“Hồi ức… bất chợt” – Một cuốn sách thú vị

Có những cuốn sách, đọc xong, ta chẳng thấy có gì đọng lại trong tâm khảm, cứ như là chưa đọc. Nhưng "Hồi ức…bất chợt" của Nguyễn Đình San tuy không có gì lâm ly, gay cấn, chỉ kể những chuyện rất đời thường xảy ra trong đời tác giả, bất cứ ai cũng có thể có mà đọc xong, tôi cứ bị ám ảnh, bâng khuâng và không nguôi theo đuổi ý nghĩ về cuộc đời, về kiếp người và mọi thế thái, nhân tình...

Nguyễn Đình San vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn sách có tên độc đáo: Hồi ức… bất chợt. Độc đáo ở chỗ: Đã hồi ký, sao còn “bất chợt”? Vâng. Bởi vì tác giả không viết hồi ký một cách bình thường như thông lệ, tức kể lại cuộc đời mình theo trình tự thời gian mà kể một cách ngẫu hứng, tự nhiên, nhớ lại sự việc, kỷ niệm gì thì viết ra.

Nhưng như thế thì nhiều lắm vì tác giả có mặt ở trên đời, bắt đầu nhận biết cuộc sống cũng đã ba phần tư thế kỷ. Vậy nên dù là ngẫu hứng cũng bắt buộc phải chọn lọc những gì viết và những gì không nên viết. Và như thế, ắt là phải có tiêu chí cho sự lựa chọn này. Càng đọc đến cuối cuốn sách, người đọc sẽ thấy những tiêu chí “kín đáo” ấy dần lộ ra. Điều này là yếu tố đầu tiên khiến cuốn sách trở nên hấp dẫn.

Nhưng nếu tinh ý thì ngay ở những trang đầu tiên – phần Cùng bạn đọc mang tính chất “phi lộ”- ta cũng có thể biết được tiêu chí, mục đích của tác giả khi bỏ ra rất nhiều công sức để thực hiện cuốn sách dày tới gần 600 trang. Đó chính là điều tác giả đã nói rõ: Viết cuốn sách chỉ nhằm mục đích là để tự giải tỏa. Khi nào con người ta có nhu cầu muốn giải tỏa? Đó là khi bức xúc hoặc cảm thấy bế tắc điều gì đó.

“Hồi ức… bất chợt” – Một cuốn sách thú vị - 1

"Hồi ức... bất chợt" của Nguyễn Đình San 

Nguyễn Đình San với những gì đã có, mọi người đã biết thì có thể nói ông là người thành đạt. Con người có tính cách đa dạng, luôn sống ngay thẳng, đàng hoàng, mạnh mẽ đúng với bản chất của mình, lại lãng mạn pha màu sắc hài hước, không ham hố những gì người đời dễ ham hố như ông thì khó có thể có điều gì để gọi là “bức xúc”.

Vậy mà nếu đọc trọn và kỹ cuốn sách, đến khi gấp lại, ta sẽ thấy nối bức xúc ấy quả là lớn lao và hình như mục đích của ông khi viết sách chưa đạt được: Nỗi bức xúc vẫn chưa được giải tỏa hết, vẫn còn vương vấn, ám ảnh trong tâm hồn, có lẽ sẽ đến hết cuộc đời, thậm chí còn theo ông sang thế giới bên kia.

Thời buổi này, khi các phương tiện truyền thông bùng phát, người ta có rất nhiều phương tiện để nhận biết thế giới xung quanh. Và thời gian của mỗi người hình như luôn eo hẹp hơn trước thì sách tỏ ra có phần lép vế trong việc gây chú ý cho bạn đọc. Số người tìm đến sách không phải là đã hết mà ít hơn nhiều so với trước. Phải thú vị, hấp dẫn, bổ ích lắm mới có thể đọc. Tôi cũng không là ngoại lệ.

