Hành trình đi tìm danh tính ở “Vùng đất quỷ tha ma bắt”

“Vùng đất quỷ tha ma bắt” mở đầu bằng những truyền thuyết ma mị và không khí oi bức, ngột ngạt của một vùng quê còn nhiều định kiến nhưng tới cuối cùng lại cho độc giả thấy chẳng có ma mãnh nào đáng sợ bằng con người và cũng chẳng có con ma nào ngoài những trái tim héo úa.

Nhân chuyến thăm Việt Nam, chiều 27/7 tại Hà Nội, nhà văn Kevin Chen đã có buổi gặp gỡ giao lưu với độc giả về cuốn sách “Vùng đất quỷ tha ma bắt”. Cùng tham gia chương trình là dịch giả Nguyễn Vinh Chi, Tiến sĩ văn học Nguyễn Quyên và đông đảo độc giả mếm mộ Kevin Chen.

Kevin Chen xuất thân từ gia đình thuần nông với 9 người con. Năm 43 tuổi, anh đã lấy chính cuộc đời mình làm chất liệu để viết nên cuốn tiểu thuyết “Vùng đất quỷ tha ma bắt”. Anh chia sẻ, nhân sinh rất là hỗn loạn, có nhiều vấn đề mà trong suốt cuộc đời chúng ta không có được câu trả lời. Với cuốn sách này cũng vậy, anh không muốn đưa ra cho độc giả câu trả lời mà anh muốn đưa ra cho độc giả nhiều câu hỏi hơn.

Hành trình đi tìm danh tính ở “Vùng đất quỷ tha ma bắt” - 1

Kevin Chen chia sẻ tại toạ đàm. (Ảnh: Huyền Thương)

Câu chuyện đậm đặc văn hoá bản địa

“Quê hương là một vùng đất nhỏ... Vùng đất nhỏ, chính là vùng đất quỷ tha ma bắt của gã”.

Hành trình đi tìm danh tính ở “Vùng đất quỷ tha ma bắt” - 2

Bìa sách "Vùng đất quỷ tha ma bắt" của Kevin Chen

Ngay từ đầu cuốn sách, một “vùng đất nhỏ” đã hiện ra đầy bí ẩn và cũng hé mở rằng yếu tố văn hóa bản địa đóng vai trò then chốt trong tiểu thuyết “Vùng đất quỷ tha ma bắt”. Khi đọc đến những chương cuối cùng, độc giả sẽ nhận ra Kevin Chen dùng trọn vẹn yếu tố văn hóa bản địa để nói về Vĩnh Tĩnh - vùng quê nghèo, xa xôi, hẻo lánh với vô vàn tập tục, lễ nghi mê tín dị đoan đến mức hủ tục.

Cuốn tiểu thuyết là hành trình đối diện với quá khứ và lần giở những bí mật gia đình của một nhà văn trở về vùng quê nghèo miền Trung đảo Đài Loan sau khi thụ án giết người bạn đời đồng tính bên Đức.

Các thành viên trong đại gia đình (cả người sống lẫn người chết) lần lượt được lên tiếng tự sự, cung cấp các góc nhìn riêng biệt để ghép thành toàn cảnh sự thật mà họ cố tình chôn sâu. Cách kể chuyện xuyên không - thời gian đó đã dệt nên một mạng lưới đầy mê hoặc về những bí mật gia đình và những tư tưởng mê tín ở nông thôn, phơi bày nỗi bất hạnh vụn vỡ muôn màu muôn vẻ.

Từ cốt truyện đầy ly kỳ này, Kevin Chen đã khéo léo chạm tới những vấn đề xã hội gai góc, và thể hiện xuất sắc những góc sâu tâm lý trong mỗi nhân vật, những ẩn ức thơ ấu và những di sản bất hạnh truyền từ đời này sang đời khác.

Bằng bút pháp tinh tế và đầy cảm xúc, tác giả đã dành nhiều thời lượng cho những truyền thuyết ma mị, những tập tục nhất định phải làm vào ngày rằm tháng 7. Theo phong tục, rằm tháng 7 là dịp mở cổng địa ngục, các linh hồn có cơ hội trở lại dương gian. Do đó, rất nhiều câu chuyện ma mị, truyền thuyết kinh dị cũng như những kiêng kị xuất hiện vào ngày này.

Hành trình đi tìm danh tính ở “Vùng đất quỷ tha ma bắt” - 3

Cuốn tiểu thuyết dài hơn 400 trang, gồm 45 chương. 

Để nhấn mạnh những chi tiết hủ tục làng quê và dựng lên không khí ma mị, hư ảo cho tiểu thuyết, toàn bộ mạch truyện chính của “Vùng đất quỷ tha ma bắt” chỉ diễn ra trong vòng 24 giờ, vào đúng ngày rằm tháng 7, cũng là khi các con trở về chịu tang người cha đã khuất.

Tác giả đã viết về những hủ tục mà người dân nơi vùng quê nghèo thường truyền tai nhau và thực hiện. Sau đó, anh bóc tách từng lớp, hé lộ sự thật đằng sau tất cả điều huyền bí và đáng sợ đó lại là những cảm xúc vỡ òa trong lòng độc giả.

Tác phẩm mang đến cho độc giả những cảm nhận về hơi thở của một Đài Loan cũ, thông qua những phong tục mê tín dị đoan, những kiêng kị, những biến cố thời hội nhập, một Đài Loan vừa cổ truyền lại vừa tiên tiến và mới mẻ, khao khát dịch chuyển, muốn thoát mình.

Hành trình đi tìm danh tính

Theo Kevin Chen, tác phẩm của anh không chỉ dừng lại ở vùng đất hoang vắng, bị bỏ quên, nhiều ma, nhiều quỷ mà còn là nơi lẩn khuất và u uẩn trong tâm trí mỗi người, nơi con người ta khóa chặt những gì sâu kín và khó chia sẻ, khó buông bỏ nhất.

Ở đó, tác giả đã soi chiếu vào từng ngõ ngách tâm hồn ở mỗi con người và đem nỗi khát khao được hạnh phúc, được là chính mình ra ánh sáng của sự cảm thông sâu sắc.

Hành trình đi tìm danh tính ở “Vùng đất quỷ tha ma bắt” - 4

Tác giả Kevin Chen

Tác giả đã dung hòa rất nhiều phong cách viết: hiện thực huyền ảo, hài kịch đen và cả bí ẩn giật gân... phác họa ra những phận đời vừa đáng buồn vừa đáng yêu trong hành trình tìm kiếm danh tính của bản thân.

Nhân vật chính - Trần Thiên Hoành chật vật trong sự phân biệt đối xử của người mẹ vì là một người đồng tính nam, anh thoát khỏi gia đình và "vùng đất quỷ tha ma bắt" Vĩnh Tĩnh để sang Đức sinh sống, bắt đầu sự nghiệp văn chương. Nhưng "chạy trời không khỏi nắng", "ma quỷ" theo chân, Hoành vẫn phải bước chân trở về quê cũ khi hay tin cha mất, cũng bắt đầu trở về tìm lại nhân dạng của chính mình.

“Vùng đất quỷ tha ma bắt” cho ta thấy, mỗi cuộc đời chính là một câu chuyện, từng câu chuyện sẽ có cốt chuyện khác nhau không thể nào so sánh. Ta không hiểu người kia đang chịu đựng những gì, người kia cũng không biết điều ta gánh vác là gì nên nếu được thì hãy tử tế với nhau.

Cuốn sách cũng chứa đựng nhiều nỗi đau, sự bất hạnh của con người, của số phận nghiệt ngã, để từ đó cho người đọc thấy được bài học về cách đối mặt với những thương tổn và bi kịch trong cuộc sống.

Với lối viết cảm xúc cùng một kết truyện đầy bất ngờ, Kevin Chen thực sự đã lấy được mọi cung bậc cảm xúc của mình qua tác phẩm. Tác giả chia sẻ, đã có rất nhiều độc giả, thậm chí là những người bạn thân của anh đặt câu hỏi có phải anh là nguyên mẫu của “Vùng đất quỷ tha ma bắt”, Kevin Chen cảm thấy phấn khích khi mọi người nghĩ như vậy và anh cũng nhắn nhủ: “Khi bạn viết một cuốn sách, bạn hãy viết bằng cảm nhận và câu chuyện của mình, đó là điều tuyệt vời và độc giả cũng mong chờ được nghe về câuc chuyện đó”.

Hành trình đi tìm danh tính ở “Vùng đất quỷ tha ma bắt” - 5

Kevin Chen ký tặng độc giả tại sự kiện.

Là cuốn tiểu thuyết tâm lý xã hội đã được tái bản lần thứ ba, chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt bạn đọc, “Vùng đất quỷ tha ma bắt” mang màu sắc rất mới trên văn đàn và sẽ để lại ít nhiều trăn trở trong lòng bạn đọc.

Kevin Chen (Trần Tư Hoành), sinh năm 1976 tại ngõ Bát Đức xã Vĩnh Tĩnh huyện Chương Hóa, Đài Loan (Trung Quốc).

Anh là con thứ chín trong gia đình thuần nông. Tốt nghiệp khoa tiếng Anh Đại học Công giáo Phụ Nhân, Viện Hý kịch Đại học Quốc gia Đài Loan, từng đoạt hạng nhất truyện ngắn giải văn học Lâm Vinh Tam, giải tiểu thuyết của năm Cửu Ca, giải Kim Đỉnh lần thứ 44.

Kevin Chen là nhà văn, có lúc cũng là diễn viên, dịch giả, hiện anh đang là cư trú tại Berlin, Đức.

“Vùng đất quỷ tha ma bắt” là cuốn tiểu thuyết tâm lý xã hội Đài Loan được đông đảo độc giả yêu văn chương đón nhận. Tại nước nhà, cuốn tiểu thuyết vinh dự nhận được nhiều giải thưởng quan trọng, trong đó phải kể đến giải Kim Điển (thuộc Viện Văn học quốc gia) và giải Kim Đinh (thuộc Bộ Văn hóa).

Không chỉ nhận được sự hưởng ứng từ độc giả trong nước, sau khi được dịch sang tiếng Anh, tiểu thuyết cũng đã giành được sự chú ý từ độc giả nước ngoài.

Tháng Mười năm 2022, cuốn tiểu thuyết được giới thiệu trong list sách Mùa thu của tờ The New York Times và lọt top 10 văn học thế giới năm 2022 do Library Journal bình chọn.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Mâm cơm hè miền Bắc giản dị mà cực hấp dẫn

Mâm cơm hè miền Bắc giản dị mà cực hấp dẫn

Mâm cơm mùa hè miền Bắc thường có sự kết hợp giữa món mặn, rau xanh, bát canh thanh mát và hoa quả theo mùa. Cà pháo muối, dưa chua, các món nộm,... giúp giải ngán, kích thích vị giác cũng rất được ưa chuộng.