Ngọc Minh Châu Thượng Hải
Đối với nền kinh tế đóng cửa, bế quan toả cảng của nhà Mãn Thanh, thì viên ngọc Thượng Hải vẫn sẽ mãi mãi chỉ là “viên đá họ Hoà”, âm thầm lăn lóc cho bùn đất Trường Giang phủ lấp mà thôi. Nhưng dưới con mắt diều hâu của các nhà chiến lược phương Tây thì, để có được một vị trí bàn đạp làm nhiệm vụ đổ hàng từ bên ngoài vào Trung Quốc, rồi chuyển vật tư, nguyên liệu, hàng hoá, bạc trắng từ Trung Quốc ra ngoài, tiến tới chinh phục quốc gia khổng lồ này bằng kinh tế, nếu cần thì cả bằng vũ lực, vị trí bàn đạp như thế thì không đâu có thể so sánh được với Thượng Hải...
Trung Quốc là một quốc gia có nền công thương nghiệp phát triển sớm trên thế giới, cùng với quá trình đó, các đô thị cũng ra đời với các qui mô lớn nhỏ khác nhau. Đặc biệt từ thế kỷ thứ VII sau công nguyên, thành thị xuất hiện ngày càng nhiều và phồn thịnh.
Những thành phố lớn trước hết là các kinh đô của các triều đại như Trường An, Lạc Dương thời Tuỳ Đường, Bắc Kinh, Nam Kinh thời Nguyên, Minh, Thanh... Những đô thị này vừa là trung tâm chính trị đồng thời lại là trung tâm kinh tế lớn. Ví như thành phố Trường An đời nhà Đường đã có số dân lên tới 1,5 triệu người, Nam Kinh thời Minh có 1 triệu người, Bắc Kinh có 600 ngàn người.
Ngoài các kinh đô, một số thành phố có nền thương mại tập trung cũng đã ra đời sớm và phát triển nhanh, chủ yếu ở phía Nam Trường Giang và vùng ven biển Đông Nam như Tô Châu, Minh Châu, Tuyền Châu, Quảng Châu...
Cho đến trước khi nền kinh tế hàng hoá phương Tây xâm nhập Trung Quốc, dẫn đến cuộc chiến tranh thuốc phiện và kết thúc bằng việc nhà Thanh đầu hàng, ký hiệp ước Nam Kinh (tháng 8/1842), thì Thượng Hải vẫn còn là một thương cảng nhỏ bé, chưa có vị trí đặc biệt trong nền kinh tế nhà Mãn Thanh.
Nhà Thanh bại trận, ký hiệp ước Nam Kinh với đế quốc Anh theo một số điều ước cơ bản sau: Mở 5 cửa biển cho tự do thông thương là Quảng Châu, Phúc Châu, Ninh Ba (Minh Châu), Hạ Môn, Thượng Hải; Cắt Hồng Kông cho Anh.
Tháp truyền hình Minh Châu khu Phố Đông bên bờ sông Hoàng Phố, Thượng Hải. Ảnh Nguyễn Đắc Như
Trung Quốc là một nước lớn, diện tích gần 10 triệu km2, đông dân nhất thế giới nên không một đế quốc nào thời đó có thể một mình chiếm đoạt hết thị trường này. Chính vì vậy quốc gia này đã bị nhiều nước đế quốc thoả thuận cùng phân chia, xâu xé. Sau hiệp ước Nam Kinh, chúng vội vã xây dựng các cứ điểm, bằng cách chiếm đất lập các “tô giới”, thực chất là những vùng lãnh thổ đặc biệt, hoàn toàn phụ thuộc nước ngoài.
Năm 1845, đế quốc Anh, rồi 1847 đế quốc Mỹ lần lượt lập tô giới bên sông Hoàng Phố, sau đó hầu hết các thành phố buôn bán lớn vùng duyên hải Trung Quốc đều bị khoanh vùng tô giới. Hồng Kông, Ma Cao và những vùng tô giới khác đều biến thành lãnh địa của chúng.