Lâu nay, những gì Nguyễn Đình San viết, đăng trên báo chí, tôi luôn đón đọc một cách hào hứng bởi cách viết sắc sảo, phong phú thông tin, rất có phong cách của ông. Nhưng đó là những bài báo, hoặc nếu là sách thì không quá dài. Với cuốn sách rất dày như Hồi ức…bất chợt, tôi sẽ không thể khẩn trương, đọc liên tục từng trang nếu ngay từ đầu, ở phần bìa gấp không có hai đoạn ngắn Nguyễn Đình San viết như sau:

“Khi những đứa con còn nhỏ, thậm chí sơ sinh, ta thấy chúng là chỗ dựa vô cùng vững chắc về tinh thần. Vậy mà khi chúng trưởng thành, ta bỗng thấy chỗ dựa ấy trở nên lỏng lẻo. Thậm chí, chúng càng thành đạt, nên ông nọ, bà kia, ta càng cảm thấy chỗ dựa bất an. Ta thấy buồn, hẫng hụt, cô đơn như một người độc thân, không con cái”.

Và: “Quãng thời gian thú vị, nhớ lâu nhất trong cuộc đời mỗi con người không phải là tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng; tuổi trẻ đam mê, nhiều hoài bão, tràn trề nhựa sống mà là lúc đã kết thúc tuổi thanh niên, bước vào tuổi trung niên với mái ấm gia đình và những đứa con thơ chưa trưởng thành mặc dù quãng đời này vất vả nhất và cũng không còn nhiều màu sắc lãng mạn của cuộc sống lứa đôi”.

Ngẫm thấy thật chí lý. Quả là những trải nghiệm sâu sắc của một nhà tâm lý học (Nguyễn Đình San còn là tiến sỹ tâm lý học, là tác giả của trên 10 cuốn sách viết về lĩnh vực này).

Từng có nhiều người viết hồi ký, tự truyện đã vận dụng cả hư cấu. Những chuyện họ kể khiến những người biết nhiều về họ thấy không đúng với sự thực. Kể thì cũng chẳng sao nếu đó là những chuyện vô hại, không ảnh hưởng đến bất cứ ai, nhất là lại làm tăng tính hấp dẫn của cuốn sách. Nhưng dẫu sao thì bản thân sự thật mà khiến người đọc thấy thích thú vẫn cứ có giá trị hơn.

Điều đáng quý ở Hồi ức…bất chợt là tác giả đã kể chuyện một cách rất chân thật, tự nhiên và hoàn toàn trung thành với những gì xảy ra, không một chút vận dụng khả năng hư cấu. Bởi vì những điều ông viết đều có rất nhiều người chứng kiến. Họ vẫn còn nhớ mồn một, nhất là những chuyện xảy ra chưa lùi sâu vào quá khứ.

Nguyễn Đình San là một trong những văn nghệ sỹ có đời sống riêng tư không bằng phẳng, chân phương mà luôn có những đợt sóng dậy lên trong tâm hồn để dẫn tới ông phải cập hai bến bờ mới có cuộc sống ổn định. Hầu hết những ca khúc ông sáng tác - chủ yếu là tình ca - đều xuất phát từ một bóng hồng có thật ngoài đời. Và ông không ngần ngại kể lại trong cuốn sách nguồn cội ra đời những bài hát ấy. Tất nhiên không là tất cả mà chỉ một số rất ít bởi nếu kể hết, sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của nhiều “nhân sự”.

Trong cuộc đời công cán của Nguyễn Đình San, có những sự việc quả là rất… “hót”. Hai trong những vụ đó là ông đã giải thể chi bộ với tư cách người đứng đầu cơ quan và cho phá két tiền. Đó là hai “phi vụ” nổi tiếng, đình đám mà cho tới bây giờ sau khi ông đã về hưu nhiều năm, người ta vẫn còn đồn thổi. Qua cuốn sách này, bạn đọc sẽ hiểu rõ hai chuyện trên không như những gì vẫn nghe được mà thấy ở vào địa vị như ông thì bất cứ ai cũng buộc phải hành xử như vậy.

