Màu Của Buồn Thương trong tác phẩm của Yasushi Inoue

Trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ và được tán tụng là xuất chúng của Yasushi Inoue thì “Súng săn” và “Bọ tuyết” là hai tác phẩm mang phong cách viết hoàn toàn khác biệt, nhưng lại có một điểm chung đặc sắc là nhuốm màu của buồn thương, của tịch liêu.

Để đi sâu vào thế giới văn chương của hai tác phẩm này, Nhã Nam phối hợp với Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (Japan Foundation) tổ chức sự kiện “Màu của buồn thương trong tác phẩm của Yasushi Inoue - Giao lưu với nhà văn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu”. Sự kiện còn có sự tham dự của Tiến sĩ Văn học Nguyễn Quyên và Tiến sĩ Văn học Trần Thị Thục - Giảng viên Khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Màu Của Buồn Thương trong tác phẩm của Yasushi Inoue - 1

Sự kiện “Màu của buồn thương trong tác phẩm của Yasushi Inoue - Giao lưu với nhà văn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu” được diễn ra tại Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam. Ảnh: Huyền Thương

Súng săn - mảng màu đen tối dữ dội

Tiểu thuyết “Súng săn” là tác phẩm đầu tay của Yasushi Inoue, được xuất bản sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc. Cuốn sách được kể dưới dạng những bức thư, được gửi từ ba người phụ nữ cho một người đàn ông: cô con gái phát hiện ra người mẹ đã khuất của mình là kẻ ngoại tình, người vợ bị lừa dối và người đàn bà ngoại tình.

Màu Của Buồn Thương trong tác phẩm của Yasushi Inoue - 2

Tiểu thuyết “Súng săn”. 

Theo nhà văn Nhật Chiêu, thoạt đầu có thể thấy rằng đây chỉ là một câu chuyện giản dị, đơn sơ nhưng mỗi câu trong đó dường như có thể kết nối người ta với nỗi buồn của nhân sinh và cũng cho độc giả thấy một điều lạ lùng rằng đôi khi trong chính nỗi buồn lại tồn tại hạnh phúc.

13 năm, người phụ nữ ngoại tình cuối cùng phải chọn uống thuốc độc tự tử, nhưng lại có một chi tiết được lặp đi lặp lại đó là câu nói “13 năm đau khổ lại là 13 năm hạnh phúc”, 13 năm tội lỗi của nhân vật lại là quãng thời gian khiến cô ta hạnh phúc. Bởi vậy, câu chuyện còn mang tính triết lý, không có đau buồn nào chỉ là đau buồn và cũng không có hạnh phúc chỉ là hạnh phúc.

Màu Của Buồn Thương trong tác phẩm của Yasushi Inoue - 3

Nhà văn Nhật Chiêu chia sẻ.

Yasushi Inoue len lỏi vào những ngóc ngách sâu xa nhất trong tâm lý con người và khắc họa những gam màu đen tối và dữ dội nhất trong nhân tính và nhân cách của mỗi nhân vật. Với “Súng săn”, trong tâm hồn mỗi nhân vật như có một con rắn gian ác đang oằn mình len lỏi, lâu nay vốn im lìm bỗng dưng cựa mình ngước mắt, gặm nhấm lấy nhân cách của chủ thể.

Bọ tuyết - màu sắc trong sáng vô ngần

Tiến sĩ Văn học Nguyễn Quyên cho biết, “Bọ tuyết” là tiểu thuyết tự truyện của Yasushi Inoue. Khắc hoạ thời thơ ấu của chính tác giả, “Bọ tuyết” là một kiệt tác đong đầy những hoài niệm cố hương và tràn ngập tinh thần trào phúng phóng khoáng.

Màu Của Buồn Thương trong tác phẩm của Yasushi Inoue - 4

Tiến sĩ Văn học Nguyễn Quyên chia sẻ.