Từ năm 1848, Anh, rồi sau đó là Pháp và các đế quốc khác đua nhau lập ngân hàng ngoại thương tại các khu tô giới Thượng Hải.
Đối với nền kinh tế đóng cửa, bế quan toả cảng của nhà Mãn Thanh, thì viên ngọc Thượng Hải vẫn sẽ mãi mãi chỉ là “viên đá họ Hoà”, âm thầm lăn lóc cho bùn đất Trường Giang phủ lấp mà thôi. Nhưng dưới con mắt diều hâu của các nhà chiến lược phương Tây thì, để có được một vị trí bàn đạp làm nhiệm vụ đổ hàng từ bên ngoài vào Trung Quốc, rồi chuyển vật tư, nguyên liệu, hàng hoá, bạc trắng từ Trung Quốc ra ngoài, tiến tới chinh phục quốc gia khổng lồ này bằng kinh tế, nếu cần thì cả bằng vũ lực, vị trí bàn đạp như thế thì không đâu có thể so sánh được với Thượng Hải.
Thượng Hải nằm ở bờ Nam cửa sông Trường Giang, nơi dòng sông đổ ra biển Thái Bình Dương. Trường Giang có tên khác là Dương Tử, là con sông dài nhất Trung Quốc và cắt ngang đất nước từ Tây sang Đông. Lưu vực Trường Giang là nơi sinh sống của hàng trăm triệu người dân Trung Hoa, là vùng đất mầu mỡ và giàu có bậc nhất Trung Quốc.
Sông Hoàng Phố là một con sông nhỏ đầy nước quanh năm, bắt nguồn từ vùng Thái Hồ - Tô Châu, chảy về Đông, khi vào vùng ngoại vi Thượng Hải thì rẽ ngoặt lên hướng Bắc, chia thành phố Thượng Hải làm hai phần Đông - Tây, trước khi đổ vào sông Trường Giang gần cửa biển. Từ dòng Hoàng Phố lại có nhiều sông nhỏ hoặc kênh đào cắt ngang dọc thành phố, trong đó đẹp và nổi tiếng nhất là sông Tô Châu, đã tạo nên mạng lưới giao thông đường thuỷ thuận tiện, và một môi trường sinh thái hài hoà cho Thượng Hải.
Hiểu được giá trị trời cho của vùng đất này, các nước phương Tây ráo riết chuyện khai thác Thượng Hải không một ngày ngơi nghỉ. Cùng với việc hình thành các vùng tô giới, lập ngân hàng, thì hàng loạt xí nghiệp, nhà máy được xây dựng. Năm 1845, Anh lập xưởng đóng tầu bên sông Hoàng Phố. Năm 1852, Mỹ lập xưởng sửa chữa tầu ở Thượng Hải. Các xí nghiệp diêm, xà phòng, giấy, thuỷ tinh, điện, nước... mọc lên nhanh chóng ở Thượng Hải.
Phố đi bộ Nam Kinh - Thượng Hải. Ảnh Nguyễn Đắc Như
Ảnh hưởng của kinh tế tư bản phương Tây, nền kinh tế tư bản bản địa cũng được kích thích phát triển nhanh chóng. Chỉ trong vòng 20 năm cuối thế kỷ XIX, có hàng trăm xí nghiệp công nghiệp mới của các nhà tư sản Trung Quốc ra đời ở Thượng Hải, Thiên Tân, Quảng Châu, Phúc Châu...
Trong lịch sử phát triển của mình, sự thay đổi đột biến của Thượng Hải, chỉ xuất hiện từ khi nền kinh tế phương Tây xâm nhập. Sự phát triển liên tục của Thượng Hải tính đến nay chưa tới 200 năm. Trong khoảng thời gian không dài đó, nhờ hội đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà, mà chỉ từ vị thế một thành phố không mấy quan trọng về kinh tế, Thượng Hải đã tăng tốc, bứt phá lên phía trước, nhanh chóng chiếm ngôi vị chủ soái trung tâm kinh tế - thương mại của đất khổng lồ nước này.