Cũng khá thú vị khi ông kể về vụ bị “lôi cổ” lên đồn công an và phải bị tạm giữ một ngày vì tội hát nhạc vàng lúc 22 tuổi, khi vừa tốt nghiệp đại học. Thật hài hước và thú vị khi người nhạc sĩ tác giả của những bài hát quen biết hôm nay như Chiều nắng, Trên dòng sông Lai Hạ, Khúc quân hành mùa xuân, Tuổi 15, Hè về… lại từng có “tiền sự” về tội hát… nhạc vàng khi đó là những bài bất hủ của các nhạc sĩ lỗi lạc thế giới như Sô-panh, Su-be, Su-man, Trai-cốp-sky, Mô-da…Tác giả kể lại sự việc này với giọng thật hồn nhiên, không một chút oán giận.

Đời sinh viên luôn được coi là quãng thời gian thơ mộng nhất. Nhưng qua những trang ông kể lại quãng đời này thì không hẳn như vậy, thậm chí những kỷ niệm đối với ông có cái chẳng mấy hay ho. Ví như vụ một cô bạn cùng lớp có người yêu đến thăm mình bị một bạn “cờ đỏ” trong lớp lập biên bản rồi bắt cả hai cùng ký vì ở trong phòng đóng cửa giữa ban ngày trong khi không bắt được quả tang họ có bất cứ hành vi gì phạm pháp. Rồi có chuyện dở cười dở khóc khi vì đói mà xin lòng trâu chết về nấu cháo ăn rồi cả lớp suốt đêm bị… Tào Tháo đuổi dẫn đến ai nấy phờ phạc, sáng hôm sau không thể lên lớp học.

Nếu nhiều hồi ức của ông được kể bằng giọng tếu táo, hài hước thì những trang kể lại những phi vụ tình ái quả là đậm chất “roman”. Tất cả những kỷ niệm đều chân thành, hết mình, si mê, say đắm và kết quả là để lại được những ca khúc và thơ trong khi đối tác tâm hồn đã “bỏ ta như những dòng sông nhỏ” – nói như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Thậm chí có người đã về cõi mây trắng từ lâu.

Nhưng đau đáu, trăn trở và nặng trĩu cõi lòng nhất là những trang hồi ức liên quan đến những người ruột thịt của ông. Là người viết “tiểu thuyết” “hai tập”. Tập 1 đã khép lại từ lâu và đang rất hiệu quả ở tập 2 mà lúc nào tác giả cũng canh cánh với những dòng, những trang của tập 1 mặc dù biết không thể sửa lại.

Đọc những trang hồi ức liên quan đến thế giới tâm hồn, đời sống tinh thần hiện tại của Nguyễn Đình San, thấy tác giả như luôn sống trong bi kịch. Đó là bi kịch từ việc những người lẽ ra phải thấu hiểu, thương ông nhất lại không được như vậy. Thảo nào mà ông viết “Ta thấy buồn, hẫng hụt, cô đơn như một người độc thân, không con cái”.

Có những cuốn sách, đọc xong, ta chẳng thấy có gì đọng lại trong tâm khảm, cứ như là chưa đọc. Nhưng Hồi ức…bất chợt của Nguyễn Đình San tuy không có gì lâm ly, gay cấn, chỉ kể những chuyện rất đời thường xảy ra trong đời tác giả, bất cứ ai cũng có thể có mà đọc xong, tôi cứ bị ám ảnh, bâng khuâng và không nguôi theo đuổi ý nghĩ về cuộc đời, về kiếp người và mọi thế thái, nhân tình.

Lê Thấu

Tin liên quan

Tin mới nhất

Thúc đẩy tài chính xanh – Hướng tới Mục tiêu Net-Zero tại Việt Nam

Thúc đẩy tài chính xanh – Hướng tới Mục tiêu Net-Zero tại Việt Nam

Nhằm chia sẻ tri thức và kinh nghiệm về phát triển tài chính xanh, dự kiến ngày 20/5 tới đây, Hội thảo quốc gia với chủ đề “Thúc đẩy tài chính xanh hướng tới mục tiêu Net-Zero của Việt Nam” sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Sự kiện do Học viện Ngân hàng phối hợp cùng Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh, Tạp chí Kinh tế - Luật và Ngân hàng đồng tổ chức.