Nhà văn Ngô Thảo: “Còn với non sông một chữ tình”

Nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa, Trưởng ban Lý luận - phê bình Tạp chí Văn nghệ Quân đội nhận xét: Văn nhân thường là “tương khinh”, nhưng ở Ngô Thảo là biểu hiện sinh động của cái mà Nguyễn Tuân gọi là tấm lòng “biệt nhãn liên tài” ông dành cho bạn văn của mình. Học giả Đào Duy Anh từng nói: “Cho hay tất cả đều trôi nổi/ Còn với non sông một chữ tình”. Con người và tác phẩm Ngô Thảo mang đậm chữ tình đó. Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (1944-2023), PV đã có cuộc trao đổi với nhà văn có nhiều tác phẩm giới thiệu các nhà văn viết về chiến tranh và lực lượng vũ trang.

PV: Thưa ông, được biết, năm 1965, ông là người Đoàn viên đầu tiên của Viện Văn học nhập ngũ. Ông nhớ gì về những năm tháng ấy?

Nhà văn Ngô Thảo: Từ ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ mở đầu ném bom miền Bắc, cuộc chiến tranh đã lan ra cả nước, phong trào Thanh niên tình nguyện ra chiến trường rất sôi nổi. Tôi quê ở sát Vĩ tuyến 17, nơi đang là Giới tuyến chia đôi đất nước, vùng đất diễn ra chiến sự ác liệt. Chúng tôi có lẽ thuộc lớp tốt nghiệp đại học đầu tiên được gọi nhập ngũ.

Nhà văn Ngô Thảo: “Còn với non sông một chữ tình” - 1

Nhà văn Ngô Thảo thời trẻ

Sau khi tốt nghiệp khóa V Khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp, tôi được phân công về Tổ Ngôn Ngữ - Viện Văn học, ngày ngày viết Phích chuẩn bị tư liệu làm Từ điển Tiếng Việt, một công việc khoa học khá buồn chán. Lệnh gọi nhập ngũ đã giúp tôi thực hiện được ước mơ: Trực tiếp cầm súng, và trong chiến đấu, mình có thể làm những việc gì đó hữu ích hơn. Trang đầu một cuốn sổ tay, tôi tự dặn: “Ngòi bút, lời văn anh chỉ thực sự có giá trị khi mà bản thân anh có một nhân cách đáng để mọi người tôn trọng, một đạo đức đáng để mọi người yêu mến,và những chiến công nhiều người ước mơ”.

PV: Vâng! Và ông đã đi qua những năm tháng chiến trận như thế nào? Nhìn lại chặng đường gian khổ nhưng đẹp đẽ đó, ông thấy yêu và tiếc điều gì, thưa ông?

Nhà văn Ngô Thảo: Sách xưa thường có câu: “Nói thì nhanh làm thì chậm”. Chúng tôi trải qua những năm tháng đầu tiên không dễ dàng gì. Ngỡ là có thể được cầm súng, ra trận ngay nhưng do được biên chế ở Sư đoàn 308, là một đơn vị chủ lực - chiến lược, lại thuộc Trung đoàn Pháo binh cơ giới, nên thời gian huấn luyện và cơ động để tránh sự theo dõi của đối phương là khá dài. Đang là đơn vị Pháo Cối 120 ly, khênh vác, được chuyển vội sang nhận pháo D74, 120 ly nòng dài để giao thừa Tết Mậu Thân 1968 vào tiếp quản trận địa bảo vệ bờ biển ở Quảng Xương - Thanh Hóa, vừa bắn tàu biển, vừa đề phòng chúng đột kích vào miền Bắc.

Sau 3 năm huấn luyện, qua nhiều công việc, từ Binh nhì, khi vào chiến đấu biển, tôi đã là Chuẩn úy, Trung đội trưởng Trinh sát. Tháng 4/1968, Tiểu đoàn Pháo binh mang mật danh 4011B được lệnh hành quân vào chiến trường. Chặng đường hôm nay chỉ đi không đến một ngày, dạo đó Tiểu đoàn pháo binh hành quân bằng xe xích mất hơn một tháng. Ở đường tránh Cua chữ A, đèo Pô la nhich, một khẩu đội bị trúng B52, xe cháy, mấy đồng chí hy sinh. Đêm 7-5-1968, trong Lễ tang các đồng chí hy sinh về chôn cất ở nghĩa trang Binh trạm 3, tôi thay mặt đại đội đọc điếu văn. Đó là “áng văn” đầu tiên tôi viết ở chiến trường.