Đến thăm Thượng Hải, du khách không thể không đến thăm bến Thượng Hải - viện bảo tàng ngoài trời còn lưu giữ gần như nguyên vẹn bộ mặt kiến trúc của các khu tô giới năm xưa. Phố Trung Sơn Đông là một phố lớn chạy ven sông Hoàng Phố, dài khoảng 4 km, phía Bắc bắt đầu từ ngã ba sông Tô Châu - Hoàng Phố, phía Nam là cầu Nam Phố.
Bến Thượng Hải chiếm phần lớn chiều dài phố Trung Sơn Đông, đây vốn là bến cảng ngày xưa, nhưng nay tầu bè không được neo đậu nữa. Bến cảng ngày xưa nay đã biến thành đường đi dạo, bồn hoa, quầy hàng lưu niệm, quán ăn uống nhẹ phục vụ du khách. Suốt dọc bờ sông đều có thành lan can cho khách tựa ngắm phong cảnh.
Chạy dọc phía Tây con phố Trung Sơn Đông là khu tô giới cũ. Tô giới mỗi nước chiếm một khu mặt tiền, rồi cứ thế lùi dần sâu vào phía trong. Trong khu tô giới mỗi nước, lâu đài, dinh thự, ngân hàng, công sở, nhà cửa, đường xá... thường được xây cất theo lối kiến trúc đương đại chính quốc, thành thử ngày nay đứng trên bến Thượng Hải nhìn sang, thấy dinh thự bề thế nguy nga, nhưng nhìn kỹ mới thấy mỗi khu có một kiểu kiến trúc khác nhau. Người ta bảo bến Thượng Hải là bảo tàng kiến trúc thế giới cũng là thế.
Trên bến Thượng Hải, sừng sững bức tượng đồng Trần Nghị - người thị trưởng đầu tiên của Thượng Hải, sau ngày thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, người mà nhân dân Thượng Hải tôn thờ như là một vị chủ tướng dũng cảm, cấp tiến, vận dụng sáng tạo đường lối của Trung ương vào thực tế sinh động của Thượng Hải, đã hạn chế được nhiều mất mát của các gian đoạn chuyển đổi cải cách và cách mạng, giữ gìn được tiềm năng kinh tế, tạo được thế tăng tốc nhanh chóng của thành phố ở các giai đoạn sau. Trần Nghị đứng trong tư thế thoải mái, miệng mỉm cười hiền hậu, mắt nhìn ra hướng bờ sông Hoàng Phố, như đang nghĩ về chương trình phát triển về phía Đông của thành phố sau này.
Du khách đến thăm bến Thượng Hải hôm nay, nhìn theo hướng nhìn của Trần Nghị thì sẽ bắt gặp một cảnh huy hoàng, tráng lệ như thực như hư. Toàn cảnh khu phố Đông hiện ra trước tầm mắt chúng ta, với tầng tầng lớp lớp các cao ốc muôn hình muôn vẻ. Tất cả đều như đua nhau vươn cao, vươn cao hơn nữa. Hình dáng kỳ vĩ đó nổi bật như được cắt dán lên bầu trời bao la. Và nổi bật giữa rừng cao ốc đó là ngọn tháp vô tuyến truyền hình mang tên Minh Châu Đông Phương. Tháp cao 468 mét, vào đầu những năm 2000 Minh Châu Đông Phương đứng thứ 3 trên thế giới về chiều cao sau tháp truyền hình Toronto (Canada) và Ostakino - Mátxcơva.
