Hâm nóng tình cảm anh em giữa nhà văn trẻ Việt - Lào
(Arttimes) - Thammavong Kabkeo từng đoạt giải thưởng Văn học sông Mekong năm 2018. Nhờ đó mà anh thêm một lần gặp gỡ Việt Nam, có thêm những người bạn mới tại Hà Nội. Anh có tình cảm đặc biệt với Việt Nam và nung nấu ý tưởng hâm nóng tình anh em truyền thống giữa hai dân tộc, nhất là kết nối các nhà văn trẻ Việt Nam và Lào.
Sau khi đoạt giải thưởng văn học sông Mekong năm 2018 và nhận giải thưởng tại Hà Nội, Kabkeo có ấn tượng sâu sắc với Việt Nam và anh nung nấu ý định đóng góp vào việc thúc đẩy mối quan hệ khăng khít hơn giữa các nhà văn trẻ Việt Nam và Lào. Sau đó, anh đã trải nghiệm một chuyến đi khác tới Việt Nam, vào thăm miền Trung, với quãng đường đi ngắn hơn, để thực tế thêm một lần nữa đất nước Việt Nam và hình dung rõ hơn cách thực hiện ý tưởng của mình.
Kabkeo sẵn sàng chia sẻ ý tưởng này của mình và mong muốn các nhà văn hai nước Việt Nam - Lào cùng ủng hộ, để tình cảm anh em truyền thống giữa hai dân tộc được hâm nóng, phát triển lên một cấp độ mới trong thời hiện đại.
Nhà văn Lào Thammavong KabkeoChúng ta cùng trò chuyện với nhà văn Thammavong Kabkeo về ý tưởng kết nối nhà văn trẻ hai nước Việt - Lào:
PV: Thưa anh, hẳn có lý do gì để anh tập trung vào giới nhà văn trẻ hai nước trong ý tưởng xây dựng một dự án kết nối nhà văn hai nước Việt - Lào?
Nhà văn Kabkeo: Các nhà văn thời chiến tranh nói riêng cũng như cả hai dân tộc Việt - Lào nói chung đã từng có tình cảm tuyệt đẹp, gắn bó, yêu thương, hy sinh cho nhau hơn cả máu mủ. Đã có những tác phẩm văn học tốt về tình hữu nghị, tình anh em sâu sắc này, nhưng tôi nghĩ chưa đủ. Và thế hệ nhà văn từ chiến tranh hiện nay đã có tuổi, họ vẫn có quan hệ tốt và tiếp tục sáng tác nhưng không còn sung sức như xưa. Trong khi đó, các nhà văn trẻ Việt Nam và Lào hiện nay lại không được kết nối thường xuyên, mối quan hệ cũng không sâu sắc bằng thế hệ trong chiến tranh. Mặc dù Giải thưởng văn học sông Mekong có tác động đến mối quan hệ này và gợi cảm hứng sáng tác về nhau, nhưng giới nhà văn trẻ chưa hào hứng tham gia, họ chưa thực sự được cuốn hút vào Giải thưởng này. Tương lai thuộc về giới trẻ và họ là những người nắm quyền lãnh đạo trong thời gian không xa nữa. Tôi luôn đau đáu với câu hỏi, giới trẻ Lào rất nhiều năng lượng, nhưng họ đang đặt mối quan tâm vào những vấn đề khác nếu truyền thống tốt đẹp kia không được lớp người đi trước truyền lại một cách phù hợp.
PV: Anh đang lo lắng về sự đứt gãy của tình cảm anh em đặc biệt của chúng ta?
Nhà văn Kabkeo: Đúng vậy. Tình anh em giữa hai nước Việt - Lào quá đặc biệt, hầu như độc nhất trên thế giới. Làm sao để mối tình thâm sâu đó không chỉ là di sản, mà tiếp tục sống, phát triển tới mãi sau này? Thế giới từng phải đối mặt với cuộc chiến tranh bằng vũ khí, rồi tiếp đó là cuộc chiến tranh kinh tế và hiện nay là chiến tranh văn hóa. Do đó, để hướng tâm hồn giới trẻ đến với nhau, cần bắc cây cầu văn học mới.
PV: Anh có thể nói rõ hơn về nét mới đó?
