Nửa ngày với “Người đàn bà Thép”, cùng “Gánh gánh gồng gồng”, “Khắc đi, khắc đến”

“Chào con, mong sớm gặp con. Cô rất nhớ món khoai lang bở ăn trừ cơm của Gò Gai 70 năm trước. Những năm đói khổ từng được đất Phú Thọ cưu mang không thể nào quên. Con cố mang cho cô một ít để nhớ về những ngày ấy”.

Từng đi nhiều mặt trận khắp miền Trung, Việt Bắc, Hà Nội, từ chiến sĩ quân giới, người chế tạo thuốc nổ, y sĩ, bác sĩ, phóng viên chiến trường, phiên dịch viên, đạo diễn phim tài liệu đến một nhà sưu tập hay chủ phòng tranh. Có thể nói cuộc đời bà như tổng hợp của những lát cắt, khắc họa sinh động những trang sử hào hùng oanh liệt của dân tộc trong thế kỉ XX, chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử.

Thú thực, trước đây tôi cũng từng nghe nói về bà, khi bà là nhà sưu tập đặc biệt đã mua cả phòng tranh của họa sĩ Trương Đình Hảo tại Triển lãm 16 Ngô Quyền - Hà Nội. Công việc bận rộn cuốn hút khiến tôi không thể để tâm nhiều. Gần đây tình cờ một lần đọc được bài báo Đạo diễn Xuân Phượng “Người đàn bà thép” của hội họa Việt Nam, đặc biệt khi tiếp cận cuốn hồi kí Gánh gánh gồng gồng, chỉ vài chục trang đầu của cuốn sách đã khiến tôi hoàn toàn bị ám ảnh và xúc động mạnh, hết kính nể lại đến ngưỡng mộ nhân vật nữ xưng tôi trong cuốn sách, đan xen cả niềm tự hào, lòng xót thương và sự căm giận những bất công mà những kẻ đạo đức giả, vô cảm, đớn hèn đã gây cho bà.

Từ đó tôi nảy ra ý định quyết gặp bà một lần, muốn được trực tiếp nghe bà nói sẽ rất thú vị. Vì chắc rằng cuộc đời đầy gian truân của một lão bà gần trăm tuổi, sống vắt qua hai thế kỉ sẽ có vô vàn thứ không kể hết trong cuốn sách, cũng như muốn học được điều gì đó từ kinh nghiệm sống của bà, chuyện đời, chuyện văn chương, nghệ thuật... Đặc biệt muốn biết thêm những kỉ niệm của bà ở chiến khu Việt Bắc, ở Phú Thọ quê tôi, mà qua cuốn sách tôi được biết. Bà từng vượt cạn sinh đứa con đầu lòng vào một đêm giá rét, tuyệt vọng trong chiếc thuyền nan trên bến sông Lô quê tôi. Từng cực nhọc gồng gánh những đứa con của mình, cùng đồ đạc từ An toàn khu về Hà Nội, đi qua cổng nhà tôi bên quốc lộ 2 từ 1954. Khi ấy con đường rừng núi còn nhỏ hẹp, rậm rạp và có nhiều thú dữ, trước 6 năm khi tôi được sinh ra. Để rồi hy vọng có thể viết cái gì đó về người đàn bà rất đặc biệt này.

Nửa ngày với “Người đàn bà Thép”, cùng “Gánh gánh gồng gồng”, “Khắc đi, khắc đến” - 1

Bà Xuân Phượng trò chuyện với họa sĩ - nhà báo Đỗ Ngọc Dũng.

Qua tin nhắn Messenger, tôi tự giới thiệu và nhận được hồi âm: “Chào con, mong sớm gặp con. Cô rất nhớ món khoai lang bở ăn trừ cơm của Gò Gai 70 năm trước. Những năm đói khổ từng được đất Phú Thọ cưu mang không thể nào quên. Con cố mang cho cô một ít để nhớ về những ngày ấy”.

Tôi rất vui vì tin nhắn này của bà. May thay, đúng dịp đáp máy bay vào TP Hồ Chí Minh để dự một trại sáng tác của Hội Văn học nghệ thuật Phú Thọ tại Vũng Tàu. Trước ngày khai mạc trại tôi đã tranh thủ ghé thăm bà, cùng với túi khoai lang bở Gò Gai như đã hẹn. Vui vẻ đón tiếp tôi người đàn bà ở tuổi 95 luôn  niềm nở, đặc biệt bà rất minh mẫn và hào sảng.

Dâng hiến tuổi thanh xuân cho cách mạng

Đạo diễn - nhà văn Nguyễn Thị Xuân Phượng sinh năm 1929, quê làng Nham Biều, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong một gia đình trí thức trung lưu quyền quý. Thuở nhỏ theo cha một quan đốc học, học tiểu học tại Đà Lạt, rồi học trường Pháp ngữ - Tu viện Bồ câu trắng (một trường học của Pháp dành cho con em người Pháp tại Đông Dương và các gia đình quyền quý người Việt, người Lào và Campuchia).

Năm 16 tuổi (1945), bà bí mật thoát ly gia đình, xếp bút nghiên lên đường tham gia tranh đấu giành độc lập cho đất nước. Tại thời điểm này, không ai, kể cả gia đình có thể hiểu được tại sao một cô gái trẻ lại khăng khăng liều mình đến thế. Sau nhiều năm dấn thân vào con đường cách mạng, bà được giao trọng trách tiếp xúc, làm việc với 1 tổ Pulmyna (thuốc làm kíp nổ) mà không biết rằng từ đó, mình sẽ trở thành một trong 3 người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chế tạo ra thuốc nổ.

Nửa ngày với “Người đàn bà Thép”, cùng “Gánh gánh gồng gồng”, “Khắc đi, khắc đến” - 2

Đoàn Làm phim Vĩnh Linh. Từ trái sang: Đào Lê Bình và con, Marceline, Joris Ivens, Xuân Phượng, Bùi Đình Hạc

Năm 1968, sau những chuyến đi cùng đoàn làm phim nước ngoài đến các mặt trận, bà từ bỏ công việc y sĩ trong phòng quốc tế của khách sạn Thống Nhất, cương quyết chuyển ngành thành một phóng viên chiến trường. Bà Xuân Phượng đã đánh đổi cả một tương lai ổn định, một công việc với mức lương cao, để gắn bó với một công việc có lương khởi điểm như người lao công. Hay như chia sẻ của bà, đó là: "Bỏ một sự an toàn tương đối, lấy một cái chết bảy mươi phần trăm. Nhưng con người ta chỉ sống có một lần trong đời. Cuộc đời tôi sống khi làm phim chiến trường, khổ thì rất nhiều, nhưng phải nói những điều vui sướng và tự hào cũng không ít đâu".

Mấy ai biết, bà Xuân Phượng từng thực hiện hàng loạt phim tài liệu nổi tiếng như: Việt Nam và chiếc xe đạp (giải Bồ câu bạc Liên hoan phim quốc tế, 1974), Tôi viết bài ca hồi sinh (giải chính thức Liên hoan phim quốc tế Leipzig, 1979), Khi tiếng súng vừa tắt (giải chính thức của B Liên hoan phim quốc tế Leipzig, 1975), Khi những nụ cười trở lại (giải Bồ câu bạc Liên hoan phim quốc tế  1976)… Bà cũng là một trong những phóng viên đầu tiên vào Dinh Độc lập theo trung đoàn xe tăng vào ngày 30/4/1975. Có thể thấy, bà Xuân Phượng là hình ảnh sống của những người lính, người chiến sĩ cách mạng kiên cường, bất khuất, không ngại khó khăn, gian khổ và sẵn sàng hy sinh mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. 

Hồi ký "Gánh gánh gồng gồng" - những lát cắt lịch sử

Ra mắt bạn đọc năm 2020, cuốn hồi ký đã gây tiếng vang trên văn đàn, được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, tái bản đến 7 lần với gần 30 ngàn bản in. Cuốn sách như một trang tự sự về cuộc đời người phụ nữ đã cùng đất nước đi qua những giai đoạn khốc liệt nhất của chiến tranh. Là chuỗi ký ức đan xen giữa quá khứ và hiện tại, tác phẩm đã tái hiện một chặng đường lịch sử dân tộc đầy biến động thông qua những câu chuyện đời thường.

Và đó chính là Gánh gánh gồng gồng, cuốn hồi ký ám ảnh, xót xa và bi hùng một phần của lịch sử dân tộc, đầy ắp những sự kiện được viết bởi một giọng văn gọn ghẽ, nhẹ nhàng, khúc triết và hấp dẫn. Những câu chuyện như những lát cắt của quá khứ hiện về sống động. Là những tháng năm gian khổ thiếu thốn trăm bề, ăn bờ ngủ bụi ở Quân y vụ liên khu Bốn, ở Nha nghiên cứu kỹ thuật chế tạo thuốc nổ trên miền rừng Việt Bắc heo hút gió rét, đối diện với cái chết bất cứ lúc nào; là sinh đứa con đầu lòng cô đơn tuyệt vọng trong đêm giá rét trên chiếc thuyền nan vượt sông Lô thời chống Pháp; là những ngày làm báo vất vả ngược xuôi ở Tuyên Quang; là những ngày ở nhờ nhà em chồng chịu bao tủi nhục, khinh rẻ, bất công khiến cho bất cứ ai khi đọc cuốn sách phải rớm lệ, phẫn uất thay cho bà ngày ấy. Bà đã nhắc lại điều này mà như thể thật khó khăn, nặng lòng: “Để cho nhẹ lòng và cũng chỉ muốn nhắc lại một lần cuối cùng… Nhưng tôi đã nghẹn ngào, cay đắng khi viết đến những dòng này. Không quên được”.

Người đàn bà bé nhỏ từng ra tuyến lửa Vĩnh Linh, đối diện với cái chết trong đoàn làm phim tài liệu Vĩ tuyến 17, chiến tranh nhân dân của đạo diễn nổi tiếng thế giới Joris Ivens, từng đỡ đẻ dưới lòng địa đạo trên đầu là bom cày, đạn xới. Để sau đó như đáp lại sự mong muốn của đạo diễn Joris Ivens, bà đã làm cuộc cách mạng của đời mình, trở thành một đạo diễn phim tài liệu uy tín. Từng ở núi rừng Việt Bắc trong chiến tranh và đói rét. Người đàn bà ấy từng là công dân thủ đô, trong khu tập thể số 1 Lê Phụng Hiểu, sống trong nghèo khó của thời bao cấp…

Mái tóc trắng, đôi mắt hóm, miệng cười tươi, bằng những cử chỉ nhỏ nhẹ thân thiện cuốn hút. Bà kể cho tôi nghe thêm những tháng ngày ở Gò Gai - Phú Thọ, trong đơn vị pháo binh năm 1952, cùng những đói rét, cực nhọc. Nhưng được người dân Phú Thọ đùm bọc, từng củ khoai, củ sắn ngày ấy mãi là những kỉ niệm khó quên. Bà thích nhất là những củ khoai lang bở rất ngon thường ăn thay cơm ngày ấy, rồi nhớ những đồi chè xanh nhấp nhô của đất trung du. Nhớ về những lần ghé thăm Đền Hùng, thắp hương cầu xin Tổ tiên phù hộ che chở…

Kể về những trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng cùng thời: Trần Đình Thảo, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Sáng, Phạm Văn Khoa, Nguyễn Quang Sáng, Phan Vũ, Nguyễn Tuân… những người từng vào sinh ra tử từ những ngày đầu theo cách mạng Phạm Khắc Lãm, Nguyễn Tăng Hích (nhạc sĩ Trần Hoàn) - người sau này là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Kể chuyện chồng bà, ông Nguyễn Phước Hoàng đại tá quân đội, dòng dõi hoàng tộc Huế theo cách mạng, luôn tận tụy hy sinh tình cảm gia đình cho cách mạng, từng đánh trận Đồi A1. Sau này ông là Chủ nhiệm khoa tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông đã từng không đồng ý khi bà quyết định vào Sài Gòn mở phòng tranh Lotus. Minh chứng là 5 năm sau ông mới vào Sài Gòn sống cùng bà.

Chuyện về ông Nam người yêu đầu đời của bà, nghe tin bà lấy chồng từng đạp xe từ miền Trung, lên tận lán trại đơn vị bà ở ATK Tuyên Quang trong một đêm tối. Rồi chuyện những tiếng gõ cửa ám hiệu, chỉ có hai người mới biết được…

Cuốn hồi ký 300 trang in, nhưng lại mang trong nó sức nặng của một chứng nhân lịch sử. Chúng ta sẽ bị choáng ngợp bởi một dung lượng đồ sộ, một kho tàng truyện lôi cuốn, sâu sắc nhuốm đầy màu bi thương, xen lẫn niềm tự hào. Hồi ký chứa đựng những tư liệu quý giá mà chúng ta chưa từng bắt gặp ở một cuốn sách nào khác. Những sự kiện dù diễn ra cách đây vài thập kỷ, lại được tái hiện rõ nét, chân thật và đầy xúc động như mới hôm qua. Bởi lẽ, những người như bà đã trải qua mưa bom, bão đạn những ký ức đó đã ăn sâu vào tâm trí, không thể nào quên được. Trong câu chuyện bà đã xúc động chia sẻ:  "Khi tôi đứng trên một gò đất cao, anh em tôi bỗng bảo chị Phượng coi chừng. Tôi nhìn xuống thì thấy xương, xương người rải rác trên đống đất. Tôi vội vàng nhảy xuống, lấy đất đắp lên. Bởi vì đấy là mồ của người lính bị bom đạn, chết và không kịp vùi. Thời gian làm phần đất dần xói mòn, mình đã đứng lên xương đồng đội mình mà không biết”.   

Gánh gánh gồng gồng, một tác phẩm văn học đích thực, được viết bằng một văn phong chuẩn xác, cô đọng, đầy hình tượng và tinh tế. Thật tài tình khi không hề thấy dài dòng vụn vặt. Nhiều đoạn khi đọc thấy tác giả rẽ sang một câu chuyện khác, hoặc lại nói đến chuyện xảy ra mấy chục năm sau nhưng vẫn rất logic ăn nhập, khép lại rồi lại mở ra, thủ pháp đồng hiện thật khéo léo hấp dẫn. Không chỉ dừng lại ở một hồi ký tự sự xúc động, mà Gánh gánh gồng gồng còn mang sứ mệnh giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về lịch sử dân tộc, gắn kết giữa quá khứ và hiện tại.

Khắc đi khắc đến - “Người đàn bà thép” đưa hội họa Việt Nam ra thế giới.

Nghỉ hưu năm 1988 với số tiền lương ít ỏi, bà Xuân Phượng không chấp nhận cảnh ở nhà lầm lũi mỗi ngày, bà quyết định sang Pháp sống bằng nghề dịch phim. Cũng tại đây, bà nhận ra rằng trong mắt người nước ngoài, Việt Nam chỉ tràn đầy đau thương, chiến tranh, chết chóc và đói khổ. “Tại sao cứ để người ta thương hại mình như thế? Nước ta còn cả một nền văn hóa bốn nghìn năm kia mà” - bà kể.  Từ đó, bà có ý định mở một phòng tranh, mang sứ mệnh giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới. 

Đó chính là một tinh thần, một tấm lòng yêu nước mãnh liệt, ý thức tự tôn dân tộc. Quyết định của bà lần nữa vấp phải sự hoài nghi và ngăn cản của nhiều người. Tuy nhiên với quan niệm “người ta chỉ sống có một lần trên đời”, bà đã nỗ lực làm việc không mệt mỏi, để đem những giá trị văn hóa của người Việt vươn ra thế giới. Cùng với đó là thành lập phòng tranh Lotus (Lotus Gallery) nổi tiếng ở Sài Gòn. Từ đó mang lại cơ hội cho rất nhiều họa sĩ trẻ sáng tạo, và cống hiến hết mình.

Nửa ngày với “Người đàn bà Thép”, cùng “Gánh gánh gồng gồng”, “Khắc đi, khắc đến” - 3

Ngày khai mạc triển lãm tại Lune'ville, Pháp, tháng 10/2003.

