Người bốn lần thay tên đổi họ (Kỳ cuối)

Ngoài những giờ phút công việc miệt mài, những phút giây êm đềm hạnh phúc bên vợ con, tâm trí Gômes thường hướng tới một điều, rồi đến một ngày nào đó, trên mảnh đất Chi Lê yêu dấu của anh, chế độ chính trị độc tài sẽ phải sụp đổ, thay vào đó, một nền dân chủ thật sự vì sự hòa hợp và thống nhất dân tộc sẽ được thiết lập. Và chỉ đến ngày đó, anh mới có hy vọng được trở lại cố hương.

Thế rồi cái ngày mà Juan Macxêlô Gômes, tức Ôginô Bêlavista, tức Sanvađo Lagôs, tức Van Philippo hằng mong đợi bao năm cũng đã đến. Tháng 12 năm 1989, chế độ độc tài quân sự do tướng Pinôchê cầm đầu tồn tại trong 17 năm, đã bị thay thế bằng một chính thể dân sự, do Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo lãnh đạo, đảng đã giành thắng lợi trong một cuộc vận động chính trị và bầu cử Quốc hội diễn ra cuối năm đó.

Sắc lệnh ân xá cho những chính trị phạm dưới chế độ độc tài quân sự đã được ban bố. Những người còn đang bị giam giữ, những người sống lưu vong, và cả những người mang án tử hình chưa thực hiện, như trường hợp của Gômes, đều đã lần lượt được trả lại tự do.

Niềm hạnh phúc lớn lao trong những ngày đầu tiên Gômes trở về Chi Lê là anh đã hoàn tất thủ tục đổi lại họ tên khai sinh gốc của mình. Kiêu hãnh biết bao khi từ nay ta lại hồi sinh để trở lại thành Juan Macxêlô Gômes. Cả vợ cả con ta nữa, từ nay họ đều công khai mang dòng họ Gômes Chi Lê của ta. Tưởng như không có niềm hạnh phúc lớn lao nào trên đời lại có thể sánh nổi với niềm vui phục sinh này!

Nhưng khi đã cảm nhận đầy đủ cái hạnh phúc vẹn tròn đang nằm gọn trong bản thân mình, thì cũng là lúc lòng anh lại chạnh nghĩ tới hai người đàn ông ân nhân của đời mình. Anh chia sẻ với vợ nỗi ưu tư đó. Magrita hiểu tấm lòng ân nghĩa của chồng, chị động viên đây là cơ hội tốt nhất để anh có thể làm được điều gì đó cho họ, nếu không thì sẽ muộn mất. Và thế là anh lại tạm biệt vợ con, nhưng không phải để đến với các đại lý tiêu thụ của Casamôntê Đenhag, mà anh đã lại trở về Chi Lê để bắt đầu một công việc đáy bể mò kim!

Đối với trường hợp Ôginô Bêlavista, anh hy vọng công cuộc tìm kiếm sẽ không phải là quá khó khăn, bởi anh còn lưu giữ tất cả đồ vật có liên quan của anh ấy, bộ quân phục, chiếc ví da, một ít tiền chưa tiêu hết, chiếc đồng hồ mạ vàng, và đặc biệt là tấm thẻ quân tịch. Theo địa chỉ quê quán ghi trong quân tịch, Gômes đã tìm về một làng quê ở ngoại ô thành phố Têmucô miền trung Chi Lê.

Anh ra sức dò hỏi tin tức về Bêlavista, nhưng tất cả những người được hỏi đều trả lời là chưa từng nghe một cái tên nào như thế. Cuối cùng Gômes nghĩ là mình nên tìm gặp ông xã trưởng mới hy vọng tìm ra manh mối. Quả đúng như anh dự đoán, ông xã trưởng đã cho biết hầu hết những người nhà Bêlavista đều đã chuyển đi làm ăn xa, ở lại đây giờ chỉ còn người chú ruột của Ôginô. Gômes xin được tên tuổi địa chỉ người chú.

Chú Ôginô là một người thợ đóng móng ngựa, già rồi nhưng vẫn khỏe mạnh và nhanh nhẹn, đã hỏi Gômes là thế nào với cháu ông. Anh đành phải nói dối là bạn với Ôginô từ thời hai người còn là lính phục vụ tại nhà tù trên hòn đảo không tên từ những năm đầu thập kỷ 70. Đầu năm 75 anh được điều về đất liền còn Ôginô vẫn ở lại đảo. Từ đó hai người không liên lạc với nhau nữa. Hôm nay nhân có câu chuyện làm ăn qua vùng này, vẫn nhớ là quê quán Ôginô ở đây nên có ý định tìm thăm.

Ông già cảm ơn Gômes rồi cho biết, hồi đó, sau cái vụ Ôginô sơ ý để cho chính trị phạm trên đảo cướp ca nô và trốn thoát, nó đã cùng với khoảng hai chục quân nhân khác có liên quan đã bị đưa ra tòa án binh xét xử. Người nặng nhất trong vụ này là một tay trung úy, nghe đâu bị 3 năm tù ngồi, người nhẹ nhất cũng 6 tháng.

Riêng trường hợp của Ôginô, vì bị kẻ địch mạnh tấn công bất ngờ mà dẫn đến hậu quả bị cướp mất ca nô, nên chỉ bị cảnh cáo tước quân tịch đuổi khỏi quân đội. Rồi ông chú cho biết thêm, hiện Ôginô đang là công nhân bốc vác tại hải cảng Valparaisô, cùng sống với vợ con dưới đó. Ông cho Gômes địa chỉ nhà riêng của người cháu và dặn, nó chỉ có mặt ở nhà vào những buổi tối, cả bảy ngày trong tuần đều lăn lưng ngoài bến cảng lo kiếm tiền, một nách ba con nhỏ, vợ chỉ ngồi nhà trông con, năm miệng ăn trông cả vào một tay nó!

Người bốn lần thay tên đổi họ (Kỳ cuối) - 1

Minh họa Lê Huy Quang 

Vào một buổi sáng đẹp trời, Gômes lái xe dời Santiagô đi theo quốc lộ 68 xuôi về thành phố cảng Valparaisô. Anh dành cả ngày hôm đó để đi thăm Valparaisô, và sau đó là thành phố Vinadel Mar, mà trên thực địa chúng chỉ cách nhau có một cây cầu không lớn mang tên Cầu Espanha. Vinadel Mar là thành phố tuổi trẻ của anh, nơi anh theo học khóa sĩ quan tình báo hai năm.

Sau hai mươi năm đi tù và sống lưu vong nước ngoài, nay anh mới có dịp trở lại. Biết bao kỷ niệm thời trai trẻ đã sống lại trong anh. Nhớ lại cái tuổi mới lững chững bước vào đời ấy, lứa học viên mới ra trường các anh, khi nhận bằng tốt nghiệp và quân hàm sĩ quan quân đội Chi Lê, tất cả đều đã giơ tay trước lá Quốc kỳ, cùng thề sẽ hy sinh suốt đời vì Tổ quốc và nhân dân Chi Lê! Thế nhưng chỉ sau đó dăm năm, khi cuộc đảo chính quân sự nổ ra, thì tất cả những người đã từng cùng nhau thề thốt chung một lời nguyền tâm huyết ấy, bỗng nhiên đã đứng về hai ngả chiến tuyến.

Bên này chiến tuyến những người này cùng hô hào hãy chiến đấu vì Tổ quốc và nhân dân Chi Lê. Bên kia chiến tuyến những người kia cũng lại cùng thề thốt tất cả vì Tổ quốc và nhân dân Chi Lê! Thịt da Tổ quốc đã rách nát, máu đỏ của nhân dân, và của cả những người từng là anh em bạn hữu ấy, đã tuôn trào thành sông thành suối. Tất cả cũng đều vì một lời thề, nhưng lại được vang lên ở hai bờ chiến tuyến! Có một cái gì đó làm biến điệu và bóp méo tình yêu Tổ quốc và tình yêu nhân dân? Nỗi trăn trở đó từ bao năm qua Gômes không thể nào lý giải nổi.

Đến khi trưởng thành hơn một chút thì anh cũng chỉ có thể cho rằng, đó là do những khác biệt về ý thức hệ chính trị. Nhưng than ôi! Những khác biệt đó lại đều được che đậy bởi cùng một thứ lá chắn, một thứ mặt nạ là Tổ quốc và nhân dân! Bị phân tâm bởi cái thực tế phũ phàng và chua chát đó, Gômes lại nghĩ về cái lý do mà anh đã có mặt ở thành phố này hôm nay.

Lại cũng giống như anh với Ôginô Bêlavista, hai người ở hai nẻo phương trời khác nhau, không quen biết và cũng không hằn thù gì nhau. Nhưng một khi anh đã trở thành chính trị phạm và anh ta là lính chính phủ, thì hai người đã coi như ở hai chiến tuyến đối lập.

Để thoát khỏi sự đầy đọa của hòn đảo địa ngục trần gian, giành lại quyền sống làm người, thì cái cơ hội cướp tàu vượt ngục như được bày sẵn ngày hôm đó, anh không thể không chớp lấy. Bởi nếu cơ hội không đến với anh mà đến với một người khác thì kết quả cũng đều như vậy cả. Chỉ có điều duyên nợ ân oán đã buộc họ lại với nhau lại ở chỗ, người lái ca nô hôm đó không phải ai khác mà lại là Ôginô Bêlavista, và người nhận được cái cơ hội trời cho đó lại là anh, là Gômes!

Nhưng rồi cũng may mắn làm sao, cả hai người đến nay đều cũng đã thoát khỏi những cái chết cận kề, để rồi từ hai phía, hai con đường và hai cách thức khác nhau, mà họ cùng được trở lại với cuộc sống đời thường hôm nay. Thời gian dù đã trôi xa, trong suy nghĩ của Bêlavista có thể không còn lưu lại chút nào câu chuyện năm xưa. Nhưng trong tâm thức của Gômes thì sợi dây ân oán vẫn buộc chặt giữa hai người. Và hôm nay đây, anh phải là người chủ động đến đây để tìm cách tháo gỡ sợi dây định mệnh đó.

*

Một cháu bé nhanh nhảu dẫn Gômes đi vào một con ngõ hẹp và tối tăm của khu nhà thợ thuyền bến cảng. Cháu bé dừng lại trước một căn nhà gỗ tồi tàn, lụp xụp, sốt sắng đập cửa kêu nhà có khách rồi chạy vụt đi ngay. Mở cửa là một người đàn ông, do bị ngược ánh sáng đèn nên Gômes không nhận rõ mặt. Nhưng nhìn dáng đi, anh đoán đây phải là một người đã có tuổi. Gômes giới thiệu mình được ông già đóng móng ngựa ở làng Lôpêgas giới thiệu đến gặp anh Ôginô Bêlavista có chút việc nhờ anh giúp đỡ. Người đàn ông bảo mình là Ôginô Bêlavista rồi mời khách vào nhà.

Hai người ngồi đối diện nhau trước một cái bàn nhỏ. Ánh sáng ngọn đèn treo giữa nhà lúc này lại rọi thẳng vào mặt chủ nhà, còn khách thì lại bị sấp bóng, thành ra Gômes có thể nhìn thật rõ khuôn mặt chủ nhà. Những nếp nhăn hằn sâu trên vầng trán rộng và hói, những sợi tóc bạc tập trung thành từng đám hai bên thái dương, cùng với ánh mắt mệt mỏi và hàm răng khuyết mất vài chiếc, tất cả đã biến người đàn ông bốn mươi lăm đang độ tráng niên trở thành một ông già lụ khụ. Bêlavista không nhận ra tiếng thở dài từ phía người khách lạ, anh hỏi khách:

-  Tôi có thể giúp anh được việc gì đây?

Gômes thận trọng tìm lời vào đề câu chuyện:

-  Chẳng là thế này anh Bêlavista ạ. Tôi có biết một người, mà người đó trong quá khứ lại có một món nợ với anh, đến nay vẫn chưa trả được.

Bêlavista tỏ thái độ cảnh giác trước câu mào đầu đầy bí ẩn, và linh cảm như có điều gì đó chẳng lành, anh dồn dập hỏi lại:

-  Người đó là ai, vay tôi cái gì? Đời tôi đã là một thằng cu ly khuân vác thì còn có cái gì cho ai vay với chả mượn! Nhưng mà anh là ai mới được chứ?

Thấy Bêlavista có biểu hiện bị kích động và mất bình tĩnh, sợ rằng câu chuyện sẽ phát triển theo chiều hướng xấu, Gômes quyết định cần dùng đến liệu pháp mạnh vào lúc này:

-  Tôi là ai ư? Cái đó có lẽ anh không cần quan tâm làm gì. Người anh cần quan tâm lúc này, theo tôi là cái người đã nhờ tôi mang trả món nợ đã vay anh mười lăm năm về trước!

-  Mười lăm năm trước?

-  Phải! Mười lăm năm trước.

-  Ở đâu?

-  Bến gỗ lâm trường phía Nam nhà tù trên hòn đảo không tên!

Mặc dù ánh đèn điện cũng không đủ sáng nhưng Gômes vẫn nhận ra sự biến đổi sắc diện trên khuôn mặt anh ta, thoạt đầu là đỏ ửng, sau chuyển dần sang màu xám đanh. Anh ta bỗng như nhận ra tất cả, và có vẻ như bao nhiêu uất hận dồn nén trong lòng bấy lâu, nay mới có dịp xả hết ra. Anh ta gầm lên:

-  Thế cái thằng giết người Gômes đó đâu rồi?

-  Anh ta đã chết!

Bêlavista đổ sụp xuống, đầu ngửa lên thành ghế, đôi mắt nhắm nghiền và trán đẫm mồ hôi.

Lúc này Gômes mới mở túi và lần lượt lấy ra mọi thứ đặt lên bàn. Bộ quân phục được gấp ngay ngắn, cái ví da, một ít tiền lẻ, thẻ quân tịch, chiếc đồng hồ mạ vàng, và cuối cùng là một xấp dày đô la Mỹ. Ngưng một lát không thấy Bêlavista phản ứng gì, Gômes mới lại tiếp lời:

-  Trước khi chết anh Gômes có nhờ tôi chuyển lời tới anh, mong được anh tha thứ cho cái tội mà anh ta đã gây nên cho anh. Anh ấy cũng mong được anh thông cảm, trong hoàn cảnh sống chết mất còn lúc ấy, cũng không còn cách xử lý nào khác hơn. Anh ấy dặn đi dặn lại với tôi phải nói để anh rõ, đòn tấn công là có chủ ý và tính toán cẩn thận. Đòn đánh chỉ làm cho anh ngủ thiếp đi trong sáu bảy tiếng đồng hồ, sau đó sẽ tự tỉnh lại và hồi phục bình thường.

Nhưng cái điều anh Gômes luôn cảm thấy băn khoăn và dằn vặt trong lòng suốt những năm tháng qua là không biết rồi đây số phận của anh Bêlavista sau sự cố đó sẽ ra sao? Liệu có phải vì chuyện đó mà cuộc đời anh sẽ phải gian nan vất vả? Bởi vậy Gômes có nhờ tôi chuyển đến tặng anh số tiền hai mươi nghìn đô la Mỹ này. Anh ấy bảo đây không phải là tiền mua bán đổi chác gì cả, mà chỉ là tấm lòng chân thành của anh ấy, mong được đỡ đần đôi chút cho anh Bêlavista trong lúc khó khăn. Và Gômes đã nói lời cuối cùng như thế này, đây là những đồng tiền sạch sẽ, là mồ hôi nước mắt anh ấy làm ra , nếu Ôginô Bêlavista mà từ chối thì coi như đã không tha thứ cho Juan Macxêlô Gômes, và chắc rằng ở thế giới bên kia, linh hồn anh ấy không thể siêu thoát mà về với Chúa được!

Từ nãy tới giờ, Bêlavista vẫn ngồi trong tư thế bất động. Đôi mắt vẫn nhắm nghiền, nhưng có vẻ như khuôn mặt của anh đã thư giãn ra, hồng hào hơn. Rồi bất ngờ từ hai khóe mắt thấy từ từ lăn xuống những giọt nước trong suốt lóng lánh như pha lê dưới ánh đèn. Hồi lâu, anh ngồi ngay ngắn trở lại, nhẹ nhàng cầm lấy cuốn sổ quân tịch, chậm rãi mở ra từng trang một như muốn giở lại những trang kỷ niệm xưa của đời mình. Rồi đến bộ quân phục, anh rũ chiếc áo ra rồi ướm thử lên người. Cả chiếc đồng hồ đeo tay, anh tháo ra đeo vào cổ tay lắc mạnh mấy cái, như muốn cho nó chạy trở lại sau mười lăm năm ngưng nghỉ. Cuối cùng anh cầm xấp tiền đưa trả lại cho Gômes và bảo:

-  Tôi không thể nhận số tiền này được đâu, như thế thì tôi còn ra cái nỗi gì? Hoàn cảnh của tôi nghèo túng là do số phận sắp đặt như thế chứ đâu có phải là do Gômes gây ra. Nghe lại câu chuyện anh nói tôi mới hiểu ra rằng anh ấy cũng là người có tâm có đức, không phải giang hồ đạo tặc gì. Đúng là ở vào hoàn cảnh như thế thì ai cũng phải làm như thế cả. Cũng thương là anh ta đã qua đời sớm, nếu không thì thể nào chúng tôi cũng gặp nhau để mà cho qua chuyện cũ. Tôi cũng chẳng còn oán hận gì đâu, chẳng qua là đất nước gặp cảnh tai ương, sự bất hạnh rơi vào ai thì người đó phải chịu!

-  Tôi cũng xin được thay mặt cho linh hồn anh Gômes chân thành cảm ơn anh đã tha thứ và quên đi câu chuyện buồn trong quá khứ. Điều đó giống như hai người đã cùng nhau cởi được sợi dây ân oán thắt chặt bấy lâu. Tuy vậy nếu anh không nhận số tiền Gômes biếu anh chị và các cháu, thì chắc chắn ở thế giới bên kia, Gômes sẽ mãi mãi còn phải ôm mối hận này, và linh hồn không thể nào siêu thoát cho được. Tôi nghĩ rằng, anh đã có tấm lòng vị tha và khoan dung với người đã khuất, thì anh cũng nên thực hiện cái ước nguyện cuối cùng của anh ấy như một lời hóa giải cuối cùng.

Gômes đặt xấp tiền vào tay Bêlavista. Người lính lái năm xưa run run nhận lấy và từ từ đứng lên, với dáng vẻ trân trọng thành kính, đôi mắt như muốn nhìn về một cõi xa xăm, để gửi tới người đã khuất những lời thốt ra từ trái tim mình:

-  Tôi xin vì Chúa lòng lành gửi tới anh Juan Macxêlô Gômes lời cảm ơn chân thành về sự giúp đỡ chí tình. Cầu xin đức Chúa rủ lòng nhân từ xá tội cho người anh em của con linh hồn siêu thoát để được mau chóng trở về hầu hạ bên người!

Đến đây Gômes đã toan đứng dậy nói lời chia tay với chủ nhà thì vừa hay một thiếu phụ bế đứa con nhỏ từ ngõ bước vào. Bêlavista giới thiệu đây là Sangađori vợ anh, vừa sang hàng xóm nhờ tiêm hộ cho cháu bé. Sangađori gật đầu chào Gômes, nhưng ánh mắt của chị bỗng như bất động nhìn người khách lạ.

Trong giây lát, Gômes cũng giật mình như nhận ra những nét quen thuộc trên gương mặt người mẹ trẻ. Trí nhớ của anh định hình rất nhanh, anh cảm thấy có đôi chút hốt hoảng khi nhớ ra, những nét trên khuôn mặt của người phụ nữ lai này thật giống với nét mặt của cô bé lai mà anh gặp ở vườn cam trên hòn đảo giữa biển, vào cái ngày trốn chạy khỏi nhà tù năm xưa. Cảm nhận thấy sự ngỡ ngàng trong ánh mắt người khách như cũng đã nhận ra mình, Sangađori mừng rỡ reo lên như một đứa trẻ:

-  Ơ chú… à mà anh lính! Có phải anh là người em đã gặp ở vườn cam ngày trước không?

Sự việc xuất hiện bất ngờ và nhanh như một liều thuốc súng bắt lửa. Bêlavista như đoán ra được phần nào, nén lòng hỏi vợ:

-  Vườn cam nào, bao giờ?

Giọng nói Sangađori vẫn vui như chim hót:

-  Còn vườn cam nào nữa? Vườn cam nhà mình trên đảo Pamôchô chứ còn vườn cam nào. Em gặp đúng anh này vào cái hôm em tìm thấy mình nằm bất động trên ca nô ấy. Chỉ có điều bây giờ thì anh ấy có già hơn ngày xưa một tí!

Đến đây thì sự việc đã rõ như ban ngày. Bêlavista quay sang dằn giọng hỏi Gômes:

-  Thế nào Gômes, tại sao lại là như thế?

-  Đúng là như thế đấy Bêlavista ạ! Như anh đã biết, nếu tôi không dựng ra cái câu chuyện như vậy thì hỏi rằng, ngay từ đầu khi biết tôi là tôi, liệu anh có để cho tôi nói hết ngọn ngành, để rồi mới thông cảm cho không?

Sangađori cảm thấy khó hiểu về câu chuyện giữa chồng mình và người khách, chị giương đôi mắt tròn xoe như mắt nai hỏi chồng:

-  Như thế là thế nào anh Bêla?

Bêlavista đành kể lại từ đầu câu chuyện cho vợ. Nghe xong, vẫn với giọng nói ríu ran vui vẻ ban đầu, Sangađori một tay bế con, một tay cầm lấy tay chồng mà rằng:

-  Em thấy anh làm như thế là đúng đấy, hợp với ý Chúa lại hợp với lòng em lắm. Hận thù cũ giữ mà làm gì cho cực thân. Anh làm như thế vừa được nhẹ lòng, lại vừa có thêm người bạn tốt như anh Gômes đây, như thế mà lại chả hơn à?

*

Còn trường hợp đối với ông thiếu tá, Gômes đã nhiều lần cho người đi dò hỏi tung tích. Nhưng bao nhiêu lần đi là bấy nhiêu lần thất bại. Người ân nhân tái thế của anh đã không để lại một mảy may dấu vết. Tên tuổi không, địa chỉ không, một chút hình ảnh cũng không! Sự mặc cảm là mình đã không thể đền ơn đáp nghĩa được ân nhân, đã như một nỗi buồn không thể nguôi ngoai, nó giống như một khoảng trống không thể lấp đầy trong lòng anh.

*

Trong một chuyến đi làm việc ở Chi Lê, người viết lại câu chuyện này đã gặp được ông Pariô Côntađo, giám đốc công ty xuất nhập khẩu Flamengô tại một cuộc hội thảo thương mại quốc tế ở thủ đô Santiagô. Ông bảo ông là một người Cánh Tả nên rất có cảm tình với các bạn Việt Nam. Trong một lần ngồi uống cà phê với nhau, mải vui mà ông đã kể lại câu chuyện về người em rể, và cũng là người bạn chiến đấu thân thiết của mình - Juan Macxêlô Gômes. Dựa vào những tình tiết sự việc và con người có thật, người viết đã sắp xếp lại thành câu chuyện kể trên, mong được gửi tới bạn đọc cùng thưởng thức.

Ngoài ra người viết còn có một tâm nguyện, biết đâu nhờ vào một cơ duyên nào đó mà câu chuyện này lại đến được tay ông thiếu tá, người sĩ quan có tấm lòng nhân đạo, đã tha chết cho chàng trung úy Juan Macxêlô Gômes năm xưa. Nếu được như vậy, thì tấm chân tình khao khát mong được tri ân của con người đã phải bốn lần thay tên đổi họ, sẽ lại có được một nhịp cầu nho nhỏ tìm đến với ân nhân của mình. Mong sao đó cũng lại là một cái kết có hậu dành cho những con người có tấm lòng nhân hậu trên thế gian này.

Truyện vừa của Nguyễn Đắc Như

Tin liên quan

Tin mới nhất

Ấn tượng chuyến đi thực tế sáng tác văn học nghệ thuật tại Quảng Yên

Ấn tượng chuyến đi thực tế sáng tác văn học nghệ thuật tại Quảng Yên

Ngày 3/10, các thành viên Trại Sáng tác Văn học nghệ thuật năm 2023 tại tỉnh Quảng Ninh đã có chuyến đi thực tế sáng tác đầu tiên tại Thị xã Quảng Yên. Đây là một hoạt động thiết thực nhằm giúp các văn nghệ sĩ có điều kiện thâm nhập thực tế, giao lưu, tìm hiểu, học hỏi lẫn nhau, tìm tòi ý tưởng, đề tài, nội dung cho các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật…

Thú vị bộ sách Công cụ thưởng ngoạn nghệ thuật

Thú vị bộ sách Công cụ thưởng ngoạn nghệ thuật

Bộ sách giúp độc giả không còn bị bỡ ngỡ khi nhìn thấy một tác phẩm nghệ thuật; không còn rụt rè, thiếu kiến thức về nghệ thuật khi phải trò chuyện với ai đó, cũng không bị sa đà vào những định kiến hay cuốn theo thị hiếu chung.