Những tấm khiên của đời người

(Ấn tượng về “Trong bão”, truyện của Trần Đức Trí, NXB Thanh niên, 2022)

“Thuyền cầu bão táp mưa sa/ Dường như giông bão mới là bình yên”

(Lermontov – Cánh buồm)

Phi lộ

Đọc Trong bão (truyện) của Trần Đức Trí, tôi nghĩ tuy thể loại ghi ngoài bìa sách là “truyện” nhưng xét đến cùng, thực chất là “tự truyện” (cũng có thể vì lý do ta thường gọi là nhạy cảm hay tế nhị nên cần thiết ghi thế). Có thể coi tác giả cùng thế hệ chúng tôi - một lứa bên trời (đã từng trải qua cơ hàn đói rét, chiến tranh khốc liệt, dịch giã ngút trời, oan khuất tận mây xanh).

Tác giả đã từng tu nghiệp ở Liên Xô (trước đây). Tôi cũng từng tu nghiệp ở xứ sở bạch dương và tuyết trắng (tại khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M. V. Lomonosov (thường viết tắt là MGU). Đã từng thắt lưng buộc bụng dành dụm tiền để mua vé (đắt) đến sân vận động Luzhniki (Matxcơva) nghe ca sĩ lừng danh Pugacheva hát Triệu triệu bông hồng. Có câu chuyện riêng muốn chia sẻ cùng tác giả và đồng nghiệp: nhà tôi có 7 anh em (4 trai, 3 gái). Ba anh đầu tham gia quân đội (1950, 1958, 1964); anh thứ hai liệt sỹ, hy sinh tại chiến trường biên giới phía Bắc, 1984.

Những tấm khiên của đời người - 1

Bìa cuốn sách "Trong bão"

Ở quê tôi, vì thế mới lọt sàng là tôi được đi học đại học. Không cám cảnh như Trần Đức Trí bị ủy ban xã giấu giấy gọi vào đại học. Vì những tương đồng cảnh ngộ, vì sự đồng cảm thế hệ, tôi đọc thiên truyện Trong bão của Trần Đức Trí với niềm say mê, thích thú đặc biệt giống như tri âm, tri kỷ, dù chưa một lần gặp gỡ, tiếp xúc. Quan trọng hơn đây là một tác phẩm có nhiều dư ba với những người ưa sống chậm, thích nghiền ngẫm sự đời như thế hệ chúng tôi đã trải qua lửa đỏ và nước lạnh, những bể dâu đời người.

Mỗi hiệp sĩ thời xưa, tôi hình dung, thường mang một tấm khiên (lá chắn bằng các vật liệu tốt khác nhau để ngăn chặn các cuộc tấn công từ ngoài vào) và một thứ vũ khí lợi hại, sở trường khi giáp trận. Trần Đức Trí trong thiên truyện có tính tự truyện Trong bão đã trình hiện với độc giả yêu văn chương những... năm tấm khiên của đời mình. Cấu tứ cũng như nhan đề bài viết của chúng tôi lóe lên và dẫn dắt từ một câu văn rút từ Trong bão: “Cha mẹ là tấm khiên của con cái”.

Cha mẹ là tấm khiên của mỗi người từ lúc lọt lòng đến cả lúc lớn rồi mà vẫn còn trót dại thì không ai khác ngoài “con dại cái mang”. Công sinh thành của cha mẹ như trời biển nên dân gian mới có câu “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Theo cách đọc của tôi, những trang viết của tác giả Trong bão, hay nhất, xúc động nhất, ấn tượng nhất vẫn là về những người ruột thịt của mình (ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột), vì “máu chảy ruột mềm”.

Tác giả viết về các bậc sinh thành rất hồn nhiên: “Bố tôi là một anh thợ cày rất yêu văn thơ”. Giống Nguyễn Huy Thiệp hay láy điệp khúc: “Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ở nông thôn” (Những bài học nông thôn); “Tôi là Nhâm. Tôi sinh ở làng quê, lớn lên ở làng quê” (Thương nhớ đồng quê). Đúng thế, chẳng có ai chọn được thân sinh và nơi sinh. Chẳng có gì xấu hổ để giấu giếm tung tích, gốc gác của mình như bây giờ nhiều kẻ rời làng lên phố, vào làm việc ở đâu đó, thoắt cái chưa đậu ông nghè đã đe hàng tổng (thay tên, thay màu tóc, thay lối nghĩ nề nếp). Dĩ nhiên có bố là do có ông bà nội.

Tác giả viết về hai hiệt kiệt ra tay cứu đói cho cả gia đình lớn (tất cả 13 con người) trong cảnh bĩ cực mà chưa tìm ra thái lai, không ai ngoài trước tiên là bà nội, sau đó là mẹ. Tôi (người viết bài này) mồ côi mẹ lúc mới ba tuổi (1954), nên đọc những trang này vô cùng xúc động. Nhưng ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột thì cũng đều có cùng nơi chôn nhau cắt rốn – quê hương, bản quán. Tôi yêu cái làng Phương Trạch, cái cuống rốn đời người tác giả thiên truyện Trong bão như yêu làng Tùng Ảnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh) của tôi, nhưng vì những lý do “trên trời” làm tôi phải xa làng biền biệt 68 năm nay (1954-2022).