Vào năm bà 85 tuổi, theo lời mời của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Tây Úc, bà đã tổ chức triển lãm tranh bên đó. "Chẳng có nơi nào đặc biệt như vùng đất này. Bên kia đường là rừng ngập mặn với những cây đước, bên này là sa mạc. Nước Úc còn có nhiều bảo tàng đẹp, mấy ngàn loài động vật hoang dã... Chính những điều này đã hấp dẫn tôi, nên tôi đồng ý tổ chức triển lãm tranh ở đó", bà Xuân Phượng kể lại.

Khi bà vừa đặt chân xuống vùng đất này, nhà báo của một tạp chí lớn ở Tây Úc đã đến phỏng vấn bà. 

Trong nhiều câu hỏi về triển lãm tranh, nhà báo này hỏi thêm: "Thưa bà, tôi được biết bà là một phụ nữ 85 tuổi, mà sao bà dám đi từ Việt Nam sang Tây Úc - một vùng sa mạc hoang dã này để làm triển lãm tranh? Vì đối với nước tôi, những phụ nữ 85 tuổi chỉ về hưu, ngồi nhà và không làm gì!".

"Tôi là một người chịu ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa Pháp. Tôi học trường Pháp từ bé, đọc rất nhiều sách của những nhà văn, nhà viết kịch Pháp. Trong đó có một nhà viết kịch Pháp mà tôi rất thú vị về cuộc đời của ông ấy từ lúc sáng tác đến lúc mất. Ông tên là Mô-li-e. Nhiều người nhắc ông lớn tuổi rồi nhưng ông vẫn lên sân khấu diễn. Hôm đó, lên sân khấu diễn thì ông thấy mệt, ít lâu sau ông mất. Tôi xem ông là tấm gương cho mình. Với tôi, được chết trong lúc đang làm việc là hạnh phúc, còn chết khi nằm trên giường bệnh là điều bất đắc dĩ không ai muốn. Cho nên tôi muốn làm việc đến lúc nào không thể làm việc được nữa" - đạo diễn Xuân Phượng trả lời.

Đất trời, cha mẹ đã cho mình một cuộc đời. Điều này vô cùng quý báu. Mình ra đời không bị tật nguyền. Vậy phải sống làm sao cho cuộc sống thật có giá trị, xứng đáng với những gì mình đã được hưởng. Con người ta chỉ sống một lần trong đời, hãy sống sao cho thật xứng đáng. 

Nửa ngày với “Người đàn bà Thép”, cùng “Gánh gánh gồng gồng”, “Khắc đi, khắc đến” - 4

Bà Xuân Phượng đáp từ khai mạc Triển lãm tại Tây Úc, 2012.

Ngày 24 tháng 9 mới đây bà lại cho ra mắt cuốn sách thứ 3, Khắc đi Khắc đến (cuốn đầu tiên Áo dài, viết bằng tiếng Pháp xuất bản tại Paris, Gánh gánh gồng gồng là cuốn thứ hai). Khắc đi khắc đến tái hiện chặng đường gây dựng và phát triển phòng tranh Lotus sang trọng từ năm 1991, biến nó thành một địa chỉ văn hóa nổi tiếng, một kênh giao lưu văn hóa quốc tế uy tín. Cùng hành trình các chuyến đi với nhiều họa sĩ mang văn hóa Việt Nam ra thế giới… điều thú vị là cuốn sách viết trong hơn 20 ngày nhưng đầy ắp tư liệu và hấp dẫn. Trong 20 năm đi triển lãm tranh ở một số nước châu Âu, châu Á, châu Úc, châu Mỹ càng dày dặn kinh nghiệm, càng có thêm thành tựu. Nhưng phía sau nụ cười, thành công ấy là những chông gai, cạm bẫy rình rập. Gai nhọn hoắt bất ngờ đâm thẳng vào người, cạm bẫy khéo léo đưa mình vào tròng…

Trong rất nhiều trường hợp, nếu Gánh gánh gồng gồng bà chỉ nhắc đậm trường hợp họa sĩ Trương Đình Hào, người mà bà đã về tận nhà riêng ở Bắc Giang để nhặt ra từ một căn nhà nát, mua toàn bộ những bức tranh của ông mà không ai biết đến, rồi đưa Trương Đình Hào cùng các tác phẩm của ông nhiều lần triển lãm ở nước ngoài trước sự ngăn cản của không ít các họa sĩ uy tín, nhưng bằng niềm tin và ý trí bà đã thành công ngoài mong đợi, làm thay đổi cuộc đời họa sĩ Trương Đình Hào. 

