Khúc dạo của kẻ sĩ

(Đọc “Trăng vàng trải lụa” - Thơ Vũ Công Đoàn, NXB Hội Nhà văn, 2023)

Vũ Công Đoàn là một tác giả khá trẻ. Trước hết, anh là một bác sĩ với một cơ sở khám và điều trị tại thị trấn quê nhà. Huyện Trực Ninh - Nam Định thuộc miền duyên hải Bắc bộ, đón gió và nước từ cửa biển tràn vào, đón nắng chiều từ phía núi Ninh Bình hắt sang, để lại những đêm trăng trong như pha lê từ chùa Cổ Lễ rắc bạc xuống sông Hồng.

Thỉnh thoảng, chúng tôi nghe ca khúc trữ tình “Linh thiêng Thành Nam” của nhạc sĩ Vũ Công Đoàn, thật thấm đượm, truyền cho người quê cùng nghe (bài được giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2021). Biết anh đã là hội viên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam rồi Hội Văn học nghệ thuật Nam Định, là Trưởng bộ môn Thơ của Hội. Đến nay, anh đã có tới ba tập ca khúc, lời êm dịu, phảng phất chất điệu dân ca truyền đời và lấp lánh ánh sáng tươi mát của quê hương.

Thì ra, trước đó nhạc sĩ đã có một tập thơ riêng mang tên “Thuyền Trăng” - NXB Lao động ấn hành năm 2015. Mới biết, thơ và nhạc với Vũ Công Đoàn chỉ như một. “Từng giọt chiều long lanh rơi, trên má em hừng lên màu nắng mới. Từng làn mây bồng bềnh trôi thơm hương lúa mới. Câu hát văn mang tình người thơ, lồng lộng hồ Vị Xuyên xanh trong…” (Linh thiêng Thành Nam). Đọc anh thấy hướng và cách thể hiện đây như một quan điểm trong sáng tác. Đến với cái đẹp, cái nhân bản và thể hiện nó với bất cứ hình thức nào của ca từ: lời hát hay lời thơ, cứ miễn là hay, đấy là cái chất tự nhiên nghệ sĩ.

Khúc dạo của kẻ sĩ - 1

Tập thơ “Trăng vàng trải lụa”

Sau “Thuyền Trăng”, bây giờ là tập “Trăng vàng trải lụa” với gần 270 bài thơ thể lục bát, dày dặn và “kiêu sa như thơ” vậy. Bấy nhiêu bài thơ tứ tuyệt, đều đặn, thoạt thấy chúng đan vào nhau như chiếc tổ ong, vậy mà mỗi nhóm ong cần mẫn ấy lại có chức năng khác nhau, thơ Vũ Công Đoàn cũng thế, mỗi bài, nhóm bài thể hiện ở trạng thái cảm xúc khác nhau, tạo nên một tổ hợp chuyển động khá sinh động. Anh có cái nhìn tinh tế, điềm tĩnh, giàu liên tưởng, tuy sức trẻ hôm nay thật say đắm, tự nhiên như thể vốn mọi thứ đã là thơ rồi.

Vũ Công Đoàn không cố tình viết về mảng lối nào hay đề tài nào mà anh hoàn toàn dựa vào quan sát, suy luận để ghi cảm xúc, đề thơ. Chính vì thế hình như chỉ khi thả hồn trước khung cảnh làng mạc, đắm vào dòng sông, dõi theo cánh cò trắng trên đồng ruộng… anh lập tức viết mà không ngại ngần gì khi cái khung cảnh ấy đã vốn của ca dao, dân ca và sau nữa là của tài thơ Nguyễn Bính, người cũng xuất thân từ làng quê Nam Định ngày ấy. Đấy chính là bản năng tự nhiên của Vũ Công Đoàn và thơ anh đã thể hiện được vị trí không ngần ngại ấy.  

“Bao năm lạc lõng phố phường

Trong mơ rộn rã con đường âu lo

Bến sông trăng đến hẹn hò

Đồng làng xanh, trắng cánh cò chiều rơi.

Gọi chiều, chiều mãi mênh mông

Gọi người đỏ nắng mà không thấy người”.

Có thể thấy ở tác giả, với cách tiếp cận khung cảnh rồi quy về hiện tượng, dẫn dắt cảm xúc khá bề bộn, song câu thơ thì mượt mà, như làm mới câu ca xưa một lần nữa. Ở đây hình tượng và vẻ đẹp của không gian được tác giả cụ thể hóa bằng độ dài của chính tư tưởng tình cảm mình. “Gọi chiều, chiều mãi mênh mông/ Gọi người đỏ nắng mà không thấy người” có motip tình cảm tựa trước đây nhà thơ Nguyễn Bính đã tự lượng cho mình: “Tôi ra đứng tận đầu làng/ Ngùi trông theo chị khuất ngàn dâu thưa”(Lỡ bước sang ngang).

Tập thơ với gần 300 bài (không phải tập tuyển) nghĩ là khá nhiều, song tất cả chúng đều có sức sống như nhau, rất đều tay và không hề có sự hẫng hụt hay đuối sức. Đọc bất cứ trang nào đều có thể lấy thơ ra làm dẫn bình được:

“Đồng hoang khói lửa phiêu diêu

Gom đầy trong mắt nắng chiều hanh hao

Mùa trôi vắt áo bên rào

Sông quê tiếng sóng xôn xao gọi người”.