Những tấm khiên của đời người - 2

Ra mắt tập truyện “Trong bão” – NXB Thanh niên, 2022 của nhà văn Trần Đức Trí.

Vậy là, tấm khiên đầu tiên được phục dựng, miêu tả như một không gian văn hóa khởi nguyên, cội rễ, suối nguồn của mỗi người - trong trường hợp cụ thể này là nhà văn Trần Đức Trí. Viết như thế là tựa vào cảm xúc hồn nhiên, chân thật, không lên gân, không hề phải “kiễng chân”.

Chữ nghĩa là tấm khiên của mỗi người để tồn tại, khẳng định vị thế của mình trong thiên hạ. Ngày xưa các cụ nói cho con cháu đi học để lấy cái chữ là có của để dành. Quá đúng trong thời đại kinh tế tri thức. Đọc Trong bão của Trần Đức Trí, những trang viết về chuyện học hành từ nhỏ chí lớn giỏi giang, thành đạt tôi lại liên tưởng đến truyện Cha tôi của Phan Thị Vàng Anh (viết về cha – nhà thơ Chế Lan Viên), đại ý, cha răn “tôi” (tức Phan Thị Vàng Anh) phải học thật giỏi để “không ai giết được mình” (xin mở ngoặc thanh minh, bào chữa cho tác giả: chữ giết ở đây cần được hiểu theo nghĩa rộng - để không ai coi thường, khinh thường vì mình ít chữ). Chế Lan Viên là một tấm gương “học, học nữa, học mãi!”.

Cũng như thi sỹ Xuân Diệu, trước lúc mất đã kịp viết tiểu luận để đời Sự uyên bác với việc làm thơ (dự dịnh đọc trước Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc, 1985, nhưng không kịp). Nhân vật “tôi” (Trần Đức Trí), như lời phán của thầy bói, sau này sẽ không làm hổ danh gia tộc họ Trần (!?), lời “tiên tri” ấy may mắn ứng nhiệm. Thuở đi học phổ thông, Trần Đức Trí giỏi đều cả văn, cả toán (“Thực lòng tôi yêu môn toán hơn môn văn”), nhưng có lẽ nghiêng về môn đầu (bằng chứng là năm lớp 7 được cử đi thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh).

Sau này, học lên, được tu nghiệp ở nước ngoài và thành đạt, thì phải giỏi về các môn tự nhiên. Đúng như thế. Nhưng cái bản ngã, bản tính, bản chất của Trần Đức Trí là ở chữ “văn” (không hề bó hẹp trong văn chương). Nghĩa là, chữ nghĩa của “tôi” không hạn hẹp, phiến diện, nó mở ra cả nhiều hướng của sự học (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, tâm lý, nghệ thuật...). Ở đây cần nhấn mạnh, quá trình “nạp” chữ của “tôi” là từ khởi nguồn của Thánh hiền, của cha ông, của cha mẹ, của thầy cô, và cả của đồng chí, đồng bào. Chữ không đơn giản chỉ là “thánh thư”, còn là chữ “sống” trong suối nguồn văn hóa dân gian (folklore) vô biên.

Nhân cách là tấm khiên của mỗi người, vì con người  nếu đã phi nhân cách thì đồng thời cũng phi văn hóa. Nhân cách là một phạm trù đạo đức, rộng hơn là một phạm trù có ý nghĩa triết học – văn hóa (biểu thị sự cân đối, hài hòa giữa cá nhân – xã hội, giữa bản năng – trí tuệ, giữa cống hiến – hưởng thụ, giữa con và người). Nhưng “nhân cách văn hóa” (một ‘từ khóa” của Hội nghị Văn hóa toàn quốc, 11/2022) lại cần được đặt trong một môi trường (thung thổ) văn hóa tích cực thì mới có cơ hội triển nở. Nhân cách trong một ý nghĩa cụ thể nhất biểu thị sự ứng xử. Những trang viết về quãng thời gian quân ngũ, tham gia chiến đấu trên chiến trường là ánh phản rõ ràng nhất khái niệm nhân cách.

Bởi vì chiến tranh không phải là trò đùa, máu người không phải là nước lã, người ta sinh ra không phải đã là lính. Nhưng gian khổ hy sinh không phải là “món quà của tạo hóa” ban tặng con người. Đúng hơn là những “cửa ải”, những “sát hạch”, những “ba chìm bảy nổi chín lênh đênh”, tối ưu và tối đa nhằm kiểm nghiệm lương tâm con người. Cũng có khi người lính Trần Đức Trí (và đồng đội) chênh vênh, cũng có ý “tụt tạt” trên những nẻo đường chiến trận. Nhưng lương tâm người lính đã níu giữ họ, khiến họ không lạc lối (dù có “trốn” dăm ngày về thăm nhà thì cuối cùng cũng trở lại đơn vị, kể cả phải làm bản tự kiểm điểm, sau lại cầm súng vào trận như chưa hề có những vân vi trước đó).