Nhưng đưa được pháo nòng dài vào rừng núi tây Trị Thiên, cơ động khó khăn, nên khi địch phản kích, đơn vị chuyển sang DKB, một loại tên lửa vác vai.

Bước vào chiến đấu mùa hè 1969, tôi được chuyển làm Chính trị viên phó Đại đội, quân hàm quân Giải phóng là Đại đội bậc phó. Sau mấy chục trận trực tiếp vác pháo, vác đạn, chuẩn bị phần tử, chỉ huy bắn, tôi lại được điều về làm trợ lý Câu lạc bộ Trung đoàn, có dạo còn làm đội trưởng đội tuyên truyền văn hóa Trung đoàn, dàn dựng các tiết mục văn nghệ, dẫn quân đi biểu diễn nhiều đơn vị dọc đường hành quân.

Năm 1971, tôi được cử ra học ở Học viện Chính trị. Chưa nhận bằng tốt nghiệp, thì cuối năm đó, tôi được điều về Tạp chí Văn nghệ Quân đội, khi chưa quen một ai ở đây. Sau này tôi mới biết, anh Nhị Ca, anh Mộng Lục ở Phòng Văn nghệ Quân đội được giới thiệu là tôi từng có bài đăng ở Tạp chí Văn nghệ, Tạp chí Văn học, báo Tiền phong từ đầu những năm 60, nên quyết định xin về. Dạo đó, tâm trạng tôi cũng hoang mang lắm.

Có dịp để hiểu câu: “Đứng núi này trông núi nọ”. Khi gian khổ, ác liệt ở chiến trường thì ao ước về hậu phương. Nhưng đột nhiên một mình trở về khi những đồng đội thân thiết vừa chiến thắng ở Đường 9 - Nam Lào, nơi mình từng tham gia đo đạc, chuẩn bị chiến trường, rồi đánh ở Quảng Trị, chi viện Thành Cổ, nhiều đồng chí hy sinh, bỗng cảm thấy lòng tự trọng bị lung lay.

Trong hoàn cảnh bất khả kháng đó, chỉ có cách tốt nhất là gắng làm thật tốt công việc mới được phân công. Nhìn lại, tôi thấy 5 năm ở đơn vị, trong rèn luyện và trong chiến đấu, tôi học được rất nhiều.

Từ một anh sinh viên vụng về, nhút nhát, sợ sệt, ngại mọi tiếp xúc, trở thành một người lính gan lì trước gian khổ, trước bom đạn, trước cả cái chết. Nhất là khi tiếp cận những trận bom, nhiều chiến sĩ ít tuổi hơn mình, họ tin cậy ở mình, nhìn mình khi xử lý tình huống gay go, khi băng bó thương binh, khâm liệm, chôn cất liệt sĩ, vừa đọc, vừa sửa một cái điếu văn có mẫu sẵn mà không phải bao giờ cũng đúng với hoàn cảnh hy sinh của đơn vị mình, khi đói thiếu biết nhường thức ăn, viên thuốc cho người cần hơn, vui vẻ nhận việc nặng nề hơn… tất cả những việc đó làm cho mình trưởng thành, rèn luyện nên bản lĩnh một người luôn biết quan tâm đến những người xung quanh một cách chân thành. Có lẽ nhờ được từng trải ở đơn vị, mà khi về Tạp chí Văn nghệ quân đội, với quân hàm rất thấp là Đại đội bậc phó trong nhiều năm, dù rất lo lắng về chuyên môn, tôi vẫn hòa nhập được về lối sống.

Nhà văn Ngô Thảo: “Còn với non sông một chữ tình” - 2

Chân dung Nhà văn Ngô Thảo

PV: Có thể nói, ông may mắn khi được sống cạnh, đi cạnh cuộc đời những nhà văn lớn, và đó chính là vốn sống riêng có để tạo nên những trang phê bình văn học chân thật, đặc sắc. Ông có thể chia sẻ nhiều hơn về điều này?

