“Miền xanh thẳm”: Kỷ niệm 80 năm ngày sinh nhà văn Trần Hoài Dương
Nhắc đến Trần Hoài Dương (1943 - 2011), bạn đọc nhớ ngay đến một nhà văn có hạng, suốt đời chuyên viết cho thiếu nhi, đạt hiệu quả nghệ thuật cao. Ông viết nhiều mẩu chuyện, truyện ngắn, đã công bố trên hai mươi cuốn sách. Ngoài cuốn Bên ngoài mái trường (tiểu thuyết duy nhất, 1983), ông có các truyện dài: Hoa của biển (1976), Mầm đước (1994), Nàng công chúa biển (2009) và Miền xanh thẳm (2000). Không kể cuốn Trần Hoài Dương - con người và tác phẩm (2015) được công bố sau khi tác giả qua đời, thì Miền xanh thẳm thuộc những cuốn sách cuối cùng của ông, chỉ trước cuốn Huyền thoại về loài chim cánh cụt hai năm.
Miền xanh thẳm được ấp ủ từ quãng năm 1980. Quãng năm 1986, 1987, Trần Hoài Dương viết được một cuốn khoảng 300 trang dưới dạng hồi ký, Nhà xuất bản Trẻ nhận in, nhưng sau đó tác giả dừng lại. Đến cuối năm 1995, ông gửi thư cho bạn thân ở ngoài Bắc, báo tin: “Viết được cuốn truyện về thời thơ ấu của mình (tên là Miền xanh thẳm). Mình thích lắm. Có lẽ là cuốn khá nhất của mình”. Thế mà, bản thảo lại vẫn dở dang.
Những năm qua đi, trong thư gửi Triều Dương (25/11/1999), Trần Hoài Dương viết: “Sáu tháng vừa qua mình ngồi lỳ trong nhà để viết cái mà mình ấp ủ hơn hai mươi năm nay. Đó là bản thảo mình lấy tên là Miền xanh thẳm, viết về thời thơ ấu và niên thiếu của mình. Lâu không viết dài, vả lại thời buổi nhốn nháo quá, tâm mình không yên cho nên ngồi lỳ suốt 3 tuần lễ, ngày nào cũng ngồi đủ 12 tiếng mà không viết được lấy một dòng. Cuối cùng, sang tuần thứ tư thì bắt đầu khơi được mạch...”.
Trần Hoài Dương định danh thể loại cho tác phẩm của mình là truyện dài là hợp lý. Thật ra, đây là cuốn hồi ký tự thuật về tuổi thơ của chính tác giả có xen lẫn hư cấu, mang rõ chất truyện.
Tên tác giả ở ngoài đời là Trần Bắc Quỳ, lấy bút danh là Trần Hoài Dương. Ông tâm sự: “Thường thì tên các anh chị tôi do bố tôi đặt cho. Riêng tên tôi, mẹ tôi giành đặt lấy. Khi vào nhà hộ sinh, thấy mẹ tôi đã sinh con trai, bố tôi định đi làm giấy khai sinh thì mẹ tôi cười bảo đã nói bà đỡ làm rồi. Mẹ tôi rất yêu hoa, thích hoa hồng, đặc biệt là hoa quỳ, tức hoa hướng dương. Chắc mẹ mong mỏi con trai mẹ cũng giống như loài hoa ấy, lúc nào cũng hướng về phía mặt trời, hướng về phía ánh sáng, phía ngay thẳng, chính trực, phía của cái đẹp, hướng thiện…”. Một số người trong gia đình ông cũng có tên trong tác phẩm.
Truyện kể về một cậu bé trai tên là Trần Hồng Thiện, khoảng 13, 14 tuổi, rời nhà từ Hà Nội lên vùng trung du tỉnh Bắc Giang trọ học. Ấy là thời kỳ sau kháng chiến chống Pháp, hòa bình lập lại, nhân dân miền Bắc tuy còn nghèo khó nhưng sống yên vui, cần cù lao động. Nhân vật trung tâm của truyện dài gần như trùng khít với tác giả. Một số người trong gia đình cũng được nói đến.
Chọn thể loại truyện, tác giả không bị trói cứng vào hồi ức cụ thể, có thật hoàn toàn (như ký) và cũng không quá bận tâm về hư cấu, tổ chức hệ thống nhân vật, tính cách của họ... Có thể nói Miền xanh thẳm vừa đằm thắm, hồn hậu, chừng mực, vừa tự nhiên, khoáng đạt, bay bổng.