Chỉ mới 20 năm trở về trước, khu Đông Thượng Hải còn là một vùng nông nghiệp, đầm lầy ven biển, vùng ngoại thành Thượng Hải, cách biệt hẳn với khu nội thành phía Tây bởi dòng sông Hoàng Phố. Trong dân gian khi ấy đã có câu ví “Một cái giường phố Tây còn hơn một toà nhà phố Đông”. Nhưng nhờ có những định hướng đúng và các bước đi thích hợp, mà chỉ sau 20 năm, khu khai thác phố Đông đã trở thành khu phố Đông nổi tiếng thế giới.
Khu phố Đông ngày nay thực chất là một thành phố bên cạnh một thành phố. Nối hai thành phố là một số cây cầu vĩnh cửu xây từ lâu, ngoài ra còn có 2 cây cầu nổi tiếng thế giới được xây dựng và mới được đưa vào khai thác. Đó là cầu treo Nam Phố dài 8.418 mét (cả cầu dẫn), và cầu treo Dương Phố dài 7.658 mét, mà trên đỉnh tháp hai cây cầu còn có đề từ của Đặng Tiểu Bình: Dương Phố Đại Kiều và Nam Phố Đại Kiều.
Cũng cần phải nói thêm, đây là hai trong số 10 cây cầu treo dây văng lớn nhất thế giới, trong đó, cầu Nam Phố xây vào năm 1991, hoàn thành 1994. Mẫu cầu Nam Phố do một học sinh phổ thông trung học vẽ, được giải nhất trong một cuộc thi ý tưởng. Ý tưởng của em được chấp nhận và kiến trúc sư đã dựa vào đó để thiết kế.
Đi lại giữa hai khu Đông - Tây còn có 3 đường ngầm dưới đáy sông, trong đó, đường ngầm Quan Quang dài 2,2 km, sâu 35 mét, có phòng kính phục vụ khách tham quan cảnh lòng sông Hoàng Phố.
Khách sạn Thượng Hải Đại Hà trên bến Thượng Hải. Ảnh Nguyễn Đắc Như
Minh Châu Đông Phương là ngọn tháp có hình dáng độc đáo, ba chân tháp xoè ra như cái kiềng ba chân, nâng cây tháp khổng lồ với 3 quả cầu kim loại óng ánh màu hồng nhạt, hài hoà trên nền sơn chủ đạo màu ánh bạc của toàn cây tháp. Nhìn từ xa, du khách có cảm tưởng như một tên lửa khổng lồ đang chuẩn bị rời bệ phóng, bay vút vào không gian.
Khách lên tháp tham quan, ngắm cảnh, mua vé 50 tệ cũng chỉ được dừng ở quả cầu quay thứ hai, cao 263 mét. Nếu muôn lên ăn uống ở quả cầu quay thứ ba, cao 350 mét, phải mua vé 100 tệ. Thang máy ở đây lên xuống với tốc độ 9 mét và 13 mét/giây, tức là tốc độ cực nhanh, nhưng du khách dường như không có cảm giác bị dồn nén khi khởi động hoặc dừng lại.
Đứng trong phòng kính của quả cầu quay thứ hai là ta đã có thể ngắm toàn cảnh Thượng Hải. Sông Hoàng Phố như một dòng suối nhỏ chẩy dưới chân tháp, hai bên bờ sông, tầu thuyền đậu san sát giữa một rừng cần cẩu. Kia là toà nhà cao nhất Thượng Hải 88 tầng được mang tên Kim Mậu Đại Hà, đấy là toà nhà trung tâm tài chính phố Đông, tại đây, Tổng thông Mỹ Bin Clintơn khi tới thăm đã phát biểu, đại ý, chỉ cần thăm trung tâm tài chính phố Đông này, cũng đủ hiểu kinh tế Trung Quốc phát triển đến mức nào. Sát bờ sông Hoàng Phố là toà nhà trung tâm hội nghị quốc tế, xây dựng thành hình hai quả cầu lớn, đường kính 50 mét và 38 mét, mặt ngoài trang trí hình bản đồ thế giới. Các hội nghị quốc tế quan trọng tổ chức tại Trung Quốc thường họp ở đây.
