Phạm Ngọc Cảnh - “Ta như lũng khuất phù sinh”

Anh ra đi vào tuổi ngoài tám mươi - dẫu không bất ngờ với tôi - nhưng cũng để lại nhiều nuối tiếc. Biết bao kỷ niệm lại ùa về trong tâm trí tôi, chẳng dễ gì nguôi ngoai cho được.

Tôi biết nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh từ khi anh chuyển về biên tập thơ ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội - một địa chỉ tin cậy của những người làm văn chương thời đó.

Phạm Ngọc Cảnh - “Ta như lũng khuất phù sinh” - 1

Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh

Nhà anh ở Khu tập thể gỗ - diêm Cầu Đuống, nơi chị Tỵ - vợ anh công tác và hai cháu Bảo, Quang. Những ngày tôi từ Bắc Ninh sang Hà Nội, do tiện đường tôi thường vào thăm anh chị… Căn nhà tập thể tuy chật chội nhưng do cách bài trí của anh chị nên dễ có cảm giác ấm cúng, thân gần. Có một lần tôi đến gặp nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh để đưa bài in tạp chí. Vừa hay gặp lúc anh lục tìm chồng bản thảo biên tập xong. Tôi nhận những trang giấy phơ-lua mỏng manh từ tay anh.

Nhà thơ nheo mắt cười:

- Trong chùm thơ của Thanh Tùng, có bài Thời hoa đỏ mình rất băn khoăn, không hiểu có duyệt được không?.

Tôi rất thông cảm với anh vì hồi đó do tập trung thống nhất ý chí, thống nhất hành động nên dạng bài riêng tư như thế rất khó in: Hoa như mưa rơi rơi - Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi - Như máu ứa của một thời trai trẻ - Hoa như mưa rơi rơi - Như tháng ngày qua ta dại khờ - Ta nhìn sâu vào trong mắt nhau (Thời hoa đỏ).

Tôi nhìn anh và đành im lặng. Không ngờ khi gặp lại anh Cảnh ít bữa sau đó. Thấy tôi đến, anh hồ hởi, mừng rỡ:

- Kim ơi, bài Thời hoa đỏ của Thanh Tùng “đi” được rồi. Mình phải để bài ấy vào giữa chùm bài Viên gạch Hàng Thao và chợ Mường Khương. Cũng rất mừng là nhà thơ Vũ Cao bấy giờ là chủ nhiệm Tạp chí Văn nghệ Quân đội cũng phải suy nghĩ lung lắm mới duyệt in bài thơ.

Khi bài thơ Thời hoa đỏ được phổ biến rộng rãi, nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng có phổ nhạc bài thơ này. Ca khúc được nhiều người yêu thích và trở thành bài hát đi cùng năm tháng.

Nhà thơ Vũ Từ Trang còn cho tôi biết thêm: “Ngày đó, anh Cảnh đáp tàu hỏa xuống Hải Phòng gặp gỡ các nhà thơ đất Cảng để kiếm tìm và săn đón tác phẩm mới. Buổi tối, ở nhà Thanh Tùng, nghe nhà thơ đất Cảng sang sảng đọc hàng chục bài thơ mới sáng tác, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh phải thốt lên:

- Bài thơ Thời hoa đỏ của ông hay quá! Nhưng có lẽ chưa in được, ông chép cho tôi cầm về chùm thơ khác đi!.

Cầm chùm thơ của bạn mới chép, khi đã bước chân lên toa tàu và giơ tay chào các bạn, các nhà thơ đất Cảng đã vẫy chào anh và quay về. Trong khi chờ chuyến tàu chuyển bánh, anh lại phân vân: “Tại sao bài Thời hoa đỏ hay thế mà mình lại không dám cầm về. Có xót xa, có mất mát đấy, nhưng vẫn là niềm tin yêu vào cuộc sống. Vậy tại sao mình không dám đưa Ban biên tập tạp chí duyệt. Ý nghĩ lăn tăn và dằn vặt ấy khiến nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh lại quyết xuống tàu, mặc cho con tàu đã rúc hồi còi chuyển bánh. Anh bỏ lỡ chuyến tàu đó, vội cuốc bộ về nhà Thanh Tùng, trước con mắt ngỡ ngàng của vợ chồng nhà thơ đất Cảng. Thanh Tùng liền chép bổ sung  bài thơ  để nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đáp chuyến tàu tờ mờ sáng về Hà Nội… Đến nay mỗi lần nhắc lại kỷ niệm sự ra đời của bài thơ này, nhà thơ Thanh Tùng lại rưng rưng cảm động trước tấm lòng chân tình của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh. Đấy là cái tâm cái tình của người cầm bút, người biên tập” (Nhà thơ Lý ngựa ô ở hai vùng đất ).

Phạm Ngọc Cảnh - “Ta như lũng khuất phù sinh” - 2

Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh là người như thế. Cả trong đời, cả trong thơ. Không thể khác.

