Hoàng Cát cảm tạ trời xanh, khi ấm nồng tia nắng cuối

Mới đây, thi sĩ Hoàng Cát đột ngột vào bệnh viện do bệnh ung thư có dấu hiệu trở lại sau dăm bảy năm ngỡ đã khỏi hoàn toàn. Ông linh cảm gì chăng về những tháng ngày gian truân sắp đến phải gắng sức, ráo riết thêm lần nữa đẩy lùi căn bệnh hiểm ác, để rồi khẩn trương soạn hai tập thơ Cảm tạ trời xanh (71 bài) và Tia nắng cuối (58 bài) nhằm kịp quý IV năm 2022 gửi đến bạn đọc - cả hai đều do NXB Hội Nhà văn thực hiện.

Một lần nữa, Hoàng Cát lại xem như đây là hai tập thơ cuối cùng của đời thơ ông? Thật ra, Thanh thản (2002) đã từng được Hoàng Cát xem là tập thơ cuối cùng, bởi trước đó ông bị bệnh nhồi máu cơ tim rất nặng. Sau đó ông còn đủ sức cho ra Thơ Hoàng Cát tuyển tập (2009). Trớ trêu thay, mấy năm sau thi sĩ lại lâm bệnh hiểm nghèo khác (u hạch ác tính ở cổ), chữa chạy rất gian nan, bởi vậy, tập thơ Cảm tạ cuộc đời (2015) được tác giả cho biết đó là tác phẩm chào vĩnh biệt bạn đọc.

Nhưng, thật may mắn đến không ngờ, trời xanh cao cả và cuộc sống tươi đẹp đã “ban phước lành” cho ông, giúp thi sĩ sống thêm, sống giàu năng lượng hơn và kết quả là in tiếp tập thơ Ngày xưa tuyệt bích (2018). Rồi lại hai tập nữa mới nhất (thứ 10 và 11) vào năm 2022 như nêu ở trên. Như vậy, Hoàng Cát đã từng có các tập thơ bị/ được ông xác định là cuối cùng, đó là Thanh thản, Cảm tạ cuộc đời, Cảm tạ trời xanh và Tia nắng cuối (không kể tuyển tập ra năm 2009).

Hoàng Cát cảm tạ trời xanh, khi ấm nồng tia nắng cuối - 1

Tập thơ “Cảm tạ trời xanh”

1- Hai tập thơ song đôi

Cảm tạ trời xanh ra đời trước Tia nắng cuối chỉ hơn một tháng nhưng mỗi tập riêng một vẻ (đương nhiên). Tập trước hướng nhiều đến ngoại cảnh: đất nước, quê hương, con người, trong đó có người thân với nỗi niềm tri ân sâu nặng. Sau bốn dòng đề từ (Cảm tạ Trời Xanh cảm tạ Thơ/ Trời Xanh ngăn ngắt tự bao giờ…/ Thơ từ đâu đến, từ đâu đến…/ Đặng cả một đời - ta mộng mơ ?) là bài thơ Cảm tạ trời xanh (Cảm tạ Trời xanh cho viết thơ/ Thơ ta rải tặng khắp cõi bờ/ Cõi bờ đất nước thiêng liêng lắm/ Máu huyết từ tim thấm đẫm thơ// Giờ đây ta đặng là Thi sĩ/ Cháy hết buồn vui với cuộc đời/ Cảm tạ Trời xanh cho sống lại/ Những miền ký ức của xa xôi…

Tập sau là tiếng nói nội tâm hướng nhiều đến tình yêu gia đình, có hình ảnh vợ, con… với nỗi niềm riêng tư chứa chan xúc động. Sau tám dòng đề từ (Người Bạn Đời chân chất của tôi,/ Người vợ đảm, hiền lành, trung thực;/ Dẫu không có vẻ ngoài xinh đẹp/ Nhưng trái tim nhân hậu vô cùng.// Tôi thung dung dạo khắp miền Trung/ Thơ ùa ập hồn tôi: tự chảy./ Cảm ơn Đời, cảm ơn số phận/ Ban cho tôi người vợ tốt như mơ…) là bài thơ Tia nắng cuối:

"Tia nắng cuối mùa đông sắp tắt/ Vẫn ấm nồng xao xuyến chiều hôm/ Khóm hoa nhài muộn màng góc khuất/ Ngan ngát hương man mác khắp vườn // Là Thi sĩ, Trời cho ta được sống/ Tuổi Tám mươi, hồn vẫn khát khao yêu! /Yêu dịu ngọt thuở đầu đời vụng dại/ Yêu đắm say với cả trái tim Người!// Giờ Mặt trời đời ta sắp lặn/ Vẫn miên man vạt nắng chiều tàn /Xin dâng hết cho đời tình yêu dấu // Ta lặn vào vĩnh viễn với mênh mang…”. 

Có thể nói rằng hai bài thơ trùng tên hai tập thơ đã bao quát được phần nào tư tưởng nghệ thuật của hai “đứa con tinh thần” đang bàn đến của Hoàng Cát.