Nhà văn Kabkeo: Trước kia, trong cuộc chiến tranh với vũ khí, chúng ta đã sát cánh bên nhau, đổ máu cho nhau, bảo vệ sự sống của nhau. Ngày nay, trong chiến tranh văn hóa âm thầm nhưng không kém phần khốc liệt, chúng ta cần dành thời gian cho nhau, giao lưu với nhau và tiếp tục giúp đỡ nhau, đồng cảm, đồng hướng. Những cuộc giao lưu hoành tráng, tốn kém, thu hút được những người nổi tiếng, các nhà văn từ thế hệ 4X trở đi và tổ chức tại các thành phố lớn thì chúng ta đã làm, tuy nhiên, hãy làm mới với giới nhà văn trẻ, chưa mấy danh tiếng. Không cần quá tốn tiền cho họ. Hãy cùng các tổ chức hữu nghị, kết nghĩa anh em các tỉnh dọc biên giới hai nước Việt - Lào và thực hiện các cuộc đi thực tế chéo. Các nhà văn trẻ ở tỉnh A của Việt Nam đi thực tế bằng xe bus sang tỉnh B của Lào và được các bạn văn trẻ Lào đón tiếp, ăn ở tại nhà của họ để hiểu sâu sắc cuộc sống của nhau thời nay. Sau đó ta làm ngược lại, các nhà văn của Lào lại sang Việt Nam và ăn ở tại nhà bạn văn Việt Nam. Sau các chuyến đi thực tế như vậy, không chỉ tình cảm được vun đắp, mà những tác phẩm văn học mới sẽ ra đời. Truyền thống anh em được kết nối…
Nhà văn Lào Thammavong KabkeoPV: Còn rào cản ngôn ngữ thì sao? Các nhà văn trẻ có thể sẵn sàng đón tiếp nhau, nhưng họ hiểu nhau đến đâu nếu hai bên ít biết ngôn ngữ của nhau?
Nhà văn Kabkeo: Các bạn trẻ hiện nay rất thông minh và rất nhanh nhậy, ngôn ngữ không phải là rào cản quá lớn khi chúng ta đã thu hút được họ vào dự án này. Chỉ cần dự án quan tâm thực sự đến họ, lắng nghe quan điểm của họ, thì họ sẽ theo đuổi dự án với tất cả tâm huyết của mình. Hãy để giới trẻ được tập hợp lại với nhau trong cùng đội ngũ, họ sẽ cùng tìm ra cách để thực hiện tốt nhất ý tưởng chung, thành một dòng chảy mạnh mẽ. Chỉ cần kết nối chặt chẽ giới văn trẻ hai nước, tạo cảm hứng sáng tạo cho họ, để họ tự nhận ra sứ mệnh của mình và nuôi dưỡng tâm hồn họ, chúng ta sẽ không chỉ có những tác phẩm văn học tuyệt vời về nhau, mà còn có được tình cảm anh em nâng lên cấp độ mới mẻ hơn.
PV: Vậy các thế hệ đi trước có thể tham gia vào dự án kết nối văn học trẻ này bằng cách nào khi nó chính thức được hình thành?
Nhà văn Kabkeo: Những bậc đàn anh có thể tham gia bằng cách giúp đỡ các bạn trẻ, đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm thực tế, sáng tác. Nguồn vốn kinh nghiệm cũng rất quan trọng, hơn cả kinh phí. Lâu nay chúng ta hay nghĩ đến kinh phí đầu tiên và khi thấy tốn kém quá thì ý tưởng bị bỏ qua, rất lãng phí. Tôi muốn tiếp cận bằng một góc nhìn khác, phương pháp khác. Ngoài nguồn vốn kinh nghiệm mà thế hệ đi trước có sẵn để đầu tư cho thế hệ trẻ, thì còn là vấn đề thời gian. Khi dám đầu tư thời gian cho ý tưởng, thì ta sẽ có nhiều phương pháp để thực hiện mà không quá phụ thuộc vào kinh phí.
PV: Xin cảm ơn anh và chúc anh sớm thu hút được nhiều nhà văn trẻ tham gia thực hiện ý tưởng tốt đẹp này.
KIỀU BÍCH HẬU (thực hiện)
NoneBình luận