Nhà văn Ngô Thảo: Tôi có 15 năm ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, từ 1971-1985. Có thể nói, đây là thời gian nổi bật nhất của Văn nghệ Quân đội. Trong dàn hợp xướng hùng hậu của những nhà văn mặc áo lính, đã xuất hiện những giọng lĩnh xướng đầy bản lĩnh. Đang ở chiến trường là Nguyên Ngọc, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Ngọc Tấn, Nguyễn Thi, Thu Bồn,… ở Tòa soạn là Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Hữu Mai, Hồ Phương, Xuân Thiều, Phạm Ngọc Cảnh, Ngô Văn Phú… cũng thường có những chuyến đi chiến trường gần xa.

Những năm 70 của thế kỷ XX, khác với thuở thanh niên thời kháng chiến chống Pháp, lúc này các nhà văn đều đã có gia đình, con cái đầy đàn, cha già, mẹ yếu, nghĩa là nhiều việc nhà phải lo. Nhưng không chiến trường ác liệt nào vắng mặt họ… Họ không phải chỉ là nhà văn chuyên viết về bộ đội, mà thực sự là những người lính viết về cuộc sống và chiến đấu của chính mình và đồng đội. Ở thời điểm đó, tôi được tiếp cận các nhà văn trước sau mỗi chuyến đi, khi hình thành ý tưởng, được đọc tác phẩm khi còn là bản thảo, mấy lần sơ tán về hương Ngải- Thạch Thất- Hà Tây lúc “trà dư tửu hậu” càng có dịp gần gũi, nghe các anh trò chuyện, trao đổi nghề nghiệp, nghiêm túc thì ít, đùa bỡn thì nhiều, nên càng có dịp hiểu nhau hơn.

PV: Theo ông, những bài học lớn từ cuộc đời và sáng tác của các nhà văn thời kỳ chống Mỹ để lại cho thế hệ hôm nay là điều gì? 

Nhà văn Ngô Thảo: Thật ra, mỗi thời có những cách khác nhau để hình thành tác phẩm. Nói bài học để theo, không chắc… Chỉ biết rằng, điều làm nên giá trị của những tác phẩm văn chương trong chiến tranh, ngoài tài năng bản thân tác giả, còn là môi trường hình thành tác phẩm. Họ sống và chiến đấu, Ra đảo, Chiến sĩ , Tháng Ba ở Tây Nguyên của Nguyễn Khải gần như viết tại những nơi tác giả có mặt. Nguyễn Minh Châu viết Dấu chân người lính là lúc ông đang bám mảnh đất Quảng Trị.

Nhà văn Ngô Thảo: “Còn với non sông một chữ tình” - 3

Con người và tác phẩm Ngô Thảo mang đậm chữ tình. Nguồn ảnh: Báo điện tử Tổ quốc

Nhà thơ Xuân Sách, người cùng đi chiến trường có kể lại, trong một lần Nguyễn Minh Châu hẹn gặp một Đại đội trưởng nổi tiếng gan dạ để khai thác tài liệu. Lúc hai người đang trò chuyện, thì một quả rocket bất ngờ phóng tới, người Đại đội trưởng nhanh tay đẩy nhà văn xuống hầm. Khi Nguyễn Minh Châu thấy nặng nặng, gượng đứng lên, thấy máu đầy người, mới biết người cán bộ đó đã đỡ mảnh rocket cho mình. Những trang viết từ sự trải nghiệm như thế thấm đẫm tình người trong chiến tranh.

PV: Có phải từ những bài học ấy, mà nay đã ngoài 80, vượt xa tuổi “xưa nay hiếm”, ông vẫn nặng lòng với từng con chữ của văn học viết trong chiến tranh. Hơn thế, ông còn dành nhiều thời gian sưu tầm tư liệu, viết về các nhà văn đã mất, làm tuyển tập cho Nguyễn Thi, Thu Bồn, Nhị Ca…

Nhà văn Ngô Thảo: Tôi vẫn nghĩ, thước đo giá trị tác phẩm, tác giả sẽ luôn có sự thay đổi theo thời gian, dưới những định kiến chính trị - xã hội. Có những tác giả, tác phẩm đương thời được đánh giá cao, nhưng thời gian chưa xa, đã bị quên lãng. Nên việc tìm cách lưu giữ văn bản tác phẩm, tư liệu , ghi chép của tác giả là cần thiết.