Tôi đọc thơ Phạm Ngọc Cảnh đã lâu, từ thuở anh in cùng nhà thơ Hoài Anh, Ngô Văn Phú trong tập Gió vào trận bão (NXB Văn học 1967). Hồi ấy, chúng tôi thường bảo nhau nếu được cú in “"díu ba”" thế là oách lắm đấy! Mà cũng là niềm mơ ước của chúng tôi, bọn người mới ngấp nghé cửa thơ huy hoàng lộng lẫy.

Cái giọng thơ của anh Cảnh đã được khai mở từ tập thơ đầu tiên này là giọng thơ điềm đạm, từng trải, vừa nặng lòng với cảnh sắc, con người trên từng mảnh đất quê hương… Giọng thơ hào sảng của “Sư đoàn" dội vào tôi trong khúc quân hành rập bước ca vang ấy:  - Đêm trước nấp trong lùm bắn tỉa - Sớm sau dàn trận chính quy - Đến trận bão hiệp đồng cả nước - Mỗi sư đoàn mang gió lốc bay đi. Và cảm hứng mang rất nhiều nghẹn thắt khi nhà thơ gặp người con gái Huế với sông Hương trôi êm sau xuân lửa Mậu Thân (1968); Tôi vô tư chẳng vô tình - ngỡ ngàng một thoáng để nhìn sang em - nhìn dòng sông Huế trôi êm - nhìn gương soi cả bốn bên rỡ ràng (Trước dòng sông đẹp).

Rồi cái nhịp nối kết hai vùng đất trong câu hát xênh xang qua một thời chinh chiến, khói lửa: Thế là bên em - bên em móng ngựa gõ mê say - qua phá rộng duềnh doàng lên gợn sóng - qua truông rậm đến giờ amh buộc võng - gặp mối dây buộc ngựa gốc lim già - suốt miền Trung sông suối dày tơ nhện - suốt miền Trung núi nhoài ra biển - nên gập ghềnh câu lý ngựa ô qua (Lý ngựa ô ở hai vùng đất)..

Và bên cạnh thể tự do bung phá riêng, tôi nhận ra trong thơ lục bát Phạm Ngọc Cảnh có nhiều đóng góp (thơ lục bát ngỡ dễ làm nhưng khó hay bởi câu thúc bởi vần điệu): Người vờ nhấp chén lim dim - người đàn nuốt nghẹn tiếng ghìm vu vơ (Long Thành đêm cũ).

Rồi: Tôi se sông Mã bện thừng - buộc treo khúc tạ ơn từng dấu chân (Đôi mắt Tén Tần). Hoặc: Một giọng Huế gọi: eng ơi - thế thôi mà đủ suốt đời đa mang (Người yêu tôi ở Huế).

Có lẽ ấn tượng thơ Phạm Ngọc Cảnh viết về Kinh Bắc khi tôi biên soạn tập thơ tuyển chọn và lời bình Ai về Kinh Bắc (NXB Thanh niên 2000). Có phải do anh định cư trên lối vào phía Bắc, ngõ hầu mở về phía sông Đuống sông Cầu của miền quê Kinh Bắc với hội hè, đình đám, với xuân sắc liền anh liền chị mà tâm hồn tinh tế đa mang của nhà thơ thú nhận: Với cái tiếng tình bằng vỗ khéo mặt trống cơm -  tôi có một tình yêu của sông Cầu, sông Đuống - tôi có tình yêu của lúa nếp vùng Lim thơm lừng mặt ruộng - tôi có một tình yêu (Bài hát về nhịp trống).

Và để lại cảm giác say, say bạn, say men hay say vùng đất nhiều ân nghĩa: Chẳng phải khuyên mời nhau uống mãi - ít ra đời lính cũng đôi lần - ở Nếnh tôi đã từng trang trải - với tiễn đưa này tôi uống cả ngày xuân (Uống rượu ở Nếnh).…

Ấy là lúc nhà thơ nhớ đến anh Hân quê Mật Ninh đã từng là bạn diễn cùng anh hồi ở Trường Sơn. Tôi chứng kiến cảnh mừng bạn xây nhà mới, lại ôn lại chuyện cũ chiến trường, nhắc đồng đội hy sinh - hai anh ôm nhau khóc với những ngày gặp lại có quá nhiều kỷ niệm một thời máu lửa.

Tình cảm ấy kết đọng trong bài thơ làm nền cho những liên tưởng khiến bài thơ xa rộng hơn: Đêm mai ngủ trong hầm hào Mèo Vạc - với nồng say quê kiểng quấn quanh người - cái hương nếp ví von cùng giọng hát - cũng còn khập khiễng bạn bè ơi (Uống rượu ở Nếnh).

Vẫn cái giọng dan díu níu kéo ấy khiến nhà thơ bị bỏ bùa trong vùng mê hoặc: Chén vơi quan họ ngà ngà - lá răm mắt gió cuốn tha về vườn - bên này bóng xế ngang sườn - chiều xâu chỉ hát vòng cườm cỏ may (Cỏ ngoài sông Đuống)…

Thế rồi bẵng đi một dạo, anh Cảnh ít làm thơ. Anh viết văn xuôi, lời bình phim nhiều hơn… Khi tôi gặp lại nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh vừa in xong cuốn bút ký Góc núi xôn xao (NXB Văn hóa - Dân tộc 1999).

Anh cho biết: Nhà xuất bản đề nghị anh tìm nơi phát hành cho cuốn sách. Lúc ấy Vụ Thư viện - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang có dự án cho mảng sách luân chuyển cho các thư viện tỉnh, huyện. Khi nhập sách hỏi ra còn có một thủ tục khá rắc rối là phải lo cho được hóa đơn đỏ (thuế giá trị gia tăng).

Hỏi lại, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh cười và phân bua: "Nhà thơ chỉ có hóa đơn xanh thôi làm gì có hóa đơn đỏ!?". Thế là ngỡ "chào thua". May chúng tôi bàn lại với Trần Trọng Thìn - cán bộ Vụ Thư viện quê Hà Tĩnh với anh Cảnh nhiệt tình lo được nên việc nhập sách cũng "xuôi chèo mát mái".

Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh - theo tôi biết - cũng là người chồng tận tâm với đời sống gia đình. Anh đã chăm sóc chị Tỵ hàng chục năm trời mắc bạo bệnh. Có lẽ những năm tháng gian khó do trận mạc - chiến tranh - anh Cảnh chị Tỵ cùng ở đoàn văn công thấu hiểu nhau trong tình nghĩa vợ chồng gắn bó keo sơn hết mực yêu thương và đọng lại hình ảnh “Cô Tấm ở trong nhà”: Về bên ngoại vay sắn khô ăn độn - Này ngăn nắp từng đồng tiêu pha - Như chiến tranh không hề xáo trộn - Ngọn lửa bao đời nhóm ủ bếp nghèo ta.

Phạm Ngọc Cảnh - “Ta như lũng khuất phù sinh” - 3

Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh về thăm quê cùng người vợ thứ hai - bà Cao Giáng Hương (giữa).

Lại nữa những năm cuối đời, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh được người bạn đời Cao Giáng Hương tận tình chăm lo (khi anh Cảnh đổ bệnh). Chị Hương bảo vệ tốt nghiệp đại học văn hóa, được dự bảo vệ tốt nghiệp khóa 3 Trường Viết văn Nguyễn Du (nơi tôi học khóa 2 trường này).

Chị Hương cho biết: “Chưa dự hết buổi thì chị Đoàn Thị Ký nhờ em lo cơm tiếp khách. Bữa cơm tiếp khách của chị là người thầy cũng là người bạn thơ, ngoài rau xanh, đậu phụ rán, còn có thêm trứng vịt tráng. Khi ăn, anh Cảnh khen vị của trứng đậm đà tình người miền Trung. Em xấu hổ vì thói quen ăn mặn của sinh viên. Anh trấn an ngay, anh bảo: "Anh rất thích vị đậm đà của muối vì anh được sinh ra từ đó".

Và em còn biết anh là nhà thơ của Lý ngựa ô ở hai vùng đất,Vầng trăng Ba Đình đang làm xao động bao lòng người. Nên em nhận lời anh cùng Vũ Xuân Hương sang nhà chơi trước ngày Hương về Nam. Cuộc gặp gỡ thật vui với văn thơ sôi nổi. Mãi lúc chia tay, em mới bất ngờ biết chị Tỵ bị liệt; thế là em trở lại thăm chị sau đó ít ngày. Và em đã chuộc lỗi bằng cách tắm gội cho chị. Chị rất thích như chưa bao giờ được tắm gội với dòng nước mát. Và chị cứ hẹn "lần sau Hương lại tắm gội cho chị nữa nhé". Ai ngờ dòng nước mát ấy như sợi tơ hồng nối tình chị, duyên em trọn một đời" (Người bạn đời trọn nghĩa vẹn tình).

Bây giờ, vào một ngày đông se lạnh cuối năm Giáp Ngọ, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đã chuyển cõi. Mặc áo lính, một đời trận mạc. Một đời đắm đuối yêu thương; gần cuối đời gánh bệnh vợ Bắc, cuối đời anh ơn người vợ xứ Thanh nâng giấc an ủi mình… Tôi mới hiểu rằng một người mắc nợ nghĩa tình như thế, một nhà thơ nặng lòng như thế thì tất nhiên thơ phải cất lên tiếng lòng của sự chịu ơn như vậy: Anh ăn canh đắng nhà mình - quên hết trần gian canh đắng lạ - ăn mà tin - khi thương khi giận - khi đuổi khi mời - khi cơn cớ thất thường thác đổ - khi nước mắt đắng vào huyệt mộ - bát canh nghèo - em nuôi (Lá đắng nuôi chồng).

Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh là người như thế. Cả trong đời, cả trong thơ. Không thể khác.

Nguyễn Thanh Kim

Tin liên quan

Tin mới nhất