(Gọi người)

“Con đường bến nước sương giăng

Hạ huyền gieo hạt mùa trăng em cầm

Cơn mưa, vạt áo thương thầm

Ai lang thang dốc mộng cầm xót xa”.

(Dốc mộng cầm)

Nắng vàng trải thảm triền đê

Dấu chân người ấy về quê một mình

Trên môi dấu nụ cười xinh

Tôi từ dạo ấy tơ tình chênh vênh”.

(Chênh vênh)

Hầu như các bài trong tập này đều được tác giả diễn đạt theo lối mượn hình, mượn bóng, mượn thời gian và không gian cụ thể để ước lệ hóa cho tất cả chúng trôi bảng lảng bằng tựa vào trạng thái tâm hồn của mình. Đồng thì hoang khói lửa, mùa thì trôi nổi với manh áo ướt phơi rào, nắng thì trải thảm có vệt gót chân người… Song tất cả để gột lên một sắc thái tâm trạng mà chỉ con người mới có được tư tưởng tình cảm, hay nói gọn là tâm hồn mà thôi. Người nghe sóng gọi, người xót xa ở cái dốc mộng cầm và tôi thì tơ tình chênh vênh từ dạo ấy. Ở đây, tất cả đều cứ ước lệ vậy để câu thơ giàu sức liên tưởng cho thật tình tứ, thật hoa mỹ, thật dàn trải nỗi niềm… dẫu ở mỗi bài chỉ bằng bốn câu, ta thường gọi là tứ tuyệt bởi sức hàm chứa của nó. 

Qua thơ, chúng ta tiếp cận với một tác giả có đủ phẩm chất con người để tạo nên phẩm chất thi ca. Đó chính là ánh mắt của người nghệ sĩ chân thành, chỉ nhận về cái đẹp và dành cho cái đẹp, cái dung dị của cuộc sống. Vũ Công Đoàn không nhất thiết đi tìm nội dung chủ đề cho bài thơ. Ví như phải nói về lao động, về thời cuộc hay về các biểu hiện tốt xấu trong quan hệ xã hội… mà anh thường tâm đắc với những quan sát từ tự nhiên đến tâm lý con người để tạo lập một cái tứ gọn ghẽ và thú vị. Anh không nhất thiết phải chú trọng kết cấu nhưng lại chú ý đặt vị thế các câu dẫn để dồn cho câu cuối, buông câu cuối bài nhằm tạo và kéo dài dư âm làm chúng ta thấy tấm tắc, thỏa mãn.

“Mùa đương chếnh choáng cơn say

Sương đêm còn đọng, giọt cay mắt người

Cánh hoa hứng ánh sao trời

Trăng khuya lạc giấc môi cười trong mơ”.

(Trăng khuya)

Với bề dày của một tập, rồi sẽ còn mấy tập nữa, song ở từng bài rõ ràng chúng ta thấy Vũ Công Đoàn đã rất dụng công chau chuốt cho từng bài thơ, từ những hình ảnh, nhịp điệu ấy, qua tư duy, bằng sức tưởng tượng mà tạo cái logic có vẻ rất ước lệ giữa vạn vật với con người. Đọc thơ hay rất cần cái lối tư duy ấy. Đọc những bài thơ tình của anh tôi cứ chợt thấy phảng phất đâu đó thơ của nhà thơ nổi tiếng Xuân Diệu năm xưa: “Mùa xuân chín ửng trên đôi má/ Xui khiến lòng ai thấy nặng nề” (Nụ cười xuân)… 

Như ở trên chúng tôi đã nhận thấy sự kết hợp tự thân giữa thơ và nhạc của Vũ Công Đoàn đã phát huy thế mạnh của giai điệu và ngôn ngữ, chắc chắn tạo lối gợi mở đa chiều cho hướng sáng tác của mình. Song cũng chính vì thế, thơ Vũ Công Đoàn bị hạn chế bởi chính cái chất bay bổng ấy, làm cho chúng cứ tựa như những đứa con cùng sinh trong một hoàn cảnh, ít đào sâu với những trăn trở trong quan hệ đời sống cư dân, đọng lại các nội dung xã hội trong sáng tác… Song, bằng ấy, chúng ta lại nhận ra rằng, từ phẩm chất này tạo tính nhất quán để Vũ Công Đoàn có mạch thơ rất riêng có, giàu tính sáng tạo, đây sẽ là mặt mạnh để tác giả sẽ còn đi xa hơn nữa. Với “Trăng vàng trải lụa”, bạn đọc sẽ bị níu giữ bởi nét tài hoa của thơ, cái tinh tế của ý tưởng hơn là muốn tìm xem trong ấy có gì.

Bùi Việt Mỹ

Tin liên quan

Tin mới nhất

Dấu ấn Hà Nội qua góc nhìn của những nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng

Dấu ấn Hà Nội qua góc nhìn của những nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng

Những tác phẩm nhiếp ảnh về Hà Nội của các nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng như: Trịnh Hải, Hoàng Kim Đáng, Trần Hồng, Hoàng Như Thính, Khắc Hường, Phạm Công Thắng, Trần Hải, Đăng Khoa... được trưng bày trong triển lãm “Hà Nội trong tôi” là lời tri ân, thể hiện tình yêu Hà Nội nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).