Hoàng Cát cảm tạ trời xanh, khi ấm nồng tia nắng cuối - 2

Tập thơ “Tia nắng cuối”

2- Quan niệm về thơ và sáng tạo thơ

Trước tiên, phải nói ngay rằng, Hoàng Cát thuộc số ít những nhà thơ chuyên nghiệp luôn luôn thủy chung đến mức quá gắt gao, tận tụy đối với thơ hiện đại kiểu truyền thống. Thi sĩ nhấn mạnh rằng: thơ phải có cảm xúc, hơn thế, cảm xúc cao độ, nếu không thế thì khó có thơ. Ông từng viết: Là thi ca cảm xúc phải tràn bờ// Cái vô giá Thi ca là Tình cảm/ Là tâm hồn, mọi cung bậc sâu, nông. Thêm vào đó, cảm xúc cần chân thành, ngay thẳng, rõ ràng, không giả dối. Đồng thời, thơ phải có vần, nhịp nhằm dễ đọc, dễ nghe, dễ thuộc, nếu không, những dòng chữ viết ra chỉ khô khan, vô cảm như sỏi đá. 

Đối với Hoàng Cát, quan niệm về thơ và hoạt động sáng tạo trùng khớp nhau trăm phần trăm. Trong tập Tia nắng cuối Hoàng Cát phát biểu quan niệm bằng lời tự thuật cùng một số bài thơ. Trong bài Tôi nghĩ về thơ, có đoạn: THƠ ngày nay như ngói vụn khô cong/ Hoặc nhạt nhẽo, không âm thanh, nhịp điệp/ Hoặc dửng dưng, vô cảm // THƠ là nỗi trào dâng bao CẢM XÚC / Là buồn đau, là vui sướng mê li / Là Hi vọng và cũng là thất vọng / Trước những cảnh đời sum họp, biệt li…// Thơ không thể trúc tra, trúc trắc/ Méo trẹo hàm, không đọc nổi câu thơ ! / Thót cả ruột, tim như hòn đá chặn / Đọc câu văn - nghe lục cục đá xô…

Không dừng ở cảm xúc bình thường, chung chung, cảm xúc của Hoàng Cát mãnh liệt, vọt trào, cảm xúc làm “cháy” bản thân người thơ. Ấy là cảm xúc cực đoan. Theo thi sĩ, có cảm xúc cực đoan thì thơ dễ thành thơ hay, người sáng tạo sẽ được coi là thi sĩ đích thực.

3- Tình yêu cuộc đời.

Yêu đồng loại, yêu gia đình và yêu thơ với hoạt động sáng tạo là cảm thức nổi trội của hai tập thơ. Đối với thi sĩ, chả phải chỉ yêu nhiều thiếu nữ/ mà yêu da diết cả Sơn hà. Thi sĩ thưa với độc giả rằng: Trời cho nay đã một đống tuổi già/ Thơ vẫn cuộn trong hồn như tuổi trẻ! Yêu tất cả, sống, nghĩ, làm và tri ân tất cả, bởi thi sĩ chịu ơn sâu nặng với tất cả trong mối quan hệ mà bản thân ông là phần còn lại.

Nếu năm 2015 Hoàng Cát cảm tạ cuộc đời giúp lùi cơn đau bệnh thì 2022, ông cảm tạ Trời Xanh đã cho ông sống những tháng ngày thanh bình, làm thêm được nhiều bài thơ tâm đắc. Thi sĩ bày tỏ: Tám mươi tuổi, hồn vẫn xanh tươi lắm/ Thơ vẫn dạt dào tuôn chảy xa…// Ta cảm ơn THƠ - cảm tạ đời/ Sống đời có ích - thế là vui !/Mai sau hóa kiếp vào đất cát/ CÁT lại tưng bừng dâng hoa tươi.

Đối với thi sĩ, giờ đây điều thôi thúc nhất là: VIẾT VIẾT VIẾT ! Viết để thanh lọc mình trước hết (…) Ta viết mãi, viết hoài cho kỳ hết/ Mọi nỗi niềm ẩn khuất trong ta // Viết cho vơi bớt bầu tâm sự/ Lắng đọng trong hồn bao tháng năm/ Chỉ có thơ là xua tan hết/ Buồn vui chen lẫn tận tâm can (…) Viết cho tới khi cạn kiệt hết sức hơi/ Cho tận lúc Trời không cho viết nữa!

Ông vẫn viết thơ tình đơn thuần là thơ về tình yêu lứa đôi, vẫn còn bị vẻ đẹp của người phụ nữ quyến rũ (Tám mươi tuổi chẵn, còn hun lửa/ Còn nuối thanh xuân, đắm đuối yêu). Tuy nhiên, thơ ấy đang ít dần, nhường chỗ cho nhiều bài thơ viết về vợ - người bạn đời bạc vàng thủy chung và nhân hậu. Người vợ quý yêu vô vàn ấy, ngoài những thi ảnh rõ nét thì còn ẩn hiện trong những bài thơ khác.