Khi tôi về Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhà văn Nguyễn Thi đã hy sinh. Nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, Thanh Giang đóng gói, gửi về Văn nghệ Quân đội hai gói di cảo theo hai đường dây khác nhau. May sao cả hai đều về đến tòa soạn. Ngoài bản thảo tiểu thuyết Ở xã Trung Nghĩa, Sen trong đồng, Cô gái đất Ba Dừa, Ước mơ của đất đều còn viết dở, Tạp chí Văn nghệ Quân đội lần lượt đăng. Nhà phê bình Nhị Ca đang viết cuốn Nguyễn Thi - Gương mặt còn lại thì bị đột quỵ. Các bạn Vương Trí Nhàn, Lại Nguyên Ân ở Nhà xuất bản Tác phẩm mới thuộc Hội Nhà văn Việt Nam động viên tôi viết thêm mấy chương để có thể hoàn thành cuốn sách.

Sách in rồi, được Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng còn đó 24 cuốn sổ ghi chép, nét mực đang phai dần bởi thời gian, với một thứ chữ không dễ đọc. Tôi đã mất 2 năm mày mò, bị lôi cuốn bởi nội dung hấp dẫn, đánh máy lại từng trang, do ghi chép không liên tục nên ghép lại để có cuốn Năm Tháng chưa xa, giúp sau này hoàn thành Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi Toàn tập năm 1995. Tập ghi chép này giúp người đọc hiểu sâu hơn tâm thế, tầm vóc, và cách làm việc của nhà văn. Bên cạnh những tác phẩm kịp thời, ông còn chuẩn bị tư liệu cho những tác phẩm tương lai. Vì thế sự hy sinh của Nguyễn Thi không chỉ là của một người lính đã bắn đến viên đạn cuối cùng khi bị bao vây, mà còn của một nhà văn với nhiều phác thảo dang dở.

Gần đây là bộ tuyển tập 4 tập Thu Bồn Tác phẩm của tôi (đều của NXB Văn học) vẫn là với ý tưởng như vậy. Nhiều năm trước, tôi đã lên tiếng mở rộng việc sưu tầm di bút các liệt sĩ, chính là để giúp hậu thế hiểu rõ hơn về phẩm chất cao thượng của thế hệ đã không tiếc thân mình hy sinh cho thắng lợi của cuộc chiến đấu cho đất nước Độc lập - Thống nhất.

Tập Thư chiến trường (Letters from The Battlefield) do các con tôi làm cùng Jacqueline Lundquist - con gái Đại tá Mỹ Donald Lundquist tập hợp một số thư của hai người lính ở hai bên gửi về cho vợ con, phía Mỹ do Cựu Tổng thống W. Clinton, phía Việt do Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên giới thiệu cũng là để lưu giữ những tư liệu trung thực về chiến tranh.

Nhà văn Ngô Thảo: “Còn với non sông một chữ tình” - 4

4 tập Thu Bồn Tác phẩm của nhà văn Ngô Thảo.

PV: Sang năm tới, 2024 là kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, là một người lính già, ông nghĩ, giới lý luận phê bình hiện nay nên và có thể làm gì để phát huy giá trị mà nền văn học nghệ thuật trong chiến tranh và cách mạng đã sáng tạo?

Nhà văn Ngô Thảo: Trước mắt chúng ta có hai dịp kỷ niệm lớn là 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân 2024, và 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam 2025, cùng với nhiều công việc cần và có thể làm, tôi nghĩ, các cơ quan có trách nhiệm cần tổ chức đội ngũ lý luận phê bình khá đông đảo và có chất lượng học thuật cao hiện nay, ưu tiên có những công trình tổng kết, đánh giá hoạt động văn học nghệ thuật 30 năm chiến tranh và cách mạng 1945-1975.