Thì trong Khắc đi khắc đến, bà nói kĩ hơn hành trình gồng gánh đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới, bà đã giúp cho rất nhiều họa sĩ, chủ yếu là sinh viên mới tốt nghiệp trường mỹ thuật, từ vô danh nghèo đói đến có danh, có tiền bằng việc góp ý khuyến khích họ sáng tạo, mở triển lãm quảng bá, mang tranh họ, đưa họ ra nước ngoài triển lãm và tiếp cận với những nền hội họa tiên tiến tại các bảo tàng lớn… và đâu đó có cả những bài học đắt giá, như lời nhắc nhở nhân cách nghệ sĩ đối với giới mỹ thuật.   

Sự dấn thân của bà đã được công nhận bằng Huân chương Bắc đẩu bội tinh do Chính phủ Pháp trao tặng năm 2011 vì những cuộc triển lãm tranh và đóng góp không ngừng nghỉ của bà cho tình hữu nghị Pháp - Việt. 

Xuyên suốt 95 năm, bà Xuân Phượng đã sống đúng với quan điểm “Con người ta chỉ sống có một lần trong đời”. Dù ở tuổi nào, ở lĩnh vực nào, bà cũng nỗ lực hết sức, và không ngại khó, ngại khổ để theo đuổi khát vọng cống hiến.

Ngồi với bà một lúc và chứng kiến bao cuộc điện thoại thăm hỏi, phóng viên các báo, đài hẹn lịch phỏng vấn, ghi hình,... qua anh Thắng trợ lý của bà, lại được biết ngày mùng 7 tháng 11, bà lại được nhận giải thưởng văn học nghệ thuật 5 năm của UBND TP Hồ Chí Minh.

Từ kinh nghiệm sống của mình, bà khuyên mọi người: "Nếu có điều kiện, hãy đi đến những nơi mình yêu thích để thay đổi hẳn không gian sống, nhưng nếu không có điều kiện thì cũng vẫn có thể "dạo chơi ngay trong chính căn nhà của mình" như nhà văn Nguyễn Tuân từng nói: “Sống tử tế là cách sống khôn ngoan nhất’.

Trong căn hộ mà bà Xuân Phượng đang ở tại TP Hồ Chí Minh, ngoài các vật dụng và rất nhiều sách, tôi quan sát có một góc xinh xắn, đặt nhiều chậu cây hoa với nhiều sắc màu khác nhau. "Không quan trọng là giàu hay nghèo, hãy tạo cho mình một góc yêu thích ngay trong nơi mình ở" - đạo diễn, nhà văn Xuân Phượng chia sẻ.

Tôi xuống Vũng Tàu cùng những cuốn sách bà tặng, để kịp sớm hôm sau khai mạc trại sáng tác trên chuyến xe cuối ngày. Trời Sài Gòn cuối thu sớm tắt nắng, thành phố bắt đầu lên đèn, nhìn những sắc màu loang loáng qua cửa kính. Trong lòng bao xốn xang về hình ảnh bà lão nhân hậu, tươi cười, cùng những câu chuyện trực tiếp nghe từ một nhân chứng lịch sử, từ người mà tôi vô cùng ngưỡng mộ. Người nắm giữ một kho tư liệu quý giá, sống vắt qua hai thế kỉ. Hóm hỉnh, minh triết, hào sảng và nhân ái. Chuyện văn, chuyện đời với biết bao đau thương mà bi hùng của một thời đã qua.

Đỗ Ngọc Dũng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Ông Putin bất ngờ khen tỷ phú Elon Musk

Ông Putin bất ngờ khen tỷ phú Elon Musk

So sánh đam mê chinh phục sao Hỏa của tỷ phú Elon Musk với huyền thoại ngành không gian Liên Xô, Tổng thống Nga Vladimir Putin để ngỏ khả năng hợp tác trong tương lai.