Nhà văn Ma Văn Kháng: Sống trong nghề thầy, viết về người thầy

“Tôi mang ơn những năm tháng làm nghề thầy. Nghề thầy cho tôi nhiều thứ tốt đẹp lắm. Trường lớp là thánh đường tôn nghiêm. Nơi đây, nhân cách, tâm hồn, trí tuệ, lòng tốt của con người được nẩy nở và vun đắp. Xa nghề đã mấy chục năm rồi, tôi vẫn tơ tưởng về nghề...”

Tôi biết tới nhà văn Ma Văn Kháng lần đầu khi học tác phẩm “Mùa lá rụng trong vườn” của ông in trong cuốn sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 12. Thầm mến mộ cây bút “khuấy động văn đàn” một thời, nhưng trong suy nghĩ non nớt của thuở thiếu thời chưa từng mơ tưởng đến ngày lại được diện kiến nhà văn bằng da bằng thịt ngoài đời. Thế mà, âu cũng là cái duyên!

Đó là lần tôi được nghe nhà văn Hoàng Dự kể về thời tuổi trẻ của nhà văn Ma Văn Kháng đã từng “lăn lộn” nơi xứ đồng rừng. Hóa ra, trước khi nổi tiếng với những trang văn thấm đẫm sương mù, gió lạnh và con người vùng cao, ông đã từng là thầy giáo dạy học cho trẻ em Lào Cai suốt hàng chục năm. Và bút danh Ma Văn Kháng gắn liền với đời văn ông cũng có “xuất xứ” từ mảnh đất này.

Phần vì tò mò muốn được tỏ tường câu chuyện, phần muốn thử vận may được diện kiến ông một lần, tôi bèn ngỏ ý xin nhà văn Hoàng Dự số điện thoại liên lạc của nhà văn Ma Văn Kháng. Chẳng ngờ, khi tôi gọi điện ngỏ lời, nhà văn đồng ý ngay! Sau đó còn tỉ mỉ nhắn lại cho tôi một cái tin ghi rõ địa chỉ, kèm lời hẹn gặp vào sáng hôm sau. Thế là thỏa lòng mong mỏi được gặp gỡ “nhà văn trong sách giáo khoa”...

Nhà văn Ma Văn Kháng: Sống trong nghề thầy, viết về người thầy - 1

Nhà văn Ma Văn Kháng

*

Sáng hôm ấy, tôi ghé thăm ngôi nhà nằm yên tĩnh thu mình trong con ngách nhỏ trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. Những năm gần đây tuổi cao sức yếu, nhà văn không còn đi lại nhiều, chỉ quanh quẩn trong nhà bầu bạn với văn chương, sách báo. Vậy nên khi có người tới thăm nhà trò chuyện, ông phấn khởi ra mặt.

Ngay cả khi cách nhiều giáp tuổi, dáng vẻ đôn hậu và ấm áp từ ông cũng không khiến tôi có cảm giác xa lạ dù là lần đầu gặp gỡ. Điều tôi ngạc nhiên hơn cả, dù đã quá tuổi bát tuần, việc đi đứng có chút khó khăn, song giọng nói ông vẫn còn hào sảng, khỏe khoắn, đôi mắt sáng mà trong, như chứa bên trong tâm hồn còn đương “xuân” lắm. Cái “xuân” ấy, phải chăng vì sức viết của một nhà văn suốt đời vẫn còn rạo rực?

Ông niềm nở pha trà, trò chuyện đôi chút về cuộc sống thường ngày, về người bạn đời và cả những người con của ông, về những bạn văn ông gắn bó một thời… Và tôi cũng không quên hỏi ông câu chuyện về một thầy giáo Đinh Trọng Đoàn (tên thật của nhà văn Ma Văn Kháng) trong những năm tháng tuổi trẻ xông xáo một thời.

Những năm tháng say mê của tuổi trẻ…

Trước khi gắn bó với nghề viết, nhà văn từng có những năm tháng tuổi trẻ cống hiến cho sự nghiệp trồng người tại mảnh đất Lào Cai, ông có thể kể lại quãng thời gian này được không?

Nhà văn Ma Văn Kháng: Năm 1949, từ Cục Quân Y Bộ Quốc phòng, tôi được gọi về Trường Thiếu sinh quân để học tập. Học hết lớp 7, chưa đủ tuổi nhập ngũ, đơn vị chuyển tôi sang học trường Trung cấp Sư phạm. Tôi vào nghề thầy giáo là do tổ chức phân công. Nhưng cuối năm 1954 lên Lào Cai, một tỉnh miền núi, dạy học lại là lựa chọn chủ động của cá nhân tôi.   

Lúc này, sau 9 năm Kháng chiến chống Pháp, đời sống còn rất khó khăn. Vai ba lô, sườn túi sách trĩu nặng, tôi đi bộ năm ngày ròng rã từ Yên Bái lên Lào Cai đúng dịp Tết Ất Mùi 1955. Không nghỉ lấy một ngày, tôi bắt tay ngay vào công việc. Mê man trong công việc. Ăn đói mặc rét là chuyện thường ngày. Chưa có lương, chỉ có gạo cung cấp từ kho nhà nước và sinh hoạt phí một tháng là một vạn mốt đồng tiền Ngân hàng, vừa đủ tiền thức ăn, cắt tóc, mua xà phòng. Một năm được phát 5m vải kaki để may mặc. 

Tôi bị thấp khớp nặng từ tuổi thiếu niên, nay có những buổi khớp gối sưng u, đi đứng khó nhọc, phải lê đến lớp, và đến lớp, khớp vai tê nhức đến mức không giơ nổi cánh tay lên viết bảng, cũng không bỏ một giờ, cũng không vơi giảm nhiệt tình. Dạy học đi liền với lao động xây dựng trường sở. Thầy trò vào đầu năm học, có khi cả tuần lên rừng đốn gỗ, chặt tre, đánh gianh, thả bè về xây dựng trường lớp, vất vả, khó nhọc chẳng một lời than van.  

Đó là những tháng ngày hào hùng sôi nổi của tuổi trẻ. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã trở thành lý tưởng thẩm mỹ, kết tinh trong các hình tượng cao cả ngày đêm thiêu đốt khát vọng của cả lớp thanh niên thế hệ chúng tôi. Bừng lên trong tôi cái khát vọng hoàn thiện mình ở những tầm cao lý tưởng, với mục tiêu cao cả duy nhất là dâng hiến toàn bộ sức lực và tinh thần của mình cho Nhân dân, Tổ quốc.

Dạy cấp hai được bảy năm, tới năm 1976, trên lại cử tôi đi học đại học. Rồi trở thành giáo viên văn cấp 3. Được ba năm tổ chức lại điều đi công việc khác: làm thư ký cho Bí thư Tỉnh ủy được hai năm thì chuyển sang làm báo tỉnh. Đến năm 1976 thì tôi chuyển về Hà Nội chuyên về nghề viết văn. Nguyễn Đình Thi có tứ thơ rất hay: Cách mạng như ngọn gió lớn thổi ta đến những chân trời xa lạ!

Nhà văn Ma Văn Kháng: Sống trong nghề thầy, viết về người thầy - 2

Lào Cai, mảnh đất nơi nhà văn Ma Văn Kháng đã sống và công tác trong ngành giáo dục suốt hàng chục năm thời trẻ

Tôi đã sống và làm việc ở Lào Cai suốt 22 năm tuổi trẻ. Say sưa trong cuộc sống với lý tưởng cống hiến, ở nơi tôi, ngày đêm còn một khát muốn cháy bỏng nữa là được thể hiện tình yêu của tôi với mảnh đất này bằng văn chương. Tôi sẽ viết văn! Viết về chính mảnh đất này! Đó là xu hướng nội tại không thể cưỡng lại được trong tôi.

Lào Cai, miền núi, chính là vùng thẩm mỹ đã ảm ảnh tôi, hút hồn tôi từ thuở thiếu niên. Nơi tôi dự cảm được rằng số phận đời tôi đã được quyết định ngay từ khi tôi chạm mặt nó. Rồi sau này ghi khắc thật sâu trong tôi khi tôi gặp ý tưởng thật đẹp và tràn đầy kiêu hãnh trong câu nói này của Mácxim Goócky: Với cây bút và trang giấy trong tay, chúng ta chiến đấu cho ngày mai!

Cái tên, kỷ niệm một thời

Thưa nhà văn, có phải bút danh Ma Văn Kháng cũng ra đời từ mảnh đất này? Vì bút danh này, nhiều người thường lầm ông là một nhà văn người dân tộc thiểu số…

Nhà văn Ma Văn Kháng: Hè năm 1957, tôi đi làm công tác thuế nông nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc Giáy. Trong những ngày này tôi quen anh Ma Văn Nho. Anh Nho là Phó Chủ tịch kiêm Phó Bí thư huyện ủy Bảo Thắng. Con người này có sức thu hút hết sức mạnh mẽ với mọi người. Anh đi tới thôn nào là ở đó người ta lao nhao gọi tên anh, rồi xán đến trò chuyện. Anh có khả năng trò chuyện rất thân mật, giản dị với bà con.

Trong các cuộc họp, anh thao thao về chủ trương chính sách, mà toàn là những lời ăn tiếng nói thông thường, chứ không phải câu chữ trong văn bản hành chính. Vậy mà, công việc vẫn ra đâu vào đấy. Thôi thế là tôi tìm thấy thần tượng sống động của tôi rồi! Một cán bộ xông pha trong phong trào, một con người khiêm nhường nhưng tiềm ẩn bên trong cái khí lực của cả khối quần chúng công nông, cái hơi thở mạnh mẽ, sâu bền của đời sống cần lao.

Làm thuế nông nghiệp ở bản làng này ít lâu thì tôi mắc phải căn bệnh sốt rét. Thấy tôi nằm liệt mấy ngày, anh Ma Văn Nho liền lặn lội đi tìm một ông y tá từ thời Pháp đến  tiêm cho tôi hai ống Quinofort de la croix. Bệnh dứt hẳn. Anh Ma Văn Nho đã là thần tượng của tôi, nay còn là ân nhân của tôi. Tôi kết nghĩa anh em với anh và đổi sang họ Ma - Ma Văn Kháng. Cái tên Ma Văn Kháng có xuất xứ là thế.

Nó được dùng trong đời sống hàng ngày. Đó là cái tên tôi ký trong học bạ học sinh.  Đó là danh tính tôi dùng trong các văn bản pháp lý. Trong giao dịch hàng ngày của tôi. Sau này, khi viết văn thì dùng luôn tên ấy. Chứ không phải là bút danh đặt ra cho nó có màu sắc miền núi khi bắt đầu sáng tác văn học. Anh Ma Văn Nho người Kinh, quê ở Ấm Thượng, Yên Bái. Vùng ấy, có một dòng họ Ma là người Kinh từ miền xuôi trôi dạt lên.

Cái tên, kỷ niệm của một thời! Nhưng, sau này tôi nhận thấy, không phải chỉ có thế. Mà không phải chỉ là ở trường hợp của tôi. Cái tên riêng, tách ta khỏi bối cảnh, để không lẫn với mọi người. Nó cho ta ý thức mạnh mẽ về cá thể ta. Bình thường là thế. Còn khá ra thì nó có thể là một thứ thương hiệu, một thứ của cải nữa!

Cái tên Ma Văn Kháng sau này trở thành bút danh đem lại mấy mẩu chuyện vui vui. Nhiều bạn đọc thắc mắc, nhiều người nghĩ tôi là người dân tộc thiểu số! Một hôm, gặp Chế Lan Viên, tôi hỏi: Vì sao anh lấy họ Chế. Nhà thơ lớn trả lời: “Thì cũng như cậu”. Năm nhà văn Y Ban thi vào học Khoá 4 trường Đại học Viết văn Nguyễn Du, khi vấn đáp tôi hỏi: Vì sao lấy tên Y Ban? Cô trả lời: “Em cũng giống thầy”. Mang tên Ma Văn Kháng ở đất Hà Nội nhiều khi có lợi. Một lần đi xe máy phạm luật giao thông, nhẹ thôi, anh cảnh sát xem giấy tờ của tôi, lừ mắt nói: Thôi, chiếu cố bác ở miền núi về, lần này tôi không phạt!

Sống trong nghề thầy, viết về người thầy

Và cũng chính mảnh đất và con người xứ đồng rừng đã nuôi dưỡng những trang văn thấm đẫm sương mù, gió lạnh và con người vùng cao của một nhà văn Ma Văn Kháng sau này?

Nhà văn Ma Văn Kháng: Tôi mang ơn những năm tháng sống và làm việc tại tỉnh miền núi Lào Cai. Tôi mang ơn những công việc tôi đã làm. Cuộc sống là người thầy lớn. Sống rồi mới viết. Tôi đã viết được khoảng ba chục cái truyện ngắn ghi chép lại những mảnh đời cuộc sống con người miền núi Lào Cai. Tôi đã viết được các tiểu thuyết: Đồng bạc trắng hoa xòe (1979), Vùng Biên ải (1974), Chim én liệng trời cao (2019), phản ánh cuộc đấu tranh để giải phóng đồng bào các dân tộc khỏi ách đế quốc phong kiến thổ ty. Công cuộc xây dựng  cuộc sống mới của bà con miền núi được tôi mô tả trong các tiểu thuyết: Một mảnh trăng rừng (1989), Con của nhà trời (2018).

Không có cuộc sống thì không có văn chương. Nhưng Albert Camus trong diễn văn nhận giải Nobel có một câu viết rất hay: Nghệ thuật sẽ không là gì nếu không có hiện thực. Nhưng hiện thực cũng sẽ chẳng có mấy giá trị nếu không có nghệ thuật.

Còn đoạn thơ sau đây là của Chế Lan Viên: 

Không có Du thế kỷ này thành tay không

Mà Du cũng tay không nếu không có  mưa ấy, sông này, trăng kia, cỏ nọ...

Nên rồi Du phải cám ơn đời

Ta cám ơn Du

Cám ơn nhau rối  rít… (Kiều, 1987)

Thế đó, văn chương, nơi lưu dấu bóng hình cuộc sống!

Trong những tác phẩm của Ma Văn Kháng, xuất hiện nhiều câu chuyện về thầy giáo và nhà trường, từ tiểu thuyết như Đám cưới không có giấy giá thú, Gặp gỡ ở La Pán Tẩn, Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương... cho đến truyện ngắn như Người đánh trống trường, Thầy Khiển, Thầy Phùng kỳ quặc… Nghề giáo, hồi ức trong những năm giảng dạy dường như vẫn mang dấu ấn và sức ám ảnh ghê gớm với văn chương của ông?

Nhà văn Ma Văn Kháng: Đám cưới không có giấy giá thú xuất bản năm 1989 là cuốn sách được dư luận quan tâm. Các báo lớn liên tiếp có bài phê bình. Khen ngợi thì hết mức. Mà chê trách thì cũng không tiếc lời. Ngày 11/1/1990, Báo Văn Nghệ có cả một cuộc toạ đàm rộng rãi về cuốn này. Bộ trưởng Giáo dục lúc đó là Tiến sĩ Phạm Minh Hạc đã đọc nó một cách trân trọng và mời tôi tới văn phòng ông, trò chuyện cả giờ đồng hồ.

Kỷ niệm vui thích nhất của tôi là những buổi tôi nói chuyện về cuốn Đám cưới không có giấy giá thú và được sự hưởng ứng nhiệt liệt của cử toạ. Sau buổi nói chuyện với hơn 700 giáo viên toàn huyện Phú Xuyên, Hà Tây, lên đáp từ tôi, đồng chí trưởng phòng sau khi cám ơn tôi, nói rất trịnh trọng: “Tôi đề nghị, tất cả các trường học trong huyện ta ra quyết nghị: Không chấp nhận loại người như Cẩm, như Dương. Nếu trường nào có cán bộ, giáo viên như thế thì dứt khoát phải kiến nghị đưa ra khỏi ngành!”. Trong tiểu thuyết của tôi, Cẩm là hiệu trưởng, Dương là giáo viên chính trị, Bí thư chi bộ, cả hai nhân vật đều dốt nát, tự thị và chuyên quyền, đã gây tai hoạ cho bao người.

Đám cưới không có giấy giá thú kết tinh những trải nghiệm của tôi. Của riêng tôi, những năm tháng tôi dạy học ở một trường trung học phổ thông. Còn Gặp gỡ ở La Pán Tẩn là thu hoạch của tôi những năm tháng tôi làm việc ở Ty Giáo dục Lào Cai, trực tiếp sống và quan sát cuộc sống của các giáo viên trên các thôn bản vùng cao.

Nhà văn Ma Văn Kháng: Sống trong nghề thầy, viết về người thầy - 3

Đám cưới không có giấy giá thú - một tác phẩm nổi bật về đề tài thầy giáo và nhà trường của nhà văn Ma Văn Kháng 

Tôi yêu nghề thầy và các bạn bè cùng nghề. Các truyện ngắn của tôi về người thầy, với các niềm vui nỗi buồn cùng các số phận may rủi của họ là tình yêu thương chia sẻ của tôi với bạn bè tôi. Nói chung chúng mang hình bóng nguyên mẫu. Nói về nghề thì là chúng được gợi ý từ nguyên mẫu.

Xa ngành giáo dục đã mấy chục năm rồi, làm đủ các ngành nghề khác rồi, không còn đứng trên bục giảng nữa. Hoài niệm lại những năm tháng ấy, nhà văn có còn trăn trở điều gì?

Nhà văn Ma Văn Kháng: Môi trường giáo dục, một tiểu vũ trụ xã hội vô cùng độc đáo phong phú, vùng thẩm mỹ lớn của văn chương. Tôi mang ơn những năm tháng làm nghề thầy. Nghề thầy cho tôi nhiều thứ tốt đẹp lắm. Trường lớp là thánh đường tôn nghiêm. Nơi đây, nhân cách, tâm hồn, trí tuệ, lòng tốt của con người được nẩy nở và vun đắp. Xa nghề đã mấy chục năm rồi, tôi vẫn tơ tưởng về nghề.

Tôi đã được sống thật sự những năm tháng làm thầy thật vất vả và tươi đẹp. Tình thầy trò thiêng liêng, tôi đã được hưởng trọn vẹn. Các học sinh của tôi nay đã sáu bẩy mươi tuổi, ở rải rác trên khắp các vùng đất nước, vẫn gọi tôi là thầy, vẫn qua lại thăm hỏi tôi. Bạn đồng nghiệp với tôi xa nhau đã cả mấy chục năm vẫn liên hệ trong một mối dây tâm đồng.  

Nhớ tới những năm tháng làm nghề thầy là nhớ tới một nghề nghiệp cao cả rất đỗi tự hào và kiêu hãnh. V.V. Maiakôpxki, nhà thơ Nga Xô viết (1893-1930) viết:

Thầy giáo hiện ra

Như mặt trời

Sừng sững

Như trái núi

Trên mặt trận thứ ba

- Mặt trận học tập.

*

Say sưa nghe chuyện đến quá trưa, tôi mới xin phép ra về để nhà văn nghỉ ngơi, hẹn dịp khác lại tới thăm ông. Nhà văn kêu tôi nán lại ít phút, đoạn ông vào phòng để kiếm thứ gì, trở ra thì thấy trên tay cầm cuốn “Truyện ngắn Ma Văn Kháng”, nắn nót dòng chữ ký tặng tôi: “Mến tặng Phạm Hằng – Thời báo Văn học nghệ thuật. MVK”. Xúc động vô cùng, tôi rối rít cảm ơn. Sự trìu mến, ân cần đáng kính của nhà văn, nhà giáo Ma Văn Kháng với lửa nghề vẫn luôn cháy rực như truyền thêm cho tôi nhiệt huyết sức trẻ, khao khát được sống cống hiến cho đời...

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất

8 thành phần dưỡng da cực tốt giúp nàng 'trẻ mãi không già'

8 thành phần dưỡng da cực tốt giúp nàng 'trẻ mãi không già'

Nhiều người có thể thắc mắc có những chất dinh dưỡng nào giúp nuôi dưỡng làn da. Và nếu chọn sử dụng sản phẩm dưỡng da thì phải chọn những loại chất dưỡng nào? Dưới đây là 8 loại vitamin giúp da khỏe đẹp từ bên trong mà bất cứ cô gái nào cũng nên biết.