còn ngồi ở phòng làm việc của Ban Sáng tác (Hội Nhà văn Việt Nam) nhờ tôi xem (và nhận xét) bản thảo tập truyện ngắn của tác giả có bút danh là lạ: Y Mùi (góp thêm vào “danh bạ” nhà văn có chữ Y đầu: Y Điêng, Y Phương, Y Ban, Y Nguyên). Lúc đó tôi chưa hề biết rõ “tung tích” tác giả chính là tiến sĩ y học Đào Thị Mùi (vợ nhà thơ Trần Quang Quý). Sau này khi in, tập truyện ngắn có tựa “Những nẻo đường tu” (2015).

Tác phẩm đầu tay của chị là những truyện ngắn gọn ghẽ, sắc lẻm và dí dỏm, lúc nào cũng lấp loáng tiếng cười. Y Mùi chọn hướng tiếp cận đời sống thông qua những chuyện đời “vặt vãnh”, thông qua những phận người bé nhỏ, những tình huống đời sống trớ trêu, hay nói cách khác là những nghịch cảnh.

Người nhặt những mảnh vỡ... - 1

Nhà văn Y Mùi

Đọc truyện ngắn Y Mùi thấy hiển hiện những mảnh vỡ của cuộc đời, mỗi truyện như một chiếc gương nhỏ xíu bỏ trong túi áo mà ta bất chợt có thể lấy ra để soi rọi cõi nhân sinh của đồng loại trong một cuộc bể dâu đời mới. Chín truyện ngắn trong tập “Những nẻo đường tu” như là sự gom góp những mẩu chuyện đời sinh sắc và sống động xung quanh chúng ta. Không có gì là to tát, cũng không nhằm đi tới những luận đề xã hội rộng lớn có tầm vĩ mô với ý tưởng “điều chỉnh xã hội”. Nhà văn dường như chỉ muốn ghi nhanh theo cách ký họa những cảnh đời bỗng chốc hiện diện kề cạnh, khiến chúng ta phải suy nghĩ về nhân tình thế thái thời buổi hỗn mang và nhiễu nhương.

Đọc truyện ngắn Y Mùi tôi mường tượng đến một người phụ nữ ở thôn quê, đi trên đường chiều làng mình, cần mẫn nhặt nhạnh những “mảnh vỡ” của số phận đời người (nhiều hơn cả là phụ nữ và trẻ nhỏ). Đôi khi tôi lại hình dung Y Mùi như một nghệ nhân nặn tò he, dưới bàn tay khéo léo của mình khiến “cõi nhân gian bé tí” hiện lên muôn hình muôn vẻ. Trong số 5 tác phẩm đã in của Y Mùi có đến 4 tập truyện ngắn (công bố từ 2015-2022): “Những nẻo đường tu”, “Người quê”, “Đường chiều”, “Vụn vặt chuyện nhà”. Tôi nghĩ, chính thể loại truyện ngắn đã chọn Y Mùi, theo lối “chọn mặt gửi vàng” như dân gian thường nói. Viết ngắn cũng chính là cái “tạng văn” của tác giả có nụ cười thường trực trên môi này.

2. Đến “Vụn vặt chuyện nhà”, tôi thấy rõ ràng như dưới thanh thiên bạch nhật, Y Mùi đeo đuổi thầm lặng bằng chữ, miệt mài khi viết đi tìm người tử tế, việc tử tế trong một đời sống xã hội ngày càng trở nên phức tạp, thậm chí rối ren, đang có chiều xuống cấp, thoái hóa nhiều mặt trong đó có văn hóa, giáo dục, y tế bởi các giá trị đời sống đang bị soán ngôi.

Người nhặt những mảnh vỡ... - 2

Bìa tác phẩm “Vụn vặt chuyện nhà”

Trong bài viết “Lòng tin và đức tin” (đăng trên báo Văn nghệ số 43/2022), nhà văn Di Li đã trích dẫn một ý kiến của đồng nghiệp Bùi Việt Thắng: “Chưa cần nhiều người thông minh tài giỏi, chỉ cần nhiều người tử tế thì tình hình đất nước đã khác rất nhiều”. Nhân vật xuất hiện trong mười hai truyện trong tập “Vụn vặt chuyện nhà” đều hoạt động trong một từ trường rộng lớn, có lực hút là “sự tử tế” - truyện thứ năm trong tập có nhan đề “Người tử tế” - giống như một nam châm cực đại hút vào trung tâm mọi sự kiện, câu chuyện, tình huống, cảnh ngộ, tâm trạng, hậu quả...