Nhìn sang phía bờ Tây sông Hoàng Phố, nổi lên giữa các khu tô giới cũ và muôn vàn toà nhà phía sau là khách sạn Thượng Hải Đại Hạ. Trong chuyến thăm Trung Quốc năm 1972, tổng thống Mỹ Nixơn hồi đó đã nghỉ tại đây. Kể cũng nực cười, 1,5 thế kỷ trước, những tên thực dân xâm lược đã hùng hổ kéo đến đây để cướp bóc và tính chuyện đô hộ dài lâu, thì nay, lại đến lượt con cháu họ đến đây, nhưng với tư cách là những người chứng kiến lịch sử sai trái của tổ tiên mình...
Còn nhiều, còn rất nhiều toà nhà như Sở giao dịch Chứng khoán, trụ sở hải quan, siêu thị lớn và hiện đại nhất phố Đông của Nhật mang cái tên ngộ nghĩnh “Tám trăm nửa”... đều đáng nói đến, nhưng không thể, bởi hiện nay Thượng Hải có tới 2.800 toà nhà cao ốc, trong đó hàng trăm cái có liên quan đến các sự kiện lịch sử lớn nhỏ, đại loại như tôi vừa kể, mà người ta đều có thể khai thác, phục vụ tham quan du lịch và thu tiền.
Nhìn ngắm khu phố Đông từ bên ngoài, ta dễ bị ngợp bởi qui mô hiện đại và môi trường hoàn hảo của nó. Nhưng nếu biết rằng, khu phố Đông đang trở thành một trung tâm tài chính lớn của khu vực và thế giới, thì chúng ta còn bị choáng ngợp hơn. Đã có hơn 100 trong số 500 công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới đặt văn phòng tại đây, như Intel, Siemens, NEC...
Khoảng 80 tổ chức tài chính thế giới đã thuê văn phòng, 70 công ty nước ngoài khác và liên doanh đang hoạt động tại đây. Toà nhà sở giao dịch chứng khoán đã không còn chỗ cho thuê. Nhiều toà cao ốc cho thuê đạt tỷ lệ 90 -100%. Theo đánh giá của nhiều nhà kinh tế, hiện nay khu phố Đông đã vượt Thâm Quyến trên nhiều chỉ tiêu kinh tế chủ yếu.
Theo chân các đoàn khách du lịch tưởng như không bao giờ dứt, chúng tôi lại đến thăm một phố thương mại rất nổi tiếng của Thượng Hải, đó là đưòng đi bộ Nam Kinh. Phố Nam Kinh bắt đầu từ bến Thượng Hải chạy thẳng về phía Tây. Một nửa chiều dài phố này kể từ bến Thượng Hải được gọi là Nam Kinh Đông, nửa còn lại là Nam Kinh Tây. Nam Kinh Đông chính là phần dành cho khách đi bộ, mà ta quen gọi là đường đi bộ Nam Kinh. Trong khu thương mại truyền thống này, các phố đều được lấy tên các địa danh trong nước để đặt tên như phố Bắc Kinh, phố Nam Kinh, phố Hà Nam, phố Tô Châu, phố Hoàng Hà...
Chúng tôi có vào thăm một bách hoá đại lầu trên đường đi bộ mang tên Thập Tinh (Mười ngôi sao). Toà nhà có 10 tầng, mỗi tầng bán hàng một chủ điểm: Tầng trệt tổng hợp, tầng một: Thế giới thời trang nữ - trẻ em, tầng hai: Thế giới đồ lót - mỹ phẩm, tầng ba: Thế giới thời trang nam... Đúng là cả một thế giới hàng hoá! Khách đã vào đây không mua thứ này, chắc phải mua thứ khác. Họ bầy biện thật khéo, mời chào rất duyên, hàng hoá đủ loại.