Cuốn tiểu thuyết kể về thời thơ ấu của cậu bé Kousaku, phải rời xa cha mẹ từ khi mới lên năm, đến sống cùng bà lão Onui trong căn nhà trát đất bình dị nơi thôn dã. Vốn là vợ bé của ông cố Kousaku, bà Onui phải chịu bao điều tiếng và cái nhìn phán xét từ người làng, nhưng bà vẫn dành cho Kousaku một tình thương đặc biệt. Và cứ thế dưới đôi bàn tay bà chăm sóc, tâm hồn non trẻ của Kousaku lớn lên từng ngày giữa thiên nhiên Izu thơ mộng đầy nắng ấm và cỏ thơm.

Qua “Bọ tuyết”, Yasushi Inoue đã tái hiện trong tâm trí độc giả một tuổi thơ mà ông đã từng sống, mang những gam màu trong sáng và phóng khoáng bên người thân, bên gia đình và bạn bè dẫu cho cuộc sống của ông thời nhỏ vẫn còn nhiều thiếu thốn và khó khăn, cùng nhiều nỗi lo và nỗi buồn khắc khoải về gia đình và thế giới ngoài kia.

Màu Của Buồn Thương trong tác phẩm của Yasushi Inoue - 5

“Bọ tuyết” mang đến khung cảnh thân thuộc trong tuổi thơ của những đứa trẻ thôn quê.

Nhà văn Nhật Chiêu nhận định, gam màu của “Bọ tuyết” là một bảng màu sáng rực rỡ, với những cảnh sắc thiên nhiên Nhật Bản trải rộng và nên thơ, cùng những mùa hè bất tận và đáng nhớ.

Thiên nhiên đóng một vai trò rất quan trọng trong tiểu thuyết “Bọ tuyết”, là khung cảnh thân thuộc trong tuổi thơ của những đứa trẻ thôn quê, cũng là đại diện cho nét hồn nhiên trong sáng của chúng. Cảnh những đứa trẻ nô đùa đuổi theo những con bọ tuyết trên đường là thể hiện rõ ràng nhất cho bức tranh sáng rạng và gần gũi với thiên nhiên của cuốn tiểu thuyết này.

Sắc màu cô liêu trong sáng tác của Yasushi Inoue

Theo Tiến sĩ Văn học Trần Thị Thục, trong tác phẩm đầu tay “Súng săn”, sắc màu của buồn thương gần như bao trùm lên toàn bộ cuộc đời của các nhân vật được nhắc đến.

Màu Của Buồn Thương trong tác phẩm của Yasushi Inoue - 6

Tiến sĩ Văn học Trần Thị Thục chia sẻ.

Trong bức thư của cô con gái gửi cho người chú của mình, cô gái đã nhắc đến một màu sắc mới không có trong hộp màu thường thấy, một thứ màu “ủ dột, như thể mặt trời đang lặn”. Ngoài hơn ba mươi màu sắc mà cô có thể tìm thấy trong hộp thuốc vẽ, như đỏ và lam, còn có một màu buồn riêng, và rằng cái màu buồn này là thứ ta có thể nhìn thấy tận mắt.

Sắc màu của buồn thương, của cô tịch cô liêu nhắc đến trong “Súng săn” cũng là đặc trưng trong sáng tác của Inoue thường được giới phê bình văn học trên toàn thế giới nhắc đến. Đó là sắc màu của một nét văn chương đậm chất Nhật Bản, đậm sắc sabi của một nỗi buồn tịch liêu.

mối tình sai trái của mẹ mình, con gái Shoko không còn có thể nhìn thế giới này theo cách bình thường nữa. Cô luôn cảm thấy thế giới mà cô thấy bị nhuốm một sắc màu lạ, một sắc ủ dột như thể mặt trời đang lặn. Đó chính là màu của buồn thương. Inoue đã sử dụng rất nhiều gam màu dữ dội để miêu tả tâm lý nhân vật trong “Súng săn” nhưng đều mang một điểm chung là để thể hiện những nét buồn thảm trong tâm lý con người.