Nhà văn Trần Hoài Dương
Trần Hồng Thiện là điển hình của một thế hệ thiếu niên, chuẩn bị lên thanh niên, có tố chất của một khả năng, một nhân cách.
Trước tiên là ý thức tự lập. Đi xa để học, nhờ cậy vào bạn bè, các anh hơn tuổi, các thầy. Sau đó là lòng yêu lao động. Người thì bé nhỏ, tính tình còn rụt rè, em đã vui vẻ, bạo dạn chấp nhận vất vả, cực nhọc để cùng mọi người đi làm thuê, kiếm tiền để theo học, mong giảm bớt khó khăn cho bố. Đã ba lần cậu suýt chết: một lần đẩy xe gạch, xe lao xuống dốc, một lần vớt củi trôi trên sông Thương bị kẹp vào bè nứa, lần khác vác thanh gỗ nặng và dài trèo lên tầng cao, đang nửa chừng thì thanh gỗ chung chiêng muốn đẩy em ngã nhào.
Tình thương yêu, san sẻ vui buồn với cộng đồng và cách ứng xử luôn luôn muốn giúp đỡ người khác cũng là đức tính của Thiện mà tác giả muốn giãi bày với bạn đọc.
Chính hoàn cảnh gia đình Thiện không vui mà em muốn vượt thoát khỏi gia đình, để rồi yêu thương mọi người ở nơi xa lạ, từ đó em lại hướng về gia đình để cảm thông và yêu quý nhiều hơn. Từ đời ông, đến đời bố Thiện đều vững về kinh tế nhưng đến những năm tháng Thiện khôn lớn thì gia cảnh sa sút. Thiện tâm sự: “Thật ra trong gia đình tôi không bao giờ xảy ra những mâu thuẫn lớn, thậm chí suốt trong mấy chục năm, chưa bao giờ có một câu nói nặng lời, một cử chỉ gì gây xúc phạm đối với người này người khác. Chỉ bàng bạc một không khí uể oải, buồn chán, lạnh lùng, một sự không bằng lòng do một nguyên nhân thầm kín nào đó không dễ nói ra chi phối. Sự túng quẫn về kinh tế càng làm cho không khí trong gia đình nặng nề hơn”.
Từ đây, những dòng viết về tình yêu, lòng ham mê của Thiện đối với lao động lại chính là thông điệp của tác giả gửi đến tất cả bạn đọc, không chỉ là trẻ thơ. Cảnh rộn ràng trên sông Thương là một thí dụ tiêu biểu về tinh thần lao động của nhân dân ta khoảng những năm sau 1954 trước 1965:
“Dưới sông, thuyền bè qua lại tấp nập. Nhiều nhất là những thuyền chở cát, chở gạch, đá. Cờ đỏ, cờ xanh hòa bình trên mũi thuyền, sau đuôi thuyền. Không khí những ngày mới hòa bình vẫn chưa phai nhạt. Ven sông san sát những bè gỗ, bè tre nứa đang nằm chờ được bốc dỡ. Tiếng gọi nhau í ới. Tiếng máy nổ xình xịch. Tiếng xe rồ. Tiếng ngựa hí. Tiếng người la hét… Trăm ngàn âm thanh hỗn tạp vẫn không át được tiếng vỗ óc ách, dào dạt của những con sóng táp vào mạn những con thuyền đang chầm chậm trôi trên sông”.
Một phẩm chất đang quý của Thiện - nếu không nói là bậc nhất - đó là sống có lý tưởng. Em có năng khiếu sáng tác văn chương, ý thức ham đọc, học và viết, có ước mơ, hoài bão. Thiện từng thổ lộ: “Cả một thế giới bao la nhiều màu nhiều vẻ, lung linh kỳ ảo và lầm lụi bùn đất hiển hiện trước mắt tôi, đem lại cho tôi biết bao hiểu biết, nâng tâm hồn tôi bay bổng trong thế giới của cái Thiện và cái Đẹp”.