Nói riêng về ngạch thời trang, kể cứ đạt mức này, chắc cũng không còn gì để bàn nữa. Tầng thời trang được chia thành nhiều quầy khác nhau, trang trí khác nhau. Quầy nhỏ thì vài chục, lớn thì dăm bẩy chục bộ ma nơ canh. Mỗi ma nơ canh mặc một bộ thời trang khác nhau, kiểu mốt, màu sắc khác nhau, mỗi bộ mỗi vẻ, muôn hoa đua nở. Khách mua hàng thoải mái ngắm thời trang trên ma nơ canh để tưởng tượng ra hình dáng và trang phục của mình.
Tôi đi lướt tầng thời trang nữ, nhẩm đoán có lẽ phải dăm bẩy trăm bộ ma nơ canh đứng như thế. Khu vực trưng bầy và bán hàng hết mốt cũng vậy, áo quần vẫn lượt là trên ma nơ canh như hàng thời trang đang mốt, nhưng giá thì rẻ hơn nhiều, trung bình chỉ bằng phần ba, phần tư, khoảng 100 tệ là mua được một bộ váy nữ, chất liệu đẹp, kiểu mốt thì, biết nói thế nào nhỉ? Cũ người mới ta, mô đen chán, Thượng Hải cơ mà. Ấy là chị em trong đoàn bảo thế.
Khách dạo chơi, khách mua hàng đông như trẩy hội. Khách du lịch thì đủ, nhìn trang phục cũng đoán ra là họ từ miền nào kéo đến. Mỹ - quần soóc, hở lưng. Trung Đông - râu xồm, khăn rằn. Ấn Độ - quấn khăn, áo váy chéo vai. Việt Nam - Com plê, áo dài... Người dân Trung Quốc đi du lịch còn đông hơn thế, họ đến từ các tỉnh với đủ các trang phục phổ thông, địa phương, có nhiều anh trông như người Mèo, người Thổ bên ta, nhưng không phải. Riêng với người Thượng Hải thì lại rất dễ nhận ra, cho dù họ mặc kiểu gì thì nét chung vẫn là đi nhanh, chân dài bước thẳng, nhất là nữ, dáng cao cao, và trông mặt “khôn” hơn, tự tin hơn.
Đứng trên cầu vượt nhìn xuống, con đường đi bộ lúc này như một dòng sông, trôi chẩy, sống động. Những lá cờ du lịch đủ màu sắc phấp phới khắp nơi. Theo sau những lá cờ hiệu đó, từng tốp khách lại tách ra như những đợt sóng, tốp thì trôi dọc con đường, tốp thì rẽ vào cửa hàng điện tử, tốp vào cửa hàng ăn, cửa hàng may váy Thượng Hải, cửa hàng lưu niệm, cửa hàng tơ lụa...
*
Cảm nhận của tôi khi quan sát sự hoạt động của thành phố Thượng Hải vào ban ngày, là quan sát được phần bề nổi, phần trực diện của cuộc sống. Nó như cuốn ta vào dòng chảy mạnh mẽ của nhịp sống cường tráng, kích thích lòng ham hiểu biết, đức tự tin và khả năng hành động của mỗi một người. Nhưng nếu có dịp quan sát Thượng Hải vào ban đêm, chúng ta dường như sẽ cảm nhận được phần ẩn chứa bên trong, phần tinh thần của vùng đất này.
Trong một vầng ánh sáng rực rỡ cả một vùng bờ biển Thái Bình Dương, cao vút lên trên tất cả, lại là ánh sáng lấp lánh của những ngôi sao đỏ trên ngọn tháp Minh Châu Đông Phương. Cái tên thật kiêu hãnh như chính niềm kiêu hãnh của một dân tộc có truyền thống tự cường. Khung cảnh hoành tráng đó như đánh thức ước mơ của chúng ta, và cũng gieo vào lòng chúng ta sự tin tưởng vào sức sáng tạo vĩ đại của con người.
Khoảng chừng 10 giờ sáng, xe chúng tôi đã chạy tới vùng ngoại vi hai thành phố biển sinh đôi. Tới một quả đồi có tên...
Bình luận