Hương trời ủ trang thơ

Trong khoảnh khắc nào đấy, người nghệ sĩ thâu tóm được hương của trời; nhưng để có khoảnh khắc ấy, trước đó là cả một quá trình kiên trì đầy lãng mạn, săn lùng miệt mài mà rất trữ tình trong cuộc truy đuổi, không chỉ đối tượng mà cả những gì liên quan đến sự chuyển động, cái nguyên nhân dẫn tới sự phát lộ vầng sáng ánh lên vẻ đẹp phảng phất hương thơm quyến rũ từ đối tượng.

Câu thơ “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà” trong bài Buồn xưa của thi sĩ Nguyễn Xuân Sanh (1920 - 2020) không mô tả trực tiếp sự xoay vần của vũ trụ, mà qua cái nhìn thấy (“đáy đĩa”), để “đọc” ra sự dịch chuyển của cái mơ hồ (“mùa đi”), từ đó cảm nhận cái ảo ảnh (“nhịp hải hà”), mà chỉ những người có khả năng quan sát và nắm bắt bằng trực giác mới có thể tri nhận được cái nhịp đi của vũ trụ giữa các mối quan hệ giằng dịt, vừa phụ thuộc vừa độc lập, của vật chất trong không gian bao la.

Cái “nhịp hải hà” được người nghệ sĩ tri giác và cảm xúc dâng trào tự tâm can, trong khoảnh khắc bất chợt; nhưng thực ra cái khoảnh khắc ấy đã được nuôi dưỡng trong tâm hồn người nghệ sĩ từ bao giờ, chờ đợi thời điểm chín muồi mà lên tiếng bằng ngôn từ chắt lọc thành câu thơ thăng hoa, đẹp cả trong nội dung và cả hình thức biểu tả.

Nguyễn Vạn Hạnh (938 - 1018), một trong những Phật tử làm cố vấn cho vua Lê Đại Hành, đồng thời là người thầy của Lý Công Uẩn (tức Lý Thái Tổ, vị vua đầu tiên của triều đại nhà Lý) - có bài thơ Bảo các đồ đệ:

Thân như bóng chớp có rồi không,

Cây cối xuân tươi, thu não nùng.

Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,

Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông.

(Ngô Tất Tố dịch thơ)

Bài thơ cho chúng ta thấy rõ hơn cái tình của người với thiên nhiên trong mối giao hòa là không thể tách rời. “Người ta là hoa của đất”, thì rõ ràng người là bộ phận của thiên nhiên, là loài sinh vật cao cấp bậc nhất do tạo hóa sinh ra, được ví là “tiểu vũ trụ”; nhưng rồi, xét tận cùng, người cũng như “ngọn cỏ”, như “giọt sương” - những vật chất bé mọn mà ôm cả trời - đất vào lòng, cũng là những “tiểu vũ trụ” góp nên vũ trụ vô cùng tận.

Sự xoay vần, biến chuyển của thiên nhiên, theo nhịp điệu mùa, là thường hằng, đến rồi đi, đi rồi lại đến, đắp đổi tuần hoàn, kéo theo sự luân hồi của loài người, khiến cuộc đời mỗi con người thành vô thường (“Thân như bóng chớp có rồi không”). Vậy, “thịnh suy” là quy luật phổ biến, hà cớ phải sợ hãi. Hãy như “ngọn cỏ giọt sương” an nhiên, tự tại trước dịch biến của thiên nhiên.

Hương trời ủ trang thơ - 1

Ảnh minh họa 

Mãn Giác (1052 - 1096) là một thiền sư thuộc đời thứ 8 của dòng thiền Vô Ngôn Thông ở Việt Nam. Cuối tháng 11 năm 1096, trước khi tịch, Sư gọi mọi người đến và đọc bài kệ, được biết dưới tên Cáo tật thị chúng (dịch là Có bệnh bảo với mọi người):           

Xuân ruổi, trăm hoa rụng,

Xuân tới, trăm hoa cười.

Trước mắt, việc đi mãi,

Trên đầu, già đến rồi.

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,

Đêm qua sân trước một nhành mai.

(Ngô Tất Tố dịch thơ)

Thái độ lạc quan của Mãn Giác Thiền sư là sự lạc quan của người cập tuổi “tri thiên mệnh” (Sư tịch khi mới 45 tuổi): cái gì “đi” đều để lại bóng hình cho nuối tiếc, đồng thời ôm ấp “cái mầm” của sinh sôi, nảy nở; “một nhành mai” rực rỡ trong điêu tàn của một sớm xuân, xóa tan mọi dấu vết của rụng rơi với mái đầu pha sương điểm bạc; trong cái “hết” nhú lên cái “bắt đầu”, hiển hiện niềm khao khát mới - hiện thực đấy mà cũng hiện sinh đấy!

Hòa mình trong thiên nhiên là cách sống của các bậc hiền giả, những người trân quý sự sống, tôn trọng mọi ân huệ của tạo hóa ban cho, chủ động tiếp nhận tất cả “tính khí” thất thường từ hoàn cảnh, điều kiện ngoại giới của tự nhiên tác động, mà trên hết là sự thấu hiểu cái nguyên lý tiên quyết của các yếu tố địa lý đối với sự hình thành nền văn minh, tiến tới xác lập nền văn hóa dân tộc mang tính truyền thống và làm nên những bản sắc đậm đà của các vùng miền, nhân tố thúc đẩy sự phát triển và lưu giữ các loại hình nghệ thuật dân gian, trong đó đặc biệt là kho tàng ca dao, tục ngữ.

