Một nhà báo tình cờ với tình yêu tất yếu
Không học qua một trường lớp nào về báo chí, từ một sinh viên sư phạm tiếng Nga, rồi giảng dạy tiếng Nga ngót nghét cả thập kỷ nhưng sau này ông vẫn gắn bó sâu đậm với nghề báo và đặc biệt hơn, gia đình 5 người của ông lại cùng chung một nghề. Ông là nhà báo lão thành Lê Thấu, người có đi từ Bắc vào Nam hay từ Nam ra Bắc thì cái duyên, cái nợ với nghề vẫn luôn đeo đuổi ông. Ở tuổi 84, ngồi ngẫm lại chặng đường đã qua, ông vui vẻ gọi mình là: “Một nhà báo tình cờ”!
Một nhà báo tình cờ
Ngày ấy, trong tâm thế một chàng thanh niên gốc Hà Nội, lại con nhà gia giáo ông đã lựa chọn trở thành một thầy giáo dạy tiếng Nga và đến bây giờ khi được hỏi, ông bảo vẫn sẽ đi con đường ấy vì nếu không sẽ chẳng có được nhân duyên với bà xã của mình. Nhân duyên ấy đặc biệt như thế nào thì chuyện hay còn ở phía sau, trước hết, ta nên xem điều gì đã khiến thầy giáo tiếng Nga trở thành một nhà báo có tiếng.
Nhà báo Lê Thấu. (Ảnh: NSNA Hoàng Kim Đáng)
Với giọng kể hào hứng, khi bổng khi trầm, nhà báo Lê Thấu đã hồi tưởng lại những kỷ niệm đã cách nay cả nửa thế kỷ. Khi ấy ông đã lập gia đình và có con nhỏ, đã có những lời mời, đề nghị, thôi thúc ông đưa vợ con vào Tây Nguyên làm việc và sinh sống với những điều kiện để phát triển và thăng tiến tốt hơn.
Sau nhiều lần suy nghĩ ông đã quyết định cùng gia đình vào Đắk Lắk định cư nhưng không vì mục đích tìm danh mà ông hiểu rằng ở đó đang rất cần trí thức. Khi đó, ông chịu ảnh hưởng rất nhiều từ tác phẩm “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc, ông đặc biệt muốn trở thành một nhà văn, muốn dùng ngòi bút của mình để viết về cuộc sống hiện thực đầy sinh động của vùng đất này.
Tại Đắk Lắk, ông bắt đầu tiếp xúc với nghề báo với vai trò là một phóng viên thường trú của báo Nhân dân. Giai đoạn này ông đi nhiều, viết nhiều, gặp gỡ nhiều nhà văn, nhà báo tên tuổi lên thăm Tây Nguyên. Đây cũng là thời điểm ông không ngừng trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ báo chí và viết văn.
Trong một lần “điếc không sợ súng”, một mình đi tác nghiệp để viết phóng sự về một ông Bí thư xã người dân tộc Ba Na, ông đã trải qua một câu chuyện ly kỳ, mà sau đó giúp ông nhận ra rằng “chỉ khi từng trải thì người ta mới viết được những câu văn huyết lệ”. Nhân vật ông Bí thư đó sau này cũng trở thành nguyên mẫu để ông viết nên tập truyện ký "Trong căn nhà sàn bé nhỏ" – một tác phẩm đầy ắp chất liệu cuộc sống, sau này giúp ông trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Bìa tập truyện ký "Trong căn nhà sàn bé nhỏ".
Năm 1982 ông trở ra Hà Nội theo sự phân công công tác, ông làm việc tại báo Nhân Dân và sau đó giữ chức Phó ban Nhân dân chủ nhật. Nhưng mười năm sau, ông lại “nằng nặc đi khỏi Báo Nhân dân”, lại một lần nữa xê dịch để đến một công việc mới.
“Tôi đi vốn không phải để tìm danh tìm lợi, tôi là người có bệnh nan y, vợ tôi cũng có bệnh, các con thì nhỏ nên tôi về làm việc tại Bộ Y tế với hy vọng được tiếp cận với nhiều bác sĩ giỏi để tìm đường chữa bệnh”, nhà báo Lê Thấu chia sẻ.
Sau 2 năm làm trợ lý Bộ trưởng Y tế, cánh cửa nghề báo lại một lần nữa mở ra đón chào ông, ông trở thành Tổng biên tập của báo Sức khỏe & Đời sống. Tại đây, ông đã cùng với các đồng nghiệp xây dựng nên một tờ báo vững mạnh, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Ông cống hiến tại báo Sức khỏe & Đời sống cho đến khi về hưu năm 67 tuổi, nhưng chỉ một thời gian sau, ông lại nhớ nghề, lại tiếp tục làm Tổng biên tập của Tạp chí Sức khoẻ cộng đồng thêm 5 năm nữa.
Nhà báo Lê Thấu tại Thời báo Văn học nghệ thuật tháng 3 năm 2023. (Ảnh: NSNA Hoàng Kim Đáng)
Đến nay khi đã ở tuổi 84 ông vẫn tiếp tục gắn bó với nghề báo. Năm 2020, khi Thời báo Văn học nghệ thuật ra đời, nhà báo Lê Thấu theo lời mời ân tình của Tổng biên tập Hoàng Dự lại về tờ báo này với vai trò cố vấn Tổng biên tập.