Nhưng ai là người tử tế với ý nghĩa là nhân vật chính, trụ cột trong truyện ngắn Y Mùi? Hẳn nhiên không phải là những người có bằng cấp đầy mình, địa vị xã hội cao, giàu có, danh tiếng (danh gia vọng tộc) nổi như cồn mà đa phần là những con người bình thường (bình dân, không hạ xuống tiện dân), người lao động, tận hiến nhiều hơn tận hưởng. Họ là một bác sĩ nghỉ hưu mở phòng khám tư (“Người tử tế”), một phụ nữ bán hàng ở chợ nhưng như thánh sống (“Cô Gấm”), người mẹ tận tụy hi sinh vì con cái (“Nước mắt có còn không”?), người con dâu bị nhà chồng ghẻ lạnh, bị chồng buông bỏ nhưng luôn độ lượng với người ghét mình (“Phận đàn bà”)...

Cách tiếp cận đời sống của Y Mùi trong truyện ngắn, tôi nghĩ, có “hơi hướng” của “xã hội ba đào ký” (một chuyên mục độc đáo, hấp dẫn độc giả mà ngay từ năm 1930 nhà văn Nguyễn Công Hoan thường viết, mở trên An Nam tạp chí do nhà văn Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu chủ trương, từ 1926). Trong truyện ngắn Y Mùi, chữ “phận” thường được vận vào nhân vật người phụ nữ (truyện “Phận đàn bà” là một ví dụ).

Nhưng ngẫm kỹ thì thấy, phận người/kiếp người/số phận con người thời nào cũng vậy, đâu chỉ vận vào phụ nữ/đàn bà. Phận người vận vào mọi kiếp người trên cõi trần gian - từ người quê đến người thị thành, từ trí thức đến bình dân, từ đàn ông đến phụ nữ, từ người lớn đến trẻ thơ... Nghĩa là đã sinh ra làm con người, đã tồn tại trên mặt đất thì ít nhiều, trước sau đều chịu sự chi phối của chữ “phận”. May mắn ra thì được “phúc phận” ít nhiều (làm gì có “phúc đẳng hà sa”), còn không thì “phúc bất trùng lai họa vô đơn chí”.

Thậm chí có người muốn tìm đến nương nhờ cửa Phật như một cách giải thoát, như chị hàng trầu trong truyện “Những nẻo đường tu”. Và đây là chân tủy/ hạt nhân trong truyện ngắn Y Mùi: người tử tế, việc tử tế hầu như chỉ xuất hiện trong đám đông nhân dân, họ từ đó bước ra lặng lẽ, khiêm tốn, hi sinh, tỏa sáng... Những con người bình dị, bình dân, bình thường đã nối kết thành lực lượng và sức mạnh làm nên cái đẹp của đời sống.

3.Truyện ngắn Y Mùi có biệt sắc gì? Cổ nhân nói “Văn là người”, định đề này rất sát hợp với trường hợp Y Mùi. Tác giả là người năng động, tháo vát, ham việc, quảng giao, duy tình... nên văn của chị có cái náo hoạt, tung hứng, biến hóa, chân thành, hồn nhiên...

Người nhặt những mảnh vỡ... - 3

Văn Y Mùi là lối văn có tốc độ tạo nên cái gọi là “nhịp điệu” văn xuôi.

Truyện ngắn Y Mùi thường không “lê thê” như một số cây bút khác theo đuổi viết thể loại này. Những câu chuyện đời được kể thường có “chuyện”, dễ nhớ, có đủ “mâm bát” của một cái truyện ngắn truyền thống (cốt truyện, tình tiết, chi tiết tiêu biểu, được bố trí bài bản, các cao trào nhiều kịch tính, kết thúc trọn vẹn).

Nhiều độc giả thích lối kể chuyện khách quan của Y Mùi (chỉ có 3/12 truyện kể từ ngôi thứ nhất xưng “tôi”). Điều này không hề ngẫu nhiên. Kể từ ngôi nào cũng như kết thúc câu chuyện theo cách nào là một sự lựa chọn có tính toán, chủ đích của tác giả. Nói rộng ra là tùy vào quan điểm thẩm mĩ của nhà văn. Không ít người sau khi đọc truyện Y Mùi chia sẻ với tôi rằng, tác giả của nó lúc nào cũng tươi rói, vô tư lự như thế thì những câu chuyện được kể ra có vẻ là của một người hào hiệp (trong sống và viết).

Quen biết tác giả chưa lâu song tôi kịp nhận ra những đắng đót ẩn sau mỗi con chữ có vẻ như thuần tung tẩy, tung bút của Y Mùi. Đọc cả bốn tập truyện của Y Mùi, trong tôi lưu dấu một câu hỏi đẫm nhân tình thế thái, liệu “nước mắt có còn không?” (nhan đề một truyện hay trong tập truyện thứ tư của tác giả). Bởi vì “sự đời nước mắt soi gương”.

Vậy đôi khi nụ cười và nước mắt rất có thể chan trộn lẫn nhau cả khi vui cũng như cả khi buồn. Người trải đời sẽ thấu hiểu hiện tượng tâm lý này, qua cách viết có vẻ khách quan của Y Mùi. Nhưng người đọc tinh tường/tinh tế sẽ nhận ra cách tác giả cứ hay ướm mình vào nhân vật mà kể chuyện, tạo nên cách kể “trung tính” (đứng chông chênh một cách cố ý giữa ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba, có thể tạm gọi là ngôi thứ hai).

Văn Y Mùi là lối văn có tốc độ tạo nên cái gọi là “nhịp điệu” văn xuôi. Những câu văn ngắn được tác giả riêng chọn khi viết truyện đã tạo nên cái gấp gáp của câu chuyện được kể lại. Tôi hình dung, ngay khi đặt bút viết câu đầu tiên thì tác giả đã tự hối thúc mình đi nhanh đến đích, tựa như vận động viên chạy cự ly 100 mét, ngay sau hiệu lệnh xuất phát là bứt phá tốc lực.

Lại biết thêm Y Mùi là một cây vợt bóng bàn (chưa phải siêu) nhưng đánh hay bởi phong cách tấn công bằng những cú đập bóng (Smash) và xoáy (Spin), linh hoạt và hiệu quả. Có lần xem chị chơi bóng, tôi cứ nghĩ: viết văn và chơi bóng bàn là cách phóng chiếu, thăng hoa của Y Mùi sau những công việc lúc nào cũng ngập đầu của mưu sinh và tề gia nội trợ.

Chơi bóng bàn là để tăng cường sức khỏe thân thể (thân), viết văn là tăng cường sức mạnh của tâm hồn (tâm). Có thể cùng lúc làm hai việc một cách hồn nhiên và tự phát với Y Mùi. Nhưng trong mắt tôi và độc giả thì đó là sự trùng phùng đẹp đẽ của một người nữ khi cầm bút viết văn lúc nào cũng ở thế tấn công như khi cầm vợt vậy. Lại có người hỏi tôi, vậy đọc Y Mùi thấy có “gót chân A-sin” nào không? Không phải tôi né tránh câu trả lời mà vì, nói như một bộ phim hoạt hình Nga nổi tiếng: Hãy đợi đấy! Sự vật bất kỳ nào cũng có lúc “lộ” ra cái khiếm khuyết của nó. Nhưng với Y Mùi, thì đến nay tôi (hay bạn) đã nhìn thấy hay chưa? Câu trả lời tùy mỗi người. Đúng thế chăng?!

                                                                                     

Bùi Việt Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất

“Tôi nợ cuộc đời này cả những thương đau”

“Tôi nợ cuộc đời này cả những thương đau”

Chiến tranh đã lùi rất xa. Cuộc đời đã sang một trang khác. Con người cũng đã chuyển sang một trạng thái tinh thần khác. Nhưng dư ba của chiến tranh thì chưa hề ngưng trong mỗi tâm hồn. Cuộc sống mới với sự ồn ào, náo nhiệt cần có của dựng xây, kiến thiết, nhưng cũng cần có những giây phút bình yên như mặt biển “vùi sâu dưới đáy những gì đau thương” (“Biển hát chiều nay” - Hồn