Người bốn lần thay tên đổi họ (Kỳ I)

Trong phòng làm việc, Tổng thống Agienđê cùng với người cận vệ thân tín nhất của mình, trung úy Juan Macxêlô Gômes, vẫn mỗi người một khẩu tiểu liên nấp bên cửa sổ xả từng băng đạn xuống sân lâu đài, nơi quân phiến loạn đang lố nhố triển khai đội hình. Một tiếng nổ lớn vang lên, cánh cửa tòa nhà chính đổ sập. Tiếng hô xung phong và tiếng la hét vang vọng hành lang. Cuộc chiến đấu đẫm máu diễn ra trên từng mét hành lang, từng bậc cầu thang bên trong lâu đài...

Bốn chiếc máy bay phản lực của quân đảo chính bay theo đội hình hàng dọc lần lượt chúc đầu thả từng chùm bom xuống lâu đài Mônêđa. Khói bụi mù mịt bốc lên phủ kín lâu đài rồi lan tỏa ra cả các khu công sở và nhà dân cư xung quanh. Đợt ném bom có gây ra những đổ nát và chết chóc trong Phủ Tổng thống, tuy nhiên mục đích của viên tướng cầm đầu cuộc chính biến quân sự Pinôchê không phải chỉ có thế. Dùng máy bay ném bom, ông ta muốn đưa ra một tối hậu thư bằng sức mạnh để khẳng định quyết tâm không khoan nhượng của mình, đòi Tổng thống Agienđê và Chính phủ của ông phải từ chức và đầu hàng vô điều kiện. Nhưng tiếng súng kháng cự trong lâu đài vẫn rền vang từng đợt không ngớt. Quyết tâm của quân đảo chính còn thể hiện cao hơn khi ngay sau đó, người ta thấy những chiếc xe tăng xếp theo đội hình tấn công ầm ầm tiến về phía cổng chính Phủ Tổng thống. Từng tốp lính bộ binh mũ sắt áo giáp nấp sau những chiếc xe tăng khổng lồ. Chiếc đầu tiên đã vượt qua cổng chính tòa lâu đài trước sức kháng cự yếu ớt của quân Chính phủ. Những chiếc tiếp theo cũng ào ào lao tới, kéo theo sau là đám phiến quân bừng bừng sát khí gào thét xung phong.

Người bốn lần thay tên đổi họ (Kỳ I) - 1

Minh họa Lê Huy Quang

Trong phòng làm việc, Tổng thống Agienđê cùng với người cận vệ thân tín nhất của mình, trung úy Juan Macxêlô Gômes, vẫn mỗi người một khẩu tiểu liên nấp bên cửa sổ xả từng băng đạn xuống sân lâu đài, nơi quân phiến loạn đang lố nhố triển khai đội hình. Một tiếng nổ lớn vang lên, cánh cửa tòa nhà chính đổ sập. Tiếng hô xung phong và tiếng la hét vang vọng hành lang. Cuộc chiến đấu đẫm máu diễn ra trên từng mét hành lang, từng bậc cầu thang bên trong lâu đài.

Sau khi thay băng đạn mới, tổng thống lại bước tới bên cửa sổ, ngay lúc đó một loạt đạn từ phía dưới bay lên găm trúng người ông. Ông từ từ ngã xuống và trong tay vẫn ôm chặt khẩu tiểu liên đã lên nòng. Trung úy Gômes bỏ súng chạy lại đỡ tổng thống ngồi dậy. Máu ông thấm đẫm vai anh và loang đỏ sàn nhà. Cặp mắt tổng thống vẫn sáng lên như có ánh thép, nhưng ông đã tắt thở.

Gômes đặt ông nằm thẳng trên bàn làm việc, lau mặt mũi và vuốt mắt cho ông, rồi lấy lá quốc kỳ phía sau chỗ ngồi tổng thống phủ kín lên người ông. Anh nghiêm trang đứng lặng trước người anh hùng dân tộc, đã vì hạnh phúc của những người cần lao mà không tiếc đến thân mình. Anh cầm lấy khẩu tiểu liên hướng ra cửa sổ siết cò. Cả băng đạn rền vang thay cho lời vĩnh biệt của mình trước vị lãnh tụ kính yêu.

Gômes đi theo cầu thang riêng từ phòng tổng thống xuống tầng trệt. Có hai lối rẽ, anh chọn lối đi ra hướng sân sau tòa lâu đài. Nghe tiếng súng thưa dần rồi tắt hẳn, anh hiểu rằng cuộc chiến đấu bảo vệ Phủ Tổng thống đến đây đã kết thúc, và lúc này quân đảo chính đã hoàn toàn làm chủ tình hình. Từ trong hành lang bí mật anh nghĩ, chỉ cần vượt qua mảnh sân rộng, tiếp đến là khu vườn cây là anh đã có thể vượt qua bức tường tòa lâu đài để thoát ra ngoài phố. Nghĩ sao làm vậy, Gômes nhìn trước nhìn sau rồi thận trọng bước ra.

Một không khí vắng lặng đến rợn người bao trùm xung quanh. Bỗng nhiên từ đâu vọng lại một tiếng súng đơn lẻ như tiếng pháo hiệu. Rồi tiếp sau đó một tiếng nữa như thế, và lại như thế… Khi đó Macxêlô Gômes đâu có biết rằng, đã có một mật lệnh từ thượng cấp quân đảo chính, phải ngay lập tức kiểm soát thu hồi vũ khí các loại và bắt giữ toàn bộ những người sống sót trong lâu đài, trong số đó, những ai đeo súng ngắn trong người thì được phép bắn chết tại chỗ không cần xét xử. Cái mật lệnh tàn bạo và hèn hạ kia như muốn bật đèn xanh cho cấp dưới, hãy giết hết các quan chức cao cấp trong nội các Chính phủ và những vệ sĩ của họ, như cách họ đã bị tiêu diệt trong khi chống cự, trước khi những người bại trận bị bắt làm tù binh!

Khi Gômes đang lom khom chạy trong vườn và chỉ còn khoảng vài chục bước chân nữa là tới được bức tường, thì bất ngờ có tiếng hô giật giọng bắt anh dừng lại. Một viên thiếu tá quân đảo chính chạy lại phía anh tay lăm lăm súng lục. Theo lệnh của ông ta, Gômes phải nằm úp mặt xuống đất, hai chân giang rộng và hai tay đặt lên gáy. Ông ta lục soát khắp người và thấy một khẩu súng lục kèm theo hai băng đạn. Theo đúng mật lệnh thì thiếu tá có quyền bắn chết anh ngay tại chỗ. Nhưng ông ta đã nhìn trước nhìn sau rồi kín đáo vứt súng đạn của Gômes vào một bụi cây gần đó. Xong xuôi ông mới nói nhỏ vào tai anh là phải giữ kín chuyện này, nếu không thì người khác sẽ bắn chết anh ngay.

Macxêlô Gômes đã được người sĩ quan có tấm lòng nhân đạo cứu mạng, nhưng anh cũng như nhiều người sống sót khác vẫn bị đưa ra tòa án binh xử kín. Gômes bị khép vào tội hoạt động cho Đảng Cộng sản Chi Lê, mà theo họ thì đó là một tổ chức chính trị cực đoan, luôn có âm mưu lật đổ và đi ngược lại lợi ích truyền thống của đất nước và dân tộc Chi Lê. Với tội danh đó anh đã phải lĩnh án 10 năm tù giam và bị đầy ra nhà tù trên một hòn đảo không tên giữa Thái Bình Dương.

Vào một ngày cuối thu mưa gió lạnh lẽo mây xám giăng đầy bờ biển, hơn ba trăm tù nhân bị phân loại là chính trị phạm đã bị đưa xuống một thiết giáp hạm của hải quân Chi Lê trong sự giám sát ngặt nghèo của hơn một trăm lính bảo vệ. Chiếc chiến hạm khổng lồ đè lên từng con sóng lớn hướng thẳng ra đại dương, nơi cách bờ khoảng trên hai trăm cây số có một nhà tù lớn được xây dựng từ hai trăm năm trước trên một hòn đảo không tên.

                                                                *

Gômes cùng với 24 chính trị phạm khác bị giam chung trong một phòng giam lớn với cánh tù thường phạm, trong đó đa phần đều là những phạm nhân thụ án trên hai chục năm cho tới chung thân, vì họ đều phạm vào các trọng tội như cướp của giết người, cướp nhà băng, buôn lậu ma túy… Dã tâm của chính quyền độc tài Pinôchê là muốn mượn tay bọn tội phạm xã hội đen để trừ khử dần các chính trị phạm từ trong trại giam.

Ngay buổi đầu nhập trại, Pasquaramô, tên trùm buôn lậu ma túy mang án chung thân, với chức danh tự phong là thiếu tướng tư lệnh Quân khu 3 (tức phòng giam số 3), đã ra lệnh cho bọn đàn em đao búa hãy dạy bảo cho đám lính mới hiểu biết thế nào là luật lệ hiện hành của Quân khu. Theo lệnh của tên phó tướng, tất cả 25 chính trị phạm mới tới đều phải xếp hàng một theo chiều dọc căn phòng, ba lô túi xách mang theo đều phải đặt hết dưới chân cho bọn lâu la khám xét. Một số người chậm chạp hoặc tỏ thái độ phản đối, ngay lập tức bị bọn tội phạm đánh gục tại chỗ. Trong cái khoảnh khắc mất còn ấy, Juan Macxêlô Gômes đã tiến tới trước mặt và nói thẳng với tên trùm tướng cướp:

-  Lúc chưa vào tù tôi luôn ngưỡng mộ cái tên Pasquaramô, vì đó là biểu tượng của một con người anh hùng, dám đương đầu với cường quyền bạo lực để bảo vệ chính nghĩa và những người dân lương thiện yếu đuối. Nhưng đến bây giờ mới vỡ lẽ đó chỉ là những lời đồn đại thêu dệt rẻ tiền. Thì ra Pasquaramô chỉ là một tên tướng cướp bẩn thỉu giẻ rách không hơn không kém…

Khuôn mặt Pasquaramô bất động và sạm đanh lại như một khối sắt nguội. Trong khi đó tên phó tướng đã gầm lên như một con hổ bị thương và không hề có ý muốn cho phép Juan nói tiếp. Hắn lao vào như muốn bóp chết anh ngay tức thì. Nhanh như cắt, Juan Gômes đã né sang một bên làm tên này mất đà, đồng thời tung người đá ngược từ dưới lên trúng bụng đối thủ. Cả tấm thân nặng cỡ một tạ của hắn gục xuống bất động. Hàng chục tên lâu la hò hét xông vào Juan như muốn xé xác anh ra làm nhiều mảnh. Nhưng với những thế võ Kungfu đạt tới mức thần diệu, mà anh đã được thụ giáo trực tiếp từ người thầy huyền thoại Lý Tiểu Long, Juan múa lượn như một ánh chớp giữa bầy giặc cỏ, đã lần lượt đánh gục khoảng hai chục tên tội phạm. Khi thấy không còn một tên nào dám xông về phía mình nữa, anh mới dừng lại trong thế phòng thủ rồi hất hàm về phía Pasquaramô:

-  Cho mày chọn một trong hai cách thức, hoặc là tao với mày sẽ quyết đấu một trận sinh tử ngay tại đây và ngay bây giờ, hoặc là chúng mày phải thay đổi lại cái luật rừng đang ngự trị phòng giam này theo hướng bình đẳng cho tất cả mọi phạm nhân trước nội quy chung của nhà tù!

Tên thiếu tướng tự phong đã hiểu rằng hắn đang đối mặt với một bậc hảo hán cự phách trên đời. Con người có khí phách như thế không dễ gì đã khuất phục nổi bằng vũ lực. Nhưng nếu bằng cách nào đó mà thu phục được bậc võ lâm cao thủ này, thì lo gì mà vây cánh và thanh thế của hắn trên hòn đảo này lại không nổi như sóng cồn? Nghĩ vậy nên hắn mới bước xuống khỏi giường, nở một nụ cười thân thiện trên môi và bình thản đi về hướng Juan Gômes:

-  Tôi xin chấp nhận lời đề nghị thứ hai mà chiến hữu nêu ra! Rồi hắn quay về phía lũ đàn em đang túm tụm thành từng đám rải rác gần xa trong căn phòng - Tất cả hãy nghe đây! Từ nay trở đi, tất cả 25 tù nhân mới nhập sẽ đều là anh em chiến hữu của chúng ta. Sẽ không có bất kỳ một sự phân biệt đối xử nào giữa các thành viên Quân khu, cho dù đó là tù hình sự hay chính trị. Ai vi phạm điều giao ước này đều bị coi như đã phạm luật Quân khu, và đều bị xử lý theo luật!

Pasquaramô chủ động giơ tay về phía Gômes, hai người cùng bắt tay rồi quàng vai ôm hôn nhau trước sự hò reo như sấm dậy của tất cả mọi người trong hai nhóm tù, cũ và mới.

*

Nhà tù trên hòn đảo không tên, thực chất là một địa ngục trên chốn trần gian. Tất cả phạm nhân trên đảo đều bị xiết chặt trong một chế độ lao dịch khổ sai hà khắc do đám cai tù đầu beo mặt sói tự tung tự tác. Mỗi ngày tù nhân phải làm việc quần quật kéo dài 12 giờ đồng hồ. Công việc chủ yếu là phá núi, đập đá làm đường, trồng rừng và khai thác gỗ trên đảo. Tất cả mọi công việc của tù nhân, cho dù ở những khâu nặng nhọc nhất thì đều chỉ dựa hoàn toàn vào sức lực của tù nhân. Không có một thứ máy móc nào được thay thế cho đôi bàn tay và đôi vai của họ.

Đã thế, cảnh đói ăn, thiếu quần áo ấm, thiếu thuốc chữa bệnh, thiếu phương tiện phòng hộ lao động và chăm sóc y tế, nhưng lại luôn luôn thừa mứa đòn roi, gậy gộc, đã khiến cho sức lực tù nhân giảm sút và cạn kiệt nhanh chóng. Bãi tha ma chôn cất tù nhân ở bìa rừng ngày càng mở rộng để đón nhận những số phận bất hạnh, không đủ sức đợi chờ tới ngày trở về với cuộc sống tự do.

Trong đám tù chính trị bị giam chung phòng số 3, Juan mau chóng làm quen rồi kết thân với một người có tên là Pariô Côntađo. Pariô là đảng viên Đảng Xã hội Dân chủ, một đảng Cánh Tả hoạt động ở Chi Lê. Dưới thời Tổng thống Agienđê, anh từng là một trong những người lãnh đạo cao cấp phong trào Thanh niên Dân chủ. Anh bị bắt ngay sau khi chính thể độc tài quân sự đảo chính thành công lên nắm quyền, bị kết án tù 5 năm rồi bị đầy ra nhà tù này. Hai người mau chóng trở nên thân thiết, phần vì có chung một chí hướng, tuổi tác cũng ngang nhau, gia đình lại ở cùng một quận ở Thủ đô Santiagô. Chỉ có sự khác biệt rõ nhất giữa hai người ấy là sức khỏe.

Trong khi Juan được trời phú cho một sức khỏe hoàn hảo đến mức phi thường, thì Pariô lại là một thanh niên ốm yếu. Căn bệnh đau dạ dày quanh năm suốt tháng hành hạ anh. Trong chế độ tù đày nghiệt ngã như ở nơi đây, cái căn bệnh nửa nóng nửa lạnh, nửa no nửa đói, nửa ốm nửa khỏe như thế này, khiến cho lũ cai tù cứ nghĩ là anh giả vờ cáo bệnh để trốn việc nặng, nên anh luôn trở thành đối tượng để chúng lôi ra hành hạ mỗi khi chúng cảm thấy bực bội khó chịu, thậm chí kể cả khi chúng hưng phấn vui vẻ về một điều gì.

Hôm đó trên công trường đập đá trời đang nắng như đổ lửa thì bỗng đổ cơn mưa rào. Bị lạnh đột ngột, cơn đau bụng cũng lập tức quay lại hành hạ Pariô. Anh bỏ cái búa đập đá sang bên cạnh ôm bụng quằn quại, hàm răng cắn chặt môi đến bật máu tươi mà cơn đau không hề dịu xuống. Hình như tên lính canh chỉ đợi có thế, mặc dù trời vẫn đang lúc mưa to nó vẫn nhảy bổ từ nơi trú mưa và lao tới chỗ Pariô. Một trận mưa gậy liên hồi kỳ trận đổ xuống đầu, xuống người anh. Vừa phang tên lính vừa chửi bới:  

 -  Đồ chó đẻ nhà mày! Đừng có tưởng trời mưa là bố mày lơ là canh gác mà có thể nhởn nhơ với công việc đâu nhé. Thử xem mày với tao ai là người mẫn cán với công việc hơn ai? Này lười biếng này, này vờ vịt này, này… này…

Chỉ trong phút chốc Pariô đã nằm bất động, không đủ sức che chắn trận mưa gậy của tên lính khát máu. Máu anh chảy hòa cùng nước mưa loang rộng ra một vùng xung quanh. Thấy bạn bị đánh dã man quá, Juan Gômes lao đến phân trần với tên lính rằng anh ấy bị ốm thật, anh ấy không giả vờ. Tên khốn kiếp vẫn không ngừng tay, Juan xông vào lấy vai lấy lưng che đỡ cho bạn. Như bị chọc tức, tên lính lấy hết sức bình sinh giáng một gậy vào đỉnh đầu Juan. Anh bỗng thấy trời đất tối mù trước mặt mình. Bao nhiêu căm hờn dồn nén, đợi cho cơn choáng váng qua đi, Juan vươn thẳng người đứng dậy, anh giằng lấy cái gậy quẳng ra xa rồi khuỵu chân xuống lấy tấn, miết mạnh cườm và khuỷu tay phải từ ngực lên tận cằm đối phương. Chỉ nghe một tiếng hự phát ra, sau đó là một dòng máu vọt cầu vồng từ miệng tên cai tù. Hắn bị đổ ngửa ra đằng sau, đầu đập mạnh vào tảng đá nằm bất động như một xác chết. Chỉ một phút sau một tốp cai tù khác nhâu nhâu kéo tới.

Biết Gômes là người võ nghệ cao cường, bốn tên cắp tiểu liên lên đạn roạt roạt, sẵn sàng bắn nát người nếu anh có ý định chống đối. Trong khi đó tên thứ năm xông vào lấy khóa số 8 còng tay anh lại. Đến lúc này một trận đòn thù đã diễn ra tại chỗ. Khỏe như Juan mà cũng chỉ chịu đựng được dăm phút trận đòn hội đồng với báng súng, gậy gộc và mũi giày. Anh ngất lịm và gục xuống gần chỗ nằm của Pariô và tên cai tù tàn bạo.

Tên cai tù bị gãy ba giẻ xương sườn và xương quai hàm bên phải, được đưa khẩn cấp về đất liền chạy chữa. Pariô bị gãy cánh tay trái và rạn hộp sọ, được đưa vào bệnh xá tù nhân ngay trên đảo để điều trị. Những thương tích nặng nề trên cơ thể của Pariô, được coi là những tình tiết giảm nhẹ cho cái tội chống người thi hành công vụ tới mức cực kỳ nghiêm trọng của Juan Gômes, nhờ đó mà anh thoát khỏi bản án tử hình treo cổ. Tuy vậy anh vẫn phải nhận thêm 10 năm tù bổ sung vào cái án hạn ban đầu, nâng tổng mức án trước sau lên 20 năm. Trước mắt Juan sẽ bị đưa vào biệt giam ba tháng tại xà lim cấm cố dưới lòng đất, tiếp đó sẽ chịu hình phạt lao động khổ sai có đeo xiềng hai chân trong ba tháng nữa. Tới chừng đó nếu đã thực sự ăn năn hối cải thì anh mới được trở lại cuộc sống của một tù nhân bình thường.

Sáu tháng sau, tất cả những nhục hình cấm cố, khổ sai lao dịch cũng đã qua đi. Nhờ vào vốn sức khỏe trời cho, lại biết cách luyện công và dưỡng sinh ngay trong những điều kiện sống khắc nghiệt duy trì ở mức ít ỏi cạn kiệt, mà Juan Gômes đã vượt qua được tất cả để mau chóng hòa nhập trở lại với đời sống thường nhật của những tù nhân lao động tự giác.

Sau cái sự cố kinh hoàng đó, tình bạn giữa Juan Gômes và Pariô Côntađo đã trở nên thắm thiết hơn bao giờ hết. Pariô hứa sẽ mai mối cô em gái Magrita xinh đẹp của mình cho Juan. Còn Juan lại hứa sẽ truyền dạy võ nghệ cho Pariô. Đôi tri kỷ đó đã không giấu giếm nhau bất cứ điều gì trên đời, kể cả ý đồ tổ chức vượt ngục Juan cũng đem ra hỏi ý kiến và bàn bạc với Pariô.

(Còn nữa) 

Truyện vừa của Nguyễn Đắc Như

Bố dượng (truyện ngắn)
Bố dượng (truyện ngắn)

“Nó buông chiếc cặp lồng rơi từ trên tay lúc nào không hay, những hạt cơm còn nóng hổi lăn lóc trên nền đất. Năm miếng...

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống  văn hóa, văn minh đô thị

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống văn hóa, văn minh đô thị

Hội thảo khoa học diễn ra ngày 25/07/2024 tại TP.HCM do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam – Asean TP.HCM tổ chức mang chủ đề "Giải pháp phát huy giá trị đa văn hóa và tiềm năng của các gia đình có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM góp phần xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị” đã đặt ra nhi

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), đồng thời Lễ truy điệu cũng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Ủy vi