Nghề báo - cái nghề mà ông cho là duyên, là nợ, là tình cờ mà lại hoá bền lâu.
Người chơi bóng bàn từ trẻ đến già
Gắn bó sâu nặng với nghề báo như vậy, nhà báo Lê Thấu luôn tâm niệm phải cống hiến hết mình, làm việc tận lực, tận tâm. Bên cạnh việc chăm lo cho chất lượng của từng bài viết, sự phát triển của toà soạn, thì từ khi là Phó Ban Nhân dân chủ nhật hay trong vai trò Tổng biên tập, nhà báo Lê Thấu đã luôn dành thời gian vun vén, cổ vũ tinh thần yêu thể thao cho các nhà báo.
Ông đã cùng Tổng Biên tập báo Hànộimới Hồ Xuân Sơn sáng lập Giải Bóng bàn Cúp Hội Nhà báo Việt Nam, qua nhiều mùa giải thì đây vẫn luôn là sự kiện quan trọng đối với người làm báo trong cả nước, là một sân chơi hữu ích giúp rèn luyện sức khỏe tinh thần, tình đoàn kết, chuyên nghiệp.
Nhà báo Lê Thấu tham gia Giải bóng bàn Cúp Hội Nhà báo Việt Nam 2017 ở tuổi 80. (Nguồn ảnh: Zing)
Nhà báo Lê Thấu tham gia giải đấu này từ những mùa giải đầu tiên cho đến tận mùa giải năm 2017 ông vẫn hào hứng tham dự, với niềm đam mê cùng những đường bóng tinh tế và khéo léo ông đã được Ban tổ chức mùa giải năm đó ghi nhận và trao thưởng cho vận động viên cao tuổi nhất.
Ông chia sẻ, bóng bàn với ông là một tình yêu bền chặt, ông đã gắn bó với môn thể thao này từ trẻ đến già. Ông bắt đầu chơi bóng bàn từ khi 5 tuổi cùng với các anh em, bạn bè của mình. Và tình yêu ấy một phần cũng được nuôi dưỡng vì ông đúng là “con nhà nòi” khi bác ruột của ông là vận động viên bóng bàn Lê Tất Cử - người từng vô địch giải bóng bàn Đông Dương.
Một tình yêu tất yếu
Nhà báo Lê Thấu còn có tình yêu sâu nặng với một người con gái Quảng Ngãi xinh đẹp, người sau này trở thành vợ ông – nhà thơ Hương Nghiêm. Nhắc đến bà, đôi mắt ông lấp lánh hơn hẳn và đó là biểu hiện khi người ta kể về điều mà mình luôn trân quý.
Đến bây giờ ông vẫn nhớ như in những ấn tượng ban đầu về người bạn đời của mình: “Đẹp! Cô ấy rất đẹp, cô ấy là hoa khôi, đã học giỏi lại còn nhanh nhẹn, sắc sảo, hoạt bát, luôn sôi nổi trong các phong trào của trường lớp”. Ông luôn thầm cảm kích bởi bà khi ấy đã lựa chọn ông, cảm kích vì một người con gái miền Nam tài sắc như vậy lại chấp nhận lấy mình nên ông đã yêu thương bà nhiều hơn từ khi đó.
Nhà báo Lê Thấu và nhà thơ Hương Nghiêm thời trẻ. (Ảnh: NVCC)
Hồi còn trẻ ông bà có một mối tình đẹp vô cùng nhưng điều làm người ta khâm phục hơn là sau bao thăng trầm của cuộc sống, sau biết bao cái đằng đẵng của thời gian thì mối tình ấy đến nay vẫn còn lại, vẫn bền chặt, vẫn đậm sâu.
Ông xem nghề báo là một nghề tình cờ nhưng tình yêu với nhà thơ Hương Nghiêm ông gọi là “một tình yêu tất yếu”, vì nó xuất phát từ hai người hợp nhau, yêu thương nhau, biết cảm thông và hơn hết là đều yêu các con, mong các con có một cuộc sống hạnh phúc. Ngần ấy năm, ông cứ như một người bác sĩ cần mẫn, vết thương này rỉ máu ông lại nhẹ nhàng khâu lại bằng những sợi chỉ mềm mại, đong đầy yêu thương.
Mái ấm hạnh phúc, đong đầy tình yêu thương của nhà báo Lê Thấu. (Ảnh: NVCC)
Với ba tình yêu lớn của cuộc đời mình: yêu gia đình, yêu nghề báo và yêu môn thể thao bóng bàn, dù là tình cờ hay tất yếu thì nhà báo Lê Thấu vẫn luôn ân cần chăm chút cho những điều mình yêu mỗi ngày. Tôi có hỏi ông làm sao có thể yêu một cách bền lâu như vậy, thì ông bảo cần phải trân trọng kỷ niệm, cảm thông, thấu hiểu và tận tâm hết lòng.

Đại tá, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Ứng Duy Thịnh, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ...
Bình luận