Đối với thi sĩ, người vợ của ông là một CON NGƯỜI đẹp nhất trên cõi đời này. Thơ tình của Hoàng Cát sôi trào xúc cảm hơn xưa, chính là loại thơ tình yêu - hạnh phúc gia đình, thơ về hạnh phúc của tình yêu, trong tình yêu. Cộng vào đó, hình ảnh người con gái ngoan ngoãn, giỏi giang, thông minh, xinh đẹp cũng sáng ngời trong thơ của người cha thi sĩ. Thơ ca ngợi vợ và con của Hoàng Cát trên cơ sở tình yêu gia đình cổ truyền ruột thịt cao sâu nhất, chính là một bộ phận nổi bật về thơ tri ân của tác giả.

4- Nghệ thuật là không cố ý nghệ thuật

Thơ Hoàng Cát phần lớn là thơ tự do. Thơ tự do hợp với tạng thi sĩ này. Thơ ông thẳng đuột, bung phá, cực đoan. Nhiều khi không cần ám dụ, không muốn ám dụ để cho thơ đạt đến độ chân thực tối đa. Thơ mạnh mẽ tuôn ra từ đáy lòng, cuồn cuộn xúc cảm. Thơ búng cháy. Thơ đến thẳng ngay lập tức vào mắt đọc, vào tâm khảm người thưởng thức.

Đối với thơ Hoàng Cát, nếu những ai biết đọc đúng vần điệu, âm sắc biểu cảm của văn chương Tiếng Việt, thì sẽ cảm nhận thơ chính xác. Ngâm thơ Hoàng Cát theo các giọng và điệu của ba miền Bắc, Trung, Nam - đều được, nhưng nếu đọc thì đạt hiệu quả hơn cả. Tác giả dùng tâm hồn mình, tấm lòng mình, tâm trạng mình để kể lại, nói ra mọi sự tình bằng con đường ngắn nhất, không vòng vo úp mở, không son phấn.

Đối với Hoàng Cát, nghệ thuật thơ là thơ không cố ý nghệ thuật. Nghệ thuật tồn tại trong nỗi niềm đời sống như là bất tận, bừng nở, bật cháy, cuộn trào của cái tôi trữ tình đầy khao khát trao gửi, giao hòa, tri ân đối với thế giới bên ngoài bản thể.

Thơ Hoàng Cát có cái vẻ giản dị, hồn nhiên (nhiều trường hợp như lời kể, lời nói thường), nhưng lại không giản dị chút nào đối với người quen nếp đọc thông thường. Điều đó không phải tác giả tự mâu thuẫn mà đối với thi sĩ này, sáng tạo nghệ thuật còn là ý thức tự do - tự do lệch chuẩn hình thức văn chương, ít ra là ở khía cạnh diễn đạt chính tả và trình bày văn bản.

Ông nhấn mạnh ý nghĩa lời thơ bằng các kiểu khác người như: chữ viết thường, chữ viết hoa (hoa cả chữ và hoa đầu âm tiết), chữ đậm và dấu chấm lửng (…), dấu cảm thán, các gạch ngang dài ngắn khác nhau... Đọc thơ Hoàng Cát, nếu bỏ qua cách diễn đạt nói trên, sẽ có thể bị giảm hiệu quả tiếp nhận đi nhiều, điều mà ở đoạn trên đã nói, đối với thơ Hoàng Cát, đọc trực tiếp văn bản là tốt nhất.

Tóm lại, trên cơ sở thơ hiện đại kiểu truyền thống, ngoài xúc cảm cực đoan (sắc và sâu) cùng cách nói bộc trực, không ám dụ, không trau chuốt nhằm trao nỗi niềm đời và thơ đi thẳng từ trái tim tác giả đến trái tim độc giả, thì những yếu tố khác như giọng điệu hồn nhiên, cách diễn đạt câu chữ văn bản tự do, độc quyền lệch chuẩn truyền thống, ở một phạm vi tự tác giả cho phép, cũng là những đặc điểm của thơ Hoàng Cát thể hiện ở Cảm tạ trời xanh và Tia nắng cuối.

Đợt chữa bệnh này khó khăn đến đâu thì chưa dám nói, nhưng chúng ta vẫn muốn tin rằng thi sĩ Hoàng Cát vẫn có mặt lâu dài cùng mọi người trên thế gian tươi đẹp này với một gia đình hạnh phúc và tiếp tục trào dâng nỗi niềm thơ ca và sẽ làm tốt Tuyển tập thơ (lần thứ hai).

Phạm Đình Ân

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống  văn hóa, văn minh đô thị

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống văn hóa, văn minh đô thị

Hội thảo khoa học diễn ra ngày 25/07/2024 tại TP.HCM do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam – Asean TP.HCM tổ chức mang chủ đề "Giải pháp phát huy giá trị đa văn hóa và tiềm năng của các gia đình có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM góp phần xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị” đã đặt ra nhi

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), đồng thời Lễ truy điệu cũng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Ủy vi