“Đất nào cây nấy”, rồi “Đất lành, chim đậu”, tựu trung là “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa” - trở thành cái “đạo ứng xử” giữa con người và con người, giữa con người với thiên nhiên, và ứng xử với chính mình; khi tác động vào thiên nhiên để thu về ích lợi cho mình thì phải biết trả lại và chăm sóc thiên nhiên, hình thành nên mối quan hệ “nhận và cho”, mà “cho mới là được”…

Ủ trong trang thơ, hương trời đem lại cho người thưởng thức những xúc cảm đầy thi vị, lấp đầy những khoảng trống trong tâm tư, xóa tan mọi ưu phiền, để tiếp tục ngẩng cao đầu trước phong ba bão táp của cuộc đời - phép lũy thừa của trầm luân, liên đới giữa đổi thay thường xuyên và bất ngờ của các yếu tố thiên nhiên và thăng giáng thiện - ác ở cõi người.

Có lẽ không ngoa khi nói rằng: ngày nay, trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, việc đọc các tác phẩm văn học trên mạng có nhiều lợi thế, nhưng không thể nào hưởng thụ đầy đủ hương trời bằng việc đọc bằng văn bản in trên giấy - một điều thật dễ hiểu (!). Bởi, hương trời là sự kết tụ năng lượng của vũ trụ, được người nghệ sĩ thu nhận bằng trực giác mẫn cảm, lan tỏa và thẩm thấu vào tâm hồn, biến cải thành năng lượng sáng tạo, hòa trộn với cảm xúc thành ý tưởng, thông qua quỹ ngôn từ chắt lọc để bày tỏ nỗi lòng sâu thẳm bằng các thủ pháp nghệ thuật, hiện lên những ẩn dụ, những cách điệu một cách trữ tình, ảo diệu, khoác chiếc áo với sắc màu thiên nhiên ái tình đa sầu đa cảm, khi bừng sáng tươi vui lúc trầm ngâm suy tưởng, khi khoan thai trầm bổng lúc dồn dập dãi bày, truyền đạt khí phách cương nhu, thuận theo dòng chảy âm dương hòa hợp.       

Việc cảm thụ hương trời từ những trang thơ không thể dừng lại ở sự “nhìn” từng con chữ tách rời, mà đọc sự liên kết, sự gọi mời của các con chữ trong vòng chuyển động của ngôn ngữ nghệ thuật. Chính sự chuyển động này bóc ra từng lớp quan hệ được tàng giấu dưới bề mặt (và cả bên ngoài) hình thức ngôn ngữ, dưới dạng các thể thơ - quan hệ ngữ nghĩa, ý tưởng, quan hệ nhân - quả, phát sinh và phái sinh, đồng đẳng và không bình đẳng, theo từng chữ thơ quấn quýt, dần mở toang cái thông điệp mà tác phẩm nghệ thuật hướng tới.

Đọc sự chuyển động của ngôn ngữ cho thấy cái ý tại ngôn ngoại, sự gửi gắm tâm hồn ẩn trong hình thức biểu tả; cũng là đọc thấy cái quan hệ vô thường trong nghệ thuật giữa người thưởng thức và người sáng tạo, tùy theo độ thẩm thấu mà bật ra sự hiển hiện của cái đẹp toàn thể - ấy là lúc hương trời tỏa vị thơm đắm say, khiến lòng người lâng lâng, thả hồn vào thanh thản.

Hiển nhiên, một tác phẩm nghệ thuật (thể hiện bằng ngôn từ, màu sắc, âm thanh hay bằng động tác, khối hình) “ủ” được hương trời là tác phẩm tồn tại qua thời gian dài lâu và lan tỏa trong không gian không có ranh giới, tới được và thuyết phục được nhiều người; tác phẩm ấy chứa đựng sự học, sự chớp những khoảnh khắc cái đẹp từ thiên nhiên, biến chúng thành tiếng người bằng ngôn ngữ nghệ thuật, thứ ngôn ngữ không phải một cộng một bằng hai, hai nhân hai bằng bốn, mà bằng tích của phép nhân hay của phép lũy thừa mũ n, ngân nga và vang vọng giữa trùng điệp và trầm tích trong các địa tầng của lòng người.        

Mùa Xuân khởi điểm một vòng quay mới, ước thúc bốn mùa thu nạp và thôi ra hương thơm, vị ngọt mang sắc màu đặc trưng, khiến tâm hồn hòa quyện với cảnh thiên nhiên, đậm đà tình thơ:

“Mây ôm núi, núi ấp mây,

Lòng sông chẳng gợn mảy may bụi hồng.

Bồi hồi dạo đỉnh Tây Phong,

Trông vời cố quốc chạnh lòng nhớ ai.”

(Hồ Chí Minh - Ức cố nhân; T.Lan dịch thơ)

Mùa Xuân - hãy tận hưởng hương trời từ những trang thơ!

Cao Ngọc Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất