Một cái Tết trong rừng

Cuối năm 1974, anh Ba Thảo và tôi đại cho Tiểu ban Giáo dục Biên Hòa dự Đại hội Giáo dục toàn miền Nam họp tại R. Ở R một tháng thì chúng tôi về. Đoàn trở về gồm có anh Hai An - đại diện giáo dục Bà Rịa, anh Lê Hoàng Nhật - đại diện giáo dục Tân Phú, anh Ba Thảo và tôi. Chúng tôi còn hai xe chở sách giáo khoa, phần lớn là sách bổ túc văn hóa.

Chúng tôi đi từ R về tới Bù Đốp, đụng ngay cái Tết. Chiều 30 Tết, bốn chúng tôi và hai anh tài xế phải tổ chức một cái Tết sao cho được được. Tôi căng lều bạt, kiếm mấy khúc cây làm ghế, vần thùng sách giáo khoa làm bàn. Kiểm lại thực phẩm thì còn hai hộp thịt, bột ngọt, mắm ruốc, hai ký đường, chỉ thiếu rau, đậu xanh, bánh tét thôi. Lúc đó, tôi là người trẻ nhất đoàn nên được cử cùng một đồng chí tài xế đến nhà dân mua bánh tét và đậu xanh. Kết quả thật đáng mừng, sau khi nghe chúng tôi giãi bày hoàn cảnh trớ trêu phải ăn Tết dọc đường, một nhà dân đã cho chúng tôi ba đòn bánh tét và một ký đậu xanh. Không tốn một xu, cả đoàn mừng rỡ vì thành tích dân vận ấy.

Một cái Tết trong rừng - 1

Minh họa của Ngô Xuân Khôi.

Ở nhà, anh Lê Hoàng Nhật đã đi hái rau dền ở gần đấy. Xong, anh Nhật và tôi được nghỉ, đến lượt anh Ba Thảo và Hai An làm đầu bếp. Món ăn đơn giản, nấu lại hộp thịt, nấu canh rau dền và nấu một nồi chè. Nấu nướng xong thì trời vừa tối, chúng tôi ăn cơm. Anh Hai An có sẵn một bình rượu rót ra mỗi người một ly nhâm nhi. Cơm xong, Ba Thảo, Hai An, Nhật ngồi đánh "tiến lên" chờ giao thừa. Anh tài xế ra coi xe. Tôi nằm lắc lư toòng teng trên võng nhìn ra mênh mông tối sẫm, xa xa có một vài ánh lửa, thỉnh thoảng có tiếng ô tô rì rầm trong đêm. Rồi tôi lắng nghe đài, chương trình giao thừa mà lòng thấy xôn xao, rạo rực. Lại nao nao nhớ năm nào ăn Tết ở Hà Nội, cả nhà quây quần bên mâm cỗ, chai rượu chanh đã dốc cạn. Khoảng một giờ sáng ra Bờ Hồ hái lộc. Bỗng bâng khuâng nhớ cái Tết đầu tiên ở rừng Tây Ninh, cái Tết của chi Bảy nghèo mà ấm cúng. Cái Tết ấy nằm trên sạp tre mà nhớ nhà, nhớ Hà Nội.

Tết đầu tiên xa nhà

Sống giữa rừng dầu bên dòng Vàm Cỏ

Con nhớ nhà, nhớ Hà Nội khôn nguôi

Ba mẹ và con đang sống giữa hai đầu đất nước

Những cái Tết xa nhà

Là để nối lại cái Tết dân tộc ta hoàn toàn đoàn tụ.

Nằm bên dòng Vàm Cỏ tôi đã làm bài thơ ấy.

Tôi đang miên man nghĩ ngợi thì Hai An bật dậy:

- Thôi, nghỉ chơi tụi bay, sắp giao thừa rồi.

 Tôi nhỏm dậy cùng các anh múc chè và bóc bánh. Anh tài xế cùng vào đón giao thừa với chúng tôi. Còn mười phút nữa, tiếng pháo rộ lên trên đài, chúng tôi ngó ra ngoài trời, đủ các cỡ đạn pháo đan chéo nhau đỏ rực giữa bầu trời Bù Đốp. Anh Nhật nói:

- Ba Thảo, mi cho tao mượn khẩu súng.

Anh Nhật cầm khẩu K54 bước ra ngoài trời, bóp cò, đạn vọt lên đỏ lừ. Chúng tôi cười hả hê vì góp thêm tiếng nổ cho Bù Đốp.

Mọi người xúm lại bên bàn ăn chè và bánh tét. Ăn xong, uống trà Blao và hút thuốc Ruby quen.

“Tiệc” giao thừa xong, chúng tôi lên võng nằm, nghe lời chúc Tết của Bác Hồ năm xưa và bài chúc Tết của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, bài bình luận của nhà thơ Chế Lan Viên, tiết mục tiếng thơ và ca nhạc.

Chúng tôi thao thức suốt đêm, đến tảng sáng thì chuẩn bị lên đường. Hai mươi năm đã trôi qua, ký ức tôi vẫn đậm nét cái Tết ở Bù Đốp năm nào. Điều làm chúng tôi bất ngờ nhất là chỉ ba tháng sau là miền Nam hoàn toàn giải phóng.

(Trích Hương rừng, tập truyện ký của nhà văn Bùi Quang Tú, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, năm 2000)

Bùi Quang Tú

Món quà trời ban (truyện ngắn)
Món quà trời ban (truyện ngắn)

An lặng lẽ nhìn quanh, đôi mắt ngấn lệ. Cô chợt nhận ra rằng mình chưa bao giờ cô đơn. Những người thợ khuyết tật,...

Tin liên quan

Tin mới nhất