Trần Hoài Dương viết rất hoạt, dù ca ngợi cái tốt nhưng không đơn điệu, xơ cứng. Một số chuyện cổ tích mà bạn của Thiện kể ra một cách hồn nhiên cũng cuốn hút người đọc. Chuyện về một người đàn bà nọ chửi mắng kẻ trộm gà, thật thú vị. Chửi có bài bản, có vần điệu lên bổng xuống trầm. “Nhiều khi bà vừa xắn váy quai cồng vừa nhảy chồm chồm, hai tay xỉa xói về phía trước, y hệt mấy con ngỗng cái vươn những chiếc cần cổ dài ngoẵng xỉa xói nhau. Bọn tôi đứng nhìn bà chửi, ôm bụng cười, thế là bà cũng bật cười, đuổi theo chúng tôi, cười xòa. Mỗi lần chửi xong, bà lại cười nói vui vẻ, cứ như là chưa hề xảy ra chuyện vừa rồi”.
Điều lẽ ra nên nói ngay từ đầu, nhưng coi như một món rất ngon, muốn để dành đến lúc này. Đáng chú ý là vẻ đẹp thiên nhiên trong văn của Trần Hoài Dương. Trần Hoài Dương yêu thiên nhiên, đất nước đến mức say đắm. Tình yêu đó tác giả truyền cho bạn đọc và trước đó đã truyền cho nhân vật. Dưới ngòi bút của nhà văn, thiên nhiên làng quê, cây vườn, gia súc, chim muông, sông bãi có hồn, chúng rất non tơ, xanh trong và sáng sủa.
“Miền xanh thẳm” của Trần Hoài Dương
Viết về thiên nhiên, văn Trần Hoài Dương luôn luôn giàu mỹ cảm: “Chọn một triền đê thoai thoải có đám cỏ mượt, bọn tôi lăn toài ra nằm. Ngửa mặt lên ngắm trời mây, dang chân dang tay ra thoải mái, sao mà thú vị đến thế! Trời xanh ngút ngát, ban nãy vừa thấy mấy cụm mây bông non bay nhởn nhơ, thoáng cái đã mất hút, hình như chúng đã tan hòa vào sắc xanh không cùng… Mặt sông nhấp nhánh ngàn vạn những đốm sáng nhảy nhót, nhìn đến lóa mắt. Nắng loang loáng sắc vàng phơi phới bay khắp trời. Tinh ý, có thể nhận ra những sợi tơ trời mỏng mảnh lả lướt óng ánh thoáng hiện rồi lẳng lặng biến mất…”.
Trần Hoài Dương dành hầu hết cuốn sách viết về em Thiện sống ở vùng trung du Bắc Giang khoảng hai năm. Tuy nhiên, những dòng viết về Hà Nội tuổi thơ cũng rất gợi cảm, tạo được niềm xúc động ở người đọc. Đấy và hai miền quê văn chương của ông. Tâm sự dưới đây là của Thiện, cũng là của tác giả:
“Sau này tôi nhớ lại, tôi nghiệm thấy trong đời tôi có hai vùng đất mà tôi chịu ơn sâu nặng, hai vùng đất đã in hằn trong tôi những kỷ niệm khó phai mờ, đó là Bắc Giang và Hà Nội. Bắc Giang đã nuôi tôi gần suốt cả thời thơ ấu và niên thiếu, đem lại cho tôi lòng yêu con người, đã để lại trong tôi những ấn tượng mạnh mẽ về thiên nhiên với những cảnh sắc miền trung du đầy mê hoặc.
Những triền đồi thoai thoải, những con đường mòn son đỏ ẩn hiện giữa những bụi sim mua, những làn gió heo may rải đồng, những cây sau sau thân trắng mốc, lá vàng chanh run rẩy trong gió lạnh, những cánh bãi miên man những cây chè đồng, cây chổi suể hoa vàng có mùi bạc hà thơm mát, những chân trời xa tít tắp… Còn Hà Nội mang lại cho tôi ánh sáng của học thức, trí tuệ, nét tài hoa, tâm hồn tinh tế, lịch lãm…”.
Miền xanh thẳm Bắc Giang thời thơ ấu và niên thiêu của nhà văn Trần Hoài Dương mãi mãi là nơi hướng đến say mê đối với những ai yêu văn chương, yêu tuổi thơ, yêu đất nước làng quê Việt Nam, mong muốn được rưng rưng xúc động gặp lại những ngày xưa thương mến.
Không học qua một trường lớp nào về báo chí, từ một sinh viên sư phạm tiếng Nga, rồi giảng dạy tiếng Nga ngót nghét...
Bình luận