Thời gian qua, cũng đã có một số công trình tập thể và cá nhân về một số vấn đề của văn học nghệ thuật giai đoạn này nhưng phạm vi và tầm nhìn còn hạn chế. Thời gian giúp chúng ta nhận ra rằng đây là một  thời kỳ  không dài nhưng rất đặc biệt trong lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc. Đối đầu và chiến thắng hai đế quốc lớn nhất là Pháp và Mỹ, đất nước ta không trở về thời kỳ đồ đá như ý đồ của kẻ thù, mà còn vươn lên lên mạnh mẽ, để trở thành một dân tộc hiện đại. Sức sống dân tộc được ghi nhận bên những chiến công lừng lẫy là những sáng tác văn học nghệ thuật mà hào khí còn vang truyền trong cuộc sống hôm nay.

Tôi ao ước trong 2 năm tới, các chuyên ngành văn học nghệ thuật, không chỉ văn học mà âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, kiến trúc… có những công trình tổng kết, không chỉ vinh danh những tác giả và tác phẩm xứng đáng, mà còn rút ra những bài học về tổ chức, lãnh đạo, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng tác giả và tác phẩm, những bài học đúng sai sau những cuộc đấu tranh tư tưởng liên tụ .

Trong tình hình văn nghệ có chiều trầm lắng hiện nay, rất nên suy nghĩ, tại sao trong chiến tranh, với một đội ngũ văn nghệ sĩ học vấn không cao, điều kiện sống và làm việc thiếu thốn, thậm chí lý luận văn nghệ có những hạn chế, mà cả nước có một nền văn nghệ với khá nhiều tác giả và tác phẩm chói sáng, văn học nghệ thuật chiếm được tình cảm, sự quan tâm của đông đảo công chúng, nhiều tác phẩm có sức sống như những con tàu xuyên không, để luôn có mặt trong các sự kiện xã hội cũng như tâm trí con người hiện nay.

Đồng thời cũng tìm lời giải thích hợp lý nhất có thể cho các sự kiện còn khúc mắc, đối với những trào lưu, tác giả và tác phẩm từng bị phê phán, xử lý oan sai, góp phần làm giàu kho tàng văn học nghệ thuật nước nhà. 50 năm đất nước thống nhất cũng đủ thời gian để nhìn nhận, đánh giá và ghi nhận những gì là có giá trị của văn học nghệ thuật vùng tạm chiếm trong kháng chiến chống Pháp, của miền Nam dưới chế độ Cộng hòa và bộ phận văn học nghệ thuật Việt Nam ở hải ngoại, cũng như của các tác giả quốc tế viết về Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.

Tôi nghĩ những công trình này là cách kỷ niệm những mốc lịch sử có ý nghĩa nhất. Đồng thời các công trình này cũng thể hiện rõ  tình cảm tri ân công lao sáng tạo của các bậc tiền nhân, lòng bao dung, độ lượng và công bằng với lịch sử, góp phần thiết thực nhất vào sự hòa hợp dân tộc, vẫn là vấn đề còn nhức nhối sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất trong hòa bình, như lời học giả Đào Duy Anh: “Cho hay tất thảy đều trôi nổi/ Còn với non sông một chữ tình”.

PV: Xin được cám ơn ông, chúc ông thật nhiều sức khỏe để tiếp tục cầm bút.

Võ Hạnh Thúy thực hiện

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nghệ An khai mạc trọng thể Lễ hội làng Sen năm 2024

Nghệ An khai mạc trọng thể Lễ hội làng Sen năm 2024

Từ năm 1981, một phong trào ca hát về Bác Hồ, về Tổ quốc, về Đảng đã ra đời với tên gọi Liên hoan tiếng hát Làng Sen. Đến năm 2002 Liên hoan tiếng hát Làng Sen được tỉnh Nghệ An nâng lên thành Lễ hội Làng Sen với quy mô cấp tỉnh (được tổ chức hàng năm) và cấp toàn quốc (5 năm tổ chức một lần) vào dịp sinh nhật Bác. Ngay từ những năm đầu tổ chức, Lễ hội Làng Sen đã thu hút nhi