Với Midori - người vợ trong câu chuyện, được Inoue miêu tả là “một con rắn nhỏ màu nâu đỏ, sinh trưởng ở vùng đất phương Nam nào đó”, với những nọc độc chết người tiềm tàng bên trong, sẵn sàng khiến ai đó phải bỏ mạng. Cô giấu kín chuyện ngoại tình của chồng và chị họ như một bí mật khôn cùng, cay nghiệt bắn ra những ẩn ý về phía chị gái họ, thầm lặng giả lả với người chồng ngoại tình. Cô là người lạ, là người cô đơn trong chính gia đình của mình.

Màu Của Buồn Thương trong tác phẩm của Yasushi Inoue - 7

Độc giả chia sẻ những ấn tượng về văn chương Yasushi Inoue.

Khác với “Súng săn”, gam màu của “Bọ tuyết” mang nhiều nét tươi sáng hơn, tuy nhiên cũng không tránh khỏi những nét màu buồn thương và cô đơn. Đằng sau những khung cảnh thiên nhiên gắn liền với thời thơ ấu của lũ trẻ cũng là những chi tiết thể hiện nỗi sợ và buồn thương trong số phận của cậu bé Kousaku.

Trong tuổi thơ của Kousaku, cậu bé không chỉ trải qua những gì là êm đềm và vui vẻ mà còn phải chứng kiến cả những tan vỡ và chia ly. Giống như hình ảnh bọ tuyết mà Inoue miêu tả, “không trắng muốt mà có lẫn một chút màu xanh biếc. Lúc trời còn sáng trông chúng trắng, nhưng khi bóng tối dần phủ xuống, sắc xanh của chúng rõ nét hơn”, “dập dờn bay múa giữa khoảng không bắt đầu nhuốm màu bóng tối”, nét buồn tịch liêu bàng bạc đặc trưng của Inoue đã thể hiện rất rõ ở đây.

Màu Của Buồn Thương trong tác phẩm của Yasushi Inoue - 8

Buổi trò chuyện đã đi sâu vào thế giới văn chương của Yasushi Inoue qua hai tác phẩm "Súng săn" và "Bọ tuyết".

Nhà văn Nhật Chiêu nhấn mạnh, cả hai tác phẩm này xứng đáng được đón nhận nồng nhiệt hơn vì đây là kiệt tác, là hai tác phẩm cực kỳ tinh tế. Yasushi Inoue đã đặc tả cái buồn, cái bi luỵ mà mỗi nhân vật phải chịu đựng trong cuộc đời của mình, tuy mang danh nghĩa cá nhân nhưng nó lại có thể phóng màu sắc buồn thương của mình, để lại một ấn tượng trong không gian, thời gian của cõi người.

Yasushi Inoue là văn sĩ người Nhật chuyên sáng tác thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết. Ông sinh lại Asahikawa. Sau khi tốt nghiệp khoa Triết học Đại học Kyoto, ông làm việc tại tòa soạn báo Mainichi Shimbun.

Màu Của Buồn Thương trong tác phẩm của Yasushi Inoue - 9

Tác giả Yasushi Inoue

Năm 1949, ông nhận giải thưởng văn học Akutagawa với tác phẩm Đấu bò. Năm 1951, ông nghỉ làm tại tòa soạn để chuyên tâm sáng tác và đã cho ra đời hàng loạt kiệt tác văn học. Năm 1976, ông nhận Huân chương Văn hoá vì những cống hiến đối với văn hóa Nhật Bản. Từ năm 1981 đến năm 1985, ông là hội trưởng của Hiệp hội tác gia Nhật Bản (Pen Club). Ông mất năm 1991.

Các tác phẩm tiêu biểu của Yasushi Inoue có thể kể đến: “Đấu bò”, “Súng săn”, “Tường băng”, “Mái ngói Tempyo”, “Đôn Hoàng”, “Bọ tuyết”...

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất