Người chiến sĩ ấy (Truyện ngắn)

Được tin con trai hy sinh anh dũng tại mặt trận, cả gia đình bác hết sức bàng hoàng đau đớn. Chồng bác, ông cả Tham ngồi rũ bất thần một góc. Còn Bác sau bao ngày đau đớn khóc thương con mà lòa hẳn con mắt bên trái cho đến bây giờ...

Tháng bảy, mưa sụt sùi, bầu trời trắng đục, bà Bình ngồi đơm khuy áo bên bậu cửa, thi thoảng lại dừng tay, mắt lơ đãng nhìn ra ngoài sân. Mưa dầm dề làm ướt sũng chiếc ghế đá, nơi mỗi lần cậu con trai đi học về thường ngồi ở đó chờ mẹ mang cho cặp bánh đa kê, món ăn mà cậu khoái khẩu.

Bỗng ngoài sân, một phụ nữ đội mưa đi vào, hồ hởi chào hỏi:

- Con chào bác. Bác có nhận ra con không ạ?

Bà Bình ngớ người ra một lúc rồi thốt lên:

- Ôi! có phải cháu Lưu Liên đó không?

- Vâng. Vậy là bác vẫn còn nhớ con.

- Cháu ngồi chơi. Có nước vối bác ủ trong ấm tích cháu rót uống nhé.

- Vâng! Bác cho con vào thắp cho anh Tuấn một nén nhang. Nói rồi, nàng đi lại phía bàn thờ, một lát sau quay ra ngạc nhiên nói:

- Bác đơm khuy áo cho ai đấy ạ?

- À, cái áo cũ của thằng Tuấn bị đứt khuy, bác đính lại giữ làm kỷ vật cho nó.

- Ôi! bác luôn nghĩ đến con trai. Dưới suối vàng chắc anh ấy mãn nguyện lắm.   

Cháu nhắc đến nó, làm bác nhớ lại hồi Tuấn còn theo học bậc tú tài ở trường college Đào Duy Từ, nó thông minh sáng dạ hơn người. Không những học giỏi, đàn hát hay mà còn chơi bóng đá rất cừ. Một thời gian sau, chiến tranh bùng nổ, college Đào Duy Từ phải sơ tán về nông thôn. Theo quy định của nhà trường, tất cả học sinh phải tự túc nơi ăn ở sinh hoạt. Rất may cho Tuấn, đã tìm thuê được căn phòng của thầy mẹ cháu để ở. Bác còn nhớ một lần, Tuấn về thăm nhà có khoe với bác lá thư cháu viết gửi cho nó: “Em không thể nào quên những đêm trăng thanh, bên ngọn đèn dầu, được anh ân cần hướng dẫn cho em làm bài tập, khiến con tim em xao xuyến. Nhiều đêm trằn trọc không ngủ, em lo một ngày nào đó sẽ phải xa anh, không hiểu lúc đó em sẽ đau khổ như thế nào…”. Bác biết lúc đó, cháu đã rất yêu Tuấn, nhưng bản tính nhút nhát mà nó đã để tuột rơi tình yêu mà cháu dành cho. Để rồi sau này, ra đi mãi mãi giữa tuổi hai mươi, mà Tuấn chưa một lần ngỏ lời yêu trước một người con gái.

Một hôm, bác thấy trong lòng ruột gan nóng như lửa đốt, nói bác trai cho người vào nhà cháu xem lý do gì mà ba tháng nay con trai không về thăm nhà, thì bố cháu cho hay: “Tuấn đã gia nhập quân đội Việt Minh, sau đó được cử sang nước bạn láng giềng học lớp thủy quân. Trước khi lên đường cậu ấy có để lại một lá thư nhờ tôi chuyển cho gia đình”.

Đọc thư Tuấn, hai bác vừa mừng, vừa lo. Mừng vì con trai có chí lớn, bỏ cả ước mơ sang Pháp du học, để lên đường nhập ngũ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc. Lo vì nó vốn thư sinh yếu ớt, không biết có chịu đựng nổi môi trường rèn luyện gian khổ của quân đội hay không.

Sau một năm học tập, vừa nhận bằng tốt nghiệp lớp thủy quân bên nước bạn láng giềng, Tuấn và đồng đội nhận lệnh cấp trên gấp rút về nước nhận nhiệm vụ mới. Thế là Tuấn và các chiến sĩ phải ngày đêm băng rừng, lội suối để kịp trở về nước. Nhiều đêm mưa rét đường trơn, bụng đói lả, muỗi vắt cắn sung tụ máu, nhưng các chiến sĩ vẫn phải dò dẫm từng bước mà đi. Có lúc đang đi, Tuấn bị chuột rút, hai bắp đùi tê cứng, trượt chân suýt ngã xuống vực sâu, tưởng như cái chết đã cận kề. Rồi những ngày gian nan vất vả ấy cũng sớm qua đi, Tuấn và anh em trong khóa học cũng kịp trở về đơn vị đúng thời gian quy định.

Vừa đặt chân lên mảnh đất Tổ quốc được vài ngày, chưa kịp về thăm gia đình, Tuấn và anh em lại được lệnh quay sang nước bạn học cấp tốc lớp quan trắc pháo binh, để trở về phục vụ một chiến dịch lớn sắp diễn ra. Sau hơn một tháng đào tạo, trở về nước, Tuấn được cấp trên phân công giữ chức tiểu đội trưởng, cùng anh em khảo sát vị trí để bộ đội ta kéo pháo lên trận địa, chuẩn bị cho trận đánh sống còn với quân giặc.

Những ngày gian khó như vậy càng rèn luyện ý chí kiên cường, chịu đựng gian khổ của từng chiến sĩ. Liên tục hàng tháng trời, Tuấn và anh em trong tiểu đội quan trắc phải bám trận địa, ăn cơm nắm, uống nước suối, ngủ trong rừng để phối hợp với các chiến sĩ của tiểu đoàn pháo binh, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trước thời gian quy định. Đói và rét đã khổ nhưng nỗi nhớ nhà, nhớ người yêu trong Tuấn và anh em lại còn khổ hơn. Tuy chưa một lần thổ lộ với Lưu Liên lời yêu, nhưng nhiều lúc Tuấn thấy nhớ nàng đến da diết. Nhớ những đêm trời thu gió mát, ngồi bên hiên nhà hướng dẫn nàng học bài, hương thơm mùi bồ hết trên đầu nàng lan tỏa khắp căn phòng khiến Tuấn ngất ngây. Thực ra không phải như mẹ nói là do chàng nhút nhát, mà Tuấn nghĩ đời lính nay đây mai đó, sống chết bất thường, nên cậu chôn chặt trong lòng không muốn nói ra để đời nàng khỏi dở dang mà thôi. Cũng có lúc Tuấn khát khao một ngày nào đó chiến tranh sớm qua đi, ngày trở về nàng vẫn chờ chàng nên duyên vợ chồng. Nhưng rồi Tuấn đã gạt đi những hi vọng mong manh đó, cùng đồng đội lao vào cuộc chiến đấu khốc liệt sắp diễn ra.

Một hôm, đang cùng tiểu đội trinh sát đặt những cột mốc cuối cùng để bộ đội kéo pháo vào vị trí, thì đột nhiên Tuấn nhìn thấy bụi cây trước mặt phát ra tiếng động, tiếp đó là những họng súng đen ngòm chĩa về phía mình. Với kinh nghiệm được học, Tuấn phán đoán có lẽ đây là nhóm thám báo địch đi dò la đơn vị quan trắc của ta đang làm nhiệm vụ. Nếu để chúng phát hiện vị trí đặt pháo thì rất nguy hiểm. Vậy mình phải nhanh chóng tìm cách đánh lạc hướng địch. Rồi một ý nghĩ táo bạo lóe lên trong đầu, Tuấn nói nhỏ với một đồng đội:

- Thiện, cậu nói anh em tiểu đội đề phòng, có nhóm thám báo địch đang theo dõi chúng ta. Giờ tôi quyết định nhằm hướng quả đồi trước mặt chạy thật nhanh để đánh lạc hướng địch. Cậu nói anh em chuẩn bị chia thành hai mũi phối hợp tiêu diệt ngay lập tức bọn thám báo nhé.

Người chiến sĩ trẻ khẽ vâng, nhìn lên đã thấy tiểu đội trưởng của mình lao nhanh ra ngoài bìa rừng. Bất ngờ thấy một chiến sĩ Việt Minh bỏ chạy thục mạng về phía trước, lũ thám báo lập tức vùng dậy chia nhau rượt đuổi con mồi. Vừa chạy, Tuấn vừa quay đầu nhìn lại thì thấy phía sau ba bốn tên thám báo quần áo rằn ri đang bám đuổi ráo riết cố bắt sống mình. Vừa chạy, Tuấn vừa nghĩ rất có thể quân giặc phát hiện ra chúng đang bị mình lừa, chúng sẽ bắn hạ gục mình bất cứ lúc nào rồi quay trở lại điểm phục kích cũ. Nên Tuấn càng cố chạy thật nhanh để cắt đuôi chúng. Vừa chạy, Tuấn vừa la lớn:

- Anh em ơi, cứu tôi với!

Tiếng la thất thanh của Tuấn vừa dứt, lập tức một loạt đạn súng tiểu liên của địch nổ rền vang, khiến Tuấn ngã đổ gục dưới chân đồi. Bọn giặc nhao nhao xông tới lục soát khắp người Tuấn nhưng không thấy gì, một tên trong bọn nói lớn:

- Mẹ kiếp! chúng ta bị thằng oắt con đánh lừa rồi. Anh em quay lại vị trí ban đầu thôi.

Lúc này, nghe tiếng súng, tiểu đội quan trắc đang làm nhiệm vụ gần đó đã lao tới bao vây nhóm quân báo khiến bọn chúng không kịp trở tay. Cuộc đụng độ xảy ra chớp nhoáng, năm tên thám báo đã bị tiểu đội Tuấn tiêu diệt tại chỗ. Một lúc sau, anh em trong đơn vị đã tìm thấy xác Tuấn nằm bất động bên một bãi cỏ gần đó, sau lưng là vết đạn bắn xuyên thủng, máu chảy lênh láng. Cả tiểu đội sửng sốt bàng hoàng thương tiếc người tiểu đội trưởng mưu trí dũng cảm, hy sinh đến hơi thở cuối cùng để giữ bí mật an toàn cho trận địa pháo.

Được tin con trai hy sinh anh dũng tại mặt trận, cả gia đình bác hết sức bàng hoàng đau đớn. Chồng bác, ông cả Tham ngồi rũ bất thần một góc. Còn Bác sau bao ngày đau đớn khóc thương con mà lòa hẳn con mắt bên trái cho đến bây giờ.  

Nghe đến đây, Lưu Liên không cầm được nước mắt, nàng nghẹn ngào:

- Ngày đó, nghe tin anh Tuấn hy sinh, con vô cùng suy sụp. Nhiều đêm nằm khóc, thương tiếc cho người mình yêu thương sớm ra đi nên con quyết định để tang cho anh ấy ba năm sau đó mới đi lấy chồng.

- Ôi! con gái của mẹ. Bà Bình xúc động ôm chặt Lưu Liên vào lòng nói không thành tiếng.

Nhìn người con gái xinh đẹp một thời, từng thầm yêu trộm nhớ con trai mình, hôm nay đội mưa đến thắp hương tưởng nhớ người đã khuất, khiến lòng bà ấm lại. Ngoài sân, cơn mưa đã ngớt. Gió nhẹ thổi đung đưa khóm lá trúc quân tử, nghe xào xạc buồn hiu hắt. Người mẹ liệt sĩ ngồi lặng câm dưới mái hiên như thấy hình bóng con trai trở về bên bậu cửa, gọi mẹ ơi!

Truyện ngắn của Phạm Công Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống  văn hóa, văn minh đô thị

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống văn hóa, văn minh đô thị

Hội thảo khoa học diễn ra ngày 25/07/2024 tại TP.HCM do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam – Asean TP.HCM tổ chức mang chủ đề "Giải pháp phát huy giá trị đa văn hóa và tiềm năng của các gia đình có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM góp phần xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị” đã đặt ra nhi

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), đồng thời Lễ truy điệu cũng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Ủy vi