Đọc những trang viết về chiến trận của Trần Đức Trí, tôi nhớ đến những câu thơ găm vào trí nhớ người đọc của thi sĩ Thanh Thảo: “Chúng tôi không mệt đâu/ Nhưng cỏ sắc mà ấm quá. (...)/ Mười tám hai mươi sắc như cỏ/ Dày như cỏ. (...)/ Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình / Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?/ Cỏ sắc mà ấm quá, phải không em?”. Đó là khát vọng được thành thực của văn chương/thơ ca.

Văn chương là tấm khiên của mỗi người như với nhà văn Trần Đức Trí và những đồng nghiệp chân chính như anh. Tôi đã từng viết bài Chữ như tấm khiên che chở nhà văn Vũ Bằng. Ai cũng biết nhà văn Vũ Bằng là một chiến sĩ tình báo vào Nam (từ 1954) theo lệnh của Tổ chức, hoạt động công khai dưới vỏ bọc của một nhà báo cự phách, từng nổi tiếng ngay từ trước 1945.

Thời kỳ này ông viết Bốn mươi năm nói láo (về nghề báo), sau 1975 được tái bản nhiều lần. Văn chương suy cho cùng là một “nghiệp” hơn một “nghề”. Nếu nói nghề để sống an nhiên, đủ đầy thì với Trần Đức Trí anh sẽ không chọn, mà chính văn chương chọn người, theo lối “chọn mặt gửi vàng”. Anh đã đến với Nàng Thơ (Hoa Vườn Ngoại, Lửa thu) trước khi đến với Chàng Văn (Trong bão).

Cuốn truyện Trong bão khép lại dòng cuối vào những ngày ghi vào lịch sử - giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1975), tiến tới thống nhất Đất nước, toàn vẹn giang sơn. Nhưng thặng dư chữ của tác phẩm thì nhiều dư ba. Tác giả đã chạm đến ngưỡng tuổi “nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Nhưng ngắm tác giả (qua ảnh) thì thấy thần thái còn nhiều nội lực, bút lực. Là đồng nghiệp chữ nghĩa với anh, tôi tự nhủ lòng sẽ có cơ hội thay đổi trạng huống phổ biến trong nghề viết lách “văn kiến kỳ thanh bất kiến kỳ hình”.

Tình yêu thương là tấm khiên của mỗi người là sát hợp với không chỉ tác giả Trần Đức Trí,  mà với những người chân chính nói chung, hay bây giờ ta gọi là người tử tế. Vì thế “Tôi không muốn viết về cái ác”. Như một tuyên ngôn chữ (nghe có vẻ đao to búa lớn? Không!). Trên báo Văn nghệ số 43 (ra ngày 22/10/2022), trong mục “Tiếng nói nhà văn”, nữ nhà văn Di Li trình hiện bài Niềm tin và Đức tin, đã viết: “Nhà văn – phê bình Bùi Việt Thắng thì nói rằng: “Chưa cần đến thông minh hay tài giỏi, chỉ cần mỗi người trong chúng ta đều tử tế thôi thì đất nước này cũng đã khác lắm rồi”.

Tử tế là trung thực, là yêu thương, chia sẻ, đồng cảm, là tận hiến khác xa thói hư danh, tham lam, hận thù đồng loại, chưa kể đến những mưu đồ tối tăm khác vì cái tôi ích kỷ. Sống gần đến ngưỡng thất thập, trên từng trang viết (có vẻ như không cần viện trợ của kỹ thuật), nhà văn Trần Đức Trí, theo tôi, đã trải lòng/ mở lòng với đời, với người.

Đặc biệt anh đã thể hiện qua con chữ tình yêu thương lớn đến cả thiên nhiên, tạo vật. Những trang viết đậm chất quê kiểng về cái nôi - làng Phương Trạch, sông Kiến Giang, cánh đồng lúa, Núi non Trường Sơn... - chứng tỏ ngòi bút đã thấm nhuần đến chân tơ kẽ tóc nguyên lý tối thượng “con người là một phần của tự nhiên”. Vậy nên, tôi cảm nhận rõ có một “văn học xanh” trong thiên truyện đầy đặn (có người gọi là trường thiên), không chỉ có “văn học là nhân học” như chúng ta thường tâm niệm.

Câu danh ngôn: “Mở một cuốn sách gặp một con người” liệu có quá to tát khi dẫn xuất dưới phần bình luận về thiên truyện Trong bão của nhà văn Trần Đức Trí? Tôi nghĩ là: không! Lại nghĩ tiếp: có thể nhiều người đọc xong Trong bão cũng nghĩ như tôi. Tôi tin như thế! Tại sao không?!

Bùi Tùng Ảnh

Tin liên quan

Tin mới nhất